Anh chị em thân mến,
Mùa chay cho chúng ta một cơ hội quí báu để nhìn lại chính mình: Có những an toàn giả tạo mà chúng ta cứ khư khư giữ lấy, không chịu vất bỏ trên con đường lữ hành. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng: muốn sống tốt, cần phải duyệt xét lại đời mình. Để Mùa Chay này tràn đầy ơn phúc, giúp chúng ta trở thành những người dễ thương, quảng đại và chân thực, chúng ta phải chết đi cho những lối sống trần tục, bằng cách hi sinh và từ bỏ chính mình, để có một cuộc hoán cải thực sự như người đàn bà Samaria mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta. Muốn trở về thật sự cần phải có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ kín múc ơn thánh ấy nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Ca nhập lễ
Mắt tôi luôn hướng nhìn về Chúa, vì chính Người gỡ chân tôi khỏi lưới dò. Xin Chúa đoái nhìn và thương xót tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Ðấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7
"Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy". Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: "Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi". Chúa liền phán bảo Môsê: "Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống". Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là "Thử Thách", vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: "Chúa có ở với chúng tôi hay không?"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!"
Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
Xướng:Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".
Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8
"Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
PHÚC ÂM: Ga 4,5-42 (Bài dài)
"Mạch nước vọt đến sự sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói "tôi không có chồng" là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".
Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm". Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài ngắn này: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta đang cùng nhau cử hành mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô. Chúng ta hãy xin Cha nhân từ khai mở nguồn suối cứu độ và sự sống sung mãn cho mọi người như Chúa Kitô đã hứa với người phụ nữ xứ Samaria.
1. Xin cho Hội Thánh luôn hăng say loan báo và giúp mọi người tin rằng, Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất mang đến ơn cứu độ cho trần gian.
2. Xin cho những ai đang khao khát công bằng và chân lý được Thánh Thần hướng dẫn đến nguồn mạch ơn cứu độ là Chúa Kitô.
3. Xin cho những anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong Đêm Thánh sắp tới được thật lòng trở về với Chúa, chuyên cần học hỏi và sống theo đức tin.
4. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khám phá niềm vui của Tin Mừng cứu độ khi gặp gỡ Chúa Kitô và hăng hái đưa người khác đến cùng Chúa Kitô.
Chủ tế: Lạy Chúa, như người phụ nữ xứ Samaria, xin cho chúng con luôn hân hoan kín múc dòng nước cứu độ nơi mạch suối thương xót của Chúa và trở nên những mạch suối cho thế giới khô cằn vì thiếu niềm tin vào Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng (Năm A)
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Khi người phụ nữ xứ Sa-ma-ri cho nước uống, Người đã ban cho bà đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Chúa. Vì thế, chúng con xin dâng lời tri ân cảm tạ, và hợp với các thiên thần, các thánh, chúng con lớn tiếng ca ngợi uy quyền Chúa, và tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!...
Ca hiệp lễ
Chúa phán: "Ai uống nước Ta sẽ cho, thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời. Xin cho mọi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà bí tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Bên bờ giếng Giacob
Sưu tầm
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cùng nhau chia sẻ hai ý tưởng:
Ý tưởng thứ nhất đó là nước
Mỗi khi đi làm thuỷ lợi giữa đồng không mông quạnh với cái nắng như thiêu như đốt, chúng ta mới thấy quý những giọt nước hiếm hoi.
Dân Do Thái trong Cựu Ước cũng đã trải qua kinh nghiệm ấy. Khi băng qua sa mạc cát nóng để trở về miền đất Hứa, họ đã hiểu được nước gắn liền với sự sống của họ như thế nào. Đồng thời qua dòng nước vọt lên từ tảng đá Horeb dưới cây gậy của Maisen, Chúa đã chứng tỏ Ngài là Đấng đem lại sự sống cho họ.
Với Chúa Giêsu thì khác, từ thứ nước bình thường dưới lòng giếng, Ngài đã giới thiệu với người phụ nữ Samaria một thứ nước đem lại sự sống vĩnh cửu. Thực vậy, đã từ lâu người Do Thái và người Samaria coi nhau như những kẻ thù truyền kiếp. Dưới mắt dân Do Thái thì người Samaria bị coi như một thứ ngoại đạo và uế tạp cần phải xa tránh, thế mà qua đoạn Tin Mừng vừa nghe Chúa Giêsu đã vượt qua ranh giới thù hận như một dòng nước tràn bờ đem lại sự xanh tươi cho những mảnh đất khô cằn. Ngài đã xin người phụ nữ Samaria chút nước uống. Hành động của Ngài đã gây nên sửng sốt và từ sự sửng sốt ấy, Ngài đã làm trổi dậy một sự sống mới.
Chúa Giêsu đã chứng tỏ sứ mạng của mình là được sai đến với những con chiên lạc. Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu đã giúp người phụ nữ nhận ra tình trạng bất chính của mình, để rồi cuối cùng nàng đã xác tín Ngài chính là Đấng cứu thế. Chúa Giêsu đã khởi đầu bằng cách xin nàng cho Người uống nước, nhưng rồi cuối cùng chính nàng lại là người được lãnh nhận nước ban sự sống.
Ý tưởng thứ hai đó là nơi thờ phượng Chúa.
Người Samaria có đền thờ của mình tại núi Sichem. Trong khi đó người Do Thái lại khẳng định đền thờ của họ tại Giêrusalem mới là nơi thờ phượng Thiên Chúa đích thật, bởi vì đó mới chính là nơi Thiên Chúa ngự trị giữa dân Ngài. Vậy ai đúng. Người Samaria hay người Do Thái? Cuộc tranh luận có lẽ đã kéo dài nhiều tháng và nhiều năm, nhưng vẫn không có kết luận. Họ không phải chỉ tranh luận suông, mà hơn thế nữa, người Do Thái còn khích bác dân Samaria là đã theo đuổi một thứ tôn giáo lai căng. Còn người Samaria thì có lần đã chơi khăm bằng cách rắc xương người chết vào nơi thờ kính của dân Do Thái, để làm cho nơi đó ra uế tạp, không còn thích hợp cho công việc tế tự.
Người phụ nữ Samari hẳn muốn nhờ Chúa Giêsu đứng ra làm trọng tài giải quyết vì nàng nhìn nhận Ngài là người của Thiên Chúa, đã biết được những chuyện thầm kín của đời nàng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nhân dịp này, mạc khải cho nàng biết phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý, bằng cách nhận biết Thiên Chúa là Cha. Chính sự thờ phượng Thiên Chúa là Cha và việc đặt mình vào trong mối quan hệ cha con với Thiên Chúa mới là việc thờ phượng mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.
Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã thực sự yêu mến Chúa bằng tất cả trái tim và tâm hồn của mình, hay chúng ta đang còn mải mê chạy theo những nghi thức và những biểu dương bên ngoài?
Chúa nhật tuần thứ ba Mùa Chay
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42).
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria). Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”. Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”. Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Suy niệm
Nhu cầu về đời sống tâm linh vẫn mãi là những nhu cầu khẩn thiết trong đời sống con người, và đặc biệt là người tín hữu Kitô trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Chúa nhật tuần thứ ba Mùa chay trở về, phụng vụ Lời Chúa với những câu chuyện thời Cựu ước cũng như thời Tân ước, đưa chúng ta đến cuộc sống tâm linh của mỗi người trong hiện tại, để chúng ta giúp nhau tìm được nguồn dưỡng chất cho đời sống tâm linh của mình cũng như giúp mỗi người cũng tìm ra những dưỡng chất cho chính họ.
Hành trình trở về đất hứa của dân Do-thái là một thiên tình sử. Trong câu chuyện đó, Giavê như người tình, luôn lo lắng, chăm sóc và bảo vệ dân, người bạn tình của Ngài, mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Từ miếng cơm, manh áo hàng ngày, là nhu cầu thể lý, đến đời sống phượng tự, đời sống nghi lễ, nhu cầu tâm linh. Có dân tộc nào được thần linh nuôi dưỡng suốt 40 năm trường như thế không? Chắc không bao giờ có. Ngài còn hướng dẫn họ các nghi lễ phượng tự, để qua những nghi lễ đó, họ hoàn thiện đời sống bản thân cũng như đời sống cộng đoàn, hoàn thiện luôn tương quan giữa con người với nhau, và sau nữa là tương quan giữa họ với Giavê. Còn người bạn tình nào được chăm sóc và quan tâm đầy đủ bằng dân Do-thái, người bạn tình của Giavê, thế mà, thay vì tình yêu đền đáp tình yêu, họ đã lấy oán trả ân. Phản bội, kêu la, chống đối, nổi loạn và bao hình thức bất trung khác, luôn xuất hiện, làm cho Giavê có những lúc nổi giận như muốn gạt bỏ dân tộc đó khỏi mặt đất. Câu chuyện dân chúng nổi loạn tại mạch nước Meriba mà tác giả sách Xuất hành ghi lại trong bài đọc 1 là một ví dụ điển hình: “Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Sự nghi ngờ và thái độ bất trung vẫn là một chứng bệnh nằm sâu trong suy nghĩ của dân chúng. Giavê Thiên Chúa song hành với họ trên từng bước chân, lo lắng cho họ như thế, vậy mà họ vẫn nghi ngờ, vẫn nổi loạn, làm cho người lãnh đạo là Môisen cũng bị cuốn vào trong nỗi nghi ngờ đó: “không biết có Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta không ?”. Vì nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, dân chúng và cả Môisen bị Giavê nghiêm phạt, dân chúng bị quở trách, Môisen không được vào đất hứa. Mối nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa đâu đó vẫn tồn tại trong thế giới con người hôm nay, ngay cả trong cộng đoàn môn đệ của Ngài. Tại sao có sự hiện diện của Thiên Chúa mà dịch bệnh mọi thứ cứ hoành hành và tàn phá gia đình nhân loại như thế?
Nỗi nghi ngờ và sự yếu kém trong đời sống tâm linh của con người vẫn mãi là một sự trăn trở của bao người. Khi Đức Giêsu đi vào lịch sử nhân loại, Ngài cũng đã nhiều lần chứng kiến những mối nghi ngờ của con người, ngay cả những đồ đệ thân tín bên cạnh Ngài trong thời gian 03 năm đi rao giảng công khai. Dân chúng thấy những dấu lạ Ngài làm thì lớn tiếng trầm trồ nhưng niềm tin thì chưa thực sự bén rễ sâu, các môn đệ chứng kiến những mẻ cá lạ lùng, những giỏ bánh đầy cho mấy ngàn người cùng ăn, và họ đi từ ngạc nhiên này tới những ngạc nhiên khác, nhưng thực sự niềm tin và sự khao khát trong đời sống tâm linh của họ đã được vun đầy và thoả mãn chưa? Thánh Phaolô trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, ngài nói với họ rằng, con người được công chính, được nên hoàn thiện trong đời sống tâm linh là do bởi niềm tin chứ không đến từ công trạng của bản thân. Ai cũng nghĩ rằng, công trạng của mình đóng góp, hy sinh sẽ giúp mình nên công chính, nhưng thực sự, sự công chính đích thực đến từ niềm tin kiên định và chân thành, sẽ giúp họ phục vụ hay sống tình cộng đoàn đúng nghĩa hơn: “Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa”. Nếu mỗi người đều khao khát sự công chính đến từ niềm tin, ắt sẽ có một gia đình, một cộng đoàn huynh đệ thực sự của Thiên Chúa, tiếc thay, con người thường thể hiện công trạng và tài năng của mình, để yêu sách Thiên Chúa phải trả công bội hậu cho họ về những gì họ làm. Có phải lúc đó, họ đã thoả khát với những tham vọng của bản thân rồi chăng? Còn như sống và phục vụ với niềm tin chân thành, sự công chính của Thiên Chúa ắt sẽ đến và giúp con người đó thoả mãn cơn khát sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Tiếc thay, đó mà một ước mơ chứ chưa thể là hiện thực.
Mỗi ngày, Đức Giêsu thả bước trên những nẻo đường của đất nước Do-thái, chia sẻ phận người khiếm khuyết với dân tộc của Ngài. Hôm nay, Ngài vượt ra khỏi ranh giới đó với một chuyến vi hành đi qua đất của người dân ngoại, người Samaria. Với người Do-thái, đó là những người không cùng niềm tin, không cùng tôn giáo và tất nhiên là không cùng người Cha chung là Thiên Chúa. Đức Giêsu không suy nghĩ như dân tộc của Ngài, Ngài dừng bên bờ giếng Giacop và trò chuyện với những người ngoại kia. Trong cuộc trò chuyện đó, Ngài thấy được cơn khát của mọi người, dù đó là dân ngoại hay dân Do-thái, khát mong sự công chính, khát mong sự thánh thiện và khát mong cả nhu cầu và những hạnh phúc tầm thường trong cuộc sống, dù đó là ơn gọi nào. Thấu hiểu những nỗi niềm đó, Đức Giêsu đã giới thiệu cho những người Samaria thứ nước hằng sống, họ sẽ được thoả mãn cơn khát về cả thể lý lẫn tinh thần, khi họ đó nhận nguồn nước hằng sống đang đứng đối diện với họ, là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Con Chiên xoá tội trần gian: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”. Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người phụ nữ Samaria cùng với bà con họ hàng kéo đến bên cạnh Đức Giêsu để xin Ngài thứ nước hằng sống. Thứ nước đó không giống thứ nước dưới giếng, nhưng đó là nước đến từ trái tim tình yêu. Thiên Chúa đang khát thứ nước đến từ trời đó là nước tình yêu. Ngài yêu con người không phân biệt dân tộc, không phân biệt tôn giáo, Ngài yêu tất cả, tình yêu đó không phải chỉ làm thoả mãn cơn khát về tinh thần thôi, nhưng còn làm thoả mãn những cơn khát được quan tâm, được yêu, được trân trọng và được sống bình đẳng như là những thành viên trong một gia đình: “Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Nếu chúng ta có một cái nhìn của tình yêu đến từ Thiên Chúa, chúng ta có thể hình dung cộng đoàn dân Samaria là một đoàn dân mới trong ơn cứu độ của Đức Giêsu, Ngài đã vượt qua ranh giới của dân Do-thái, đến với những người họ cho là kẻ thù, cho là không xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Thiên Chúa. Vậy mà, nơi cộng đoàn đó, họ đã nhận ra Đấng Cứu Thế, người đang nói chuyện với họ, đã đem đến cho họ niềm vui tình người, niềm vui tình trời và hơn nữa là niềm vui cứu độ. Và cũng từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa không đóng khung theo giới hạn của con người, nhưng được dàn trải khắp mọi nơi và đường biên giới là không có đường biên. Và niềm vui đó, hôm nay Giáo hội đang mời gọi con cái tiếp tục đem đến cho anh chị em của mình. Để có thể đem dòng nước tình yêu và tình người đến với mọi dân tộc và mọi quốc gia, người môn đệ của Đức Giêsu cần có một đôi mắt của tình yêu, biết nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện đó đây nơi mỗi người chung quanh, để tôn trọng, để chia sẻ, để yêu thương và để cùng họ trở về một mái nhà chung là nhà Thiên Chúa.
Ơn gọi nào cũng được mời lên đường, từ ơn gọi hôn nhân, người tín hữu Kitô được mời làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng sự hy sinh, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Tình yêu đến từ Thiên Chúa là tình yêu không tính toán, không điều kiện, và Thiên Chúa đang muốn người môn đệ sống ơn gọi hôn nhân, hãy vẽ lên bức tranh tình yêu đó bằng sự chung thuỷ và yêu thương lẫn nhau. Bên cạnh ơn gọi hôn nhân, ơn gọi dâng hiến cũng là một con đường dành cho những ai được mời lên đường. Họ đi vào thế giới này, để giới thiệu cho thế giới một tình yêu phục vụ, một tình yêu sẵn sàng quên mình để sống cho, sống cùng và sống với anh chị em mình. Bức tranh tình yêu mà ơn gọi dâng hiến được mời giới thiệu là một đường thẳng được kết lại bằng những nét cong trong bàn tay của Thiên Chúa. Ngài mời mỗi người đi vào huyền nhiệm tình yêu với một lối nẻo khác nhau, để làm cho bức tranh tình yêu đó phong phú hơn. Tiếc rằng, cả hai ơn gọi đó, nhiều lúc chỉ dừng lại nơi những giới hạn của con người, thậm chí là dừng lại theo những tính toán của thế gian. Thiên Chúa muốn tất cả con người được thoả mãn cơn khát của tình yêu, để họ chân nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ngay hôm nay, ngay trong môi trường họ đang sống và làm việc, và ngay trong thế giới này, dù thế giới đang nghiêng chiều theo chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ.
Lạy Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống, Ngài đã đem đến cho nhân loại dòng suối của tình yêu và ơn cứu độ. Xin cho mỗi người chúng con được cộng tác với Chúa Thánh Thần mỗi ngày, trở nên nguồn suối của tình người và tình trời, giúp anh chị em đến với Thiên Chúa. Chúa đã làm cho những người Samaria được thoả mãn cơn khát cả thể lý lẫn tinh thần. Xin giúp mỗi người chúng con, được no thoả cơn khát tìm Chúa mỗi ngày, được no thoả tình yêu trời cao, để chúng con trở nên nhịp cầu ngoại biên, đem dòng nước dịu mát của ơn cứu độ đến cho thế giới hôm nay và ngày mai. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
(Chúa Nhật III Mùa Chay A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III mùa Chay, đặc biệt bài đọc thứ nhất (Xh 17,3-7) và bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) hướng chúng ta đến chủ đề “nước”. Đi trong sa mạc, dân Chúa xưa đã nổi loạn với Môsê vì thiếu nước và Thiên Chúa đã ban cho họ nước chảy ra từ tảng đá tại Horeb. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu đã dừng chân bên giếng nước Giacob, Người đã xin một phụ nữ Samaria chút nước và Người hứa ban cho chị ta nước trường sinh.
Nói đến nước là nói đến một trong những nhu cầu căn bản của con người xét như loài có sự sống. Thiếu nước là như sự chết đang cận kề. Người ta có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi… và người ta cũng có thể chịu đựng cái đói trong một thời gian khá dài, trên dưới một tháng, thế nhưng không một ai có thể cầm cự với cái khát quá dăm bảy ngày. Chính vì thế mà việc đáp ứng nhu cầu khát nước trở thành một việc cấp thiết mang tính sống còn. Vượt trên các loài sinh vật bậc thấp, loài người chúng ta ngoài cái khát tự nhiên là khát nước thì còn có nhiều nổi khát xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình.
A. Những cái khát của kiếp nhân sinh:
1. Khát mong được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đây là một chân lý hiển nhiên. Thế mà vẫn đã từng có, trong quá khứ và ngay cả hôm nay, rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Đó là trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, ngoại kiều, người nghèo hèn, kém phận… Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rõ hiện tượng này. Các Ngôn sứ đã không ngừng lên tiếng về đề tài này. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob phải chăng không là ngoại lệ. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà có thể chị chưa được nhìn nhận như là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người chồng?
Khi sinh thời mẹ Têrêxa thành Calcutta gặp gỡ rất nhiều người bất hạnh, xấu số. Sau khi gặp mẹ, họ đã từng tâm sự rằng họ mãn nguyện vì cho dẫu chưa được sống như một con người thì họ cũng đã được chết như một con người. Chúa Kitô mạnh mẽ tuyên bố rằng không cần đã giết người thì mới bị đoán phạt, nhưng nếu loại bỏ tha nhân từ trong tâm trí và lối ứng xử của ta tức là không nhìn nhận tha nhân như là một con người thì ta cũng đã đáng bị trừng phạt (x.Mt 5,21-22).
Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta, tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình, tuy một mà vẫn là hai”. Quả thật người ta sẽ chẳng còn là chính mình một khi bị đồng hóa do bởi một ai đó hay bởi một thế lực nào đó.
2. Khát mong được chấp nhận và được đón nhận: Được nhìn nhận như là một con người, như là một người khác vẫn chưa đủ nếu ta không được kẻ khác chấp nhận và đón nhận. Từ đáy sâu thẳm của từng người, luôn có đó khát mong được tha nhân chấp nhận và đón nhận mình như mình đang là, đang có. Một trong những lẽ sống của con người là khi thấy mình còn có giá trị, đang còn hữu ích cho ai đó. Và điều này được chứng thực khi tha nhân chấp nhận và đón nhận ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho nhiều người, kể cả giới trẻ tìm đến cái chết bằng sự tự vẫn thì người ta nhận ra một trong những nguyên nhân chính đó là vì họ mang mặc cảm bị người chung quanh khước từ hay loại bỏ.
Con người chúng ta thường bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác “với điều kiện”. Người ta phải thế này, phải thế kia thì tôi mới nhận, mới tiếp. Có những điều kiện mang tính khách quan, nhưng cũng không thiếu những điều kiện mang tính chủ quan hoặc duy ý chí. Điều này mặc nhiên nói lên rằng ta sẽ chỉ nhận nhau khi hội đủ điều kiện theo ý mình và nếu vì lý do gì đó mà không đủ điều kiện thì sẽ bị loại trừ.
B. Chúa Kitô: Đấng giải khát cho nhân loại.
“Chị cho tôi xin chút nước uống”. Khi mở miệng xin người phụ nữ chút nước, Chúa Giêsu nhìn nhận sự hiện hữu của chị và cả sự cần thiết của chị. Tin Mừng tường thuật Chúa Giêsu đi đường mỏi mệt, Người đang cần nước uống và Người không có gầu. Như thế việc Người xin chị phụ nữ cho chút nước là một việc tự nhiên, rất thật của đời thường. “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Không đơn thuần là câu hỏi vặn ngược mà thực chất là lời khẳng định của chị: Dù là Samaria, dù là phụ nữ, thì tôi cũng là một con người như ông và ông đang cần tôi. Chị Samaria đã được giải khát, một cái khát nền tảng của kiếp nhân sinh là được nhìn nhận.
“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời giới thiệu của chị phụ nữ với dân làng đã nói lên sự thỏa khát vô bờ của chị. Chị đã được Chúa Giêsu đón nhận như chị đang là, dù chị đã trải đời với năm người đàn ông và đang chung sống bất chính với người thứ sáu. Mà chắc gì người thứ sáu này sẽ nhận chị! Chúng ta đừng quên thời bấy giờ hiếm có chuyện đàn bà bỏ đàn ông mà ngược lại.
Các Ngôn sứ thường lên án tội lỗi của dân Chúa xưa và loan báo các hình phạt họ phải chịu. Thế nhưng sau đó lại gợi mở về sự khoan dung tha thứ của Chúa. “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,7-8). Mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cực thánh của Đấng Cứu Độ. Không một ai là đồ bỏ đi. Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa đón nhận, chỉ trừ khi họ cố tình khước từ. Vì đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 12,32).
“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh” (Ga 7,38). Biết bao con người đang khát ở quanh ta. Là Kitô hữu, ước gì chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn