BÀI 47 VĂN HOÁ ỨNG XỬ

Thứ sáu - 16/09/2022 06:24 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   348
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,9-13).
BÀI 47 VĂN HOÁ ỨNG XỬ
BÀI 47
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH THÓI KIÊU CĂNG TỰ MÃN
 
1. LỜI CHÚA : Đức Giê-su còn kể dụ ngôn : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,9-13).
2. CÂU CHUYỆN :  QUAN VÂN TRƯỜNG ANH HÙNG NHƯNG TỰ KIÊU.


Vào thời Tam Quốc, có một danh tướng rất nổi tiếng là Quan Vân Trường. Ông là người đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng và đã góp phần quan trọng trong việc giúp Lưu Bị gầy dựng nhà Thục Hán.
Dưới cái nhìn dân gian, hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm thanh long đao là biểu tượng của một con người hào hiệp, anh hùng, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, dưới con mắt của các sử gia, Vân Trường lại bị coi là kẻ kiêu căng, ngạo mạn khinh thường tha nhân.
- Nghe tin tướng Mã Siêu xin hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu liền viết thư hỏi quân sư Gia Cát Lượng như sau : “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai ?”. Biết tính Quan Vũ kiêu ngạo, Khổng Minh đã phải lựa lời để ông không bị phật lòng như sau : “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân được như ngài”. Mấy câu này của quân sư không những đã xoa dịu được sự thù ghét của Vân Trường với Mã Siêu, mà còn khiến ông rất tâm đắc, nên đã mang thư của quân sư ra khoe với thuộc hạ.
- Khi phải đối kháng với quân Tào Ngụy tại Kinh Châu, Tào Tháo muốn liên kết với Tôn Quyền cùng đánh Vân Trường. Tôn Quyền đã phái sứ giả cầu hôn xin cưới con gái của Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ Vân Trường trước khi quyết định. Lúc đó, Quan Vân Trường đã quên lời dặn khôn ngoan của quân sư Khổng Minh, không những từ chối hôn ước mà còn nói lời sỉ nhục sứ giả và Tôn Quyền như sau : “Loài hổ không thể gả cho loài chó”. Lời nói này cho thấy Vân Trường là một kẻ kiêu căng ngông cuồng và ngạo mạn”. Chính sự kiêu ngạo này của Vân Trường đã làm cho thành Kinh Châu bị thất thủ và ông cũng phải đón nhận trái đắng là cái chết đau thương. Thật đúng như lời Kinh Thánh : “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.” (Cn 16,18).
3. SUY NIỆM :
- Tại sao kiêu ngạo lại bị Thiên Chúa gớm ghét và ghê tởm ? Thưa vì nó chính là tác nhân làm cho con người trở nên xấu xa với các thói hư như : khoe khoang, ích kỷ, coi thường tha nhân… Đức Giê-su, cũng đã cho biết số phận của kẻ kiêu ngạo : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
- Trên thiên đàng, Lu-xi-phe vốn là tổng lãnh thiên thần ánh sáng, nhưng đã bị phạt ra khỏi thiên đàng do tội kiêu ngạo khi nêu khẩu hiệu : “Ta không phụng sự”. Và, nguyên tổ A-dam E-va của loài người cũng bị đuổi khỏi địa đàng do tội kiêu ngạo khi không vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa cố tình ăn quả trái cấm để hoàn toàn được tự do không phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
4. SINH HOẠT : Một người kiêu ngạo thường biểu lộ qua lời nói, thái độ và hành động thế nào ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn bằng việc sống nhân đức hiền lành và khiêm nhường noi gương Chúa xưa. Xin cho chúng con tránh khoe khoang thành tích để tỏ ra mình hơn người khác và được mọi người kính trọng và được ăn trên ngồi trước nơi công cộng. Xin cho chúng con biết nhìn nhận sự yếu kém của mình, sẵn sàng đón nhận những phê bình để sửa sai hầu ngày một nên hoàn thiện hơn.- AMEN.
 LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây