Biết nghe và được nói

Thứ năm - 21/05/2020 22:24 |   797
"Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1P 5,2-3).
BIẾT LẮNG NGHE VÀ ĐƯỢC QUYỀN NÓI


Trong Thánh Lễ truyền chức linh mục ngày 19-5-2020 tại nhà thờ Chính Tòa giáo phận ban Mê Thuột, Đức Giám mục giáo phận đã khuyên nhủ các tiến chức và qua đó nhắc bảo các linh mục về cung cách lãnh đạo. Trong khi nhiều lãnh đạo ngoài xã hội thường muốn thể hiện uy quyền và kiếm tìm lợi lộc hơn là phục vụ thì các linh mục phải biết noi gương Chúa Giêsu, vị mục tử tốt lành, đến thế gian không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc con người (x.Mt 20,24-28). Đức Giám mục đã trích lời Thánh Phêrô khuyên nhủ các mục tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1P 5,2-3).

Để vuông tròn phận vụ này thì vị mục tử, người lãnh đạo phải “biết lắng nghe”, “Biết lắng nghe để khiêm tốn hơn ngay cả trước những lời phàn nàn” và nhất là để nhận biết thánh ý Thiên Chúa, nhận ra nhu cầu của dân Chúa. Các mục tử là những người phục vụ Lời Chúa, phục vụ dân Chúa chứ không phải là kẻ ban phát, kẻ thống trị. Để minh họa ý tưởng này, ngài nói: “Khi nghe nhận định là bài giảng khô khan quá thì anh em đừng vội bào chữa là tư tưởng thần học thâm sâu, nhưng hãy biết biến những ý tưởng thần học cao sâu thành những điều cụ thể sử dụng được trong đời sống hằng ngày. Khi nghe nói rằng bài giảng dài quá thì đừng vội bào chữa là nói dài như thế mới hết ý, nhưng biết chắt lọc lại những điều Chúa muốn mình nói với dân Chúa trong buổi cử hành phụng vụ hôm nay, chứ không phải đây là dịp phô trương sự hiểu biết của mình.”

Phúc thay dân tộc nào có được những vị lãnh đạo từ Trung Ương đến địa phương biết lắng nghe. Phúc thay cộng đoàn dân Chúa nào có được các giám mục, linh mục, bề trên biết lắng nghe. Sách các vua kể lại chuyện vua Salomon khi đăng quang đã không nài xin Chúa ban cho được sống lâu, được giàu có hay mạng sống quân thù nhưng lại xin cho được “một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9). Nhờ “biết lắng nghe” nên vua Salomon đã lãnh đạo đất nước ngày càng hưng thịnh và an bình khoảng thời gian đầu triều đại. Tuy nhiên khoảng thời gian cuối đời Salomon đã đánh mất việc “biết lắng nghe” khiến dân chúng lầm than và gây mầm họa phân đôi đất nước liền ngay sau khi vua băng hà.

Vì sao nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội và trong các tập thể tôn giáo thiếu “tâm hồn biết lắng nghe” mà hậu quả là người dân, là đoàn chiên phải gánh chịu tình cảnh thật bi đát và khó khắc phục một sớm một chiều? Có đó các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Nguyên nhân chủ quan nằm về phía những người lãnh đạo. Với vua Salômon thì sử sách ghi lại là do sự sa sút về đời sống luân lý cá nhân. Bên cạnh đó chúng ta có thể nhận ra sự thật này: một khi quyền bính được kéo dài thì dường như người lãnh đạo dễ bị cám dỗ ngày càng mất khả năng lắng nghe. Lịch sử ghi lại hiện thực này đó là các vị lãnh đạo ngoài xã hội lẫn trong các tôn giáo khi mới đảm nhiệm vai vị thì rất dễ mở tai và trải lòng. Nhưng khi vai vị được củng cố trong một thời gian nào đó thì dường như các vị lại ít biết nghe hơn.

Tuy nhiên, điều muốn chia sẻ ở đây đó là nguyên nhân khách quan: Quyền được nói. Các nhà lãnh đạo xã hội hay trong các tập thể tôn giáo nếu đánh mất khả năng biết lắng nghe thì rất có thể là vì người dân không được quyền nói, đoàn tín hữu thiếu mất quyền lên tiếng. Biết lắng nghe và quyền được nói như hai phạm trù mang tính biện chứng và hỗ tương. Khi quyền được nói, dĩ nhiên là nói trong sự ý thức, sự tôn trọng và tinh thần trách nhiệm mà được bảo vệ và phát huy thì khả năng biết lắng nghe nơi các nhà lãnh đạo sẽ được cải thiện và nâng cao.

Để bảo vệ và phát huy quyền được nói thì chắc chắn cần có cơ chế và luật lệ rõ ràng. Một thực tế là ở các xã hội đậm tính chuyên chế, độc tài thì cái quyền được nói của người dân bị hạn chế nhiều mặt. Và các vị lãnh đạo khó mà tiếp cận trung ngôn mà sự thường là nghịch nhĩ. Lời đến tai họ đa phần là những lời kiểu dạng tung hô vạn vạn tuế hoặc ngợi ca là muôn năm, là bất diệt… Trong các tập thể tôn giáo thì quyền được nói có đó nhưng thực tế thì việc thực thi còn hạn chế nhiều phương diện. Các tín hữu vốn dĩ có lòng tôn trọng và yêu mến các đấng bậc, vì thế rất ngại ngần nói lời sự thật khi mà sự thật ấy lại đụng chạm đến lối sống hay cách hành xử của các vị. Ngay cả những vị có chức sắc thì cũng ngại ngần trong khoản này do sự vị nể, nếu là cùng chức và rất có thể e ngại bị dính thành kiến nếu đó là các đấng bậc vai vế cao hơn mình, có quyền trên mình. Đã là người thì hầu như ai cũng sợ mang tiếng là vạch áo cho người xem lưng và chống phá đạo.

Trong cơ chế luật lệ nhằm phát huy và nhất là bảo vệ quyền được nói của người dân và của đoàn chiên thì cần cụ thể hóa các thời điểm bình thường trong năm và bên cạnh đó nên cung cấp các phương tiện cần thiết để tiếng dân, để tiếng lòng đoàn tín hữu được cất lên.

Nhìn vào cảnh tình quê hương nươc Việt, ắt hẳn có đó nhiều người chưa hài lòng về độ chân thực của những lần các đại biểu Quốc Hội tiếp xúc cử tri hay những lần các lãnh đạo Trung Ương, tỉnh, huyện… tiếp dân. Còn trong sinh hoạt các giáo xứ, các dòng tu và các giáo phận thì sao đây? Các linh mục trong giáo phận đã được quyền lên tiếng nói trong sự tôn trọng và được bảo vệ như thế nào với giám mục của mình? Ngoài những lần tiếp xúc cá nhân thì các linh mục có được tạo điều kiện thuận lợi để cất tiếng nói trong các cuộc họp chung không? Các thành viên trong hội dòng có được quyền lên tiếng với bề trên ra sao đây? Bà con tín hữu giáo dân có thực sự có tiếng nói với các linh mục quản xứ như thế nào?

 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây