Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 18/11/2021 18:11 |   528
“Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20, 34-36)

20.11.2021
THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

 

t7 t33tnB

Lc 20, 27-40

CHO MỘT CUỘC SỐNG MAI SAU

“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20, 34-36)

Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20, 36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình, sống cuộc sống đời này để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu: tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh.

Mời Bạn1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: – Nếu còn “thong dong”, bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền”, hãy thành khẩn xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin con hiểu rằng chu toàn bổn phận hằng ngày là phương thế giúp con nên thánh và làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 6, 1-13

“Vì các tai họa trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn bực mà chết”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông, nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở về Babylon.

Lúc vua còn ở Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung quanh Ðền thờ và chung quanh thành Bethsura.

Nghe tin ấy, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ rằng: “Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 4 và 6. 16b và 19

Ðáp: Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.

Xướng: Vì quân thù của con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên nhan Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời.

Xướng: Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà họ đã che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau khổ không mãi mãi tiêu tan.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 11, 4-12

“Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.

Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Ðức Chúa Trời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. 

Xướng: Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.

Hoặc đọc

 Alleluia, alleluia! – Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh.- Alleluia.

Phúc Âm: Lc 20, 27-40

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG TRINH KHIẾT (Lc  20, 27-40)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc.

Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.

Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: theo luật Môsê, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dòng.

Vậy cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì họ đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.

Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?

Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ  gả chồng nữa”.

Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản  đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.

Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới là vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc hiện nay, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.

Nếu Chết là hết


(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 20,27-40)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Khi đặt ra cho Chúa Giêsu một tình huống dù là hợp luật nhưng dường như là không thể có trong hiện thực đó là bảy anh em trai cùng lần lượt cưới lấy một cô làm vợ sau khi người anh cả qua đời, nhóm người phái Sađốc muốn biện mình cho chủ trương của họ là không có sự sống lại và dĩ nhiên không có sự sống đời sau, sự sống trường sinh. Cuộc đời con người chấm dứt với cái chết thể lý ư? Hầu như ít có ai khẳng định điều này, dù rằng vẫn có đó nhiều người vẫn dùng nó như là một lối biện bạch cho cung cách sống của mình, một lối sống quá bám víu vào những thiện hảo đời này.

Hiện tượng này đã được tác giả sách Khôn ngoan trình bày cách cụ thể trong suốt cả chương 2. Theo tác giả thì những kẻ gian ác cho rằng cuộc đời này chỉ là thoáng qua. Do bởi ngẫu nhiên mà chúng ta có mặt ở đời này và rồi có ngày sẽ trở về cát bụi như chưa từng hiện hữu. Chết là hết, vậy hãy tìm đủ cách để tận hưởng mọi lạc thú trần đời, bất chấp đạo lý công bình hay tình yêu, chỉ có mạnh được, yếu thua: “Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn; kẻ góa bụa, ta đừng buông tha; bọn tóc bạc già nua cũng chẳng nể. Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý, vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì” (Kn 2,10-11).

Trước lối sống vô luân ác độc kiểu này thì tác giả sách Khôn ngoan đã trả lời cách thẳng thừng: “Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng… Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,21-23). Nhóm Sađốc thời Chúa Giêsu dù không thể xét đoán là ác độc, nhưng họ quá dính bén với các thiện hảo đời này là quyền chức, của cải, danh vọng nên họ dễ sai lầm vì mù quáng. Sử sách ghi rằng họ là nhóm người tư tế vai cao, vị trọng lại liên kết với giới cầm quyền Rôma đang đô hộ nước nhà Do Thái của họ, dĩ nhiên là để hưởng nhiều lợi lộc.

Nỗ lực minh chứng rằng có sự sống đời sau, có sự sống đời đời thì quả thật không mấy dễ. Cố công tìm kiếm những dữ liệu cách minh nhiên thì dường như là không thể vì cần phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người từ cõi chết sống lại làm chứng thì mới khả tín. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy được nhiều bằng chứng cách mặc nhiên để rồi thêm xác tín rằng có sự sống trường sinh, có sự sống đời sau.

Đã là người thì dù có khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay sắc tộc thì xưa lẫn nay đều có khát mong được hạnh phúc và khao khát được “trường sinh bất tử”. Và nhân loại mọi thời, mọi nơi đều chân nhận rằng nỗi khát mong này không thể nào đạt thỏa trong cuộc sống dương trần này. Chính vì thế hình thành niềm tin vào sự sống phía sau cánh cửa sự chết. Niềm tin này bàng bạc qua việc cung kính thi hài người quá cố trong nghi tức tẩn liệm, chôn cất. Đây là một trong những tiêu chí mà các nhà khảo cổ học dựa vào để xác định đâu là những bộ xương hóa thạch được xem là xứng với phẩm giá loài người (homo sapiens – người tinh khôn).

Niềm tin vào sự sống lại, sự sống trường sinh đã dần hình thành trong Do Thái giáo khoảng vài ba thế kỷ trước Công Nguyên. Ngôn sứ Êdêkien trong một thị kiến đã thấy các bộ xương khô được đắp da thịt lại và sống lại (Ed 27). Thị kiến này không chỉ nói lên niềm tin vào sự phục hưng của Israel mà là một mạc khải hé mở về sự sống lại. Lời ngôn sứ Đaniel: “trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục mà bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn, 12, 2-3). Đến thời Macabêô thì niềm tin vào sự sống lại, vào sự sống đời sau càng rõ nét hơn qua câu chuyện người mẹ và bảy người con chịu tử đạo và chuyện ông Giuđa quyên góp tiền gửi về Giêrusalem xin lễ cầu nguyện cho người đã qua đời. (x.2Mcb 7; 2Mcb 12,38-45). Sách thánh ghi: “Thật thế, nếu ông (Giuđa) không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì việc cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12,44). Một bằng chứng khá hiển nhiên đó là hầu hết tín hữu các tôn giáo và ngay cả người tự xưng là “vô thần” cũng thường cầu nguyện cho người đã qua đời.

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38). Kitô hữu chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại, sự sống đời đời, vì Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định chân lý đức tin này. Thử hỏi nếu loài người cho rằng chết là hết thì thế gian này sẽ ra sao? Biết bao sự hỗn độn sẽ xảy ra và hậu quả thật khó lường. Xin đừng quá lo lắng vì vẫn có đó một số người sống mà quên nghĩ đến đời sau. Điều đáng băn khoăn hơn đó là những người đang tuyên xưng rằng có sự sống đời đời mà lại sống như chỉ có đời này. Quá lo lắng cho sức khỏe của riêng mình, quá thủ thân, an phận trong hoàn cảnh dịch bệnh… có thể là một kiểu sống phản chứng với lời tuyên tín: Tôi tin có sự sống đời đời.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây