SNTM Chúa nhật 25 Thường niên -B

Thứ tư - 18/09/2024 08:15 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   53
“Ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN25TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 9, 29-36)

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không. Đó là ca từ của bài hát “Để gió cuốn đi”, do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho đời, nó được cất lên khi tình người đang dần cạn kiệt, khi tình người đang nhạt dần và đang bị mai một. Một tấm lòng được hiểu là một tình yêu chân thành, một sự trân trọng cần có trong cuộc sống con người. Địa vị, danh vọng chỉ là những ảo tưởng, chỉ là hư danh, chỉ làm cho con người nhiều lúc bị vong thân. Thế nhưng, khi làm người, ai cũng mong mình có một địa vị trong cộng đoàn, có một danh vọng nào đó trong xã hội, để khẳng định mình. Trong lãnh vực tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, sinh ra trong đời là một diễm phúc lớn mà con người đón nhận từ Thiên Chúa, hạnh phúc của con người là được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, còn những thứ khác chỉ là phương tiện giúp con người xây dựng tình huynh đệ, kết nối tình cộng đoàn và giúp nhau trong hành trình theo Chúa, bởi đó là một hành trình đầy thăng trầm, một hành trình mà người bộ hành mang trên mình thập giá cuộc đời.

Tác giả sách Khôn Ngoan chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của mình khi đối diện với tình yêu cúi xuống của Thiên Chúa, mỗi khi nhìn lại cuộc đời của mình và những ai tin tưởng vào Ngài: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không”. Thiên Chúa đầy quyền năng, tại sao Ngài lại cúi xuống ôm lấy con người khi con người chỉ là một tội nhân, hơn nữa, Ngài còn che chở và bảo vệ những người con của Ngài khi họ đối diện với những cạm bẩy, những thách đố trong cuộc đời. Thiên Chúa là người cha hết mực yêu thương con cái, nhất là những đứa con thiếu may mắn.

Đối diện với một cuộc sống đầy tham – sân – si, thánh Gia-cô-bê luôn nhắc nhở con cái Thiên Chúa, hãy biết biện phân việc làm của mình, đặc biệt trong trách vụ và bổn phận được giao phó, trong những phút giây mềm lòng, con người dễ rơi vào chiếc ghế thống trị đầy uy quyền. Đó là lúc cần phải nhìn nhận sự hiện hữu của mình, trách vụ hiện tại của tôi là gì, để làm gì cho tha nhân, phục vụ hay thống trị: “Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em”. Phục vụ trong tinh thần cúi xuống, vẫn mãi là một lời mời gởi đến cho mỗi tín hữu Kito, dù được đặt để vào chỗ nào hãy nhớ lời dạy của thánh nhân: “Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Thích làm lớn, thích được thống trị, thích được chiều chuộng và thích được phô diễn cái tôi của mình, luôn là căn bệnh trầm kha của con người. Ngay trong cộng đoàn thiêng liêng gần gũi nhất của Đức Giêsu là các Tông đồ, các ông cũng mang trong suy nghĩ của mình khái niệm đó. Với những suy nghĩ sân si như vậy, họ chưa tìm thấy con đường Thầy mình giới thiệu, thậm chí còn đi sai lạc, mang trong tư duy của mình khái niệm về thống trị, về quyền bính thì làm sao họ có một tâm hồn nhỏ bé như trẻ thơ được, mang trong đầu khái niệm thích ăn trên ngồi trước, làm sao có thể cúi xuống để lắng nghe và thấu cảm với mọi người được, vì thế, Đức Giêsu, một lần nữa đã nhắc nhở mọi người: “Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Tư tưởng thích làm lớn, thích có địa vị luôn cám dỗ và ngự trị trong mỗi con người, nó chờ chực cơ hội đến để tung hoành, nếu con người biết dùng lý trí, ý chí của mình, cùng với sự khiêm tốn của người môn đệ Đức Giêsu, họ biết mình cần làm gì và phải tránh những gì trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc và trách vụ của mình.

Người làm lớn là người có quyền lực cao, có thể thống trị mọi người, dù đó là lãnh vực xã hội hay tôn giáo, bởi tư tưởng đó luôn có sẵn trong con người. Vì sao tư tưởng thống trị cứ thôi thúc con người tìm cách có được địa vị, tất cả chỉ vì ghen tuông, ghen với người khác có tài, ghen với người khác vì họ giỏi giang, vì họ có duyên và có nhiều khả năng. Từ sự ghen tuông đó, con người tìm mọi cách để chỗi dậy, để đạt được mục đích cuộc đời, họ sẵn sàng đạp người khác xuống đáy vực thẳm cộng đoàn, họ sẵn sàng quên đi những lời nhắc chung quanh để đạt được mục đích tối hậu của mình. Rồi khi có quyền lực trong tay, con người đặt cái tôi của mình trên tất cả mọi giá trị khác, kể cả những giá trị thiêng liêng, đó là điều mà Đức Giêsu lên án mạnh mẽ, bởi họ chỉ là những kẻ giả hình, những kẻ sống như mồ mả tô vôi thôi.

Nhìn vào đời sống gia đình, cha mẹ vẫn mãi là những người lớn nhất trong gia đình, thế mà tại sao họ phải thức suốt đêm ngồi bên đứa con bé bỏng đang bị sốt, tại sao họ lại cúi xuống rửa chân cho con cái khi ngày tàn, đêm về, họ sẵn sàng nhịn bữa để phần ăn lại cho con cái mình, đó có phải là ơn gọi của họ không. Người làm lớn hãy là người phục vụ anh em mình, cha mẹ đang sống ơn gọi hôn nhân là một ơn gọi họa lại tình yêu cúi xuống của Thiên Chúa, khi Ngài đã và đang cúi xuống phục vụ con người, chăm sóc từ cái ăn thể lý, đến lương thực tinh thần, Ngài còn muốn đưa họ về trời nên đã chấp nhận hy sinh, vác lấy khổ hình để đưa con người ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Hình ảnh một Thiên Chúa cúi xuống rửa chân cho con người, chấp nhận một tấm thân trần trụi treo trên thập giá, là một hình ảnh đẹp nhất của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết lắng nghe và thực hành lời của chủ nhân mình.

Sống trong một xã hội thích địa vị, quyền lực và hình thức, người tín hữu Kitô phần nào bị chi phối, bị ảnh hưởng và hơn nữa trở thành nạn nhân của xã hội đó. Một chút khiếm khuyết từ cách giáo dục con người của mọi người, vô tình đã in sâu vào nhận thức người trẻ những khái niệm về hình thức, địa vị và quyền lực. Đó là những khó khăn, những thách đố đối với người tín hữu vì họ được mời đi theo con đường mang tên Giêsu, con đường từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi, cúi xuống phục vụ và vác thập giá cuộc đời đi theo Ngài. Sự giằng co cứ trỗi lên trong tâm hồn họ giữa lời mời của Thiên Chúa và hấp lực từ thế gian, chọn con đường nào, lối sống nào và từ bỏ con đường nào, khái niệm sống nào, luôn tạo ra những xung đột tinh thần, những cuộc chiến nội tâm trong mỗi người. Làm sao để có những chọn lựa đúng, làm sao để vượt qua những cuộc chiến đó nếu không có một hình ảnh Thiên Chúa trung thực, một niềm tin chính thống và một thái độ kiên định, tất cả cần đến ơn Chúa và sự cố gắng mỗi ngày từ con người.

Lạy Chúa, là con người, ngày xưa Chúa cũng đối diện với những cám dỗ về cái tôi khi thấy cô đơn, xin giúp chúng con biết phân định trong chọn lựa, đừng để cái tôi làm chủ mình, nhưng là để cho Chúa làm chủ cuộc đời chúng con. Chúa mời chúng con hãy trở nên nhỏ bé và đơn sơ trong tinh thần, trong thái độ sống với Thiên Chúa và tha nhân, xin giúp chúng con biết cầu nguyện, để ơn Chúa biến đổi tâm hồn anh chị em, giúp mọi người biết cộng tác với nhau, để phục vụ Chúa và tha nhân cách hữu hiệu hơn. Con không thể biến đổi tâm hồn mọi người được, chỉ xin Chúa biến đổi họ để chúng con sống tình huynh đệ cộng đoàn tốt hơn như lòng Chúa ước mong. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây