Nợ nhau, nợ Chúa - Lời tạ ơn

Chủ nhật - 31/07/2022 09:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   474
Ai trong chúng ta sống trên cuộc đời đều là những người mắc nợ, những món nợ không thể trả nhưng lại được tha hết. Hãy tạ ơn cuộc đời vì tất cả những điều ấy.
Nợ nhau, nợ Chúa - Lời tạ ơn

Nợ nhau, nợ Chúa - Lời tạ ơn


 
 
Ai trong chúng ta sống trên cuộc đời đều là những người mắc nợ, những món nợ không thể trả nhưng lại được tha hết. Hãy tạ ơn cuộc đời vì tất cả những điều ấy. Cuộc trả giá đến sáu lần của Abraham với Đức Chúa, cho ta thấy chúng ta mắc nợ nhiều lắm với người công chính và lòng thương xót của Chúa.
Mắc nợ với người sống công chính, chúng ta không biết đó là ai cụ thể đang dùng những hy sinh hãm mình cầu nguyện cho chúng ta. Họ có thể là những tu sỹ ẩn mình trong các đan viện, dòng tu, họ có thể là những người đang lam lũ vất vả ngoài kia giữa cuộc đời, họ là những bệnh nhân đau khổ vì những căn bệnh dằn vặt thân xác. Họ đang dâng những hy sinh hằng ngày, họ có thể là người bên cạnh không ngờ tới, hy sinh, cầu nguyện, đền tạ cho chúng ta. Chúng ta mắc nợ vì tội chúng ta đáng phải chịu hoả thiêu, nhưng giá trả của mười người công chính đang thay chúng ta đền tội hy sinh.
Giá trả của người công chính không thể trả hết bởi vì họ không bao giờ nói cho chúng ta biết họ đang là ai, đang chịu đựng gì để hy sinh đền tội. Chúng ta liên đới trong tội cũng liên đới trong ân sủng. Chính vì lý do đó, chúng ta mắc nợ với người công chính đang hy sinh cho chúng ta.
Chúng ta mắc nợ người đi trước đã trao cho chúng ta một tương lai. Chúng ta không thể trả hết, nhưng chỉ có thể cố gắng thêm vào đó những ân tình, làm tươi đẹp thêm cuộc đời.
Lòng thương xót của Chúa. Nếu giả sử trong chúng ta có rất ít phần trăm sự tốt lành, giống như thửa ruộng 90% là cỏ lùng chỉ có 10% là lúa. Chúng ta sẽ làm gì với thửa ruộng này? Chắc chắn là phá đi làm lại, chứ không để lại tốn công, hao phân bón, hại đất. Chúng ta dễ loại bỏ hơn là chữa lành. Chữa lành thường tốn nhiều công sức và gặp nhiều rủi ro: “Ngựa theo đường cũ”, không hiệu quả. Mười phần trăm còn lại có kéo nổi 90% hư hỏng có đáng để sửa chữa, theo thường không thể cứu vãn.
Vậy mà Chúa lại chấp nhận rủi ro, nhờ 10% tốt lành, kéo lại 90% hư hỏng. Chúng ta có thể thấy trong Thánh Kinh “Số còn sót lại” quan trọng như thế nào: “Phần sống sót sẽ trở về, phần sống sót của Gia-cóp, với Thần Linh dũng mãnh.” (Is 10, 21). Chúa dùng một trẻ nhỏ Đavit đánh bại Goliat to lớn vũ khí tận chân răng (1 Sam 1 – 54). Chúa chọn cụ già làm cha một dân tộc lớn lao (Abraham). Chúa biến đổi người phụ nữ tội lỗi trở thành thánh nhân (Maria Madalena). Chúa chấp nhận rủi ro của chúng ta, Người cứu chúng ta dù chẳng còn phương cứu chữa.
Chúa là niềm hy vọng của chúng ta, dù chúng ta có thất vọng về mình như thế nào. Chúa là Đấng khôi phục chúng ta khi chúng ta đổ vỡ tất cả các tương quan. Chúa trợ lực chúng ta khi chúng ta chỉ còn sức hơi tàn. 
Luôn nhớ rằng Người nhân từ: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. (Is 42, 3)
Chúa nhân từ dù thế nào Người cũng yêu thương chúng ta: “Ðâu phải ta ngoan mà Thiên Chúa mến thương ta, đâu phải ta hay để Ngài thương ta, nhưng do nơi lòng hay thương xót của Ngài, ngàn đời thời gian không xóa” (lời bài hát Chúa yêu thương chúng ta, linh mục Thành Tâm). Chúa yêu thương vô điều kiện là thế đó. Sao chúng ta còn nghi ngờ tình thương của Người?
Hãy trở về dù chỉ còn 10% để cứu vớt. Chẳng còn gì thì Chúa vẫn cứu, đó là tình yêu cho đi tất cả, Chúa đã yêu thương và chịu chết vì yêu thương chúng ta.
Chỉ có thể tạ ơn vì những món nợ không thể trả, nhưng lại được tha hết để tiếp tục làm tươi mới. Lòng biết ơn Thiên Chúa, người công chính, sẽ giúp chúng ta sống tích cực và hạnh phúc hơn.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây