Thiên Chúa luôn rộng lượng

Thứ sáu - 22/09/2023 20:22 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   336
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?”
Thiên Chúa luôn rộng lượng

Chúa Nhật XXV – TN – A
Thiên Chúa luôn rộng lượng

tbd 220923b

 

Trong nhạc phẩm “Giấc ngủ cô đơn” do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác, có một phần lời bài hát khi được cất tiếng hát lên, nó đã làm cho không ít con tim khán thính giả rung động. Làm sao không rung động cho được, khi giọng ca đầy sự truyền cảm của ca sĩ Thanh Tuyền cất tiếng hát lên: “Đã yêu mến nhau, đừng gieo cay đắng cho nhau”.

“Đừng gieo cay đắng cho nhau” hay lắm! Vì đó là điều ai trong chúng ta cũng đều mong muốn như thế, phải không thưa quý vị! Thế nhưng, buồn thay! đây lại là điều hiếm thấy.

Trái lại, điều chúng ta dễ thấy, đó là: người người lại cứ gieo-cay-đắng-cho-nhau. Và, dường như đây là chuyện “thường xảy ra ở huyện”, xảy ra trong đạo lẫn ngoài đời.

Có hai điều “cay đắng” mà con người thường “gieo cho nhau” chúng ta có thể nhìn thấy thường xuyên, đó là: sự đố kỵ và ghen tỵ.

Đố kỵ là gì? Thưa, “là việc cảm thấy khó chịu trong lòng khi thấy người khác phát triển hơn mình ở một đặc điểm gì đó và sinh ra cảm giác ghét bỏ.” Còn ghen tỵ? Thưa, cũng vậy thôi. Ghen tỵ nghĩa là “So tính hơn thiệt giữa mình với người, và khó chịu khi thấy người ta hơn mình”. (nguồn: internet).

Giáo lý Công Giáo xem thói đố kỵ (hoặc ghen tỵ) là một trong bảy mối tội đầu. Do vậy, nên đã có lời dạy rằng: “yêu người chớ ghen ghét”.

Với Đức Giê-su thì sao? Thưa, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã không tiếc lời lên án thói ghen tỵ. Một trong những thông điệp, có thể được xem là thông điệp lên án thói xấu này mạnh mẽ nhất được Ngài đưa ra, đó chính là dụ ngôn “thợ làm vườn nho”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 29, 1-16a).

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”. Hôm ấy, “sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.”

Rồi đến khoảng giờ thứ ba. Đến “khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Nhóm người này có đi không? Thưa, thánh sử Mát-thêu cho biết: “Họ liền đi.”

Chưa hết… Chuyện kể tiếp rằng: “Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm như vậy.” Làm như vậy là làm gì! Thưa, dễ hiểu thôi, nghĩa là lại thuê thêm một toán thợ nữa.

Còn… còn nữa! Vào “khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Vâng, thật đáng thương, những người này từ sáng sớm cho tới “giờ mười một… không làm gì hết” là vì, theo họ nói: “không ai mướn chúng tôi”. Không-ai-mướn! Thôi được! Ông chủ vườn nho không chần chừ, bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.”

Chiều đến, năm toán thợ, tính từ toán thợ được thuê lúc “vừa tảng sáng” cho đến toán thợ được thuê lúc “giờ mười một”, được người quản lý của ông chủ vườn nho tập trung lại để trả công cho họ. Ông chủ vườn nho trả công “bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người làm trước nhất”.

Cứ tưởng rằng, đây chính là lúc những người được thuê “phấn khởi hồ hởi” nở những nụ cười, sau một ngày lao động cực nhọc. Thế nhưng, cười đâu không thấy, lại thấy một số người thợ “cằn nhằn gia chủ”. Chuyện gì vậy! Thưa, vì cách thức chi trả tiền công của gia chủ.

Ông chủ chi trả thế nào mà họ cằn nhằn? Thưa, vì ông chi trả cho những người mới vào làm lúc giờ-mười-một, “ngang bằng” những người vào làm trước nhất (lúc tảng sáng).

Mới vào làm lúc giờ-mười-một (khoảng 5 giờ chiều) “ngang bằng” những người vào làm lúc tảng sáng (tức là 6 giờ sáng, theo giờ Do Thái) “mỗi người một quan tiền”, là sao!

Do vậy, họ ganh tỵ và cằn nhằn gia chủ rằng, “mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (x.Mt 20, 12).

Cứ tưởng rằng, lời ta thán của họ sẽ làm cho ông chủ mủi lòng và tăng thêm tiền công. Thế nhưng, đó là lời ta thán phi lý, phi lý trước một thỏa thuận mà họ đã chấp nhận. Vâng, hôm ấy, đáp lời ta thán, ông chủ đã nói với họ rằng, “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?”

Aleksandr Solzhenitsyn có nói: “Sự ghen tỵ với người khác nuốt chửng chúng ta nhiều nhất”. Vâng, hôm ấy, nhóm thợ cằn nhằn ông chủ đã “nuốt chửng thỏa thuận”, một sự thỏa thuận mà chính họ đã công nhận, trước đó.

Còn phần ông chủ ư! Ông có gì sai trái! Đây, chúng ta cùng nghe tiếp câu trả lời của ông chủ vườn nho với một người trong nhóm họ: “Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”

***
Cứ sự thường, sau khi đọc xong dụ ngôn này, chúng ta luôn có sự suy nghĩ rằng, Đức Giê-su đã dạy cho chúng ta một bài học về sự ganh tỵ.

Đúng, qua câu chuyện dụ ngôn, chúng ta biết rằng, ganh tỵ là điều không được hoan nghênh ở “Vườn Nho Nước Trời.” Thì đây, ông chủ vườn nho đã chẳng nói với những người thợ cằn nhằn chỉ vì ganh tỵ, rằng: “Cầm lấy phần của bạn mà đi đi”, đó sao!

Thế nên, ngay hôm nay, bằng mọi cách, chúng ta phải làm sao để không bị sự ganh tỵ chi phối cuộc sống của mình. Bởi vì nếu để cho sự ganh tỵ chi phối đời ta, chẳng chóng thì chày, ta sẽ bị trôi theo vòng xoáy của tội lỗi. Vòng xoáy của tội lỗi đó đã được Lm. Gioan Vianney, liệt kê như sau: “nói xấu, vu khống, xảo quyệt, lập đi lập lại những gì mình biết. Còn những gì không biết, thì bịa đặt ra, hay thổi phồng lên…”

Câu chuyện Ca-in và A-ben là ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng: Ca-in tức giận khi Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của A-ben, nhưng lại không chấp nhận lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này, thế nhưng, chỉ vì sự ghen tị trong lòng ông quá lớn; lớn đến nỗi ông không thể kiềm chế, để rồi ông lừa A-ben ra đồng vắng và đã giết em mình (St 4, 4-8).

Vậy thì phải làm sao, bây giờ? Thưa, thánh Phê-rô cho ta lời khuyên, khuyên rằng: thứ nhất “vâng phục sự thật”, thứ hai “thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành” và cuối cùng là “hãy tha thiết yêu mến nhau với cả tâm hồn” (x.1Pr 1, 22).

Còn với thánh Phao-lô? Thưa, ngài Phao-lô có lời chỉ giáo: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương…” Như vậy, chúng ta phải có tình yêu thương.

Và, cuối cùng là hãy “vui với người đang vui” (x.Rm 12,15). Tại sao? Thưa, là bởi, vui với người thành công hơn ta, vui với người may mắn hơn ta, trong tâm hồn ta còn chỗ nào cho sự ghen tỵ ngự trị!?

Khi trong tâm hồn ta không còn chỗ cho sự ghen tỵ ngự trị, có phần chắc chúng ta sẽ chẳng bao giờ “gieo cay đắng cho nhau”.

Do vậy, điều mà chúng ta cần biết hôm nay “là phải xem lại vị trí của mình trong dụ ngôn” là vị trí nào. Vâng, Lm.Charles E.Miller có lời khuyên như thế.

“Chẳng lẽ ta nghĩ mình là người làm việc cho Chúa lâu năm và quá nhiệt thành đến mức coi mình thuộc nhóm thợ vào làm việc trước nhất?” Đừng, đừng nghĩ như thế mà hãy nghĩ đến… ngài Lm Charles tiếp lời khuyên, rằng: “… sự rộng lượng của Thiên Chúa”.

Nói tới sự rộng lượng của Thiên Chúa, tác giả sách Thánh Vịnh đã cảm nghiệm được điều này nên đã nói: “Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (x.Tv 130, …7).

Nếu xưa kia, dân Do Thái được biết đến sự rộng lượng của Thiên Chúa, qua lời mời gọi của ngôn sứ Isaia, rằng: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55, 1).

Thì ngày nay, “sự rộng lượng của Thiên Chúa được biểu hiện qua cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể”. Vâng, Lm. Charles có lời chia sẻ như thế, và ngài Lm tiếp lời rằng: “Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Tử của Người. Thật là chính đáng khi chúng ta thú nhận: ‘Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con’… Nhưng sau khi chúng ta thú nhận mình bất xứng, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ngài trong đức tin.”

Vâng, Lạy Chúa, con chẳng đáng. Rất, rất nhiều ơn phước Ngài đã ban cho, dẫu rằng con chẳng đáng được đón nhận.

Thế nên, dù chúng ta có là những người đã làm việc trong “Vườn Nho Giáo Hội” của Chúa bao nhiêu năm đi nữa, thì cũng đừng càm ràm về những gì Ngài đã và sẽ “ban trả” cho chúng ta.

Đức tin, đức tin sẽ giúp chúng ta không oán trách, giận hờn về những gì Chúa “ban trả” chúng ta. Trái lại, đức tin giúp chúng ta cảm nghiệm rằng: “Thiên Chúa luôn rộng lượng”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây