TỪ “THẤY” ĐẾN “TIN”
Ông Si-mon Phê-rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,6-8)
Suy niệm: Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: – việc Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; – hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn (khăn liệm và các băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); – sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gio-an đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin.”
Mời Bạn: Gio-an đã “thấy” chính những điều mà Phê-rô, Tô-ma hay các tông đồ khác cũng thấy, đó là ngôi mộ trống và tấm khăn liệm. Nhưng nhờ đó, Gio-an “thấy” được cả những “điều không thấy”: xác Chúa không còn trong mộ nữa. Từ “điều không thấy”, Gio-an đã tin: tin Đức Ki-tô đã sống lại. “Phúc cho ai đã không thấy mà tin,” phải chăng Đức Ki-tô phục sinh nói điều đó trước hết cho Gio-an?
Chia sẻ: Từ sự kiện “mồ trống”, bạn lập luận để xác tín rằng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh mà Gio-an và các tông đồ rao giảng cho chúng ta quả là xác thực.
Sống Lời Chúa: Bạn dùng một cử chỉ (phủ phục trước Thánh Thể Chúa…) hoặc một lời nguyện vắn tắt để tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến,
Ngày trọng đại, vui mừng và mang nhiều ý nghĩa nhất của Kitô giáo đó là ngày đại lễ Phục Sinh hôm nay. Chính ngày hôm nay, làm cho tất cả các ngày lễ khác có ý nghĩa, kể cả lễ Giáng Sinh. Nếu Chúa không sống lại từ cõi chết thì như Thánh Phaolô Tông Đồ nói : tất cả nền tảng đức tin của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, vô ý nghĩa và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trở thành một tin buồn chứ không phải Tin Vui. Sự Phục Sinh của Chúa cho chúng ta thấy rõ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Chúa Kitô sống lại, Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu Phục Sinh này đến cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương. Vì thế, tiếng nói cuối cùng không phải là của sự dữ và tội ác, mà là lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã đổi mới tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài, làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm tin và hy vọng. Vậy giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ này trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen quyền năng vô biên của Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại khải hoàn.
Ca nhập lễ
Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu - Alleluia.
Hoặc đọc:
Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.
Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: "Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".
Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia
Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Trong Ngày cực thánh này, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa dâng lời cầu nguyện, để niềm vui Phục Sinh của Con Chúa lan tỏa khắp trần gian.
1. Xin cho niềm vui Phục Sinh làm cho Hội Thánh được đổi mới và hăng hái dấn thân như bà Maria Ma-đa-lê-na, Thánh Phêrô và Thánh Gioan trong việc làm chứng và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.
2. Xin cho cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô trở nên nguồn an ủi và hy vọng cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bị bỏ rơi hay chịu bất công xã hội.
3. Xin cho sự Phục Sinh của Chúa Kitô trở nên nguồn hòa giải và phúc bình an cho những ai đang sống trong hận thù, bạo lực và chiến tranh.
4. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh biến đổi tâm hồn chúng ta, đặc biệt là các anh chị em tân tòng vừa được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng Phục Sinh và từ khước bóng tối tội lỗi.
Chủ tế: Lạy Cha chí thánh, trong sự Phục Sinh của Con Cha, Cha đã xóa tan mọi sợ hãi và làm hiện thực hóa những gì chúng con không dám hy vọng. Xin nghe lời chúng con cầu nguyện để chúng con luôn sống trong niềm vui của đoàn dân đã được Con Cha cứu chuộc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng Phục Sinh I: "nhất là trong ngày cực thánh này"
Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh "Cùng hiệp thông..." và kinh "Vậy, lạy Cha..."
Ca hiệp lễ
Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính - Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin...
Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:
X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia
Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.
Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.
Suy niệm
Trong thời sơ khai của Giáo Hội, những lời giảng dạy của các tông đồ mang nội dung chính yếu là sự phục sinh của Đức Giêsu. Nội dung giảng dạy này được gọi là Kerygma, Đó cũng là chủ đề trọng tâm các cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô với người Do Thái cũng như với dân ngoại. Tại Xêdarê, ông Phéttô báo cáo vua Ác-ríp-pa nhân dịp vua đến thăm: "Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống" (Cv 25, 19). Giảng về Đức Giêsu phục sinh cũng là một điều gây vấp phạm đối với cử tọa, như trường hợp ở Athena, vừa khi thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu sống lại, thì nhiều người nhạo cười và bỏ về (x. Cv17, 22-32).
Thực ra, khi Chúa bước ra khỏi mồ, không có môn đệ nào chứng kiến. Ngôi mộ trống là khởi điểm cho những câu hỏi được đặt ra, khiến họ hồi tưởng quá khứ để suy tư những lời Chúa đã nói trước. Thế rồi, họ được gặp Chúa phục sinh. Lúc đầu họ còn ngờ vực, nhưng rất nhanh sau đó, họ đã nhận ra Người. Họ còn được đàm đạo và ăn uống với Người. Nhờ đó mà họ có cảm nhận rất sâu sắc về Đấng Phục sinh.
Sự phục sinh của Chúa giúp các tông đồ kiên vững lòng tin vào Thày mình. Trường hợp hai môn đệ trên đường Emmaus là một chứng minh. Trước khi gặp Chúa, các ông mệt mỏi, thất vọng và đang tính bỏ cuộc, nhưng sau khi nhận ra Thày mình, họ tìm lại nghị lực, vui tươi, phấn khởi và lên đường về Giêrusalem ngay trong đêm ấy. Biến cố phục sinh cũng giúp cho họ hiểu hơn về giáo huấn của Chúa Giêsu. Quan niệm của họ về Chúa Giêsu được nhìn với nhãn giới "hậu-phục-sinh" và nhờ đó, họ có một chân dung xác thực về Đấng Thiên Sai.
Chính chứng từ của các tông đồ đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi và đem lại hiệu quả nhanh chóng của công cuộc truyền giáo. Những người đương thời với tông đồ không nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng qua cử chỉ, lời nói và nhất là qua niềm xác tín của những người dân chài chất phác này, họ thấy được Chúa Giêsu đang hiện diện. Họ thấy rằng sự kiện một người đã chết rồi sống lại không thể lý giải được bằng lý trí, nhưng cũng không phải là chuyện tầm phào, vì chứng nhân sẵn sàng lấy mạng sống của mình để làm chứng. Đối diện với các nhà chức trách đạo cũng như đời, những người dân chài hiền lành này lại rất can đảm, không phải bằng một thứ lý luận uyên thâm, nhưng rất đơn giản và chắc chắn: "Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra" (Cv 4,20).
Những chứng nhân phục sinh là ai? Đầu tiên, phải kể đến Maria Mađalêna, một người đã nghe lời Chúa giáo huấn mà rũ bỏ quá khứ tội lỗi. Kế đến là những tông đồ, những người đã cùng sống với Chúa, đã chứng kiến những phép lạ Người làm. Các tông đồ là những người dân chài ít học. Họ không lý luận uyên thâm thông thái. Họ chỉ nói điều họ đã nghe, đã thấy và đã cảm nhận.
Khi mừng lễ Phục sinh, tôi được mời gọi trở thành chứng nhân của sự kiện Chúa sống lại. Tuy vậy, để có thể làm chứng về Đấng Phục Sinh, tôi phải biết Người, phải gặp Người và cảm nhận được sự hiện diện của Người trong đời tôi. Tôi không thể làm chứng về một người hay một sự việc mà tôi không biết chắc. Làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh hôm nay đôi khi phải chấp nhận là kẻ "ngược dòng" trong một xã hội xô bồ, phức tạp. Các tông đồ và các thánh tử đạo sau này đã những người dám đem mạng sống mình để "đặt cược" cho lời chứng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Một chứng từ được cam kết bằng mạng sống sẽ có tính thuyết phục mạnh mẽ và làm cho người khác tin. Xác tín nơi Đấng Phục Sinh, các tông đồ khi bị đánh đòn và bạc đãi, lại "hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu" (Cv 5,41).
"Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì? Xin kể cho chúng tôi nghe" (Ca Tiếp liên lễ Phục Sinh). Ngày hôm nay, xung quanh tôi, có biết bao người đang đặt câu hỏi này cho tôi. Tôi đã thấy những gì? Tôi có gặp Đấng Phục Sinh giữa đời tôi hay không? Sự hiểu biết Chúa của tôi có thâm sâu đến mức tôi có thể kể cho mọi người nghe về Người? Hay tôi chỉ biết Chúa như một nhân vật của huyền thoại hoặc một nhân vật của lịch sử. Sự hiểu biết Chúa phải dẫn tôi đến việc biến đổi canh tân cuộc đời, để tôi được sống lại với Chúa. Nói cách khác, chính Chúa Phục Sinh sống trong tôi và làm đổi mới tận căn cuộc đời tôi, đến mức "tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Đối với những người đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất công, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đã đến nâng đỡ hai môn đệ trên đường Emmaus, giúp họ tìm lại nghị lực và niềm tin? Với những người đang sống trong chia rẽ bất hòa, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đang yêu thương tha thứ? Chứng từ phục sinh phải đến từ cuộc sống an bình, vui tươi và thấm đượm ân sủng.
Hiểu được như trên, mỗi tín hữu sẽ trở thành một chứng nhân của Đấng Phục Sinh giữa đời thường. Họ sẽ làm lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống niềm vui của Tin Mừng và tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại.
Có tin vui giữa mùa đại dịch
Giả như lúc này người ta vừa bào chế thành công thuốc chủng ngừa và phương thuốc chữa trị Covid-19, đó thực sự là một “tin mừng”. Khi đó chắc nhiều người không tin vào mắt và tai mình. Họ phải đi kiểm chứng trên các phương tiện truyền thông. Nửa ngờ nửa tin. Nếu là thật, chắc chắn đó là “tin mừng trọng đại” cho toàn dân. Chúng ta vẫn tin và chờ đợi thời khắc ấy mau đến.
Cũng vậy, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật), người ta nghe loáng thoáng vài phụ nữ loan tin: “Đức Giêsu đã trỗi dậy.” (Mc 16,6). Tin Mừng thánh Gioan cùng thuật lại chính Maria Mác-đa-la hoảng hốt khi thấy cửa mồ đã mở toang chạy đi báo động, khiến Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến cũng hốt hoảng chạy ra mồ. Nhưng sau khi được diện đối diện với Đức Giêsu phục sinh, bà lại chạy đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ. Dĩ nhiên làm sao các ông có thể tin vào điều lạ lùng như thế!?.
1. Dấu chỉ của sự phục sinh
Cả bốn Tin Mừng đều kể lại câu chuyện ngôi mộ trống. Các ngài muốn nói đây là dữ kiện quan trọng đầu tiên cho thấy thầy Giêsu đã phục sinh. Phêrô và người môn đệ Chúa Giê-su yêu dấu chạy chạy ra mộ. Ông Phêrô tới và vào thẳng trong mộ, thấy băng vải và khăn che đầu. Các khăn ấy được quấn lại, xếp riêng ra một nơi. Môn đệ kia cũng vào. Ông đã thấy và đã tin Thầy sống lại!
Nếu đến Đất Thánh, bạn sẽ thấy ngôi đền nhỏ trên mộ Chúa được sửa sang và hoàn tất vào tháng 3 năm 2017. Sau những ngày tháng nghiên cứu trên bình diện khoa học về Mộ Chúa, giáo sư giám đốc dự án này phát biểu với giới truyền thông rằng: “Mọi thứ nơi đây đều chuyển tải một thông điệp Phục sinh: Niềm hy vọng và ơn phúc cho hàng triệu người.”[1]
Dấu chứng ấy gia tăng hy vọng của chúng ta trong lần đại dịch này!
Thực ra dấu chỉ phục sinh còn được nhận ra với câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau. Thầy Giêsu hiện ra để đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chúc lành và giúp họ nhận ra Chúa Phục sinh. Khi đồng bàn, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc24, 30), họ mới nhận ra Thầy mình đã sống lại. Trong nghĩa này, phải chăng Chúa phục sinh cũng đang đi bên cạnh mỗi người trong cuộc đời. Ngài mời gọi tôi nhận ra niềm phấn khởi trong nỗi sầu tuyệt vọng. Đó là món quà, là tin vui giữa lúc các ông tuyệt vọng.
Dấu chứng ấy củng cố niềm tin của chúng ta trong lần đại dịch này!
Bằng chứng khác về biến cố phục sinh: Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ (x Ga 20,19-29). Họ đang tuyệt vọng, run sợ và hoang mang trước cái chết của Thầy mình. Trong hoàn cành co cụm ấy, Đức Giêsu đã hiện ra. Ngài trao ban bình an cho các ông. Các ông còn được xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Đây thực sự là tin vui giữa giờ tuyệt vọng! Thời khắc đó xoay chuyển mọi sự nơi các ông. Mỗi người mạnh dạn ra đi loan báo tin mừng cho muôn dân. Họ cho nhân loại thấy Đức Giêsu đã chết, và nay đã sống lại, để cứu độ con người.
Chúa đang trao sự sống cho chúng ta trong lần đại dịch này!
Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh. Nhiều người lấy lại sức sống với tin mừng đó. Họ tin theo Đức Giêsu nhiều hơn. Giáo Hội sơ khai lớn mạnh và lan nhanh đến nhiều gia đình, xóm làng, thành thị và quốc gia. Ai nghe và đón nhận thì tin ấy sẽ là phần phúc cho họ.
2. Để tin vui Phục Sinh lấn lát tin buồn mùa dịch
Có thể đỉnh điểm của mùa dịch diễn ra trong mùa phục sinh. Chúng ta hy vọng thế để cơn dịch sớm giảm dần. Trong thời khắc khó khăn này, đã và sẽ có muôn vàn khó khăn mà con người phải gánh chịu. Họ làm sao thanh thản khi người thân qua đời. Mấy ai vui khi có người nhà nhiễm bệnh. Chắc không thể an lòng khi dịch càng đến gần gia đình mình hơn. Điều ấy là có thực, nhưng đừng để tin tức ấy dập tắt mọi hy vọng của ta.
Giáo Hội tha thiết mời gọi mỗi người hãy để niềm hy vọng của Chúa phục sinh tiếp tục soi sáng con đường mỗi người. Phục sinh là niềm tin, là hy vọng của chúng ta. Đó là những thứ chúng ta cần lúc đại dịch đang lan tràn. Để cùng với Chúa và với nhau, tin vui bình an sẽ cho mỗi người sáng suốt hành xử trong bối cảnh đầy biến động này. Bởi, ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô tỏa ra trong niềm vui và sự bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho, và không ai lấy mất được (Ga 14,27).
Xin đừng gieo cho mình và người khác sợ hãi và hoang mang. Chúa muốn trao ban bình an cho mỗi người. Đồng thời Ngài cũng muốn qua chúng ta, tin mừng bình an này đến với những người xung quanh. Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi đó than ngắn, thở dài mà nguyền rủa số phận đau thương. Đây là thời gian để Tin Mừng sự thật và sự hiện diện của Chúa Phục sinh lan nhanh bao nhiêu có thể. Dẫu cho dịch cũng lan tràn, nhưng mỗi người tin rằng Chúa Phục sinh đang ở với con người.
3. Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp chúng con
Câu cuối cùng của Tin Mừng thánh Mác-cô viết: “Các Tông Ðồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16,20).
Suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Tin Mừng đã loan đến tận cùng trái đất. Nhiều người đã biết đến, yêu mến và tin theo Đức Giêsu. Khi đó họ cũng được Đức Giêsu ở cùng. Hẳn là mỗi người có kinh nghiệm về những điều Thiên Chúa đã làm cho mình. Đó là những dấu lạ, là sức mạnh và ân huệ để ta bước tiếp.
Trong ngày trọng đại này, hẳn là mỗi người tiếp tục xin Chúa cứu nhân loại trong cơn dịch bệnh. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô[2]: “cha khuyến khích các con luôn sống đức tin với lòng nhiệt thành và đừng mất hy vọng vào Chúa Giêsu. Ngài là người bạn trung thành, người lấp đầy cuộc sống của chúng ta với hạnh phúc, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.”
Cũng thế, Friedrich Schiller nói với chúng ta rằng: “Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm, và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng.” Cầu chúc bạn và tôi, ai cũng nhận được niềm vui phục sinh.
Lời nguyện kết thúc và mở ra
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, hành trình Tuần Thánh năm nay cho chúng con nhiều kinh nghiệm thú vị. Từ con đường thập giá, chúng con thấy Chúa đang chịu đau khổ với con người. Chúa đã dùng thánh giá để làm những điều vĩ đại cho nhân loại. Dẫu dịch bệnh có uy hiếp từng người, nhưng chúng con không cô đơn. Chúng con có Thiên Chúa và có nhau. Nếu Chúa đã khởi sự những điều tốt lành nơi chúng con, thì xin tiếp tục đi cùng với chúng con trong chặng đường phía trước. Nơi ấy luôn có tin vui, tin mừng và tin tốt. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn