BÀI 63 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH

Thứ ba - 04/10/2022 07:26 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   387
Thánh Phaolô nói : “Tôi khuyên tất cả anh em, hãy nhất trí với nhau, trong lời ăn tiếng nói và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em" (1 Cr 1,10).
BÀI 63 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH
BÀI 63
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH -  HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA LỜI NÓI DỐI
 
 
1. LỜI CHÚA : Thánh Phaolô nói : “Tôi khuyên tất cả anh em, hãy nhất trí với nhau, trong lời ăn tiếng nói và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em" (1 Cr 1,10).
2. CÂU CHUYỆN : CHÚ BÉ CHĂN CỪU NÓI DỐI VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ.
Ngày nọ, một cậu bé làm nghề chăn cừu thuê đang ngồi trên một tảng đá quan sát bầy cừu ăn cỏ non trên sườn núi. Để tạo niềm vui, cậu đã nghĩ ra việc đánh lừa dân làng bằng cách la lớn : “Sói ! Sói ! Có chó sói đến bắt đàn cừu bà con ơi ! “
Dân làng nghe tiếng kêu cứu liền rủ nhau chạy lên sườn núi để giúp cậu bé đánh đuổi lũ chó sói. Nhưng khi đến nơi thì không thấy có con sói nào cả. Cậu bé liền cười to khi thấy bộ dạng ngơ ngác của dân làng. Rồi khi hiểu ra đã bị cậu bé chăn cừu đánh lừa, thì dân làng rất tức giận. Một người trong bọn liền lên tiếng khuyên cậu bé : "Này cháu bé. Cháu đừng la có chó sói nếu thực sự không có nghe". Rồi họ rủ nhau xuống núi trở về làng. 
Hôm sau cậu bé lại la toáng lên : “Có sói ! Có sói đang đuổi bắt đàn cừu bà con ơi !”
Rồi cậu lại cười to khi thấy một số dân làng vội chạy lên núi để giúp cậu đánh đuổi chó sói. Khi dân làng không thấy chó sói, một lần nữa họ đã trách mắng cậu bé : "Cháu đừng bao giờ hô lên có chó sói, trong khi thực sự không có nghe chưa ?”. Nhưng khi nghe la mắng, cậu bé chỉ biết nhe răng cười trong lúc dân làng thì tức giận rủ nhau xuống núi. 
Ít hôm sau, cậu bé nhìn thấy một con sói thực sự đang rình mò muốn cắn xé đàn cừu. Cậu ta hoảng sợ, vội chạy xuống núi la toáng lên : “Sói ! Sói ! Bà con ơi !” Nhưng lần này dân làng nghĩ rằng cậu bé lại giở trò lừa họ, nên không một ai chạy lên núi ứng cứu. 
Đến khi trời tối, mọi người trong làng thắc mắc tại sao không thấy cậu bé đưa đàn cừu trở về chuồng. Họ liền rủ nhau leo lên sườn núi tìm cậu bé. Cuối cùng họ đã tìm thấy cậu ta vừa khóc vừa mếu máo nói :
- Lần này thực sự đã có một con sói ở đây ! Bầy cừu đều sợ hãi chạy tán loạn hết ! Cháu đã la cầu cứu dân làng. Vậy tại sao các bác không chịu đến cứu đàn cừu ?" 
Bấy giờ, một cụ già liền đặt tay lên vai cậu bé an ủi : "Hãy để sáng mai mọi người chúng ta sẽ lên núi giúp cháu đi tìm những con cừu bị lạc mất. Cháu phải nhớ kỹ bài học này là : không ai sẽ tin lời một kẻ từng nói dối nhiều lần, ngay cả khi nó nói thật đấy cháu ạ !"
3. SINH HOẠT : Trong câu chuyện chú bé chăn cừu, tại sao lần thứ ba khi nghe cậu bé kêu cứu, dân làng lại không chạy lên núi giúp đỡ chú bé chăn cừu đánh đuổi chó sói ?
4. SUY NIỆM :
Người xưa có câu : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra bốn con ngựa khó lòng đuổi kịp”. Hoặc câu khác : “Nước đổ khó hốt, gương vỡ khó lành !”. Cũng vậy : một lời đã nói ra ngoài miệng thì cũng không thể thu hồi trọn vẹn được. Vì thế người xưa đã có lời khuyên : “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cho dù nói lời khen ngợi, chúng  ta cũng cần đắn đo suy nghĩ để khen đúng lúc đúng chỗ mới có tác dụng tích cực. Lời tốt nói ra mà còn phải đắn đo như vậy, phương chi những lời không tốt, thì còn phải cân nhắc đến mức nào. Nhưng đâu là những lời nói không tốt mà chúng ta cần tránh nói ra ?
1) Tránh nói những lời khó nghe lúc đang tức giận :
 “Giận quá mất khôn”, một người khi tức giận thường không thể tự chủ và không kềm chế được miệng lưỡi của mình. Họ sẽ dễ to tiếng mắng nhiếc hạ nhục đối phương. Những lời nói đó có thể vừa làm tổn thương kẻ kia, lại vừa làm tổn thương chính mình. Do đó mỗi khi bị ai đó nói chạm tự ái, chúng ta cần giữ thái độ bình tĩnh, tránh phản ứng ngay vì dễ làm cho tình hình căng thẳng hơn và dẫn đến xung đột nghiêm trọng hơn.
2) Tránh nói những lời trách móc đổ lỗi cho người khác :
Khi không hài lòng, chúng ta thường nói những lời bất mãn, oán giận tha nhân, có thể là cấp trên, là bạn ngang hàng và thậm chí là người thân trong gia đình ruột thịt của mình nữa.
Nếu chúng ta có thói hay nói ra những lời oán trách, chắc sẽ gây bất hòa với nhiều người, khiến chúng ta có thêm nhiều kẻ thù và tự làm khổ bản thân.
3) Tránh nói những lời làm tổn thương lòng tự trọng của người khác :
 Người lỗ mãng sẽ ăn nói tùy tiện và thiếu lòng bao dung nhân ái, sẽ hay nói ra những câu làm tổn thương người khác, có lúc “hại người ích ta”, nhưng cũng có khi “hại người hại mình”.
 Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ nhất thời, nhưng nhân cách của mình đã bị người khác xem thường, và sự tổn thương ấy sẽ tồn tại lâu dài !
4) Tránh nói những lời khoe khoang tự đề cao mình :
 Có người khi nói chuyện thường thích huênh hoang, tự mình quảng cáo cho mình, tự mình thổi phồng chính mình, người khác nghe được sẽ khó chấp nhận. Do đó khoe khoang thành tích bản thân thực tế cũng chẳng ích lợi gì, trái lại còn làm tổn thương đến uy tín và tiếng thơm của mình. Nếu chúng ta muốn được nổi tiếng thì phải làm được những việc lớn lao hữu ích thực sự, và việc làm đó sớm muộn cũng sẽ được nhiều người hay biết, không cần phải khoe khoang.
5) Tránh những lời nói tiêu cực làm nhụt chí người khác :
 Thật ra trong cuộc sống, mỗi người chúng ta rất cần được nghe những lời động viên. Cho dù thực tế không được ai đó khích lệ, thì chính chúng ta cũng phải suy nghĩ tích cực để tự khích lệ mình là hãy luôn cố gắng.
6) Tránh nói những lời dối trá thiếu trung thực :
 Trong mười điều răn Đức Chúa Trời có điều răn thứ tám : “Chớ làm chứng dối”. Làm chứng dối hay nói dối là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, thấy đúng mà nói sai, thấy sai mà nói đúng”. Nói cách khác, đó là những lời không đúng sự thật. Chúa Giê-su đã dạy : “Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Có ít xít ra nhiều là nguyên nhân của những tin đồn thất thiệt, làm cho chuyện bé xé ra to… cũng là thái độ thiếu trung thực, đồng nghĩa với dối trá thuộc về ma quỷ như lời Đức Giê-su đã khẳng định : “Ma quỷ là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,37b).
7) Tránh nói những điều bí mật của tha nhân :
- Trên đời này có lắm điều bí mật của cá nhân, gia đình hay tập thể. Hiện nay các quốc gia đều rất coi trọng việc bảo mật, nếu chẳng may tiết lộ bí mật quốc gia thì kẻ nói lộ ra sẽ bị xử lý nghiêm khắc và chịu hình phạt nặng nề. Cho nên chúng ta cần phải cẩn ngôn, không tùy tiện nói ra những điều không nên nói vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho tha nhân và cho tập thể mà mình là thành viên.
- Trước khi nói ra những điều bí mật, bạn phải nghĩ đến những hậu quả xấu có thể xảy ra. Một khi ý thức về tầm quan trọng của những điều bí mật thì ta sẽ không dám ăn nói tùy tiện nữa.
- Một lời nói tốt có thể mang tới niềm vui hân hoan cho nhiều người. Một lời nói xấu cũng có thể mang đến nỗi khổ đau bất hạnh cho nhiều người. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy năng nghe Lời Chúa và sống theo tinh thần in Mừng để ngày một nên hoàn thiện nhân cách hơn.
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Người xưa có câu : “Nhất ngôn ký xuất. Tứ mã nan truy”. Một lời nói ra sẽ khó rút lại. Một khi người nghe đã bị lừa dối một lần thì họ sẽ không còn tin vào lời nói của chúng con. Về sau dù chúng con có nói thật thì họ cũng không tin. Xin cho chúng con luôn sống lời Chúa dạy trung thực trong lời nói : “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ “ (Mt 5,37).- A-MEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây