Lời Chúa THỨ HAI TUẦN THÁNH

Thứ bảy - 04/04/2020 23:44 |   907
Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12,7)
06/04/2020
THỨ HAI TUẦN THÁNH



Ga 12,1-11


CHỊU KHỔ NẠN VỚI CHÚA KITÔ

Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12,7)

Suy niệm: Người đời hẳn sẽ bảo rằng Chúa Giê-su nói “gở” khi bênh cô Ma-ri-a khi nói rằng việc cô lấy dầu cam tùng nguyên chất xức chân Chúa là “có ý dành cho việc mai táng Thầy.” Nhưng chúng ta nhớ rằng Ngài đã nói lẽ sống của Ngài ở đời này, hay “lương thực” của Ngài là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ngài” (Ga 4,34), mà ý Chúa Cha là Người Con phải hiến thân chịu chết để cứu chuộc muôn người. Chính vì thế, Chúa Giê-su đón nhận việc cô Ma-ri-a xức dầu thơm như một cách để cô tham dự với Ngài trong sứ mạng cứu thế. Và ngay cả anh La-da-rô, em cô, người đã chết bốn ngày được Chúa cho sống, cũng được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa khi anh bị người Do Thái liệt vào “danh sách đen” với Ngài, chỉ vì anh đã trở nên nhân chứng cho Đức Ki-tô chịu chết và phục sinh.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta cũng đều lãnh nhận một sứ mạng trong cuộc sống. Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng biết hoàn thành sứ mạng của mình cho dù có khổ đau, có thử thách trong đời, chỉ mong cho ý Chúa thể hiện. Tuần Thánh là đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Lời Chúa chúng ta thực thi sứ mạng của mình bằng cách kết hiệp với Chúa Ki-tô trên con đường khổ nạn của Ngài.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh, bạn gia tăng việc hy sinh hãm mình đồng thời quyết sống hiền lành khiêm nhường để cùng tham dự với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết vác lấy thập giá đời con để bước theo chân Chúa, xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con hoàn thành ơn gọi đời mình. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Thứ Hai tuần thánh

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin xét xử những kẻ làm hại tôi, xin giao chiến với những kẻ giao chiến với tôi: Xin Chúa cầm khí giới, thuẫn mộc và đứng lên cứu giúp tôi, lạy Chúa, Chúa là sức mạnh cứu thoát tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, loài người chúng con quả yếu đuối, đã gục ngã thảm thương; nhưng vì Ðức Ki-tô Con Chúa đã chịu khổ hình, xin cho chúng con được trỗi dậy và tìm lại được sức sống. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 42, 1-7

"Người sẽ không lớn tiếng; không ai nghe tiếng người ở công trường".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.

Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Ðấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 2. 3. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng, và là Ðấng cứu độ tôi

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ xiêu té và ngã gục.

Xướng: Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng tôi sẽ không kinh hãi; nếu thiên hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Kính chào Vua chúng con: Chỉ có nhà Vua là người thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.

PHÚC ÂM: Ga 12, 1-11

"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin đoái nhận của lễ chúng con dâng và làm cho cây thập giá, sau khi huỷ án phạt chúng con, đem lại quả phúc trường sinh cho chúng con hưởng nhờ. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng thương khó II

Ca hiệp lễ

Xin cho những kẻ vui mừng thấy tôi bị tai hoạ, phải một trật xấu hổ và thẹn thuồng. Cho những kẻ nói lời xấu xa hại tôi, phải thẹn mặt và nhục nhã.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong lễ tạ ơn này, Chúa đã thăm viếng và thánh hoá chúng con là dân riêng của Chúa. Giờ đây, xin Chúa thương ở lại mà chăm sóc giữ gìn để chúng con không bao giờ đánh mất những hồng ân chính Chúa đã rộng ban. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

TÌNH YÊU VƯỢT LÊN TẤT CẢ (Ga 12,1-11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Thời xưa và thời nay, nước hoa vẫn là một loại thảo dược được nhiều người con gái tuổi thanh xuân hay đang yêu sử dụng nhiều, bởi nó là biểu tượng của tình yêu. Vì thế, người ta muốn bày tỏ hay minh chứng tình yêu, thì thường tặng cho nhau những lọ nước hoa đắt tiền.

Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã không tiếc xót khi hiến dâng cho Đức Giêsu một bình dầu thơm hảo hạng có giá tới 300 đồng bạc, tương ứng với khoảng 300 ngày công lao động thời bấy giờ.

Hành động của Maria không phải là một hành động mang tính phung phí như Giuđa nghĩ, mà là dấu hiệu, biểu lộ của tình yêu. Cô đã kính phục Đức Giêsu nhiều chuyện, nhất là hôm cô được ngồi dưới chân Ngài mà nghe giảng. Hơn nữa, người em của cô là Lazarô đã được Đức Giêsu cải tử hoàn sinh, nên lòng kính mến lại dâng lên gấp bội. Vì thế, cô đã không hề tiếc xót khi phải cho đi thứ quý giá của cô. Có lẽ nếu có tiếc thì cô tiếc là không có nhiều hơn để dâng hiến vì cô yêu mến Đức Giêsu tha thiết.

Khi cơ hội ngàn năm có một, nên cô đã tiến lại và đập vỡ bình dầu ra, đổ lên chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau.

Khởi đầu Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hành vi của cô Maria để noi theo!

Noi theo đây không phải là chúng ta phải bỏ ra những thứ đắt tiền như Maria để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, mà là noi theo gương khiêm nhường, sám hối, canh tân và yêu mến như Maria.

Một trong những việc cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với Chúa và hoán cải cuộc đời.

Xin Chúa cho chúng ta bước vào Tuần Thánh với tâm tình sám hối thực sự để chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.



Thiên Chúa ở nhà với con người

Sau ngày Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, bạn có biết Đức Giêsu ở đâu không? Ngài ở một nơi khá bí mật. Vì tình hình lúc đó rất nguy hiểm cho Ngài. Các thượng tế và người Pharisêu đang tìm bắt Ngài. Họ thông báo: “Ai biết được ông Giêsu ở đâu thì báo cho họ đến bắt.” (x.Ga 11,57) Lệnh “truy nã” ấy lan nhanh, nhưng lúc ấy Đức Giêsu ở một nơi khá an toàn: nhà của chị em Mát–ta tại làng Bê–ta–ni–a[1].

Gợi lại bối cảnh như thế để thấy trong đại dịch Covid–19, “hãy ở nhà” cũng là điều cần thiết trong lúc này. Virus không quan tâm người ta giàu nghèo, địa vị cao thấp. Nó sẽ lây lan khi có cơ hội, nhất là khi người ta tiếp xúc với nhau. Đó là tình cảnh nguy hiểm. Do đó, tổ chức y tế thế giới (WHO), mới đưa ra một trong những biện pháp hiệu quả là ở nhà để cách ly với cộng đồng. Ở nhà trong Tuần Thánh này là dịp để cảm nghiệm Thiên Chúa muốn ở nhà với chúng ta thế nào như Chúa Giêsu nói với ông Da–kêu: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5)

Bê–ta–ni–a cách Giêrusalem chừng 4 km. Đó là một làng nằm ở phía đông nam núi Cây Dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường đi Giê–ri–cô. Nơi đó có gia đình người quen của Ngài. Chị em Mát–ta, Maria và La–da–rô là những người thân quen của Đức Giêsu và các môn đệ. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, mỗi lần lên Giêrusalem, các ngài đều ghé qua ngôi nhà thân thương này.

Nếu nhiều người có vẻ lúng túng không biết làm gì khi ở nhà, cứ nhìn vào bối cảnh gia đình Mat–ta! Bất cứ khi nào Đức Giêsu đến, các chị em nhà Mát–ta đều niềm nở đón tiếp. Người nấu ăn, người ngồi tiếp chuyện, người thu dọn. Đó là một gia đình không thiếu niềm vui. Có lần Mát–ta nấu nướng tất bật, chị đã phàn nàn với Chúa vì Maria bỏ chị một mình trong bếp. Maria thì thích nghe Chúa nói chuyện hơn. Chính Chúa cũng khen Maria đã chọn phần tốt nhất. Tuy vậy, hẳn là họ cũng đã cùng nhau nấu ăn, cùng nhau chuyện trò, rộn ràng trong bữa cơm, tế nhị trong hành xử. Nhất là họ luôn tìm được bình an, vì đơn giản, có Chúa ở trong nhà của họ.

Khi ở nhà để phòng chống dịch, sẽ là nguy hiểm nếu ta run sợ và hoang mang trước những thông tin về con virus này. Xã hội và Giáo Hội khuyên người dân tạo cho không gian nhà mình được nhiều niềm vui và bình an. Bằng cách nào? Tùy vào sáng kiến và nhiệt tâm của các gia đình. Nhất là cha mẹ ông bà, ước mong họ khéo léo tổ chức cho các thành viên được nhiều niềm vui. Một trong những điều cần thiết là hướng đến đời sống cầu nguyện, thiêng liêng.

Trở lại câu chuyện Đức Giêsu đang ở nhà với ba chị em Matta. Thánh Gioan là người có mặt lúc ấy ghi lại những hoạt động thật đầm ấm tình người. “Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Ðức Giêsu.” (Ga 12,2). Bạn thử tượng nhóm Đức Giêsu vừa đông, vừa ở dài ngày, đã có bao bữa ăn được thết đãi? Tuy vậy, họ cùng nhau tạo nên bầu không khí vừa nhẹ nhàng, đơn sơ và vui tươi trong khi chuẩn bị bữa ăn. Gia đình chúng ta trong những ngày này cũng thế!

Đã nhiều năm qua, các nhà xã hội học chỉ ra lý do các gia đình đổ vỡ: nguyên do là từ bữa ăn. Khi cuộc sống thời đại kim tiền lên ngôi, tương quan gia đình trở nên lỏng lẻo. Người ta không còn chăm lo cho bữa cơm gia đình nữa. Mặc ai ăn ở đâu cũng được, hoặc ít khi người ta ăn cơm cùng với nhau. Bữa cơm chung là điều xa xỉ với nhiều người, nhất là với người thành thị.

Chiêm ngắm gia đình Mát–ta lúc này, chúng ta ước mong bữa cơm gia đình trong mùa dịch bệnh này có nhiều niềm vui. Xin đừng để một người loay hoay trong bếp. Thật tốt khi có vài người như Mát–ta lo chuyện bếp núc, vài người như Maria lo chuyện lắng nghe Lời Chúa, vài người như anh Ladarô chơi đùa thỏa thích. Rồi thay phiên nhau trong những công việc ấy. Khi đó, gia đình sẽ sinh động hơn nhiều. Đừng “nhàn cư” kẻo “vi bất thiện”. Rảnh rỗi sinh nông nổi, cáu gắt và hục hặc với nhau trong gia đình là điều tai hại.

Một chi tiết dễ thương mà chúng ta thấy nơi hành động của Maria. Cô lấy một cân (khoảng 3 lạng) dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. (Ga 12,3). Đó là cử chỉ diễn tả lòng khiêm nhường và lòng yêu mến của cô. Nhiều nhà thần học cũng gọi đây là “nghi thức mai táng Đức Giêsu trước hạn”. Trước sự phản đối của Giuđa Ít–ca–ri–ốt, Đức Giêsu đã bênh vực Maria.
 
Thiên Chúa ở nhà với chúng ta

Lời khuyên của nhà nước: Khi thực sự cần thiết mới ra khỏi nhà vào lúc này. Hướng dẫn của Giáo Hội: Dù không tham dự thánh lễ, nhưng các tín hữu vẫn có bổn phận cầu nguyện tại nhà, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa theo ngày, hoặc lần hạt Mân Côi, rước lễ thiêng liêng[2]. Ở nhà, chúng ta cũng sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến (Online). Đó là những phương cách giúp chúng ta thấy Thiên Chúa thực sự ở nhà với chúng ta.

Khi viết bài này, tôi nhận được một ca khúc của một bạn nữ tu: Chúa Đau Cùng Con. Trong đó ca từ sơ chia sẻ với mỗi người: Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con. Ngài vẫn bên con mà, lo lắng làm con không nhận ra. Chúa đang bước đi cùng con, nếu lòng tin còn người ơi! Tình Chúa ôi tuyệt vời, Ngài ở bên san sẻ đời buồn vui.”

Thiên Chúa không bỏ con người. Dù chúng ta ở nhà, Thiên Chúa tìm đến tận nơi đó. Cũng như bối cảnh trong tuần mừng lễ Vượt Qua năm xưa, chính Đức Giêsu đến tá túc, cư ngụ tại nhà của chúng ta. Do đó, người Công Giáo ở nhà trong đại dịch Covid–19 sẽ khác so với những người khác. Khác ở chỗ chúng ta còn có Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ liên kết chúng ta và thế giới nên một.

Nguyện xin Đức Giêsu ẩn náu trong nhà của mỗi người chúng ta. Ước mong mỗi người có những sáng kiến cùng nhau tạo nên không gian mà chúng ta  GỌI LÀ mái ấm gia đình. Biết đâu nhờ cơn đại dịch này ngôi nhà của chúng ta thực sự LÀ mái ấm gia đình yêu thương. Mong thay!!!

 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

 
[1] Theo trình thuật thời gian của thánh sử Mát-thêu (Mt 26,6–13) và Mác-cô (Mc 14,3–9). Còn theo thánh Gio-an (Ga 12,1–11), Đức Giêsu từ nhà Mat-ta tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ sau ngày hôm đó, Đức Giêsu cũng trở về lại nơi này.
[2] Tòa TGM Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19–03–2020

 

 Tags: Tuần Thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây