Người thầy năm xưa

Thứ tư - 06/09/2023 10:14 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   410
Người thầy Việt Nam xưa có tính mộc mạc như cuộc đời của họ. Học với thầy không chỉ là học chữ nhưng còn học cả đời sống của thầy, không chỉ học để nên danh nên phận, học trước tiên là để nên người
Người thầy năm xưa

Người thầy năm xưa

 

 

Cụ Phan Bội Châu có lần nói: “Tôi biết năm ba chữ dạy lại cho lũ trẻ”. Người thầy Việt Nam xưa có tính mộc mạc như cuộc đời của họ. Học với thầy không chỉ là học chữ nhưng còn học cả đời sống của thầy, không chỉ học để nên danh nên phận, học trước tiên là để nên người.


Người thầy ngày xưa chú trọng dạy học trò biết tổ tông, ông bà, cha mẹ, ông bà ông vải. Biết thờ kính người sống cũng như người chết, đó là biết để quay về với gốc. Biết đâu nguồn cội để mà sống cho ra sống, sống không chỉ với hiện tại nhưng còn sống với người xưa đã khuất, cho nên trong khung cảnh gia đình Việt Nam xưa kia, lúc nào trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng thoảng nhẹ hương khói.
Sở dĩ đất Việt xưa bị trị mà không bị thuộc là nhờ những ông thầy chấp nhận lui vào bóng tối, tách khỏi vòng nhân sinh mà lấy chí truyền cho các học trò của mình nơi làng quê tĩnh mặc ấy, mong gầy dựng tương lai. Cụ Phan Bội Châu về ở túp lều tranh dạy cho lũ trẻ năm ba chữ chỉ “Để sau này chúng biết khấn ông bà, ông vải”, đủ thấy một tinh thần yêu nước cảm động đến chừng nào. Trong các cố Tây ngày xưa khi đến đất An Nam, đều nhận ra rằng người An Nam là người hiếu học, dễ mến hơn nhiều dân tộc khác, là bởi tinh thần người thầy xưa đã truyền cho.
Lũ trẻ xưa ngày ngày học năm ba chữ, nhưng học cả hồn dân tộc. Nếu nói yêu quê hương là học yêu lấy tổ tiên thì cũng đúng lắm, có sai đâu bao giờ. Người thầy xưa chấp nhận sự nghèo khó, vui đời thanh bạch, nên trong suy nghĩ của người Việt xưa rất trọng người thầy, “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư”. Nho giáo ngày xưa, thầy đứng vào bậc thứ hai trong tam cương: Quân, sư, phụ, người thầy được coi trọng hơn người cha, bởi vì thầy là cha đẻ của tâm hồn.
Giáo dục như cụ Phan Bội Châu dạy: “Chữ giáo dục có hai nghĩa: Khơi dắt trí khôn, mở rộng tai mắt; gọi bằng giáo; điêu luyện chân tay, nuôi nấng thể lực gọi bằng dục. Chữ dục có nghĩa là nuôi. Gần đây, học mới có ba chữ dục: nuôi đức tính là đức dục; nuôi trí khôn là trí dục; nuôi chất mạnh là thể dục” (Phan Bội Châu toàn tập). Giáo bằng cả đời sống của người thầy, dục còn là đem hết tâm trí mà nuôi dưỡng. Người thầy cao quý ở chỗ “Người sinh hạ trí đức cho trò”.

Có nên người chăng là nhờ ơn Thầy, cho nên người xưa vẫn dạy: “Không thầy đố mày làm nên”.
Ơn Thầy không bằng gốc bễ
Nghĩa Thầy gánh vác cuộc đời học sinh
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây