Tình người cha

Chủ nhật - 11/09/2022 02:32 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   368
Tình cha hoạ lại phần nào “người cha nhân hậu” (Lc 15, 11 – 32) trong dụ ngôn Chúa Giêsu thuật chuyện.
C24Vs
C24Vs

Tình người cha


 
 
Ngày mỗi ngày nhìn người cha héo hắt dần theo căn bệnh. Thương cha sau một đời lam lũ vất vả, thành tựu rồi, căn bệnh lại tới. Cha dần dần rút vào lặng lẽ và đàn con lớn lên. Tình cha hoạ lại phần nào “người cha nhân hậu” (Lc 15, 11 – 32) trong dụ ngôn Chúa Giêsu thuật chuyện.

Người cha lặng lẽ.
Có lẽ ta sẽ nghiệm thấy cuộc đời của người lui vào bóng tối để con lớn lên trong sự nghiệp. Bây giờ cha có khuyên bảo con điều gì cũng đã lỗi thời, cha không cùng kiến thức với con, cha không cùng cách hiểu như con, cha đã già không còn hợp thời. Bao nhiêu điều đại loại như thế khiến cha âm thầm rút lui vào lặng lẽ.
Cảm nghiệm từ đời thực, tôi nghĩ đến người cha trong dụ ngôn. Khi người con muốn chia gia tài để ra riêng, đi làm ăn phương xa. Điều này đúng với suy nghĩ người con và cũng đúng với xã hội ngày nay khi con đủ tuổi mười tám. Sự ra đi của người con là một lẽ tự nhiên, nhưng không thể tự nhiên mà tình cảm cha con lại rời xa trong nhớ thương của cha. Người cha đón nhận sự ra đi của con cách lặng lẽ, như cách nói về “Thiên Chúa ẩn mình đi để cho ta hiện hữu” của Bruno Forte. Một Thiên Chúa ẩn mình để con người tự do, một Thiên Chúa xoá mình để con người tiến bước. Thiên Chúa dù quyền năng, sáng tạo mọi loài, tư tưởng Người không ai hiểu thấu, nhưng Người vẫn tự xoá mình đi. Chỉ có Thiên Chúa mới khiêm nhường thật sự như thế. Một Thiên Chúa thu mình lại và dõi theo bước đường của con.
Một người cha hy vọng.
Cha ẩn mình đi để con hiện hữu nhưng cha vẫn ở ngưỡng cửa chờ đọi con. Một hình ảnh thân thương biết bao, khi về thăm ba mẹ. Ông bà cùng ngồi đọc kinh, người xướng người đáp, dìu nhau trong lời kinh khi nhớ khi quên. Thật cảm động, ba mẹ không còn ước gì hơn cho đoàn con, đứa ở nơi đây, đứa ở nơi xa, mỗi đứa một con đường, ba mẹ đông con vẫn đìu hiu một bóng. Ba mẹ chỉ hy vọng mỗi người con đạt được những điều tốt đẹp trong đường đời mỗi đứa đi qua lời kinh nguyện.
Tình người cha đứng trước ngõ chờ đợi. Ông chờ đợi những thông tin tốt lành về người con. Ông âm thầm đi vào lặng lẽ để người con hiện hữu, nhưng ông hy vọng người con được sống dồi dào hạnh phúc. Tình yêu luôn thắp lên niềm hy vọng, Thiên Chúa hy vọng nơi con người tự do của mình, sống trưởng thành trải qua kinh nghiệm. Hy vọng ngày nào đó con người nhận ra cuộc đời mình lạc xa Thiên Chúa, con người mất ý nghĩa cuộc sống. Hy vọng là đặt niềm tin tưởng vào người con, đó là niềm hy vọng của tình yêu trao hết cho con.
Tình yêu là chạy ra.
Hôm ở sân bay, ba mẹ đón đứa con ở xa về. Đứa con còn đang ngơ ngác ở sảnh đón. Ba mẹ đã chạy lại ôm lấy đứa con của mình. Ông bà không quan tâm con thành bại thế nào, nhưng vẫn ôm lấy con và lau vội nước mắt mừng vui. Ông bà yêu thương chỉ vì nó là con của ông bà nay nó đã về.
Hình ảnh người cha chạy ra ôm lấy đứa con trở về. Đáng lẽ đứa con chạy đến người cha, nhưng người cha lại chạy ra ôm lấy con. Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, đâu cần biết con của mình thành bại thế nào mà chỉ quan tâm nó đã trở về trong tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu vô điều kiện dành cho con người: “Ép-ra-im có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều” (Gr 31, 20).

Thiên Chúa mặc lại cho con áo mới.
Có những ký ức khó phai mờ trong người con, khi con còn thơ ấu, nó phá chưa từng thấy, bị người khác mắng vốn, bắt nhốt. Mẹ nó nghe con phá phách bị người ta bắt nhốt và bồi thường. Bà vét túi tiền ít ỏi của mình sang nhà hàng xóm, năn nỉ, lời mặn mà nhận lỗi cho con. Bà hết lời để hạ mình xin lỗi người hàng xóm tha cho đứa con thơ dại của mình. Bà hàng xóm nghe lời bà nhận số tiền tượng trưng thay cho số hàng phải đền bù. Bà âm thầm dẫn đứa con về, chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ con, đừng dại dột thế nữa, nha con!
Tình yêu không lên án, tình yêu là tha thứ, là mặc lấy chiếc áo mới cho con. Tình yêu của người cha chỉ quan tâm: “Con ta đã chết nay đã sống lại”. Nó sống lại qua một kinh nghiệm đau thương, nó kinh nghiệm về một tình yêu để nó sống mà bắt chước noi theo. Một tình yêu tháo gỡ tội lỗi chứ không buộc tội. Tình yêu làm cho sống chứ không phải là muốn nó chết. Tình yêu mang lại niềm vui để sống, sống để tiếp tục yêu thương.
Có nói bao nhiêu về tình yêu người cha trong dụ ngôn này vẫn là chưa bao giờ đủ, chưa bao giờ hết. Bài dụ ngôn quá súc tích về lòng Chúa yêu thương con người chúng ta.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây