(Một cảm nghiệm từ bài hát “Comme toi” của Jean-Jacques Goldman và ký ức nỗi buồn chiến tranh)
Có những bài hát không chỉ để nghe mà để nhớ, mà đau nỗi xót xa, nỗi buồn dường như không thể viết thành lời. Nhớ một điều gì đó rất xa… mà lại thật gần.
Khi tôi lặng nghe “Comme toi”, một giai điệu nước Pháp dịu dàng vang lên, như thể một lời ru cho một linh hồn trẻ thơ đã mất. Một cô bé tên Sarah, với đôi mắt sáng, váy nhung, yêu nhạc Schumann, Mozart, yêu những người bạn nhỏ. Và rồi chiến tranh, biến mất trong cơn lốc của lịch sử.
Chiến tranh không chỉ giết người.
Nó xé vụn những giấc mơ. Nó đánh cắp tuổi thơ.
Nó để lại những câu hỏi mà không ai trả lời được:
Tại sao một bé gái lại không thể lớn lên, chỉ vì em không sinh ra "đúng chỗ"?
Tại sao giữa bao nhiêu đứa trẻ đang mơ mộng, lại có một đứa bị kéo ra khỏi cuộc đời chỉ vì lòng thù hận vô hình?
Sarah không phải là một nhân vật hư cấu.
Em là hàng triệu khuôn mặt đã từng có thật.
Là em bé Do Thái trong trại Auschwitz.
Là cô bé Syria chạy trong khói lửa.
Là cậu học trò Gaza dưới đống gạch vụn.
Là những đứa trẻ ỏ Ukraina trong lửa đạn mặt ngơ ngác nhìn.
Là những đứa trẻ Việt Nam, từng trốn bom trong hầm, lặng thinh trước tiếng trực thăng gào rú. Nỗi buồn chiến tranh là những đứa bé chạy theo đoàn người di tản trong đói khát và chứng kiến những cái chết tuổi thơ.
Chiến tranh không chỉ nổ ra nơi biên giới. Nó nổ ra trong lòng người, khi họ chọn hận thù thay vì thương xót, chọn ý thức hệ hơn là nhân phẩm, chọn súng đạn hơn là lời cầu nguyện. Khi bài thơ thuở thơ ấu, ai đã dạy những bài học căm thù in vào đầu trẻ thơ: "Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước".
Và điều khiến tôi đau đớn nhất là:
Mỗi cuộc chiến, dù bắt đầu từ lý do nào, cuối cùng đều giẫm lên những kẻ yếu nhất, những đứa trẻ không thể lên tiếng.
Không ai hỏi chúng: “Cháu có muốn làm anh hùng không?”
Không ai hỏi Sarah: “Cháu muốn bình yên cần phải có chiến tranh, hy sinh?”
Tôi tự hỏi, nếu thế giới này thuộc về người lớn, thì tại sao những đứa trẻ lại phải trả giá?
Giữa những dòng cảm xúc ấy, tôi chợt nghĩ đến một Đấng từng nói:
“Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”
Nhưng để có hòa bình, có lẽ điều đầu tiên là biết khóc.
Khóc cho một bé gái chưa kịp lớn. Khóc cho những đứa trẻ mồ côi cha mẹ trong chiến tranh.
Khóc cho một bài học lịch sử không ai học thuộc.
Và khóc cho chính mình, vì mình đã từng thờ ơ.
Xin cho mỗi khi nghe lại “Comme toi”, tôi không chỉ rơi nước mắt, mà còn nhắc mình sống dịu dàng hơn. Sống sao để một đứa trẻ nào đó, ở đâu đó, sẽ không bao giờ phải chết trong giấc mơ.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan