Diễn Văn ĐTC Tiếp Liên Đoàn Luther Thế Giới

Thứ sáu - 21/06/2024 08:29 | Tác giả bài viết: Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP |   169
Tại Dinh Tông Tòa sáng thứ Năm ngày 20.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các đại biểu của Liên đoàn Luther thế giới (the Lutheran World Federation).
Diễn Văn ĐTC Tiếp Liên Đoàn Luther Thế Giới

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA TRONG BUỔI TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU CỦA LIÊN ĐOÀN LUTHER THẾ GIỚI NĂM 2024

WHĐ (21.06.2024) – Tại Dinh Tông Tòa sáng thứ Năm ngày 20.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các đại biểu của Liên đoàn Luther thế giới (the Lutheran World Federation). Được biết, Liên đoàn Luther thế giới vừa tổ chức Đại hội từ ngày 13-18.06, tại Chavannes, ngoại ô Geneva, Thụy Sĩ, với chủ đề “Niềm hy vọng tràn trề”, được trích từ thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma (15,13). Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

TRONG BUỔI TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU CỦA LIÊN ĐOÀN LUTHER THẾ GIỚI

Thứ Năm, ngày 20 tháng 06 năm 2024

[video và hình]

Anh chị em thân mến!

Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13).

Tôi hân hoan chào đón anh chị em, quý đại biểu cho các khu vực thuộc Liên đoàn Luther thế giới. Đặc biệt, tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Henrik Stubkjær, tân Chủ tịch của Liên đoàn, vì những lời tốt đẹp và món quà ngài đã dành cho tôi; đồng thời tôi xin chào mục sư Anne Burghardt, người đã đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký trong nhiều năm.

Tôi cám ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này, mà tôi coi là một nghĩa cử quan trọng của tình huynh đệ đại kết. Vì lý do này, trong lời chào đầu tiên, tôi đã chọn những lời của Thánh Phaolô Tông đồ, trong Thư gửi tín hữu Rôma, cũng là những lời đồng hành với các cuộc họp mới đây của anh chị em. Nguyện xin “Thiên Chúa là nguồn hy vọng” giờ đây cũng chúc lành cho cuộc gặp gỡ của chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta đều là những người hành hương của niềm hy vọng, như khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 cũng nói vậy.

Ba năm trước, khi một phái đoàn khác của Liên đoàn Luther Thế giới đến Roma, chúng tôi đã cùng nhau suy tư về dịp kỷ niệm sắp tới của Công đồng Nicaea đầu tiên như một sự kiện đại kết. Và năm ngoái, nhân Đại hội Liên đoàn của anh chị em tại Krakow, mục sư Burghardt, cùng với người anh em thân yêu của tôi, Đức Hồng y Koch, đã nhấn mạnh trong một Tuyên bố chung rằng “Kinh Tin Kính Kitô giáo cổ xưa của Nicea, mà chúng ta sẽ kỷ niệm 1700 năm Công đồng vào năm 2025, tạo nên một mối dây đại kết có Đức Kitô là trung tâm” (ngày 19.09.2023). Trong bối cảnh này, anh chị em nhắc lại cách thích đáng một dấu chỉ hy vọng tuyệt vời, vốn chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử hòa giải giữa Giáo hội Công giáo và tín hữu Tin lành Luther. Thật vậy, ngay trước khi Công đồng Vatican II kết thúc, các Kitô hữu Công giáo và Luther ở Hoa Kỳ đã cùng nhau đưa ra chứng từ này tại Baltimore: “Lời tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa Con, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, tiếp tục bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta thực sự được cứu độ, bởi vì chỉ có Người, Đấng là Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta” (The Status of the Nicene Creed as Dogma of the Church, ngày 07.07.1965).

Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của phong trào đại kết. Người là hiện thân của lòng thương xót thần linh, và sứ mạng đại kết của chúng ta là làm chứng cho điều này. Trong “Tuyên bố chung về Giáo lý ơn công chính hóa”, tín hữu Tin Lành Luther và Công giáo đã xây dựng mục tiêu chung là “tuyên xưng Đức Kitô ở khắp nơi, đặt trọn niềm tin tưởng nơi một mình Người là Đấng Trung gian duy nhất (1 Tm 2,5f), qua Người, Thiên Chúa tự hiến mình trong Chúa Thánh Thần và tuôn đổ hồng ân đổi mới của Ngài” (số 18).

Anh chị em thân mến, 25 năm đã trôi qua kể từ ngày ký bản Tuyên bố chung chính thức. Những gì đã xảy ra vào ngày 31.10.1999 tại Augusta là một dấu chỉ hy vọng khác trong lịch sử hòa giải của chúng ta. Chúng ta hãy lưu giữ sự kiện này trong ký ức của mình như một điều gì đó luôn sống động. Ước mong dịp kỷ niệm 25 năm được cử hành trong cộng đoàn chúng ta như một ngày lễ của niềm hy vọng. Chúng ta hãy nhớ rằng nguồn gốc tâm linh chung của chúng ta là “một phép Rửa để tha tội” (Kinh Tin Kính Nicea -Constantinopole) và hãy tiếp tục tin tưởng như “những người hành hương của hy vọng”. Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ở cùng chúng ta và tiếp tục đồng hành với cuộc đối thoại về sự thật và đức ái của chúng ta bằng phúc lành của Ngài.

Trên hành trình đại kết này, một điều thật tuyệt vời về Đức Giám mục Zizioulas hiện lên trong tâm trí tôi. Là một giám mục Chính thống giáo, và là một người tiên phong của phong trào đại kết, Đức Giám mục Zizioulas thường nói rằng ngài biết ngày hiệp nhất các Kitô hữu: đó là ngày chung thẩm. Nhưng theo ngài, trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta phải cùng nhau bước đi: cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau làm việc bác ái, trên con đường hướng tới ngày “siêu đại kết” sẽ là ngày chung thẩm. Đức Giám mục Zizioulas là người có khiếu hài hước tuyệt vời!

Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn anh chị em đã ghé thăm; và bây giờ tôi muốn mời anh chị em cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình. Xin cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm  

Chuyển ngữ từ: vatican.va (20. 06. 2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây