Tuần Tĩnh Tâm Hàng Giáo Sĩ GP.BMT - 2021
Chủ đề: Linh mục, người xây dựng Giáo Hội
Tuần Tĩnh Tâm hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột bắt đầu vào chiều thứ Hai ngày 08 tháng 11 năm 2021, đến chiều tối thứ Năm ngày 11 tháng 11 năm 2021.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, năm nay (2021), các Linh mục và Phó tế đang mục vụ tại Giáo phận Ban Mê Thuột không thể quy tụ về Tòa Giám Mục để tham dự Tuần Tĩnh Tâm Thường Niên như thông lệ.
Vì thế, Tuần Tĩnh Tâm được tổ chức theo từng nhóm nhỏ vài người hoặc nếu điều kiện không thể tụ họp thì từng cá nhân tĩnh tâm trong tình hiệp thông và nghe giảng chung với nhau qua đường trực tuyến (online). Chủ đề: LINH MỤC, NGƯỜI XÂY DỰNG GIÁO HỘI do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận hướng dẫn.
Trong tuần tĩnh tâm, Đức Cha giảng phòng sẽ lần lượt trình bày chủ đề, gồm 6 phần chính sau đây:
1/ Xây dựng Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ (Mt 16, 13-19)
2/ Xây dựng Giáo Hội bị thương tích (2Co 4, 7-12)
3/ Xây dựng Giáo Hội bằng Lời Chúa (Ga 17, 11b-19)
4/ Xây dựng Giáo Hội trong tinh thần phục vụ (Ga 13, 1-15)
5/ Xây dựng Giáo Hội bằng tấm lòng của người mục tử (Ga 10, 11-18)
6/ Linh mục, con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51)
Linh mục là những người phục vụ dân Chúa, được thánh hóa qua các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và huấn quyền của Giáo Hội. Linh mục được Chúa ban cho mọi ơn lành cần thiết, được Giáo Hội đào tạo qua nhiều hình thức, để trong mọi hoàn cảnh, luôn đứng vững trong đức tin, và hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa bước đi trong ánh sáng của Ngài.
Trong thế giới hôm nay, người linh mục đang phải đối diện với nhiều thử thách, đến từ bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội. Trước đây, hầu như mọi người đều tôn trọng những điều thuộc về đời sống đức tin và cách tổ chức của Giáo Hội, nên người linh mục thi hành chức vụ của mình với một sự xác tín, với một sự bảo đảm nào đó về phía Giáo Hội, cũng như nơi người tín hữu. Ngày nay, trước một số vấn đề tiêu cực xảy ra trong Giáo Hội, dư luận đang áp lực lên chính quyền dân sự để họ can thiệp nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến các định chế trong Giáo Hội. Người ta đặt ra nhiều vấn đề như: bí mật ấn tín tòa giải tội, độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, có nên cho các trẻ em đến nhà thờ không... Giáo Hội ở Bắc Mỹ, Úc châu đã trải qua nhiều sóng gió, và hiện nay đến các Giáo Hội tại châu Âu. Tại Việt Nam, một số người thiếu thiện cảm với Giáo Hội công giáo, nhân dịp này, đang tìm cách tấn công vào sự thánh thiện của Giáo hội, phóng đại những yếu đuối của một số linh mục, để làm cho nhiều người tín hữu phải hoang mang. Nhiều người tín hữu đạo đức và hiểu biết tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội cho các vị mục tử đứng vững trong cơn thử thách. Những người đang có vấn đề với cách quản trị của Giáo Hội có lý do để tiếp tục duy trì một khoảng cách nào đó. Người linh mục quản xứ, từ lâu được xem như người mục tử, người cha trong đời sống đức tin, nay phải trở nên dè dặt hơn trong cách giảng dạy, trong cách biểu lộ tấm lòng của người mục tử, trước sự dè dặt của những bậc cha mẹ.
Những điều đó cho thấy rằng người linh mục hôm nay, nếu muốn tiếp tục thi hành sứ vụ của mình như người mục tử giữa lòng dân Chúa và trong một xã hội thế tục, cần phải biết xác định về ơn gọi cao quý của mình, biết dựa vào nền tảng Lời Chúa và huấn quyền của Giáo Hội để nuôi dưỡng đời sống đạo đức của người tín hữu, thi hành đời sống mục vụ; đồng thời cũng phải biết liên kết hiệp thông với Giám mục giáo phận và anh em linh mục, để có thể thi hành sứ vụ theo đường hướng mục vụ của Giám mục giáo phận. Dẫu cho sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cùng nắm tay nhau xây dựng niềm tin, xây dựng Giáo Hội. Nhiệm vụ xây dựng Giáo Hội là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng người linh mục thánh thiện, yêu mến Chúa và yêu mến con người, đóng góp một phần rất quan trọng.
Thời gian tĩnh tâm giúp các linh mục nhìn lại đời mình dưới ánh sáng của lòng nhân từ Chúa, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để có thể nhận ra đâu là điểm cốt yếu, đâu là điều mà Chúa và Giáo Hội đang mong muốn nơi linh mục: những người được Chúa yêu quý và mời gọi cộng tác với Ngài.
Sáng thứ Ba, ngày 09.11.2021
Buổi sáng ngày 09.11.2021, Đức Cha Vinh Sơn -Giám mục Giáo phận, bắt đầu chia sẻ Phần thứ nhất của chủ đề LINH MỤC, NGƯỜI XÂY DỰNG GIÁO HỘI:
I/ Xây dựng Giáo Hội trên nền tảng các Tông Đồ (Mt 16, 13-19)
13Khi Đức Giêsu đến vùng (kế cận thành) Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” 15Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
1/ Bối cảnh: Câu chuyện thánh Matthêu kể lại trong bài Tin Mừng xảy ra trong vùng Cêsarê Philipphê, chứ không phải là vùng “kế cận thành”. Người ta thắc mắc: vùng này có gì đặc biệt và tại sao khi đến vùng đất này Chúa Giêsu mới đặt vấn đề căn tính của Ngài: “Con Người là ai”, và từ đó, có lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời của thánh Phêrô?
Chúng ta biết là trên đất Do-thái thời Chúa Giêsu, có 02 thành mang tên Cêsarê. Một cái gọi là Cêsarê miền duyên hải, nằm trên bờ Địa Trung Hải, có một hải cảng quan trọng mà sách TĐCV thường nhắc đến khi kể về những cuộc hành trình của thánh Phaolô. Cái khác nằm ở phía bắc, dưới chân núi Hermon, giáp với nước Liban và Syrie ngày nay. Nơi này có những dòng suối từ núi chảy ra làm thành sông Jodan, nguồn nước ngọt quan trọng cho vùng Palestine.
Vào thời Chúa Giêsu, thành phố này khá nổi tiếng. Ở đây, vua Herode Cả (người đã ra lệnh giết các hài nhi ở Belem khi Chúa Giêsu sinh ra), đã xây dựng một ngôi đền thờ kính hoàng đế La-mã César Auguste (người ta coi hoàng đế là vị thần) và, trước khi qua đời, ông đã chia vương quốc của mình cho 03 người con trai, mỗi người quản trị một vùng. Banias, vùng đất của các vị thần, được dành cho Philipphe. Ông này đã chọn nơi đó như là thủ đô của vương quốc, đặt tên cho nó là Cêsarê Philipphê, để phân biệt với thành Cêsarê miền duyên hải nằm bên bờ Địa Trung Hải. Trong thời Philipphe cai trị, vùng này được phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa: phát hành tiền xu, các đền thờ, nhà tắm công cộng, các nhà hát...
Ở đây một sự kiện quan trọng xảy ra trong Kitô giáo. Chúa Giêsu đã đến đó và đã hỏi các môn đệ về việc người ta nhận ra Ngài như thế nào, và sau đó đã hỏi các ông một cách trực tiếp là: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Chúng ta đã hiểu bối cảnh của việc Chúa Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ. Giữa một nơi dành cho các vị thần, có thể là các vị thần dân ngoại, có thể là vị hoàng đế uy quyền mà người ta mặc cho lớp vỏ thần linh, nơi mà sự giàu có được biểu lộ qua cách trang trí và cách sống, Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về sự lựa chọn căn bản trong đời sống đức tin, lựa chọn có ý nghĩa thiết thực với đời sống của người môn đệ.
Giữa muôn vàn thần tượng, giữa những thị hiếu của người đời, thì Thầy vẫn là Đấng mà các môn đệ lựa chọn bước theo và tôn thờ.
2/ Tìm hiểu bản văn:
Đoạn Tin Mừng chia làm 2 phần: phần 1 đề cập đến cách người ta hiểu về Chúa Giêsu như thế nào và câu tuyên xưng đức tin của Phêrô; phần 2 Chúa Giêsu khen ngợi cách nhận định của Phêrô và giải thích ý nghĩa tên mà Ngài đã đặt cho ông ngay lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42), cũng như mạc khải về ý nghĩa sứ mệnh của ông trong Giáo Hội.
a/ Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Người ta ở đây nghĩa là ý kiến chung chung của những người Do-thái mà các môn đệ đã có dịp tiếp xúc, hay là những tin đồn về Ngài.
Dựa vào đâu để người ta nhận định về Chúa Giêsu? Dựa vào lời giảng dạy, vào việc làm, vào cách sống, nghĩa là qua những cách hành xử bên ngoài mà người ta có thể thấy hoặc là nghe nói về Ngài. Các nhân vật người ta nói đến đều là những vị tiên tri có tiếng tăm đối với người Do-thái: Gioan Tẩy Giả, Êlia và Giêrêmia.
Gioan Tẩy giả là một vị tiên tri cùng thời với Chúa Giêsu. Lời rao giảng của ông có sức thuyết phục đến nỗi mà toàn dân Israel thuộc đủ mọi thành phần và từ khắp nơi đều tuôn đến bên bờ sông Jordan để nghe ngài giảng và xin chịu phép rửa thống hối.
Còn Êlia là một vị tiên tri lớn của thời Cựu Ước, ông có công bảo vệ lề luật Chúa khỏi tinh thần sa đọa của những vua chúa mất niềm tin, và người Do-thái nghĩ rằng ông sẽ trở lại trần gian trước khi Đấng Cứu Thế đến để dọn đường cho Ngài bằng cách tái lập lại trật tự trong xã hội và trong đạo Do-thái (Mt 17, 9-12).
Điểm đặc biệt là Matthêu nhắc đến tên Giêrêmia. Giêrêmia là một trong số các vị tiên tri lớn, phải chịu đựng nhiều sự nghịch lý từ hàng ngũ các tư tế và những người lãnh đạo trong dân.
Khi Chúa Giêsu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô, vì là người trưởng nhóm, không ngần ngại trả lời ngay “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Chúng ta để ý lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” đã được nói đến trong biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt nước (Mt 14, 22-33). Đối với Phêrô, Thầy còn cao hơn tất cả các tiên tri khác, vì Thầy là Đấng Cứu Thế, Thầy được sai đến trần gian để làm cho Nước Thiên Chúa được hoàn tất.
b/ Chúa mạc khải cho Phêrô:
Trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu mặc khải một điều kỳ diệu: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải xác thịt và máu huyết mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 17-18).
Chúa xác nhận điều Phêrô tuyên xưng là một hành vi đức tin, phát xuất từ Thánh Thần, vì không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa mà không phải là do Thánh Thần soi sáng.
+ “Anh thật là có phúc”: lời chúc phúc này được Chúa dùng trong 8 mối phúc, mở đầu cho Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 3-1l). Ở đây, chúng ta thấy thấp thoáng lời khen cũng như là lời Chúa nói với Nathanael trong lần gặp mặt đầu tiên: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47).
+ Chúa Giêsu phân biệt nguồn gợi hứng cho lời tuyên xưng đức tin của Phê-rô: “xác thịt và máu huyết” và “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Cách phân biệt này cũng thường gặp trong Tin Mừng (Ga 1, 13; 8, 15; Mt 26, 41; 1Co 15, 50). “Xác thịt và máu huyết” nghĩa là theo bản tính tự nhiên của con người chưa được biến đổi, còn “đến từ Chúa Cha” nghĩa là được Chúa Thánh Thần soi sáng.
Tuy nhiên, khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, Phêrô cảm thấy chói tai nên ngăn cản, và bị Chúa Giêsu quở trách: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). “Anh cản lối Thầy” là cách dịch cho dễ nghe, nhưng phải dịch là anh là dịp làm cho tôi vấp ngã” (ska,ndalon ei=evmou/).
3/ Gợi ý Suy niệm:
+ Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đã mở ra một hướng mới cho Chúa Giêsu trong việc thành lập Giáo Hội trong tương lai. Ngài có thể tin cậy vào sự cộng tác của con người, dẫu cho Ngài thấy rõ sự bất toàn nơi con người ấy.
+ Nơi con người của Phêrô biểu lộ luôn cả hai tính cách “thuộc về Thánh Thần” và “thuộc về xác thịt”.
a/ Khi Phêrô biết suy nghĩ theo Thánh Thần, ông là viên đá góc xây dựng Giáo Hội. Chúa đã thấy lòng yêu mến của ông ngay từ phút đầu gặp gỡ, nên vừa gặp ông lần đầu, ngài đã nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô); và sau này Ngài giải thích: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Phêrô là Tảng Đá không chỉ khi tuyên xưng đức tin, nhưng ngay cả khi sợ hãi, yếu đuối, ông vẫn luôn là điểm tựa cần thiết cho các tông đồ khác.
b/ Khi Phêrô suy nghĩ theo tính xác thịt, ông trở thành viên đá làm cho vấp ngã (scandal), không chỉ cho Chúa Giêsu, mà còn cho những người khác, làm hại cho Giáo Hội nữa. Phêrô có thể là viên đá làm cho vấp ngã khi từ chối chấp nhận sự cần thiết của cuộc khổ nạn (Mt 16, 21-23), khi không biết nghe lời Chúa cảnh cáo (Lc 22, 23-24).
Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy nhân vật Phêrô nổi bật như là người “đầy Thánh Thần”, người của đức tin, được Chúa Giêsu khen ngợi; nhưng chỉ một thoáng sau, chỉ vì để cách suy nghĩ của mình vượt nên trên cách suy nghĩ của Chúa, mà ông đã trở nên dịp vấp phạm cho chính Ngài và các môn đệ khác.
Khi đã trở nên con người của đức tin sau biến cố Phục Sinh, ý thức về việc Chúa đã chọn ông giữa các anh em để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (Cv 15, 7-11), có lúc Phêrô vẫn còn là viên đá làm cho anh em vấp phạm, ví dụ như đối với Phaolo về việc cắt bì hay không cho các anh em dân ngoại trở lại ở Antioche (Gl 2, 11).
4/ Áp dụng vào đời sống
+ Là linh mục, tôi được mời gọi trở thành người cộng tác với Chúa Giê-su trong việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội. Bí tích truyền chức ban cho tôi những ơn cần thiết để sống một cách có ý nghĩa đời sống của người mục tử. Tôi có biết phân định những việc mình cần làm dựa trên nền tảng đức tin của các Tông Đồ theo lời chạy của Giáo Hội không?
+ Là người có trách nhiệm gìn giữ đức tin cho cộng đoàn dân Chúa, linh mục cũng giống như Phêrô, có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn bằng chính đời sống đức tin của mình. Tôi có dùng mọi khả năng Chúa ban để phục vụ dân Chúa, hay tôi làm cớ vấp phạm cho anh chị em tín hữu?
+ Tôi có hiểu rằng những lời nói và việc làm của mình có ảnh hưởng trên đời sống đức tin của người tín hữu không? Những lời giảng dạy, những lời khuyên bảo theo chiều hướng tích cực mang lại niềm hy vọng cho người tín hữu. Trái lại, những lời nói thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng người khác, nơi miệng của người mục tử, sẽ để lại những vết thương trong lòng người tín hữu.
+ Nơi con người của Phêrô xuất hiện cả hai khía cạnh: con người của đức tin, là đá tảng, và con người yếu đuối, người làm cho người khác bị vấp phạm. Tôi có hiểu được rằng nếu tôi thiếu sự khiêm tốn trong khi thi hành chức vụ, tôi sẽ bước ra ngoài vòng ánh sáng của Chúa?
+ Chúa thấy rõ điểm yếu của tôi, nhưng Ngài vẫn luôn cầu nguyện cho tôi đứng vững và là điểm tựa nâng đỡ anh chị em của tôi.
Cầu nguyện: Xin cho con ý thức về con người yếu đuối của mình, và luôn biết khiêm tốn tựa nương vào Chúa.
Chiều thứ Ba, ngày 09.11.2021
Buổi chiều cùng ngày, Đức Cha Vinh Sơn -Giám mục Giáo phận, tiếp tục chia sẻ Phần thứ hai:
II/ Xây dựng một Giáo Hội bị thương tích (2Co 4, 7-12)
7Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. 12Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
1/ Bối cảnh:
Sau khi Phaolô viết thư 1Co vào khoảng cuối năm 56 hay đầu năm 57, Timôthê đã đến Corinthe. Tình hình ở Corinthe càng ngày càng xấu do các ngụy tông đồ có thái độ thù nghịch với Phaolô (2Co 11, 12-15). Timôthê trở về Ephese trình lại với Phaolô. Ngài đã viết thư 2Co để biện minh rằng sứ vụ tông đồ của ngài khác với những người đó.
Phaolô minh chứng rằng Thiên Chúa đã giao cho các Ngài công việc phục vụ Tin Mừng, nên các Ngài kiên tâm trình bày sự thật, không nản lòng trước những lời gièm pha của những kẻ muốn hạ uy tín của các Ngài. Các Ngài không rao giảng chính mình mình, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa, còn các ngài chỉ là những người đầy tớ của cộng đoàn (2Co 4, 1-6).
2/ Phân tích bản văn:
+ “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành”:
“Kho tàng” được đề cập ở đây là gì? Phải chăng đó là câu kết của đoạn trước: “Sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa trên khuôn mặt của Đức Kitô”? (2Co 4, 6).
“Chiếc bình được làm bằng đất”: cách nói này có thể ám chỉ đến sự mỏng dòn của con người Phaolô (2Co 12, 7-10; Gl 4, 14). Chúng ta cũng có thể hiểu như là “thân xác bằng đất”, ám chỉ đến trình thuật của St 2, 7, được Phaolô lấy lại trong Rm 9, 21-24 là 1Co 15, 44b-49.
+ C 8-10: những hình ảnh diễn tả giống như thân phận của một người chiến sĩ giác đấu, nếu không có sự sống của Đức Kitô thì chắc các ngài cũng đã bị đè bẹp từ lâu rồi.
+ C 11-12: Sự nguy hiểm mà các tông đồ phải trả giá, là để cho sự sống của Đức Kitô được tỏ hiện nơi thân xác yếu đuối của các ngài, và qua đó, các tín hữu có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.
+ Với những nét mà Phaolô kể ra như: “bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang, nhưng không tuyệt vọng, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt”, đây là những nét của một người chiến binh dày dạn kinh nghiệm, với một ý chí kiên cường, chứ không đơn thuần là những dụng cụ mỏng dòn đâu.
3/ Áp dụng thực tế:
+ Là những người yêu mến Chúa Giêsu, chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta trở thành nhân chứng của Ngài. Thế nhưng dầu gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ là những con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa. Vì thế, trong đời sống thường ngày, có những lúc chúng ta đã không hoàn toàn diễn tả được khuôn mặt của Thiên Chúa qua đời sống của chúng ta. Trong lời chứng của mình, xen lẫn sức mạnh của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người.
+ Mỗi người chúng ta có thể thấy được thiện chí cũng như sự cố gắng của mình. Mình biết mình yêu mến Chúa đến đâu, mình biết lý do tại sao mình có thái độ như thế này hay thế khác, nhưng người ngoài họ không dễ gì nhận ra điều đó một cách rõ ràng như chúng ta đâu. Vì thế, nhiều khi họ hay kết án chúng ta. Họ kết án theo cảm tính, nhiều khi không có chứng cứ gì cả. Họ thiếu thông cảm, vì họ muốn nhìn thấy một chứng từ của những người thuộc về Chúa một cách khác hơn.
+ Ý thức được sự mỏng dòn của mình, chúng ta cố gắng khắc phục, nhưng đó không thể là công việc của một sớm một chiều. Chỉ khi nào người mục tử biết sống khiêm tốn, tựa nương vào sức mạnh của Chúa, chứ không phải dựa vào sức mạnh và sự khôn ngoan của riêng mình, mới có thể để cho Chúa hành động nơi bản thân mình.
+ Người ta đòi hỏi các linh mục nhiều điều lắm. Các linh mục càng có nhiều tài năng, thì càng có nhiều người yêu quý. Thế nhưng, đây cũng là một thử thách lớn cho các linh mục. Khi được yêu quý nhiều, nhất là được hâm mộ, người linh mục cần ý thức mạnh mẽ hơn về sự mỏng dòn của mình. Đừng liều lĩnh hoặc coi thường, vì rất dễ bị ngã.
+ Chúng ta cũng nên nhớ rằng người anh em linh mục yếu đuối, là người thân của chúng ta, là người cùng với chúng ta làm nên linh mục đoàn, làm nên thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội. Chúng ta có trách nhiệm cầu nguyện cho nhau đứng vững trong đức tin và xây dựng tình hiệp nhất.
Tóm lại, vì chúng ta là những con người chấp nhận bơi ngược dòng nước, chúng ta hiểu rằng qua những yếu đuối của chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu và sức mạnh của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cộng tác với Ngài một cách tích cực hơn để làm chứng là chúng ta đang thuộc về Ngài.
Lời tâm niệm: Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm tốn và thông cảm với mọi người.
Thứ Tư, ngày 10.11.2021
Ngày hôm nay, Đức Cha Vinh Sơn tiếp tục hướng dẫn phần thứ ba và phần thứ tư: Xây dựng Giáo Hội bằng Lời Chúa và Xây dựng Giáo Hội trong tinh thần phục vụ:
III/ Xây dựng Giáo Hội bằng Lời Chúa (Ga 17, 11b-19)
11bLạy Cha chí thánh, xin gìn giữ (têrêô) các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ (têrêô) họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con: 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ (têrêô) họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”
1/ Bối cảnh: Trong bữa tiệc ly, sau khi dạy bảo các môn đệ những điều cần thiết cho cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn trong hoàn cảnh mới, Chúa Giêsu hướng lòng lên cùng Cha và cầu nguyện cho các ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ đang còn sống trong thế gian để các ngài can đảm sống đức tin và làm chứng cho Thầy Chí Thánh. Điều Chúa Giêsu cầu xin là: cho các môn đệ được kết hợp với nhau nên một, như Chúa Giêsu và Cha Ngài; cho họ được trở nên hoàn toàn giống Chúa Giêsu: ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (c. 1 4).
a/ Xin gìn giữ các môn đồ trong đức tin (cc. 11b-13);
b/ Che chở các ông khỏi thế gian hư đốn (cc. 14-16);
c/ Tác thành các ông trong sự thật (cc. 17-19). Sự thật ở đây được hiểu là chân lý, là chương trình cứu độ được Thiên Chúa Cha mạc khải trong Đức Giêsu Kitô; và chân lý đó nằm trong Lời Cha.
2/ Quan sát và giải thích bản văn:
+ Cách thức Chúa Giêsu ngỏ lời với Chúa Cha làm cho lời cầu nguyện trở nên rõ nét trong từng điểm mà Ngài muốn đề cập. Cha là Đấng “Thánh”, hoàn toàn tách biệt khỏi “thế gian”. Đứng trước “thế gian” này với những tham vọng, ích kỷ, hay thay đổi của nó, Ngài là Thiên Chúa duy nhất chân thật (17,3). Ngài là ánh sáng (1Ga 1,5), còn “thế gian” là tối tăm. Ngài là tình yêu (1Ga 8,16), còn thế gian bị thống trị bởi hận thù và bởi “Đầu mục” của nó.
Việc nhấn mạnh đến sự thánh thiện này của Thiên Chúa tương phản dữ dội với việc đề cập đến “thế gian” đi liền ngay trước (c. 11a). Các môn đồ là những người đã từng sống theo tinh thần của “thế gian”, Thiên Chúa đã giải thoát họ và đem về bên phía Ngài. Tuy vậy, họ vẫn còn ở trong thế gian”, nghĩa là sống trong bầu khí của thế gian. Thế gian vẫn luôn cố gắng chụp lấy họ và kéo về lại với mình. Mối tranh chấp này làm nổi bật hai “không gian” thiêng liêng là sự tương phản chi phối cả lời nguyện cho đến c. 19.
+ Động từ “gìn giữ” được xử dụng 03 lần trong đoạn văn này. Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong “Danh Cha” đã được ban cho Ngài (c. 11) và gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần (c. 15). Chính Chúa Giêsu, khi còn sống giữa các môn đệ, đã gìn giữ các ngài trong “Danh Cha” đã được ban cho Con.
+ “Vì họ, con Xin thánh hiến chính mình con để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Trong câu cuối cùng của đoạn văn, chúng ta thấy Chúa Giêsu không những nài xin Cha thánh hiến các môn đồ mình trong sự thật, mà còn tự thánh hiến mình cho mục đích ấy. Việc Chúa Giêsu tự dâng hiến chính mình như là hy lễ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho các môn đệ hiểu được những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và noi gương Ngài, biết xóa mình đi mỗi ngày để bảo vệ sự hiệp nhất trong cộng đoàn.
3/ Gợi ý Suy niệm:
+ Đến giây phút cuối, Chúa Giêsu vẫn còn nguyện xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu. Điều đó cho chúng ta thấy rằng người môn đệ chỉ có thể hiểu và trình bày về Thiên Chúa Cha cách chuẩn mực theo như cách Chúa Giêsu dạy dỗ họ.
+ Giống như các môn đệ được Chúa Giêsu nuôi dưỡng, dạy dỗ, canh giữ bằng Lời của Ngài, là Lời được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa Cha, thì linh mục, người có trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn tín hữu cũng phải nuôi dưỡng đức tin và lòng yêu mến của người tín hữu bằng Lời Chúa, chứ không phải là lời khôn ngoan của người đời, hoặc là của riêng mình. Việc giải thích Lời Chúa, dưới ánh sáng của Thánh Thần và những kinh nghiệm mà mình học hỏi được, rồi đem áp dụng vào trong đời sống thường ngày, là một phần rất quan trọng của cử hành phụng vụ. Chỉ có Lời Chúa mới có sức mạnh nuôi dưỡng đức tin và biến đổi con người.
Tông huấn Verbum Domini nhấn mạnh đến vai trò của bài giảng lễ: Bài giảng lễ, trong vai trò vừa là chiếc cầu nối giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, vừa giúp cho người tín hữu hiểu được mối tương quan giữa cử hành phụng vụ và đời sống thường ngày, nên được chú trọng đặc biệt: “Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục Sacramentum caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “liên hệ đến tầm quan trong của Lời Thiên Chúa, cần phải cải thiện phẩm chất của bài giảng. Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’, bài giảng lễ có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu”.[1]
Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của lời bài giảng. Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh;[2] họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê.” (tr. 137-138).
Với các linh mục, Đức Thánh Cha lấy lại điều được viết trong tông huấn Pastores dabo vobis: “Linh mục trước hết là Thừa tác viên Lời Thiên Chúa. Ngài được thánh hiến và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mỗi người vâng phục đức tin và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ hiểu biết và hiệp thông ngày một sâu xa hon với Mầu nhiệm Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta. Chính vì thế, trưóc tiên vị linh mục đã phải rất quen thuộc với Lời Thiên Chúa. Biết phương diện ngôn ngữ hoặc chú giải Lời Chúa, thì chưa đủ, dù là cần thiết. Vị linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, tư tưởng của Đức Kitô’ (1Cr 2, 10)”.[3] Như thế, các lời nói, hơn nữa các chọn lựa và các thái độ của ngài sẽ ngày càng trong suốt với Tin Mừng, sẽ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. “Chỉ khi ở lại trong Lời Chúa, vị linh mục mới trở thành người môn đệ hoàn hảo của Chúa, mới nhận biết chân lý và mới thật sự tự do”.[4] (tr. 164).
+ Nếu chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu, cũng như của Giáo Hội, chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo thị hiếu tầm thường và trình bày những sự khôn ngoan của con người. Nếu một linh mục, người của Lời, được nuôi dưỡng bằng Lời, mà không cảm nhận được nguồn sống của Lời, thì làm sao có thể làm cho người tín hữu yêu mến Lời và sống theo Lời?
Lời tâm niệm: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con bước đi trong ánh sáng và sự khôn ngoan của Ngài.
IV/ Xây dựng Giáo Hội trong tinh thần phục vụ (Ga 13, 1-17)
1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. 3Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa thầy? Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” 7Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu?” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” 11Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. 16Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em?
1/ Bối cảnh: Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ thân yêu của mình. Qua việc rửa chân, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thế phục vụ lẫn nhau trong khiêm tốn.
2/ Vấn đề: Trong bữa tiệc ly, nghĩa là bữa tiệc cuối cùng dự phần với những người thân, người thầy, người gia trưởng thường có những lời dặn dò cho con cái, cho các môn đệ, những điều quan trọng, để sau khi mình ra đi, những người còn lại tiếp tục sống với nhau theo ý của thầy.
Trong kho tàng truyện Việt Nam có kể chuyện người cha, trước khi chết, gọi tất cả những người con lại, và dạy họ về bài học đoàn kết gây sức mạnh, đem lại sự sống, còn chia rẽ sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng, qua hình ảnh bó đũa.
Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ, và Ngài đã yêu thương họ đến cùng, Ngài muốn gì khi dạy cho các môn đệ bài học rửa chân cho nhau? Kinh nghiệm của dân Chúa có soi sáng cho chúng ta điều gì không?
Từ vựng được Gioan dùng trong đoạn này cho thấy cử chỉ này mang một ý nghĩa biểu tượng. Thực vậy, Gioan viết rằng Chúa Giêsu cởi áo (tithêmi). Câu 12, Ngài mặc áo lại (lambanô): đó là 2 động từ được dùng trong Ga 10, 17 tt, khi Chúa Giêsu tuyên bố là Ngài có quyền hy sinh mạng sống (tithêmi) để rồi lấy lại (lambanô). Ý muốn ám chỉ về cái chết của Ngài thì rõ ràng: ở đây Chúa Giêsu lột bỏ y phục, nhưng như là dấu hiệu của sự từ bỏ hoàn toàn, như lễ dâng cuộc sống (cf. 19, 23 người bị đóng đinh bị lột áo). Chúng ta nghĩ đến bài thánh thi bất hủ: “Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy thân phận nô lệ” (Ph 2, 7).
3/ Bài học phục vụ của các môn đệ
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa việc Ngài vừa thực hiện là để làm gương cho các môn đệ sống tinh thần phục vụ lẫn nhau trong khiêm tốn. Chúa Giêsu hỏi: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” Có lẽ các môn đệ không hiểu, nên Chúa giải thích: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 13-15).
Tinh thần phục vụ trong khiêm tốn giúp cho các môn đệ vừa thi hành sứ vụ theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vừa giữ được sự hiệp nhất trong Giáo Hội: Trường hợp của thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô là một ví dụ cụ thể (Cv 10- 11). Thánh Thần sai Phêrô đến nhà Cornêliô, một người La-mã ngoại giáo, qua một thị kiến “tấm lưới từ trời thả xuống”, và 3 lần có tiếng nói từ trời yêu cầu ông bắt những con vật trong đó mà ăn. Phêrô đã đến nhà người ngoại giáo này, giảng dạy và rửa tội cho họ nhân Danh Chúa Giêsu. Sau đó, các anh em thuộc nhóm cắt bì ở Giêrusalem chỉ trích Phêrô đã vào nhà ngoại giáo và ăn uống với họ. Phêrô chân thành trình bày lý do một cách khiêm tốn và mạch lạc, nên đã thuyết phục được những người chống đối. “Nghe thế, họ mới chịu im, và họ tôn vinh Thiên Chúa mà nói: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!” (Cv 11, 18).
Trong thư 1 Pr, tác giả khuyên các kỳ mục của mình như sau: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa xã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1Pr 5, 1-4).
Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình. Như thư thứ nhất của thánh Phêrô đã viết một cách rõ ràng và chính xác (1Pr 5, 1-4).
4/ Tinh thần phục vụ của người mục tử
Là những linh mục của Chúa Giêsu, thái độ khiêm tốn phục vụ trong yêu thương có lẽ sẽ giúp chúng ta trở thành người lãnh đạo cộng đoàn theo gương của Thầy Chí Thánh một cách tuyệt vời. Sự thông minh, khôn ngoan, tài năng... chỉ là những điều kiện Chúa ban để người mục tử có thể phục vụ cộng đoàn trong thái độ khiêm tốn thực sự. Tinh thần kẻ cả, tự mãn chỉ làm cho người ta thấy rõ những điểm yếu của mình. Người giáo dân luôn mong ước có được những mục tử đầy lòng yêu thương, nhân hậu, và có một đời sống nhân bản tốt đẹp. Thái độ thiếu hiểu biết của các linh mục là một trong những lý do tạo nên sự chia rẽ và làm cho người ta xa lánh Giáo Hội.
“Sự thật về linh mục phát xuất từ Lời Chúa, nghĩa là từ chính Đức Giêsu Kitô, và từ kế hoạch của Ngài liên quan tới sự cấu thành Giáo Hội, sự thật ấy đã được hát lên bằng một bài ca tạ ơn vui mừng của phụng vụ trong kinh Tiền Tụng ngày lễ Dầu: “Nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, Cha đã đặt Con Một Cha làm Tư Tế của Giao Ước Mới vĩnh cửu; Cha đã muốn cho chức tư tế duy nhất của Ngài luôn sống động trong Giáo Hội. Chính Ngài là Đức Kitô, là Đấng ban cho toàn dân được cứu chuộc phẩm vị làm tư tế vương giả; chính Ngài tuyển chọn trong tình yêu của ngài đối với đàn em, những người sẽ được đặt tay là sẽ thông phần vào thừa tác vụ của Ngài...
Lời tâm niệm: Xin cho con hiểu rằng sự phục vụ trong khiêm tốn giúp chúng con biết đón nhận ơn Chúa một cách phong phú hơn.
Thứ Năm, ngày 11.11.2021
Hàng Giáo sĩ tiếp tục hành trình qua 2 phần cuối: Xây dựng Giáo Hội bằng tấm lòng của người mục tử và Linh mục, con người mới trong một Giáo Hội mới. Tuần Tĩnh Tâm kết thúc vào chiều tối hôm nay (11.11.2021).
V/ Xây dựng Giáo Hội bằng tấm lòng của người mục tử (Ga 10, 11-15)
11Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
1/ Quan sát bản văn:
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng 03 động từ để định nghĩa về “Người Mục Tử nhân lành”: là, hy sinh và biết.
+ Chúa Giêsu tự mạc khải mình: “Ta là Mục Tử nhân lành”. Chúa không chỉ giới thiệu mình là người mục tử, nhưng Ngài nhấn mạnh đến cụm từ “mục tử nhân lành”. Động từ “là” biểu thị chiều kích hữu thể học của chủ ngữ, chứ không phải là một lời giải thích, một lời giới thiệu về một chức vụ. Thuộc từ “nhân lành” (tốt) gắn liền với từ “mục tử”. Ở đây, Chúa Giêsu không phân biệt giữa “người mục tử tốt” và “người mục tử xấu”, nhưng là giữa “người mục tử nhân lành” và “người chăn chiên thuê”. (Misthôtos: người chăn thuê được trả lương).
+ “Hy sinh mạng sống vì đàn chiên”: Cái chết cứu độ của Chúa Giêsu được nói đến trong Tân Ước bằng cách nói “trao ban sự sống cho”. Như: “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Trong Ga 10, Chúa Giêsu nhắc đến câu này 2 lần (c. 11 và 15).
+ Người mục tử nhân lành biết từng con chiên, và con chiên cũng biết Ngài. Con chiên cũng có ngôn ngữ, có cách biểu lộ tình cảm của nó. Vì thế, con chiên nhận ra người mục tử của mình qua cử chỉ chăm sóc, qua mùi vị. Người mục tử cần biểu lộ cho con chiên biết sự quan tâm và yêu thương của mình. Chúa biết từng người môn đệ cũng như những người bị người đời khinh chê. Chúa biết khả năng đáp trả lời mời gọi của từng người, như trường hợp của Giakêu, Maria Madalena, Levi, Nathanael, Phêrô…
Trước khi chịu khổ hình, Chúa biết Phêrô sẽ phản bội, nên Ngài đã cảnh cáo. Khi Phêrô không nghe, Ngài nhắc nhở. Khi Phêrô chối đến lần thứ ba, Ngài vẫn quan tâm. Sau khi sống lại, Ngài không chất vấn Phêrô về những yếu đuối của ông ta. Ngài ban bình an và ban Thánh Thần.
2/ Gợi ý Suy niệm:
Trong thế giới ngày xưa, người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để chỉ về vai trò của người lãnh đạo. Các tiên tri trong Cựu Ước thường tố cáo các vua như là những người chăn chiên xấu, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng mình, thay vì để ý đến sự lớn mạnh của đàn chiên. Trái lại, các tiên tri đề cao David mới, người biết chăm sóc tất cả đàn chiên, ngay cả những con chiên yếu liệt nhất (Gr 23, 1-6; Ez 34; Za 11, 4-17)[1]. Áp dụng cho mình những từ ngữ của lời tiên tri Ez 34, Chúa Giêsu nhiều lần tự giới thiệu mình như vị mục tử nhân lành đến để tập hợp những chiên lưu lạc của nhà Israel (Mt 9, 36; 10, 6). Ngài đã biện minh cách tiếp đón mà Ngài dành cho những người tội lỗi trong khi gợi lên lòng nhân lành của Thiên Chúa đối với các chiên lạc (Lc 15, 4-7).
Trong thư I Phêrô, người Tông Đồ Trưởng gắn bó với chủ đề này khi giới thiệu Đức Kitô như là Vị Mục Tử Tối Cao (1P 5, 4). Điều đó muốn nói rằng các linh mục chỉ có quyền do ủy thác, như là những người đại diện của Đức Kitô, vị Thầy duy nhất của đàn chiên. Khi Chúa Giêsu trao ban trách nhiệm này cho Phêrô, Ngài đã nói với ông rõ ràng: “Hãy chăn các chiên con, các chiên mẹ của Ta” (Ga 21, 15-17). Cả Phêrô lẫn các linh mục không thể quên được rằng đàn chiên không thuộc về họ và họ không thể áp đặt lên trên đàn chiên những quan niệm của riêng mình. Linh mục chỉ có thể là chủ của đàn chiên, khi linh mục gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, và trở nên thành phần của thân thể Ngài là Giáo Hội.
Nhiệm vụ của người mục tử bao gồm việc dẫn đưa đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi đến dòng suối mát (Tv 23), trong khi giữ cho đàn chiên được sống bên nhau, vì con vật lẻ bầy dễ trở thành mồi cho sư tử rình mò chung quanh (5, 8). Trong ẩn dụ về người mục tử này, người ta cũng thấy rằng vai trò của người lãnh đạo bao gồm việc tránh xa tất cả mọi nguy cơ chia rẽ, đến từ những tiến sĩ giả.
3/ Áp dụng vào đời sống:
+ Linh mục là người mục tử chăm sóc đàn chiên và là người gìn giữ đức tin của dân Chúa, chúng ta có biết quí trọng ơn gọi linh mục của mình để sống đời mục tử tích cực hơn, và giúp người Kitô hữu ý thức được trách nhiệm của người làm con Chúa trong Giáo Hội không? Thái độ gia trưởng, thiếu tôn trọng người cộng tác sẽ làm cho sức sống của Giáo Hội không thể phát triển được, và đôi khi còn làm phát sinh lòng bất mãn.
+ Là người có trách nhiệm hướng dẫn đức tin cho cộng đoàn, linh mục cần tỉnh táo nhận ra những nguy cơ của thời đại gây nguy hại cho đức tin của người tín hữu. Đời sống đạo thiếu sức sống dễ làm cho một số tâm hồn có khuynh hướng năng động hơn trong đời sống đức tin tìm đến với những hình thức sống đạo mới, hấp dẫn hơn.
+ Là những linh mục của Chúa Giê-su, thái độ khiêm tốn phục vụ trong yêu thương có lẽ sẽ giúp chúng ta trở thành người lãnh đạo cộng đoàn theo gương của Thầy Chí Thánh một cách tuyệt vời. Sự thông minh, khôn ngoan, tài năng... chỉ là những điều kiện Chúa ban để người mục tử có thể phục vụ cộng đoàn trong thái độ khiêm tốn thực sự. Tinh thần kẻ cả, tự mãn chỉ làm cho người ta thấy rõ những điểm yếu của mình. Người giáo dân luôn mong ước có được những mục tử đầy lòng yêu thương, nhân hậu, và có một đời sống nhân bản tốt đẹp. Thái độ thiếu hiểu biết của các linh mục trong cách ứng xử với mọi người là một trong những lý do tạo nên sự chia rẽ và làm cho người ta xa lánh Giáo Hội.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết noi theo gương của Vị Mục Tử Nhân Lành.
VI/ Linh mục, con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 45-51)
45Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.”
46Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” 48Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”
49Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” 50Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
1/ Bối cảnh: sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi, Philip đến gặp bạn mình là Nathanael, người xứ Cana, để thuyết phục ông đến gặp Chúa Giêsu. Tuy không tin vào lời của Philip, nhưng vì nể bạn ông vẫn đến gặp Chúa Giêsu. Qua cuộc đối thoại, ông tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là vua Israel. Hầu như nhiều người đồng ý rằng Nathanael trong Tin Mừng Gioan là Bartôlômêô (con của Tholmai) trong Tin Mừng Nhất Lãm. Nathanael là tên Do-thái, nghĩa là Chúa ban, tiếng Hy-lạp là théodore, món quà của Thiên Chúa.
2/ Giải thích bản văn:
+ c 45: Philip đã nói với Nathanael: “Đấng mà sách Luật Moisen và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. Một điều cần được ghi nhận trước tiên là nếu không có niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì những điều được viết trong sách thánh cũng không được hệ thống hóa lại một cách rõ nét. Chính niềm tin vào Chúa Giêsu giúp cho người nghe được mở rộng tâm trí để hiểu những điều sách thánh đã nói. Kinh nghiệm của hai môn đệ đi làng Emmau (Lc 24, 16-32) và của người môn đệ Chúa yêu mến trước ngôi mộ trống (Ga 20, 1-10) chứng minh điều này.
+ c 46: Là người Do-thái đạo đức, hiểu biết Lề Luật và khao khát trông chờ Đấng Messie, Nathanael cảm thấy trong lời nói của Philip có điều không hợp lý. Làm sao Đấng Cứu Thế có thể xuất thân từ Nadarét được. Lời của tổ phụ Giacóp tiên báo người lãnh đạo sẽ xuất thân từ dòng tộc Giuđa (St 49, 10). Lời của tiên tri Mikha khẳng định Đấng Messie sẽ sinh ra ở Bethlem (Mk 5, 1). Trong Cựu Ước, không hề có một lần nhắc đến tên ngôi làng Nadareth nhỏ bé này. Hơn nữa, Nathanael quê ở Cana, cách Nadareth vài dặm về phía nam; nếu ở đó có một tiên tri, có lẽ ông cũng phải nghe biết chứ. Vì thế, Nathanael không ngần ngại chất vấn lại Philip: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Không thể trả lời cho Nathanael thông suốt, Philip chỉ biết mời gọi: “Cứ đến mà xem”. Không biết vô tình hay hữu ý mà Philip dùng lại công thức Chúa Giêsu nói với hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi theo Ngài (Ga 1, 39). Nathanael đi theo Philip đến gặp Chúa Giêsu, và chính Chúa giúp ông thay đổi cái nhìn của mình về Đấng Messia.
+ c 47: Vừa thấy Nathanael tiến về phía mình, Chúa ngỏ lời: “Đây đích thật là một người Israel, dòng dạ không cỏ gì gian dối”. Trong cả bốn Tin Mừng, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ “Israel” để chỉ một người Do-thái. Những lần khác được dùng trong sách TĐCV và các thư Phaolo. Chúa nhấn mạnh Nathanael là một người Israel chân thật, không có gì gian dối. Ở đây, Chúa Giêsu không đặt cho Nathanael một cái tên mới, như trường hợp của Simon trong Ga 1, 42, cũng không giải thích ý nghĩa của tên như trường hợp của Phêrô trong Mt 16, 18, nhưng Chúa Giêsu khẳng định về bản chất của một con người: Nathanael là một người Israel mới, đối nghịch với con người Israel cũ.
+ c 48: Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philip gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả tôi đã thấy anh rồi”. Thành ngữ “ở dưới cây vả” có lẽ ám chỉ đến cuộc sống dành trọn thời giờ để học hỏi Kinh Thánh. Cách diễn tả này khá phổ biến trong văn chương của các thầy thông luật, vì cây vả được ví như cây biết lành biết dữ. Cũng có thể là Chúa Giêsu đã biết Nathanael một cách nào đó, ví dụ: qua lời kể của Philip, hoặc thấy ông ở đâu đó. Câu nói của Chúa Giêsu làm cho Nathanael liên tưởng đến thánh vịnh 139: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa...” (c. 2).
+ c 49: Câu tuyên xưng của Nathanael cho thấy ông có một sự cảm phục sâu xa: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”.
Sự gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp cho Nathanael được sáng tỏ nhiều điều. Những kiến thức mà ông đã có được về một Đức Kitô đã được Chúa Giêsu làm cho rõ nét. Từ chỗ dựa vào kiến thức của riêng mình để đánh giá Chúa Giêsu, Nathanael đã để cho Lời Chúa Giêsu hướng dẫn và hiểu về Ngài. Đây là một sự hoán cải quan trọng (mêtanoia) để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu.
3/ Gợi ý Suy niệm:
+ Từ khi được trở thành linh mục của Chúa, tôi đã tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mục tử chưa, hay chỉ tiếp tục sống theo thói quen? Sự tiếp xúc thân mật với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể và trong Lời Người có giúp tôi thay đổi cái nhìn, sự hiểu biết của mình về thiên chức linh mục không?
+ Là linh mục, tôi đang sống với Chúa và với Giáo Hội, với anh chị em giáo dân được trao phó cho tôi như thế nào? Tôi có siêng năng đến với Chúa để học hỏi cách sống của người mục tử nhân hậu không? Mối tương quan của tôi với bề trên giáo phận và các anh em trong linh mục đoàn như thế nào? Sự tiếp xúc, trao đổi thường xuyên sẽ giúp hiểu nhau hơn và xây dựng tình hiệp nhất.
+ Như Nathanael là người được Chúa Giê-su đánh giá rất cao: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối”, người linh mục chúng ta có sống như là người tin cẩn của mọi người không? Chúng ta nghĩ gì khi có những linh mục sống theo tinh thần thế gian, làm cho người giáo dân không dám tin tưởng nữa? Anh em có hiểu là khi anh em sống như là một linh mục của Chúa, lòng dạ không có gì gian dối, anh em chính là món quà Chúa tặng ban cho Giáo Hội và thế giới không?
+ Tôi có sống với anh chị em giáo dân với tấm lòng yêu mến, phục vụ chân thành, hay điều hành giáo xứ với những thủ đoạn của một người ma mãnh. Nên nhớ rằng người tín hữu rất nhạy bén trước những lời nói và hành động của vị mục tử. Người giáo dân yêu mến và sẵn sàng lắng nghe vị linh mục thuộc về Chúa.
+ Trong công việc mục vụ, Chúa chiếm chỗ nào trong các chương trình của tôi, hay Ngài chỉ là bóng mờ của tôi? Để sống lý tưởng linh mục, tôi có để Chúa hướng dẫn tôi mỗi ngày qua các giờ đọc Lời Chúa, suy niệm trước Thánh Thể, xét mình, hay chỉ chạy theo những công việc mà tôi ưa thích?
+ Như Nathanael, tôi được Chúa biến đổi nên con người mới: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối”. Chúa đang mời gọi tôi xây dựng một Giáo Hội mới theo tiêu chuẩn của ngài.
Tâm nguyện: Xin Chúa giúp con hiểu được ý nghĩa của cuộc đời linh mục mà Chúa đang muốn con sống và xin cho con biết sống xứng đáng trong cương vị của “người mục tử như lòng Chúa mong ước”.
Chầu Thánh Thể Bế Mạc (Ảnh: Xuân Huy)
Ban VHTT-GP.BMT ghi chép
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn