Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 20/03/2023 01:03 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
390
Sống đạo hôm nay không dễ. Gần Chúa, nhưng đức tin của tôi có lớn lên theo từng lời dạy dỗ Chúa Giêsu và thể hiện trong cuộc sống hằng ngày?
Những Người Quét Rác
Một lần, trong khuôn viên thánh đường, tôi thấy vài người dọn dẹp những rác rến sau những ngày Chúa Nhật hoặc lễ trọng. Họ dọn dẹp như thế để dược lợi ích gì? Hay với những tâm tình nào? Có lẽ họ chẳng mong gì ngoài việc trả lại khuôn viên Nhà Chúa sạch sẽ để mọi người đến cầu nguyện không bận lòng.
Nhìn thấy những người dọn dẹp này làm tôi liên tưởng tới những gia nhân trong tiệc cưới Cana.
Thánh sử Gioan viết như sau : 1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày. (Ga 2,1-12)
Trong xã hội người Do thái thời Chúa Giêsu, dân tộc Do thái nằm dưới sự chiếm đóng của người Rôma, cuộc sống ngột ngạt, bấp bênh. Tiệc cưới là một niềm vui. Niềm vui cho đôi tân lang-tân nương, niềm vui cho bố mẹ đôi bên, niềm vui cho họ hàng, cho khách mời cũng như cho mọi người cùng thôn xóm. Tiệc cưới người Do thái kéo dài cả tuần lễ, thậm chí có thể đến 2 tuần lễ như tiệc cưới của cậu Tôbia và cô Xara. (Tb 8,20)
Tiệc cưới kéo dài như vậy nên việc thiếu hụt rượu là điều rất dễ xảy ra. Nhưng hết rượu làm cho tiệc cưới mất vui, mang đến cho gia chủ những điều ngoài ý muốn như bị sĩ nhục và có thể hạnh phúc của đôi trẻ bị ảnh hưởng.
Một sự tinh tế lặng thầm của Mẹ Maria đã giúp gia đình bạn trẻ vượt qua những khó khăn này. Mẹ quan sát thấy sự căng thẳng giữa các gia nhân và gia chủ. Mẹ âm thầm tìm hiểu và đến với Đức Giêsu, Con Mẹ, và bảo: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ cũng âm thầm đến với các gia nhân và nhắn nhủ họ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Những gia nhân âm thầm làm theo lời Đức Giêsu bảo: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Những chum đá đựng nước để rửa chân cho khách. Sáu chum đá, mà mỗi chum có thể chứa 120 lít nước. Đổ nước vào chum để làm gì khi gia chủ hết rượu? Bao nghi ngờ lớn lên trong đầu các gia nhân khi họ phải ra tận giếng làng để múc nước đưa về. Mệt nhọc và khắc khoải nhưng họ vẫn âm thầm làm việc theo những gì Đức Maria nhắn nhủ và Đức Giêsu dạy bảo.
Rồi sáu chum cũng đầy tràn nước. Nước để rửa chân cho thực khách.
Thật bất ngờ và quá sức tưởng tượng khi Đức Giêsu bảo gia nhân: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Đem nước rửa chân này cho người quản tiệc ư? Có thiệt không? Tai tôi nghe có đúng không? Thực sự Đức Giêsu muốn điều gì? Dẫu sao, với đôi tay run rẫy và tâm hồn hoang mang, người gia nhân vẫn làm theo ý muốn của Đức Giêsu.
Sau khi nếm thứ nước mà người gia nhân đưa, người quản tiệc nói với tân lang: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” thì các gia nhân vỡ ào niềm vui. Họ biết chuyện gì đã xảy ra. Đức tin của họ lớn lên âm thầm bằng việc lắng nghe lời nhắn nhủ của Mẹ Maria cũng như thực hành những điều Đức Giêsu dạy bảo.
Trở lại câu chuyện những người âm thầm làm đẹp Nhà Chúa, họ được gì? Thưa chẳng được gì, nhưng nhiều lúc còn bị những người đạo đức, áo quần lụa là lên Đền Thờ cầu nguyện chê cười. Nhưng với họ, những người nhỏ bé, khiếm tốn trước người đời, họ tìm cách nương ẩn nói tình yêu của Thiên Chúa. Không có họ, nhiều lúc Nhà Chúa trở thành nơi nhếch nhác. Họ là những chứng nhân lặng thầm giữa đời đầy biến động và ganh ghét.
Sống đạo hôm nay không dễ. Gần Chúa, nhưng đức tin của tôi có lớn lên theo từng lời dạy dỗ Chúa Giêsu và thể hiện trong cuộc sống hằng ngày?
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu và sống theo những Lời Chúa dạy hầu có thể trở thành người môn đệ được Chúa thương mến.