Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 12/09/2024 09:12 |   48
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,39-42)

13/09/2024
Thứ sáu tuần 23 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t23 TNb

Lc 6,39-42


xét lại chính mình
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,39-42)

Suy niệm: Trong cả bốn sách Phúc Âm, có đôi chỗ nói Chúa Giê-su khóc (x. Lc 19,41; Ga 11,35), đôi chỗ nói Chúa vui (Lc 10,21; Ga 15,11) nhưng tuyệt nhiên không có chỗ nào nói Chúa cười. Nhưng đừng vì thế mà vội cho rằng Chúa Giê-su không có óc hài hước châm biếm. Với phong cách một hoạ sĩ biếm, Chúa Giê-su đã mô tả chân dung xấu xí đến độ lố bịch của người đạo đức giả: mang cái xà to đùng chặn kín đôi mắt mà còn làm ra vẻ tinh tường săm soi cọng rác bé xíu trong mắt người anh em! Nhận ra mình tội lỗi đã là khó, nhận ra mình giả dối còn khó gấp bội, bởi vì người đạo đức giả lại cho mình đạo đức hơn ai hết, người giả dối lại nghĩ mình trung thực không ai bằng. Chúa Giê-su khiển trách những người giả hình, giả đạo đức bằng những lời có sức đánh động như thế, may ra họ thức tỉnh và nhận ra chân tướng của mình chăng!

Mời Bạn: Có khi nào bạn thấy mình thật buồn cười lố bịch khi soi mói bắt bẻ người khác về những chuyện nhỏ nhặt trong khi chính mình lại sa lầy trong những tội lỗi có khi rất nặng nề mà mình vẫn nhắm mắt làm ngơ? Các nhà hiền triết đều dạy rằng biết mình là khởi điểm của sự khôn ngoan. Các Ki-tô hữu soi mình trong tấm gương Lời Chúa để xét mình và sửa mình.

Chia sẻ: Biết tự trào về cái tôi xấu xí của mình là phương thế hữu hiệu để sửa chữa khuyết điểm của chính mình. Bạn có nhận thấy như vậy không?

Sống Lời Chúa: Luôn dành ít phút hồi tâm cuối mỗi ngày để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

Ngày 13: Lạy Chúa! Nếu chúng con không oán giận, thì bầu trời luôn ấm áp. Nếu chúng con không gây sự, thì bốn biển mãi thanh bình. Sự yên tĩnh thật sự không phải là ngồi bất động hàng giờ, mà chúng con biết dùng tâm thái điềm tĩnh quan sát vạn vật, lắng nghe cả tiếng hoa cỏ sinh sôi. Sự tĩnh lặng an bình đến từ nội tâm, nếu chúng con mong cầu hay tìm kiếm bên ngoài, thì sẽ không bao giờ có được. Xin cho chúng con chỉ khao khát, tìm kiếm một mình Chúa mà thôi, bởi vì, chỉ duy một mình Chúa mới có thể thỏa mãn mọi khát vọng của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 23 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 1-2. 12-14

Trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu trong đức tin. Nguyện xin ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng con! Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào, cùng với đức tin và đức mến, trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là Chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.
Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 9, 16-19. 22b-27

“Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi.
Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng. Anh em không biết rằng những kẻ chạy trong vận động trường, thì mọi người đều chạy nhưng chỉ có một người đoạt giải đó sao? Cũng vậy, anh em hãy chạy sao để đoạt được giải. Mọi tay đua đều phải kiêng cữ đủ điều, và những kẻ ấy kiêng cữ để đoạt lấy triều thiên hay hư nát, còn chúng ta, chúng ta nhắm đoạt triều thiên không hay hư nát.
Phần tôi cũng chạy như thế, chứ không phải chạy lẩn quẩn; tôi đấu võ, không phải như đấm vào không khí, nhưng tôi chế ngự thân xác, bắt nó tùng phục tôi, kẻo lỡ ra tôi giảng dạy cho kẻ khác, mà chính tôi phải bị loại ra chăng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6. 12

Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài (c. 2).

Xướng: Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bạn thờ Chúa. Ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người được Chúa nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.

Xướng: Vì Thiên Chúa là thuẫn khiên, thành lũy. Thiên Chúa rộng ban ân sủng với vinh quang. Ngài không từ chối ơn lành với những ai sống sạch trong vô tội.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 39-42

“Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh”, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

CÁI RÁC VÀ CÁI XÀ (Lc 6,39-45)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay Đức Giê-su kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy lỗi lầm của tha nhân, mà không nhìn ra những lỗi lầm của chính mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang làm cản trở, gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình. Theo gương mẫu tuyệt vời là Đức Giê-su và lời dạy của Ngài, chúng ta hãy thường xuyên tự kiểm điểm để biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.

2. Những lời trong bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do thái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.

Chúa Giê-su muốn nói rằng muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác, thì trước hết phải “biết” điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống hố” (Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. Bởi thế, điều kiện để trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.

3. Tin Mừng hôm nay không chỉ là bài học có tính cách luân lý. Chúa Giê-su không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.

4. Trong một ngụ ngôn hài hước của thi sĩ La Fontaine kể rằng: thần Jupiter khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi: một cái trước ngực đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy những lỗi lầm của mình. Bài học dạy đời của ngụ ngôn này đúng như câu tục ngữ của chúng ta:

“Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” do câu “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”.

Hoặc:

Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Và đây cũng là bài học Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Cái xà trong mắt mình mà lại đòi gảy cái rác nơi mắt anh em”.

5. Chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì nghĩ rằng nếu mọi người khác trong cộng đoàn của mình mà biết được lỗi lầm và sửa chữa thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng ngược lại chúng ta rất khó chịu khi bị người khác vạch lỗi chúng ta. Phải chăng đó là biểu hiện của tính ích kỷ của con người.

Vậy để tâm hồn, để con mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy cái rác trong đó, hay bới lông tìm vết để xét đoán chỉ trích họ vì một vài lỗi lầm nào đó, nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy cái đà của ích kỷ, của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng hơn.

Vì con người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi Ki-tô hữu, nhất là những vị lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Như triết gia Chilon và cũng là của nhà hiền triết Socarate: “Hãy tự biết mình”. Chúng ta cũng nên học gương thánh Au-gút-ti-nô mà thưa cùng Chúa: “Noverim Te, noverim me”: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

6. Truyện: Lắng nghe lời phê bình.

Một ông vua kia được viên quan cận thần cho biết một tin khẩn như sau:

– Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bệnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.

Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:

– Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống kẻ đó.

Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:

– Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó sống.

Nhà vua trả lời:

– Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, là nguồn sức mạnh cho những kẻ cậy trông, Chúa đã ban cho Giáo Hội một khuôn mặt sáng chói là thánh giám mục Gio-an Kim Khẩu, nhờ tài hùng biện lạ lùng và lòng can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được thấm nhuần lời thánh nhân giảng dạy và có sức chịu đựng như người. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin dủ thương chấp nhận của lễ chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa nhân ngày lễ kính thánh Gio-an Kim Khẩu. Trung thành với giáo huấn của thánh nhân, chúng con muốn hiến trọn thân mình cùng với của lễ đang dâng tiến Chúa đây. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, Chúa Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Gio-an Kim Khẩu, chúng con vừa chia sẻ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Ước chi bí tích này làm cho chúng con ngày càng thêm lòng yêu mến Chúa, và giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa là sự thật. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Thánh Gioan Kim khẩu được định vào 13 tháng 9, áp ngày qua đời, phù hợp truyền thống Giáo hội Antiochia. Thực thế, thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407 tại Comane miền Pont, trên đường đi tới bờ Đông Biển Đen nơi phát vãng. Xác người ban đầu được đưa về Constantinople vào năm 438, về sau, theo truyền thuyết, đưa về Roma trong thế kỷ VIII.

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antioche (Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 349, trong một gia đình công giáo quí tộc. Thân phụ, ông Secundus là sĩ quan. Thân mẫu Antousa là một phụ nữ đáng khâm phục: chồng qua đời lúc mới hai mươi tuổi, bà ở vậy lo việc giáo dục con trai và sẽ được tuyên phong thánh nữ. Gioan được hưởng một nền giáo dục tinh tế tại trường học giáo dục nổi tiếng Libanios, nhờ thế Ngài hòa hợp được văn hóa Hy-lạp với Kitô giáo. Là thành viên cộng đoàn công giáo do Đức giám mục Mélèce phát động, Ngài được rửa tội năm 368 vào quãng mười tám tuổi. Nhập môn khoa chú giải Thánh Kinh của thầy Diodore de Tarse, Gioan nhận chức đọc sách, rồi phó tế năm 381, cuối cùng thụ phong linh mục năm 386 do Đức gíam mục Flavien. Từ 372 đến 378, Gioan đã sống sáu năm đời tu sỹ trong cảnh tịch liêu, gần Antiochia.

Sau khi thụ phong linh mục, Cha Gioan giảng ở Antiochia trong mọi trường hợp. Các bài giảng của Ngài vừa sống động vừa ngôn phong hoa mỹ làm cho Ngài nhanh chóng nổi tiếng ở đông Phương. Ngài ưu tiên giải thích Kinh Thánh, áp dụng vào cuộc sống đời thường. Ngài tố cáo những lạm dụng, tấn công tật xấu các nhà giàu có, người quyền thế, bênh vực kẻ nghèo hèn. Dân chúng được Ngài chia sẻ niềm vui, khổ cực, nên yêu mến gọi Ngài là Kim Khẩu. Loạt bài giảng về các tượng thánh, nhân dịp dân chúng Antiochia tức giận vì nạn cướp bóc, vùng dậy lật đổ các tượng thuộc gia đình hoàng gia, chứng tỏ nhiệt tình mục tử của Ngài không chấp nhận quá khích, nhưng nương nhẹ và nâng đỡ dân chúng.

Néctaire qua đời, Jean Chrysostome, nhờ nổi tiếng, được công bố làm giáo chủ Constantinople, Tòa giám mục thứ nhất tại thủ đô phương Đông. Nhưng vị tuyên úy cung đình trước hết vẫn là tu sỹ và chủ chăn, nhà cải cách; thánh Gioan đả kích tật xấu, thói xa hoa, các lạc giáo, tệ bất công, vậy là Ngài bị chống đối quyết liệt. Hai bài giảng của thánh nhân về sự thất sủng của Entrope, nguyên bộ trưởng đầy quyền thế của Arcadius, là thành công tốt đẹp nhất của Ngài trong nghệ thuật thuyết giảng, chống lại tính cách hão huyền của quyền lực nhân loại. Tuy nhiên, đối với thánh Gioan thì đây là thời kỳ nhen nhúm sự chống đối và thù nghịch chỉ kết thúc bằng sự cô đơn và lưu đày của Ngài. Chạm tự ái vì một bài giảng về vấn đề xa hoa, hoàng hậu Endoxie cho đày thánh nhân lần thứ nhất đi Bithynie, có sự đồng lõa của Téophile, giáo chủ Alexandria qua Công đồng Chêne năm 403. Vừa tới nơi, có lệnh của hoàng đế và thư của hoàng hậu gọi Ngài về lại và người ta đón Ngài như kẻ chiến thắng. Tuy nhiên chỉ mấy tháng sau, Ngài lại phải bị lưu đày lần nữa đến Cucuse, sát biên giới Arménie, theo lệnh hoàng đế Arcadius. Thánh Gioan rời Constantinople ngày 20 tháng sáu năm 404. Sau hết năm 407, Ngài bị chuyển đến một nơi xa hơn, trên bờ Đông Biển Đen, tại Pityonte. Dọc đường, Ngài qua đời do kiệt sức vì cuộc hành trình. Trút hơi thở cuối cùng, Ngài nói: “Nguyện Chúa được tôn vinh trong mọi sự. Amen.

Thông điệp và tính thời sự

Các kinh nguyện trong thánh lễ đưa ra ánh sáng một số điểm đặc trưng trong cuộc đời thánh Gioan Kim khẩu.

a. Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh “Tài hùng biện diệu kỳ” và “đức can đảm lớn lao” của thánh Gioan. Giáo lý do nhà giảng thuyết này (xứng đáng để Công đồng Chalcédoine công bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh), được phát hiện qua số lượng tác phẩm rất nhiều – ở phương Tây chỉ thánh Augustin sánh bằng -, cũng như các bài giảng trong tư cách chủ chăn và bài dạy giáo lý dân chúng. Thánh Gioan Kim khẩu thường chú trọng nghĩa từ nguyên của bản văn Thánh kinh theo trường phái thần học Antiochia; trong các chú giải Kinh Thánh, Ngài để lại một di sản bao la gồm cả về Cựu và Tân Ước. Ngài đặc biệt yêu thích các thư thánh Phaolô, mỗi tuần Ngài đọc lại đến hai lần. bản chú giải thư gửi tín hữu Roma là tác phẩm tuyệt tác của Ngài. Về “đức can đảm lớn lao” của Ngài biểu lộ trong các thử thách, chỉ cần đọc các thư của Ngài. Bị phát lưu bất công, xa Giáo hội mình bằng vũ lực, trong khi ốm đau, thay vì trốn lánh đau khổ, Ngài xem đó như ơn Chúa: “Tôi bay lên vì vui, nhảy lên vì mừng, tôi sẽ để dành được một kho báu lớn” (Thư IX). Chúng ta cũng gặp dư âm đức can đảm anh hùng của Ngài trong bài giảng trước khi lên đường lưu đày năm 401 và phụng vụ bài đọc trích lại một đoạn: “Tôi không sợ nghèo, không mong giàu; tôi không sợ chết, cũng không thiết sống nếu không phải để giúp anh em tiến bộ. Bất kể nơi đâu Chúa muốn cho tôi, tôi đề chúc phúc nó”.

b. Lời nguyện trên lễ vật khuyến khích giáo dân “dâng hiến mình trọn vẹn” khi cử hành lễ Thánh thể, theo giáo huấn Thánh Gioan Kim khẩu. Chúng ta gặp lại giáo lý Thánh thể của Ngài trong các tài liệu chú giải Kinh Thánh, trong rất nhiều thư tín, nhưng nhất là trong cuốn luận về chức tư tế. Theo Thánh Gioan, việc dâng hiến mình đó đòi hỏi chúng ta phải được nuôi nấng bằng tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người: “Nếu được nhiệt tình thiêu đốt, chỉ cần một người đủ để cải tạo cả một dân tộc… Đức Kitô đang chết đói trước cửa nhà bạn… Hãy giải thoát Chúa khỏi đói, khỏi các nhu cầu, khỏi tù tội, trần truồng !” Cốt lõi sứ điệp và đường lối cơ bản trong hành động của Ngài chính là: thánh hóa đích thực hệ tại việc phục vụ tha nhân; qui luật vàng cho Kitô hữu là quên mình để đến với người khác.

c. Lời nguyện tạ lễ nhấn mạnh tư tưởng về việc làm chứng cho chân lý: “Lạy Chúa, xin làm cho việc rước lễ này biến chúng con thành chứng nhân trung thành cho chân lý”. Việc làm của thánh Gioan trước tiên là công việc một người đầy tớ trung thành với lời Chúa. Thực thế, trong cuốn Luận về chức tư tế, Ngài viết: “Bạn không biết thân thể này (Giáo hội Chúa Ki-tô) bị nhiều tật bệnh, nguy hiểm hơn thân xác chúng ta sao? Nhưng không kể các công việc, chỉ có một cách, một phương pháp chữa lành, đó là việc giáo huấn lời. Đó là dụng cụ, đó là lương thực, đó là bầu khí tốt nhất… cho dầu có phải tự thiêu đốt, dầu có phải bị chặt, bị chém, cứ phải dùng phương tiện đó” (IV, 3).

Qua sức mạnh của lời giảng, sự thánh thiện cuộc đời và công việc chủ chăn, thánh Gioan Kim Khẩu vừa là thầy, là cha tinh thần và nhà cải cách. Loan báo Tin Mừng mọi nơi mọi lúc, Ngài đã thành công trong việc đưa sứ điệp phúc âm nhập thể vào xã hội thời mình. Gương mẫu của Ngài thúc đẩy chúng ta, lời Ngài kêu gọi chúng ta: “Nầy bạn, người thuần khiết, ít mạnh mẽ hơn nhưng thắng được người khác há chẳng tốt hơn điềm nhiên tọa thị mãi trên đỉnh nếu nhìn anh em hư mất sao?” (Bài giảng VI, 4).

ENZO LODI
 

HIÊN NGANG TRƯỚC MỌI THỬ THÁCH
(LỄ THÁNH GIOAN KIM KHẨU 13/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Gioan Kim Khẩu hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn sức mạnh cho những kẻ cậy trông, Chúa đã ban cho Hội Thánh một khuôn mặt sáng chói là thánh giám mục Gioan Kim Khẩu, nhờ tài hùng biện lạ lùng và lòng can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta được thấm nhuần lời thánh nhân giảng dạy và có sức chịu đựng như người. Thánh nhân sinh quãng năm 349 tại Antiôkhia. Người học cao hiểu rộng, cuộc sống khắc khổ. Sau khi làm linh mục, người nhận nhiệm vụ giảng thuyết, thu hoạch được kết quả khả quan. Năm 397, người được chọn làm giám mục Côngtăngtinốp. Người là mục tử tận tuỵ, lo chấn chỉnh phong hóa cho giáo sĩ và giáo dân. Vì can đảm làm chứng cho Tin Mừng và bênh vực người nghèo trước cảnh xa hoa vô tâm của người giàu, người đã bị hoàng gia ghen ghét và hai lần bị đi đày, rồi chết ở Cômana, Pontô nơi lưu đày, ngày 14 tháng 9 năm 407. Người đã giảng dạy nhiều và viết nhiều tác phẩm để giải thích giáo lý Công Giáo và huấn luyện đời sống Kitô hữu. Vì thế người được mệnh danh là “Kim Khẩu”.

Can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách, bởi vì, Chúa luôn từ ái một niềm, Người sẽ can thiệp khi chúng ta cầu cứu Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Aica cho thấy: Âm thầm khát khao ơn cứu độ, từ vực sâu khốn cùng, tác giả ca hát niềm hy vọng: Dù mọi sự xem ra đã mất, ân tình của Chúa vẫn chẳng hề vơi. Trong dụ ngôn quen gọi là đứa con phung phá, Đức Kitô gửi đến chúng ta cùng một sứ điệp: Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi ta có một điều thôi, là quay gót trở về. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi… Lạy Chúa, những người thù ghét con vô cớ, đuổi xua con như thể đuổi chim. Con thốt lên: Chết mất! Và Ngài đã nghe tiếng con van nài. Lạy Đấng cứu chuộc con, Ngài đã phán: Đừng sợ hãi! Và chính Ngài đã biện hộ cho con.

Can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách, bởi vì, chúng ta có Đức Kitô là đá tảng vững vàng, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu: Đức Kitô ở với tôi, tôi còn sợ gì ai? Dù ba đào, dù biển cả, dù quan quyền hung dữ có nổi lên chống lại tôi, tất cả những thứ đó, tôi coi tựa lông hồng… Vì Tin Mừng tôi phải chịu khổ, và còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa không bị xiềng xích. Vì thế, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn. Chúa là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?

Can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách, với niềm khao khát ơn cứu độ cho chính mình và cho tất cả mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 83, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật. Xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Mù mà lại dắt mù được sao? Lời Chúa là ánh sáng, nếu bước đi dưới ánh sáng Lời Chúa, ta sẽ được dẫn tới sự thật, sự sống muôn đời, nếu không, ta sẽ lầm lạc trong bóng tối sự chết. Chúa là nguồn sức mạnh cho những kẻ cậy trông, nhờ tài hùng biện lạ lùng và lòng can đảm, thánh Gioan Kim Khẩu đã hiên ngang trước mọi cơn thử thách, ước gì ta được thấm nhuần lời thánh nhân giảng dạy và có sức chịu đựng như người. Ước gì được như thế!

KHÔNG SỢ SAI LẦM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”.

Một người bạn nói với nhà truyền giáo A. Judson, “Một bài báo đã ví anh như một số tông đồ”. Judson trả lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống và dạy lời Ngài mà không sợ sai lầm. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô một khi ngài đã quyết tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết Chúa Kitô! “Uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân mình vào dấu chân Ngài, sống và dạy lời Ngài”, Phaolô đã can đảm bôn tẩu loan báo Chúa Kitô mà ‘không sợ sai lầm’.

Nhưng với chúng ta thì sao? Trước hết, bạn và tôi phải được nung nấu bởi tình yêu Chúa Kitô và hiểu biết Ngài; vì lẽ, “Người mù có thể dắt người mù được sao?” - Tin Mừng hôm nay. Nghĩa là, trước tiên, người rao giảng phải là người biết rõ, thấy rõ, mình đang đi đâu, trên con đường nào và sẽ dẫn tới đâu? Là người chỉ đường, chúng ta cần xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Hãy suy gẫm về tầm quan trọng này, đặt Chúa Kitô vào trung tâm cuộc sống và sứ vụ của mình; may ra, chúng ta mới có thể hướng dẫn người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.

Thứ đến, ‘đi trong’ Giáo Hội! Chúa Kitô không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài, nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ nó khỏi mọi sai lầm. Bạn không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta bắt nguồn từ sự hiểu biết “Tôi đang ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội!”.

Bên cạnh đó, học tập là một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời, dẫu chúng ta thường coi nhẹ. Vì ‘coi nhẹ’, nên việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Vỡ Lòng hoặc Thêm Sức! Chúng ta tự mãn, ‘không biết mình nghèo’, nên những người chúng ta dạy dỗ ‘không bao giờ giàu’; hậu quả là không ít người lớn chỉ được đào tạo với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô, đào sâu, suy tư, nghiên cứu, chiêm ngắm các mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển Thánh Thần biến đổi cuộc sống. Được thế, bạn và tôi mới có thể nâng cao chiều kích đức tin, hâm nóng hồn tông đồ nơi mình và nơi những người chúng ta dẫn dắt mà ‘không sợ sai lầm’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”. Chớ gì bạn và tôi có chung một thao thức của Phaolô! Bởi lẽ, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, dạy dỗ và giúp người khác đến với Ngài bằng những gì chúng ta học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là vị Thầy, vị Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội, Mẹ Khôn Ngoan của chúng ta; Ngài là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự mù loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp đầy những nông nổi. Được thế, chúng ta mới có thể dẫn dắt người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy núi tự mãn trong con, cho con biết mình ‘không giàu’ để ham học hỏi, đào sâu, chiêm ngắm; nhờ đó, những ai Chúa trao cho con ‘bớt nghèo!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây