Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 09/09/2024 17:25 |   53
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.” (Lc 16,27-38)

12/09/2024
Thứ năm tuần 23 THƯỜNG NIÊN

Thánh danh Đức Maria

t5 t23 TNb

Lc 6,27-38


lý do không xét đoán
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.” (Lc 16,27-38)

Suy niệm: Có nhiều lý do chúng ta không được xét đoán anh em, trong đó có bốn lý do quan trọng sau đây.
1. Không ai có thể biết hết được người khác suy nghĩ, nhận thức, phản ứng thế nào trong mọi trường hợp. Do đó, không thể lấy nhận thức của mình để phán quyết về người khác.
2. Xét đoán khách quan và vô tư là rất khó. Vì chúng ta dễ bị những tình cảm yêu ghét điều khiển, nên thiếu nh khách quan. Bởi vậy, người Việt Nam ta có câu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau qủa bồ hòn cũng méo.”
3. Không ai đủ tốt để xét đoán người khác. Con người có rất nhiều giới hạn và tội lỗi. Con người nhìn vào mình mà đấm ngực vì lỗi lầm của mình thì đúng, còn tự cho mình là luật sư mà xét xử người khác thì mười lần chín lần là sai.
4. Nhưng lý do quan trọng nhất đó là, xét đoán là việc của Chúa. Chỉ mình Chúa mới có quyền xét đoán. Chúa là Đấng Tối Cao thấu biết mọi sự nên phán quyết của Ngài là công minh và đúng sự thật.

Mời Bạn: Chúng ta thường dễ xét đoán sai lạc cho người khác. Nhìn lại những lần mình xét đoán cho tha nhân thì sẽ thấy mình đã làm những chuyện buồn cười như chuyện “người mù mô tả con voi”. Do đó, xét đoán là điều cần loại bỏ.

Sống Lời Chúa: Tập nghĩ tốt, nói tốt về người khác thay cho những lời xét đoán vô cớ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng. Xin soi chiếu cho con thấy rõ con người tội lỗi của con để con hoán cải, đồng thời nhìn tha nhân với cái nhìn tích cực để con thấy điều hay điều tốt nơi họ.

Ngày 12: Lạy Chúa! Bất luận chúng con có ý thức hay không, có thừa nhận hay không, nhưng, nếu trong lòng chúng con chỉ có những điều thuộc về Chúa, thì sẽ không có việc gì khiến chúng con phiền muộn. Nếu nội tâm thật sự lương thiện, thì chúng con không bao giờ oán giận ai cả. Nếu cách sống của chúng con thật sự giản đơn, thì thế gian dù hỗn loạn đến đâu, cũng không thể ảnh hưởng đến chúng con. Xin cho chúng con biết rằng: Làm người: tốt, thì thân xác khỏe mạnh, tâm hồn bình an, và giấc ngủ yên hàn; làm việc: tốt, thì Chúa biết, người hiểu và quỷ thần khiếp sợ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 23 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 3, 12-17

“Anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.
Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.
Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa trong thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt, đàn cầm, hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tơ đàn, với ống tiêu.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã-la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 8, 1b-7, 11-13

“Anh em làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, sự thông thái làm cho người ta ra kiêu căng, còn lòng yêu thương thì xây dựng. Nếu ai tưởng mình biết điều gì, thì kẻ ấy chưa biết mình phải biết đúng cách. Nhưng nếu ai yêu mến Thiên Chúa, thì kẻ ấy được Thiên Chúa nhận biết. Còn về đồ ăn đã cúng tế cho các ngẫu tượng, chúng ta biết ngẫu tượng ở thế này là hư vô, và chẳng có Chúa nào khác ngoài một Thiên Chúa. Vì chưng, dù trên trời dưới đất, có những vị được người ta gọi là thần, (thật ra người ta cho rằng có nhiều thần nhiều chúa), nhưng đối với chúng tôi, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, bởi Người mà mọi sự đều có và chúng ta phải quy về Người. Và có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà có mọi sự, và cũng nhờ chính Người mà có chúng ta. Nhưng không phải mọi người đều có sự thông biết, vì cho đến nay, còn có ít kẻ giữ thói quen thờ ngẫu thần, nên họ ăn của cúng tế cho ngẫu tượng, và lương tâm họ vốn yếu đuối, nên ra nhơ nhớp.
Và tại sự thông biết của ngươi, mà người anh em yếu đuối phải hư đi, người anh em mà Ðức Kitô đã chết cho. Và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô. Vì thế, nếu thức ăn làm cho người anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ không ăn thịt cho tới muôn đời, kẻo làm cho người anh em tôi vấp phạm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 23-24

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

Xướng: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con từ đàng xa. Khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết; Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

Xướng: Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền.

Xướng: Lạy Chúa, xin dò xét con và nhận biết lòng con; xin thử thách con và biết tỏ tư tưởng con. Xin Chúa nhìn coi hoặc giả con đi đường bất chính, và xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

Alleluia: 2 Cr 5, 19

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ (Lc 6,27-38)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su dạy ta hãy yêu thương địch thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Yêu người xa lạ đã là rất khó, nhưng yêu địch thù còn khó gấp bội.  Chúng ta yêu người yêu chúng ta, yêu người đem lại niềm vui cho chúng ta… tình yêu ấy vẫn còn vị kỷ. Tình yêu trọn nghĩa phải là tình yêu vô vị lợi. Yêu như Chúa yêu ta khi ta còn là tội nhân. Chúa đã chịu chết để ta được cứu độ. Tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, một tình yêu chân chính.

2. Trong Cựu Ước, chúng ta chỉ thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù, bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán: mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x.Xh 21,23-25; Lv 24,17-21).

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức Bác ái: hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chỉ cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.

3. Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giê-su đơn cử ra hai việc phải thực hành:

a) “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con”: Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành  như giao tiếp, giúp đỡ, cầu nguyện…

b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đây là thái độ  biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành  đền đáp lại điều dữ.

Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu niên. Vì thế:

– Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ.

– Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại.

– Làm sự lành  để trả sự dữ là Thiên Chúa.

Vậy người Ki-tô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.

4. Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy:

a) Học thuyết của Khổng Tử: Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Tử giống luật báo oán của Cựu Ước. Ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu: Dĩ đức báo oán”.

b) Đức Phật Thích Ca: Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.

c) Ông Mahatma Gandhi nói: Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.

d) Mục sư Luther King: Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói: “Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa  được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.

5. Truyện: Tha thứ cho kẻ thù.

Một ông bố giàu có, cảm thấy già yếu gần đất xa trời, bèn gọi ba đứa con trai lại chia gia tài đồng đều cho chúng, duy còn lại một viên kim cương gia bảo quý giá không thể chia cắt được.

Ông ta giải quyết bằng cách nói với các con rằng: “Ta sẽ trao viên kim cương cho đứa nào thực hiện một việc lành tốt đẹp nhất. Vậy các con hãy ra đi và thực hiện cho được điều kiện đó”.

Ba đứa con lên đường và ba tháng sau trở về. Người con cả nói với bố:

– Một người ngoại quốc đã giao toàn bộ tài sản cho con và con đã thủ tín trả lại đầy đủ.

Người cha tuyên bố:

– Con đã làm phận sự của con rất tốt đẹp.

Đến lượt đứa con thứ trình:

– Thưa cha, con đã xả thân cứu được một em bé chết đuối.

Người cha khen anh ta. Rồi quay sang nhìn đứa con út. Cậu ấp úng bẩm:

– Thưa cha, trong một cuộc hành trình con thấy địch thù con đang ngủ say bên một bờ vực sâu. Con nghĩ con có thể xô nó xuống vực dễ dàng, nhưng con không làm. Trái lại con đánh thức nó dậy và cứu nó.

Nghe xong, người cha ôm hôn cậu út và tuyên bố:

– Viên kim cương gia bảo thuộc về con, vì con đã làm một việc lành vĩ đại biểu lộ một tấm lòng nhân ái chân thực là yêu thương tha thứ cho kẻ thù mình.

NHÂN TỪ NHƯ CHA
(THỨ NĂM TUẦN 23 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 23 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, xin Chúa lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta là những kẻ tin kính Đức Kitô, xin Chúa cho chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.

Tự do đích thực, khi chấp nhận sự thật bi đát của mình, và mau mắn quay trở về với Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Aica cho thấy: Khóc thương Thành Thánh hoang tàn, Giêrusalem thú tội với Chúa, nhìn nhận hình phạt mình đang chịu là đích đáng. Chấp nhận sự thật là khởi đầu của mọi cuộc trở lại. Tôi khóc ròng khóc rã nên cặp mắt đỏ ngầu, vì Đấng an ủi tôi đã lìa xa tôi. Hỡi tất cả các dân tộc, hãy nhìn xem: Hỡi tất cả những ai qua lại trên đường, xin để ý, xin hãy nhìn xem: Có nỗi đau khổ nào sánh được với nỗi đau tôi phải chịu!

Tự do đích thực, khi chỉ đăm đăm nhìn về thành thánh Giêrusalem trên trời, mà Chúa đã hứa ban cho những ai biết đặt niềm trông cậy nơi Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bơrunô nói: Cuộc đời mai hậu sánh với cuộc đời này thì phải nói là ngọn núi đầy hoan lạc… Hiện giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được hiển hiện. Chúng ta biết rằng: Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ được thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô, thì sẽ cố sống trong sạch như Người là Đấng trong sạch.

Tự do đích thực, khi sống trong sự hiện diện của Chúa với tình bác ái đối với tất cả mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 138, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời. Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Thiên Chúa là tình yêu, ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng thấu suốt hết mọi sự, vì thế, chỉ có một mình Người mới có quyền xét đoán mọi người, còn chúng ta, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một phần rất nhỏ từ nơi người khác, ấy thế mà, chúng ta đã vội quy chụp, kết án họ. Chúa luôn bao dung tha thứ cho chúng ta, khi chúng ta sám hối quay trở về với Người, ấy thế mà, chúng ta thường rất khó tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta. Muốn đạt tới sự tự do đích thực, chúng ta phải chấp cho mình đôi cánh yêu thương, để những hận thù, ghen ghét, đố kỵ không còn trói buộc chúng ta vào trong những xét đoán vội vàng, khắc nghiệt, hầu chúng ta có thể tung cánh: bay cao bay xa trong bầu trời ân sủng. Chúa đã cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, cùng âu yếm đoái nhìn chúng ta là những kẻ tin kính Đức Kitô, ước gì chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Ước gì được như thế!

KHÔN NGOAN NHẤT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em!”.

Sau nội chiến, miền Nam rơi vào thế ‘bên thua cuộc’; đột nhiên, Lincoln muốn đàm phán. Điều này khiến nhiều tướng lãnh bất bình. Một người giận dữ nói, “Kẻ thù nhất định phải bị tiêu diệt!”. Tổng thống ôn hoà bảo, “Kẻ thù bị tiêu diệt khi họ trở thành bạn!”. Cuộc chiến kết thúc với câu nói bất hủ của ông, “Trong nội chiến, không ai thắng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Kẻ thù bị tiêu diệt khi họ trở thành bạn!”. Câu nói của Abraham Lincoln thật phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay - “Hãy yêu kẻ thù!” - và xem ra, yêu kẻ thù là kim chỉ nam ‘khôn ngoan nhất!’.    

Với ba ví dụ tích cực, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đến mấy lần phải yêu kẻ thù của mình: làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình. Làm sao có thể yêu những người không yêu mình? Làm sao có thể yêu những người mà chúng ta biết chắc chắn là họ ghét mình? Vậy mà, yêu như thế là một món quà từ Thiên Chúa với điều kiện, chúng ta biết mở lòng đón nhận. Vì xét cho cùng, yêu kẻ thù là điều ‘khôn ngoan nhất’. Tại sao? Một khi chúng ta yêu họ, kẻ thù cảm thấy như đã bị tước khí giới; và ‘vũ khí mới’ dành cho họ chỉ còn là tình yêu, để họ cũng chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Yêu thương bấy giờ là điều kiện chắc chắn để họ không còn là kẻ thù - mà là bạn - của chúng ta.

Với Chúa Giêsu, “Hãy yêu kẻ thù!” không là tuỳ chọn, nhưng là mệnh lệnh. Nó không dành cho mọi người, nhưng dành cho các môn đệ, những ai Chúa Giêsu gọi là “những người đang nghe Thầy”. Ngài biết rõ việc yêu kẻ thù vượt quá khả năng con người, nhưng đây là lý do tại sao Ngài đã ‘trở thành con người’: không phải để chúng ta ‘như chúng ta hiện tại’, mà để biến đổi chúng ta thành những con trai con gái của Chúa vốn ‘có khả năng yêu thương lớn hơn’. Đây là tình yêu của Chúa Cha và con cái Ngài; đây là tình yêu Chúa Giêsu dành cho những ai “đang nghe” Ngài. Vì vậy, điều đó trở nên khả thi! Với Ngài, nhờ tình yêu và Thánh Thần của Ngài, bạn và tôi có thể yêu thương ngay cả những người không yêu thương chúng ta, cả những người làm hại chúng ta.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy yêu kẻ thù!”. Không ai trong chúng ta không muốn được tha thứ, cũng không ai không muốn được yêu thương. Mọi tôn giáo đều có châm ngôn vàng, “Đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn người khác làm cho mình!”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là người duy nhất đi xa hơn cách tích cực nhất với câu nói này, “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy!”. Về điều này, Gioan Kim Khẩu nói, “Thậm chí còn hơn thế, vì Chúa Giêsu không chỉ nói: ‘hãy mong điều tốt cho người khác’, mà còn ‘hãy làm điều tốt cho người khác!’”. Đây là lý do tại sao châm ngôn vàng ‘khôn ngoan nhất’ Chúa Giêsu đưa ra không thể chỉ là một suy nghĩ viển vông, nhưng nó phải được chuyển thành hành động.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, là người Công Giáo, nhất định con không có kẻ thù; nhưng có lẽ con có vô vàn người ghét. Xin cứ để họ ghét con ‘vì Chúa’, đừng để họ ghét con ‘vì con!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây