Để được tha thứ

Chủ nhật - 17/09/2023 23:12 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   340
Nhan toi de duoc tha thu 1
Nhan toi de duoc tha thu 1
Để được tha thứ
 

Có nhiều người nói rất khó để tha thứ. Điều ấy đúng, nếu nhìn sâu xa hơn vào vấn đề tha thứ. Điều khó tha thứ khi người ta không nhận ra lỗi lầm của mình, sám hối và xin tha thứ. Để được tha thứ cần nhận ra sai lỗi, chịu trách nhiệm về lỗi lầm mình gây nên và xin được tha thứ.

Thánh Matthêu nói đến dụ ngôn nói người mắc nợ đến, quỳ xuống xin khất nợ và được tha. Nhưng anh ta lại không tha cho người mắc nợ cũng quỳ xuống xin anh ta mà anh ta không tha. Đó mới là điều mắc lỗi và không được tha, vì “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? (Xem Mt 18, 23 – 35). Thánh Lu ca thì trình bày ngắn gọn hơn: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó. (Lc 17, 4). Hối hận, sám hối, chịu trách nhiệm, xin lỗi và dốc lòng chừa là điều kiện được tha.

Trong câu truyện Đavit cướp vợ của Uria, tiên tri Nathan kể câu truyện con chiên của nhà nghèo mà người giàu bên cạnh lấy giết để ăn thịt. Vua Đavit phán một câu “Kẻ nào làm như vậy thật đáng chết”. Tiên tri nói với Đavit, là ông đấy (2 Xem Sm 11 – 12). Vua Đavit đã sám hối và thưa với Chúa: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.” (Tv 51, 6).

Khi ta khó lòng tha thứ cho người khác, bởi vì kẻ phạm tội cứ trơ trơ mặt ra đó, như còn trêu tức ta, làm sao có thể tha thứ. Như tên trộm cùng treo trên thập giá, đã không nhận ra tội mình còn thử thách Chúa: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23, 39). Khi người ta không nhận lỗi, làm sao họ được tha? Trên Thập giá Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Chỉ trừ khi họ không biết, vô tình hay không chủ ý phạm. Tội cố chấp, không bao giờ nhận lỗi, họ không hề hoán cải, Chúa nói: “Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24). Đó cũng là tội phạm đến Chúa Thánh Thần mà không được tha (Mc 3, 29).

Để được tha thứ còn là chịu trách nhiệm về tội mình đã phạm. Trường hợp của kẻ trộm lành: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 40 – 43).

Đền lại tội đã phạm. Tha thứ, nhưng còn một vấn đề của con người được tha thứ cần thực hiện, đó là đền lại những gì đã phạm, bằng cách này hay cách khác. Ta thường gọi đó là việc đền tội. Vua Đavit sau khi nhận trách nhiệm về tội lỗi của mình xin Chúa thứ tha. Ông còn đi xa hơn nữa, ông đón nhận những lời sỉ nhục của Sim y nguyền rủa: “Cút đi, cút đi, tên khát máu, thằng vô lại! Đức Chúa đã đổ xuống đầu mày tất cả máu của nhà Sa-un, người đã bị mày chiếm ngôi, và Đức Chúa đã trao vương quyền vào tay Áp-sa-lôm, con mày. Và này, mày phải tai hoạ, vì mày là tên khát máu!” (2 Sm 16, 7 – 8). Ta có bị người khác nguyền rủa, nói xấu, hay bị sỉ nhục, ta cũng nên theo gương vua Đavit lãnh nhận như một cách đền tội của ta đã lỗi phạm. “Cứ để nó nguyền rủa, nếu Đức Chúa đã bảo nó. May ra Đức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Đức Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay.” (2 Sm 16. 11 – 12).

Đền thay và chết thay cho tội lỗi của ta và người khác. Việc đền thay cho tội lỗi của vợ chồng, con, anh chị em ta là cách tháp nhập vào Thập giá Chúa Giêsu bằng việc hy sinh. Có những hy sinh nhỏ bé như, quét nhà, nấu cơm, chịu khó nhọc hằng ngày để đền tội cho ta, thay cho anh chị em ta như cách Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng thực hiện. Những hy lễ cần thiết để trong Đức Giêsu, hiến tế trở thành hiến lễ dâng lên làm của lễ hy sinh đền tội. Chúa Giêsu là Đấng vô tội mang lấy tội của chúng ta mà chịu hy sinh, chết thay cho chúng ta. Người là Đấng vô tội mà chết như tội nhân, “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể Ngài” (1Pr 2, 24).

Con người chúng ta chẳng ai toàn vẹn. Chính vì cái không toàn vẹn mà chúng ta luôn làm cho người khác đau lòng, mắc lỗi vì ta. Ai cần tha thứ trước đó là chính bản thân chúng ta. Nhận ra tội lỗi mình, ăn năn, sám hối, dốc lòng chừa, dâng những hy sinh để đền tội là những cách thức để được ơn tha tội cho ta và cầu xin ơn tha tội cho anh chị em mình.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây