Chứng nhân anh hùng

Chủ nhật - 21/11/2021 22:32 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   565
Hằng năm đến dịp kính nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hẳn Kitô hữu Việt Nam không thể không hãnh diện về các bậc cha ông hiển thánh.
Chứng nhân anh hùng

Chứng nhân anh hùng

Hằng năm đến dịp kính nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hẳn Kitô hữu Việt Nam không thể không hãnh diện về các bậc cha ông hiển thánh. Đây cũng là dịp để các đấng bậc trong Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam nhắc nhủ đoàn con noi gương tiên tổ để rồi phát huy truyền thống hào hùng chứng nhân. Can đảm, thanh thản trước cái chết vì chính đạo là một nghĩa cử đáng tuyên dương muôn đời. Có thể gọi các Ngài là những vị anh hùng. Tuy nhiên vẫn có đó nét khác biệt giữa các anh hùng tử đạo với các vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên cần biện phân đâu là hành vi anh hùng quả cảm, đâu là hành vi điên khùng; đâu là hành vi can đảm và đâu là hành vi liều lĩnh.

Khi nói đến sự phân biệt là ta đã nhìn nhận có những điểm, những nét nào đó dường như tương đồng giữa hai điều cần phân biệt. Cả hai hành vi can đảm hay liều lĩnh đều biểu lộ sự “vượt khó” trên mức bình thường. Làm một sự gì đó mà sẵn sàng đón nhận các gian nguy, chấp nhận cả cái chết vốn là điều không mấy ai có thể dễ dàng thực hiện. Nếu chỉ dừng lại ở tiêu chí “vượt khó” thì không thể phân biệt được đâu là hành vi can đảm đâu là hành vi liều lĩnh, vì cả hai đều hội đủ tiêu chí này. Cần phải so sánh hai hành vi ấy dựa trên một vài tiêu chí khác.

Việc làm ấy tốt hay xấu? Dĩ nhiên để được gọi là can đảm thì việc ta làm phải là một việc tốt hoặc ít ra là không xấu nhưng đáng làm và nên làm. Chẳng hạn dấn thân vào biển lửa để cứu người trong trận hỏa hoạn hay nỗ lực tập một kỳ tích trong thi đấu thể dục, thể thao. Còn một hành vi liều lĩnh thì dù nó có khó khăn đối với nhiều người nhưng đó là hành vi xấu hoặc có thể là không xấu nhưng không đáng làm không nên làm. Lái xe lạng lách, đánh võng là việc khó đấy nhưng là việc xấu, như thế, đích thị là sự liều lĩnh. Ngoài ra có những việc tuy không xấu nhưng không đáng làm hoặc không nên làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình hiện nay mà nếu cứ cố làm thì quả là liều lĩnh, chẳng hạn các trò chơi mạo hiểm.

Vẫn có đó nhiều người lầm tưởng rằng mình là anh hùng nhưng thực ra là “điên khùng”. Vì thế cần biết phân định để khỏi gây thiệt hại cho chính bản thân cũng như gây di hại cho tha nhân và xã hội cũng như Hội Thánh. Tuy nhiên vấn nạn xem ra thật nan giải vì nếu đó là việc tốt thì sao? Có chăng có những việc tốt mà không đáng làm hoặc không nên làm ở đây và lúc này? Nếu làm là liều lĩnh? Vấn nạn này thường phát sinh tranh luận và khó có sự đồng thuận giữa những góc nhìn khác nhau, nhất là với những ai có hiểu biết luận lý và thích “luân lý”. Là con cái Chúa, ngắm nhìn cung cách hành xử của Đức Giêsu mà Tin Mừng tường thuật, xin mạo muội trình bày chút thiển ý.

Có thể quả quyết cách chắc chắn rằng Chúa Giêsu nhiều lần cố tình chữa bệnh trong ngày Sabat cho dù gặp phải sự phản kháng của nhiều người biệt phái, luật sĩ hay tư tế thời bấy giờ. Người không chỉ chấp nhận sự phản kháng của họ mà còn sẵn sàng đón nhận sự hận thù, căm phẩn của họ đến độ họ muốn tìm cách hãm hại Người. Những lời Người đưa ra để tranh luận với họ thường với dạng dồn đối phương vào thế chân tường. “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày Sabat, trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, con cháu Abraham, đã bị ma quỷ trói cột đã 18 năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabat sao?” (Lc 13,15-16). Căn cứ trên cung cách hành xử và lời của Chúa Giêsu thì ta có thể xác định rằng ngày Chúa nhật, ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư… bất cứ ngày nào cũng phải làm điều tốt. Đã là điều tốt thì hình như không có các từ “để ngày mai”. Người còn dùng lối nói song đối nghịch nghĩa: “Ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ, được cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3,4). Qua lối nói song đối nghịch nghĩa này Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: không làm điều tốt hoặc bỏ qua một việc tốt trong khả năng, hoàn cảnh của mình là đã làm một điều xấu. Không cứu người là đã giết người một cách nào đó vậy. Tuy nhiên, có thể có người viện dẫn lý lẽ rằng không có hoặc không đủ khả năng làm việc ấy hoặc có khả năng nhưng hoàn cảnh chưa thích hợp, chưa thuận tiện. Chẳng có một quyết định, một thái độ sống nào mà không có lý do để biện minh.

Dẫu biết rằng, luôn có đó những người liều lĩnh những tưởng rằng mình là anh hùng. Nhưng cũng không thiếu nhiều vị can đảm, anh hùng thật sự mà đã hay đang bị hiểu lầm, bị gán nhãn mác là liều lĩnh, là khờ dại, hay bốc đồng… Có thể họ là những người mà ta có thể nói theo kiểu thi nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại, ta làm ngay điều tốt phải làm; Người khôn, người chờ cho đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa rồi mới ra tay”.

Các vị anh hùng Tử đạo và các vị anh hùng dân tộc đều là những người can đảm, không chỉ dám mà đã thực sự làm được những sự khó “phi thường”. Các vị đã hy sinh bản thân vì chính đạo. Chết vì đức tin như Thánh Anrê Dũng Lạc hay hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc như Lê Lai liều mình cứu chúa. Tất thảy đều vì chính đạo. Các Vị ấy đã làm những việc chính đáng và phải đạo, những việc tốt nên làm, đáng làm. Tuy nhiên vẫn có nét khác biệt giữa Các Thánh Tử Đạo và các anh hùng dân tộc đó là thái độ đón nhận hy sinh, chịu sự bách hại. Khi chịu hy sinh vì chính đạo thì Các Thánh Tử Đạo thường an bình, vui vẻ đón nhận khổ hình và sẵn sàng tha thứ cũng như cầu nguyện cho những người đang làm hại mình. Trái lại, các vị anh hùng dân tộc khi chịu khổ hình thì lòng rất căm phẫn, kể cả hận thù những người làm hại mình. Các vị ấy có thể có những lời lẽ nguyền rủa đối với người làm hại mình kiểu như bảy anh em Do Thái chịu tử đạo mà sách Macabê kể lại.

Được làm anh hùng dân tộc quả là đáng quý, nhưng với Kitô hữu chúng ta thì sống như những “chứng nhân” vì chính đạo thì đáng quý hơn nhiều. Bởi vì đó cũng là một cách thế tử đạo dù chưa được phong thánh. Dưới nhãn quan này thì đang có đó nhiều vị thánh tử đạo ẩn danh. Họ đã và đang làm việc tốt, việc phải làm, việc nên làm để cho Hội Thánh được ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương ngày thêm an bình, thịnh vượng, cho nhiều người đang khốn khổ vè thể lý hay tinh thần vì dịch bệnh đang hoành hành được chút đỡ nâng và an bình. Dẫu cho gặp phải bao khó khăn, bao hiểu lầm, bao chống đối, chỉ trích lẫn sự bách hại cách này hay cách khác nhưng lòng của họ luôn thanh thản, và con tim của họ vẫn mở ra với cả những người gây khó khăn, đau khổ cho họ. Nếu nhìn nhận đây là những chứng nhân đức tin thì quả thật họ là những thánh “tử đạo” đáng kính.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây