Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 23/02/2022 17:40 |   631
“Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con ngưòi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10, 6-8)

25/02/2022
THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

 

t6 t7 TNC

Mc 10, 1-12


NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con ngưòi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10, 6-8)

Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Đức Giêsu nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.

Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?

Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.

Cầu nguyệnLạy Cha nhân ái, xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem hạnh phúc đến mọi gia đình trong đại gia đình nhân loại. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 6, 5-17

“Không gì sánh được với người bạn trung thành”.

Trích sách Huấn Ca.

Lời nói ngọt ngào gia tăng số bạn hữu và thoa dịu những kẻ thù; lưỡi êm dịu nơi người hiền tăng thêm hoà khí.

Ngươi nên có nhiều bạn hữu, nhưng chỉ nên chọn một trong ngàn người làm cố vấn.

Nếu ngươi có được người bạn hữu, hãy thử thách rồi hãy nhận, và đừng dễ dàng tin tưởng người đó. Vì có thứ bạn hữu chỉ thân trong lúc vận hên và không trung thành trong cơn khốn khó. Có thứ bạn hữu sau trở thành thù địch. Có thứ bạn hữu tiết lộ những chuyện oán thù, tranh chấp và ghen tương của ngươi. Có thứ bạn hữu chỉ thân lúc ở bàn ăn, gặp lúc gian truân không nhìn thấy bóng. Có thứ bạn hữu khi được thâu nhận sẽ trở thành bình đẳng với ngươi, vì tự do hành động trong những điều thuộc nội bộ nhà ngươi. Nếu ngươi bị người ta hạ nhục, hắn sẽ phản lại ngươi, và hắn sẽ xa tránh mặt ngươi. Ngươi hãy xa lánh kẻ thù và hãy đề phòng với bạn hữu.

Người bạn trung thành là chỗ dung thân vững chắc. Ai gặp được người bạn hữu như thế, là gặp được kho báu. Không có gì sánh được với người bạn trung thành, không số lượng vàng bạc nào có thể cân nặng hơn lòng trung tín tốt lành của người bạn đó. Người bạn hữu trung thành là liều thuốc trường sinh bất tử. Những ai kính sợ Chúa, sẽ gặp được người bạn đó. Ai kính sợ Chúa, người đó cũng có tình bạn tốt, vì người bạn hữu của người đó sẽ giống như người đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 12. 16. 18. 27. 34. 35.

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài

Xướng: Thân lạy Chúa, Ngài muôn phúc đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Con lấy thánh chỉ Ngài làm hoan lạc, và lời Ngài dạy, con chẳng dám quên.

Xướng: Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

Xướng: Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.

Xướng: Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.

Xướng: Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 9-12

“Kìa quan toà đã đứng trước cửa”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THIÊN CHÚA KHÔNG LY DỊ CON NGƯỜI! (Mc 10,1-12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Nói về sự chung thủy trong hôn nhân Công Giáo, nhiều người đã không khỏi khó chịu và buông theo những lời chê bai như: Giáo Hội không thích ứng với thời đại; Giáo Hội là một bà già; Giáo Hội bảo thủ…

Khi nhận định như thế, người ta đòi Giáo Hội phải duyệt xét lại vấn đề hôn nhân. Một mặt họ muốn dễ dãi, không muốn ràng buộc. Mặt khác, người ta muốn coi đời sống hôn nhân như là một sự thỏa thuận thuần túy con người, tức là giảm thiêng.

Tuy nhiên, Giáo Hội từ bao đời vẫn luôn trung thành với Giáo Huấn của Đức Giêsu, người sáng lập nên Giáo Hội mà chúng ta là thành phần trong Giáo Hội ấy. Giáo huấn về hôn nhân được khởi đi từ ý định Thiên Chúa, vì thế, nó thuộc Thiên Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”.

Nếu chỉ giải thích như thế, hẳn con người thời nay rất khó đón nhận. Nhưng cần thêm giáo huấn của thánh Phaolô để làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa: “Chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình vì Giáo Hội”.

Thật vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Đức Giêsu không ly dị Giáo Hội của Ngài, mặc cho con người và Giáo Hội có những điều trái khuấy.

Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã kết ước với Chúa. Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chúa làm chủ và ta là thần dân của Ngài. Từ giao ước đó, chúng ta được mời gọi trung thành giữ giáo huấn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta đã bội ước và đã làm cho cuộc hôn nhân thánh của mình bị đứt đoạn.

Nguyên nhân làm cho sự trung thành của chúng ta gãy cánh, đó chính là những tội lỗi, ngờ vực và thiếu tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa khi chúng ta đi tìm những lợi lộc thấp hèn qua những thụ tạo do con người và ma quỷ tạo nên.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài. Amen.

SỰ GÌ – SỰ NÀY HAY SỰ KIA


(Mt 19,1-9; Mc 10,1-12) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Đã từng hỏi các em thiếu nhi trong một thánh lễ có cử hành bí tích hôn phối rằng: “Có phải Thiên Chúa “bắt” hai anh chị này cưới nhau không?”. Các em đồng thanh trả lời: “Dạ - Không”. Quan niệm dân gian một thời nghĩ rằng duyên phận đôi lứa là do ông trời, “ông tơ – bà nguyệt” xe định. Dĩ nhiên ngày nay chẳng còn ai nghĩ như vậy và nhất là dưới cái nhìn Kitô giáo thì hôn nhân là do chính hai người nam nữ trưởng thành trong ý thức và tự do quyết định “trao thân gửi phận” cho nhau. Vậy chúng ta hiểu thế nào về câu nói của Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly?”

Khi nói câu này thì Chúa Giêsu tuyên bố rằng hôn nhân là định chế Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ đầu lúc tạo dựng nên con người có phái tính. Định chế này có tính vĩnh viễn cho đến lúc một trong hai người qua đời. Tất cả những ai ý thức và tự do bước vào đời sống hôn nhân thì phải tuân giữ định chế này, nghĩa là phải giữ sự thủy chung với nhau trọn đời trong mọi cảnh huống của cuộc sống, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như lúc mạnh khỏe. Dù rằng nội hàm của sự thủy chung là trước sau như một, nhưng chung thủy với nhau không có nghĩa là không bao giờ sai lỗi mà là không được phép ly dị để tái hôn hay chia đàn xẻ nghé.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là có nhiều “sự này” hay “sự kia” không đúng  ý Thiên Chúa thì sao đây? Vấn đề thật là nhiêu khê cho các nhà thần học luân lý cũng như các chuyên gia Giáo luật Công giáo. Có thể nói Công giáo là tôn giáo rất chặt chẽ và cũng rất khắt khe về vấn đề ly dị tái hôn. Đã từng một thời người ta nhìn nhận thực tiễn rằng nhờ sự chặt chẽ trong luật lệ hôn nhân nên chuyện ly dị tái hôn trong Công giáo rất ít so với bà con lương dân hay anh chị em ngoài Công giáo. Tuy nhiên thời gian gần đây tỷ lệ % vụ ly dị tái hôn trong Công giáo có vẻ tăng nhiều, thậm chí có nơi gần bằng bà con khác tôn giáo và anh em lương dân.

Giáo hội đã nỗ lực tìm cách tuyên bố nhiều nố hôn nhân không thành sự vì nhiều nguyên nhân, cách riêng về lãnh vực ý thức và sự tự do khi kết hôn trước đây. Tuy nhiên có đó tình trạng nhiều Giáo hội địa phương lại ngần ngại việc này, vì thế nhiều tín hữu Công giáo phải sống trong sự mặc cảm đáng tiếc. Có đó nhiều đấng bậc tuyên bố rằng sự bền vững của hôn nhân là luật của Thiên Chúa nên “không có luật trừ”. Thiển nghĩ rằng cái nhìn này có phần vừa bất cập vừa thái quá. Phải chăng “đặc ân Phaolô” và “đặc ân Phêrô” không là luật trừ?

Luật tôn trọng sự sống (cấm giết người) là luật của Thiên Chúa và xem ra trọng hơn luật hôn nhân bền vững. Thế mà luật này vẫn có luật trừ chẳng hạn trong trường hợp tự vệ chính đáng hoặc khi phải bảo vệ tổ quốc. Xin có chút thiển ý về câu nói như là “luật trừ” của Chúa Giêsu. “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẩy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). Rất nhiều bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp về đoạn Mt 19,9 về nội dung trường hợp ngoại trừ là “except it be for fornication”; “except for sexual immorality”; “unless his wife has been unfaithful”; “sauf pour cause d’infidélité”; “non pour motif de fornication”. Đa số các bản dịch đều nói về sự thiếu thủy chung trong nghĩa tình phu phụ.

Nhiều người vì tiên thiên cho rằng luật bền vững hôn nhân là tuyệt đối nên dịch trường hợp “ngoại trừ” mà Chúa Giêsu đưa ra là “hôn nhân bất hợp pháp”. Nếu xét “hôn nhân bất bất hợp pháp” là không thành sự thì không ai dùng chữ “ngoại trừ”. Khi dùng hạn từ “ngoại trừ” để loại ra cái gì đó trong một tập thể thì cái bị loại ra phải đồng bản chất với những cái còn lại trong tập thể. Chẳng hạn nói rằng các em học sinh đều được đến trường học trực tiếp ngoại trừ những em đang dính virus corona, thì các em đang dương tính (positive) ở đây đích thực là học sinh. Hoặc nói những ai đến tuổi trưởng thành đều có quyền kết hôn ngoại trừ người mắc bệnh tâm thần thì “người mắc bệnh tâm thần” ở đây được hiểu là những người đã đủ tuổi trưởng thành. Như thế khi hiểu và dịch lời Chúa Giêsu nói về trường hợp ngoại trừ mà áp dụng vào trường hợp hôn nhân không thành sự thì xem ra không ổn và có phần khiên cưỡng.

Ai trong chúng ta cũng mong và đều muốn rằng đã kết hôn là “trăm năm hạnh phúc”. Sự vững bền của hôn nhân không chỉ liên hệ đến hạnh phúc của hai người phối ngẫu, đến con cái mà còn liên hệ đến xã hội vì gia đình luôn được xem là tế bào của xã hội. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy lý tưởng ấy không dễ thành hiện thực với nhiều trường hợp cụ thể. Có đó nhiều trường hợp hôn nhân mà bản thân không tin là “thành sự” vì thực tế đời sống chung “như là hỏa ngục trần gian”, thế nhưng để giải gỡ theo luật thì thật quá khó. Dù rằng không phù hợp với thần học bí tích hiện nay, nhưng vẫn có đó lời phiền trách rằng Giáo hội dễ dàng giải gỡ sự ràng buộc “hàng giáo sĩ”, “lời khấn trọn đời” của tu sĩ mà lại quá khắt khe về dây hôn phối! Hy vọng rằng dưới tác động của Chúa Thánh Thần và theo sự góp ý của các chuyên gia “đạo – đời”, Giáo hội Công giáo sẽ có phương thế thích hợp để vừa bảo vệ định chế hôn nhân đồng thời vừa giải quyết nhiều trường hợp hôn nhân không đúng và chẳng đẹp ý Thiên Chúa chút nào.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây