TÌM HIỂU NGÔN SỨ ISAIA

Thứ tư - 25/11/2020 06:29 |   7073
 TÌM HIỂU NGÔN SỨ ISAIA
 TÌM HIỂU NGÔN SỨ ISAIA
 


Thiên Chúa đặt kính viễn vọng vào mắt của các ngôn sứ và cho phép họ nhìn xa vào vùng tương lai. Đặc biệt chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ ở trong sách Isaia. Chúng ta nghe vị ngôn sứ kêu to “Ngài đang đến!”. Isaia là người có viễn kiến.

Chúng ta đọc thấy ngay ở câu mở đầu: “Thị kiến ông Isaia, con ông Amốc, đã được thấy, liên quan đến Giuđa và Giêrusalem” (Isaia 1:1). Isaia là người phát ngôn dũng cảm cho những người cùng thời với ông, nhưng vì là một ngôn sứ ông cũng nói về tương lai nữa; vì thế ông là vị ngôn sứ của mọi thời. Hôm nay chúng ta ngồi dưới chân ông và nhìn theo ngón tay ông chỉ về tương lai và nghe ông nói “Nhìn kìa, Vua của các ngươi!”

Người chính khách vĩ đại này là ngôn sứ của vương quốc miền nam của dân Giuđêa. Ông sống vào thời mà vương quốc miền bắc của dân Israen bị phá huỷ bởi người Átsua (Assyria).

Isaia là người mà tiếng nói của ông đã cứu vương quốc Giuđêa trong những giờ thử thách đó. Rất thú vị để ghi nhận rằng đây cũng là thời của Romulus và Remus và việc thiết lập thành Roma. Theo truyền thống thời gian xây dựng thành Roma là năm 753 B.C, nghĩa chỉ vài năm sau ngày sinh của ngôn sứ Isaia. Đây cũng là lúc mà hai thành phố Sparta và Athens ở Hylạp được xây dựng.

Các ngôn sứ là những người không được yêu chuộng trong thời của họ vì họ đụng đến hoàn cảnh luân lý và tôn giáo của thời điểm đó! Nói chung hoàn cảnh quốc gia đang tồi tệ. Các ngôn sứ được gởi đến khi quốc gia bước ra ngoài đường lối Chúa – khi họ đi trong sự bất tuân phục Chúa. Lời của các ngôn sứ được dùng để quở trách hay cổ động dân chúng. Chúng là những lời gởi trực tiếp đến dân chúng mà nó nhắm tới. Chân lý thì hiếm khi được người tội lỗi yêu chuộng.

 Hãy tìm một định nghĩa về ngôn sứ trong kinh thánh. Đọc Đệ Nhị Luật 18:18 : “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”. Và câu 19 “Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó”.

Mặc dầu các ngôn sứ nói với người cùng thời, nhưng như đã nói ở trên, họ cũng luôn nhìn đến những biến cố trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy những nguyên tắc bất di dịch cho mọi thời. Chúng tiên báo sự thất bại của dân được chọn và sự xuất hiện của Đấng Thiên sai.

Mỗi sứ điệp đều chỉ cho chúng ta cách Thiên Chúa sẽ thực hiện ý định của Ngài qua Đấng Thiên sai thế nào. Ngày nay chúng ta thấy Dân Dothái đã thất bại ra sao. “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Gioan 1:11). Thay vào đó họ la to lên “Đóng đinh nó đi!”. Đấng Thiên sai đến để thành lập vương quốc của Ngài nhưng người Dothái nói, “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Caesar” (Gioan 19:15). Họ từ chối Ngài. Nhưng vương quốc của Ngài sẽ được thiếp lập trên toàn trái đất. Isaia nói về sự phán xét sẽ xuống trên Giuđa bởi vì nó không làm tròn sứ mệnh mình trong thế giới. Nhưng trong toàn bộ cuốn sách chúng ta sẽ thấy sự chiến thắng thật sự của chương trình của Chúa qua Người Tôi Tớ được chọn của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Người sẽ mang đến chiến thắng cuối cùng qua đau khổ và sự chết (Isaia 53).

HAI ĐIỂM NHẤN

Sách Isaia được viết với hai điểm nhấn khác nhau. Vì vậy các học giả cho rằng sách này có nhiều hơn một tác giả. Nhưng không nhất thiết là phải như vậy. Đây là công việc của một tác giả với hai sứ điệp.

Trong phần đầu cuốn sách Isaia mô tả Ítraen. Trong phần cuối cuốn sách, ngôn sứ nhìn thấy Chúa Giêsu mang lấy tội lỗi của chúng ta, và ông kể lại chuyện đó; rồi ông nhìn thấy Đức Kitô được nâng lên và tôn vinh và ông la lớn lên thị kiến này trên mái nhà.

Đây chỉ là một vị ngôn sứ nhưng ông xử dụng những ngôn ngữ khác nhau để chúng thích hợp với đề tài mà ông muốn nói. Chỉ có một cách để tìm hiểu sách Isaia là tìm hiểu Đức Kitô của ông. Điều quan trọng là chúng ta tập làm quen với chân lý của cuốn sách hơn là tìm hiểu về lý thuyết xem ai là tác giả của nó.

Sự phân chia của sách Isaia là một điều lý thú. Isaia là sự thu nhỏ trong cấu trúc của cuốn Kinh Thánh. Cuốn sách này có 66 chương, giống như bộ Kinh Thánh có 66 cuốn sách (quy điển Dothái), với 39 chương trong phần đầu (giống Cựu Ước) và 27 chương trong phần thứ hai (giống Tân Ước).

Cựu Ước mở đầu với việc Chúa xét xử con người vì họ phạm tội. Isaia mở đầu giống như vậy (Isaia 1:18). Phần đầu đóng lại với lời tiên báo về sự xuất hiện của Vua Công Chính và sự cứu chuộc của Israen (Chương 34-35), giống như các ngôn sứ đóng lại Cựu Ước với sự tiên đoán về sự xuất hiện của Vương quốc của Ngài.

Phần thứ hai của sách Isaia (chương 40) mở đầu với “Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa” (40:3), và liên quan đến con người và công việc của Chúa Giêsu Kitô. Tân Ước mở đầu giống hệt như vậy. Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu, được công bố (Gioan 1:6,23).

Isaia kết thúc với thị kiến về trời mới đất mới trong đó các người công chính cư ngụ. Tân Ước kết thúc với cùng một cái nhìn như vậy trong sách Khải Huyền. Điểm tương đồng sâu sắc giữa Isaia và bộ Thánh Kinh rất khó quên khi đã nắm vững được nó. (Dĩ nhiên, khi các chương và các câu không được viết ngay ở bản gốc nhưng được thêm vào sau này, thì sự tương đồng này là một điều ngẫu nhiên thú vị thôi).

Isaia giống như hộp đựng đồ trang sức; và chương 53 là đồ trang sức đựng trong đó. Điều này có vị trí trung tâm trong nhóm của các chương mà nó thuộc về. Như chúng ta thấy, nó được đặt ở phần thứ hai của cuốn sách hay 27 chương cuối. Trung tâm điểm của 27 chương quý giá này là chương 53. Đây là chương nói về Đấng Cứu Thế, người gánh lấy tội lỗi của chúng ta và cưu mang nỗi muộn phiền của chúng ta.

Chương 53 là một chương tuyệt diệu để ghi nhớ trong tâm trí chúng ta. Mỗi câu là một mảnh vàng ròng của chân lý. Đây là chương mô tả Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc đau khổ của chúng ta.

HAI LẦN ĐẾN CỦA ĐỨC KITÔ

Chúng ta thấy Đức Kitô trong cuốn sách này và nghe vị ngôn sứ la to, “Ngài đang đến!” và “Ngài sẽ lại đến!” Ngài đến như là Đấng Cứu Thế, được mô tả trong chương 53, trong khiêm cung như là người gánh tội cho chúng ta. Ngài sẽ lại đến trong quyền năng và vinh quang, được mô tả trong chương 34.

Khi chúng ta nhìn qua kính viễn vọng chúng ta sẽ thấy hai đỉnh núi với thung lũng ở giữa. Một ngọn được gọi là Calvary, trên đỉnh núi là cây thập giá. Nhưng khi nhìn xa hơn chúng ta thấy một ngọn núi khác. Nó tỏa sáng với ánh sáng của vương miện. Đây là ngọn Olivet. Mắt của vị tiên tri ngày xưa đi xa hơn sự đau khổ của Calvary; mắt của ông nhận ra vương quốc và sự vinh quang sẽ đi theo với nó. Isaia nói về cái chết của Đức Kitô khi ông nói, “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (1:18). Hay lần nữa, “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy” (53:3). Câu này nói về việc bị người nhà từ chối khi Ngài đến lần đầu. Khi Ngài đến lần nữa chúng ta sẽ nghe thấy, “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (60:1).

Isaia là người thuộc hoàng tộc. Ông là một quý tộc trẻ từ dòng dõi hoàng gia. Ông được lớn lên trong triều đình và được trọng vọng ở Giêrusalem. Ông chẳng những là ngôn sứ mà còn cưới một nữ ngôn sứ (8:3,18). Ông được hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Sau 60 năm phục vụ, theo truyền thống ông đã tử đạo dưới thời Manassê ở tuổi 120.

Isaia là sứ giả đặc biệt cho nước Giuđa. Hãy đọc sách Các Vua quyển 2 chương 15 tới chương 20 và chú ý đến sự băng hoại luân lý và chính trị của Giuđa và Israen, và sự bao vây của những dân ngoại chung quanh.

Assyria (Átsua) mạnh và hiếu chiến, muốn chinh phục thế giới. Aicập ở phía nam, và đất Palestine là con đường ở giữa hai kẻ thù này. Cả hai thế lực của Átsua và Aicập đều nhắm vươn lên trở thành đế quốc. Do đó Palestine trở thành chiến trường của thời đại. Isaia không thất bại trong sứ vụ. Ông lột trần tội lỗi của dân mình và kêu gọi họ thống hối và trở về với Thiên Chúa. Ông kêu gào “Hãy trở về với Thiên Chúa”.

Nhưng chủ đề chính của ông là Đấng sẽ đến. Đó là Chúa Giêsu. Ông nhìn thấy Đức Kitô, gần kề ở lần đến thứ nhất và xa hơn ở lần đến thứ hai, nhưng trên hết ông thấy Đức Kitô. Những chân lý của Thiên Chúa về ơn cứu độ vượt ngoài lý lẽ của chúng ta, nhưng chúng không xúc phạm lý đoán của chúng ta; đúng hơn là chúng gợi ý cho suy luận của chúng ta. Để thờ phượng xứng hợp trong sự hiện diện của Chúa chúng ta cũng phải thích hợp trong sự hiện diện của con người.

http://vietcatholicperth.org/wp-content/uploads/2013/05/61-TIM-HIEU-ISAIA.pdf
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây