Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Thứ hai - 06/04/2020 20:42 |   1008
Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 26,25)
08/04/2020
THỨ TƯ TUẦN THÁNH




Mt 26,14-25


LÀ MÔN ĐỆ TRUNG TÍN

Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 26,25)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay mô tả rõ nét hơn về chân tướng của Giu-đa: một con người tham lam, dối trá, một môn sinh cạn tình với Thầy. Vì cạn tình nên ông không ngần ngại nộp linh hồn cho quỷ dữ (x. Ga 13,27) khi bán rẻ lương tri, phản bội Thầy mình. Ta không hiểu vì sao một người được Thầy thương tuyển lựa vào nhóm Mười Hai, được ở với Thầy, được sai đi, mà lại trở mặt như vậy! Việc được giao trách nhiệm giữ túi tiền chung cho thấy Thầy tin tưởng ông rất nhiều. Phải chăng thân xác thì đi theo Thầy, nhưng tâm hồn Giu-đa đã bị tiền bạc mê hoặc, bị tinh thần thế tục xâm chiếm đến độ quên hết ý nghĩa đời sống của người môn đệ? Ba mươi đồng bạc – giá của một người nô lệ – lớn đến mức có thể bán cả Thầy mình sao?

Mời Bạn: Hiện nay bạn đang đặt điều gì lên hàng đầu: danh lợi, tiền tài, thú vui, hưởng thụ? Chúa Giê-su còn là Thầy, là Chúa của đời bạn không? Hay Ngài cũng chỉ là một trong các quan tâm của bạn? Là môn đệ Chúa, bạn hãy trung thành với Thầy mình, làm theo lời Thầy dạy: cởi bỏ con người cũ với đam mê, ích kỷ, suy tính, lợi lộc cho bản thân mình, để dấn thân cho thiện ích chung, nhằm mặc lấy con người mới trong Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh bạn tập yêu mến Chúa bằng cách quyết tâm chừa bỏ một thói xấu hay phạm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn đối xử thân tình với chúng con, dù chúng con nhiều lần xúc phạm đến Chúa. Xin cho chúng con biết đáp lại bằng cách từ bỏ con đường tội lỗi xưa, sống hết mình với tình yêu Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Ca nhập lễ

Khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quì gối xuống: Vì Chúa đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá, vì thế Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để giải thoát chúng con khỏi quyền lực ác thần. Xin cho chúng con hưởng nhờ mọi ơn phúc bởi mầu nhiệm phục sinh. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a

"Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng".

(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 21bcd-22. 31 và 33-34

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.

Xướng: Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống dấm chua.

Xướng: Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài bị bắt cầm tù.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Kính lạy Vua chúng con, chỉ có Ngài là Ðấng thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.

PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25

"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lay Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin đoái nhận của lễ chúng con dâng, để tưởng nhớ Ðức Giêsu đã chịu khổ hình. Xin cho chúng con biết đem lòng mến yêu tha thiết thông phần vào cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng thương khó II

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn để tuyên xưng Ðức Giêsu đã chịu chết. Xin cho chúng con vững vàng tin tưởng rằng: Chúa đã ban sự sống muôn đời cho chúng con nhờ cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Suy niệm

“THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?” (Mt 26, 14-25)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ...!

Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: "Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?" Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:

Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.

Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.

Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.



Sẵn sàng cho Cuộc Thương Khó

 
1. Dịch bệnh có phải là thập giá?

Ai cũng đồng ý rằng thập giá là biểu tượng của đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc. Đó là hình phạt mà thời Đức Giêsu, Đế quốc Rôma trừng phạt tội nhân. Đó là khúc gỗ hình chữ thập mà chính Đức Giêsu phải vác lên đồi Canvê. Trải qua dòng lịch sử, dĩ nhiên thập giá trở nên biểu tượng của Kitô giáo. Trong ý nghĩa đức tin này, thập giá là thánh giá vì nó liên kết với sự hiến tế của Đức Giêsu. 

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi Giáo Hội thường liên hệ những đau khổ của con người với thập giá Đức Giêsu. Những đau khổ, bệnh tật và chết chóc như những thập giá mà con người phải gánh lấy. Dù muốn dù không, nó luôn hiện diện với từng người. Nhất là trong hoàn cảnh này, thật dễ để thấy biết bao đau thương nhân loại đang hứng chịu. Có người gào lên trong tuyệt vọng vì thập giá ấy quá nặng. Họ không đón nhận và vác theo. Là người không có niềm tin, chắc chắn những đau khổ thường không có ý nghĩa. Vì lý do này, rất nhiều người bế tắc khi giải thích về khổ đau của kiếp người.

Là người Công Giáo, không chỉ dịch bệnh lần này mới là thập giá nặng nề. Giáo Hội xác tín rằng: “Thiên Chúa toàn năng tốt lành, nên Ngài biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ.” (GLHTCG 311). Đối diện với dịch bệnh lần này, chúng ta vững tin vào điều tốt đẹp mà Ngài sẽ đem đến cho ta. Ngài làm cho đêm tối của chúng ta thành ánh sáng. Bởi chính Ngài cũng đang vác thập giá cùng ta.

Chúng ta ý thức mỗi người có một thập giá rất riêng mà Đức Giêsu mời gọi “hãy vác thập giá hàng ngày của mình” (Lc 9,23) mà đi theo Ngài. Trong thời Cựu Ước, trước cảnh khốn cùng của dân Israel, Thiên Chúa đã đoái thương và giải thoát họ khỏi ách nô lệ (Xh 3,17). Sang thời Tân Ước, chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã giải thoát con người khỏi ách tội lỗi.

Hiểu theo những ý nghĩa trên, dịch bệnh virus Corona thực sự là thập giá. Đó là một nỗi đau cho toàn nhân loại. Chúa Giêsu mời tôi vác chứ không kéo lê hoặc chối từ; nghĩa là đón nhận trong bình an. Chỉ có ai dám đi với Ngài trong con đường khổ giá, người ấy mới hy vọng được ở với Ngài trong vinh quang.

2. Niềm vui của thập giá

Đau khổ, dịch bệnh và chết chóc không bao giờ là niềm vui. Chẳng ai mong chờ điều ấy. Đó là nỗi buồn khủng khiếp cho bất kỳ ai vướng phải. Thực ra chúng ta đang giải thích theo lối hiểu thông thường, theo phương diện sinh học, tâm lý tự nhiên. Về chiều kích tôn giáo, những điều ấy lại trở nên cơ hội để con người gần hơn với Đấng họ tôn thờ. Cụ thể người Công Giáo luôn tôn sùng thập giá Chúa Kitô, vì nơi đó, chúng ta kín múc được sức mạnh để bước theo Ngài.

Bởi thế, các Tông Đồ khuyên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai hãy kiên cường, vui vẻ đón nhận thánh ý Chúa. Chính các ngài cũng luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu. (2 Cr 4,7). Nếu ai bảo mình luôn yêu mến Thiên Chúa mà từ chối thập giá là người ấy nói dối. Bởi, “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt10,37–39). Đấy là lời mời gọi thách đố cho mọi thời và mỗi người!

Dĩ nhiên Chúa không trừng phạt con người bằng những khổ đau và cái chết. Đó là thực tại của kiếp người sinh, lão, bệnh, tử. Bằng con đường thập giá của Đức Giêsu, chúng ta hy vọng tìm được nhiều bình an trong mọi biến cố. Nhìn các vị tử đạo, những người tù đày vì đức tin, chịu mọi khổ đau vì Thiên Chúa, niềm vui nội tâm của họ thật lớn lao biết bao!

Trong cuốn Con đường Hạnh phúc, Đức Giám Mục Fulton J. Sheen viết rằng: “Nếu có Đấng Chuộc Tội, thì có Thập giá. Nếu có Thập giá, thì có phương thế để điều chỉnh lại cuộc đời chúng ta. Và như thế thì sự thất vọng sẽ biến đi và ta có được sự an bình mà thế gian không thể nào ban cho được”. Đó là niềm vui cho những ai cảm nhận được ý nghĩa của khổ đau.

3. Đường tình đó Ngài dành cho con

Có lẽ hôm nay là ngày cuối cùng Đức Giêsu ở nhà của Marta. Hôm sau, thứ Năm Tuần Thánh, Ngài chính thức bước vào con đường thập giá. Đó là con đường Chúa đã đi qua mà linh mục Văn Chi gọi là con đường tình yêu. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thật khó để bước vào. Cũng như dịch bệnh hôm nay, thử hỏi mấy ai vui lòng đón nhận. Với Chúa và trong Chúa, chúng ta có thể vác được nó.

Thực ra chúng ta đã sắp kiệt sức để chấp nhận thập giá bệnh dịch này. Giáo Hội luôn mời gọi con người cầu khẩn, van xin Chúa ban sức mạnh để chấp nhận tất cả. Không chỉ Giáo Hội Công Giáo, các tôn giáo khác cũng hướng về Đấng họ tôn thờ để cầu xin. Chúng ta tin Thiên Chúa, ít là lúc này, cho mỗi người không hoang mang, vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nếu lúc bình an hoan hỷ xin được vác thánh giá đi theo Chúa, thì lúc này chẳng lẽ chúng ta chối từ thập giá sao?

Đừng quên con đường thập giá nhẹ nhàng hơn nhiều nếu chúng ta vác cùng nhau. Nghĩa là mỗi người sẵn sàng bước vào cuộc thương khó cùng với nhau. Chúa đi trước, mình đi sau. Chúa bảo đảm cho mình bình an, chúng ta tín thác. Thay vì cứ chăm chú nhìn vào thập giá, thay vì giải thích khổ đau...Chúa gọi tôi kề vai cùng vác. Đó là sức năng động của con đường tình này.

Để sẵn sàng đi cùng với Chúa, chúng ta cùng nhau nghe lời cầu nguyện của ca khúc: Chúa Đau Cùng Con, Sáng tác: Sr. Quỳnh Thoại, Thể hiện: Minh Nguyệt: https://www.youtube.com/watch?v=KNUQjaJb638
 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây