Sự Sống Mới (Ga 14, 15-21)

Thứ ba - 09/05/2023 08:40 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   480
Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha.

SỰ SỐNG MỚI
Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A: Ga 14, 15-21

lmTN 090523a

 

Suy niệm

Một người kia nằm mơ gặp một thiên thần đi bộ xuống phố. Một tay ngài cầm bó đuốc, tay kia cầm một xô nước. Anh ta liền hỏi thiên thần: “Ngài đi xuống phố kia làm chi vậy?”. Thiên thần đáp: “Ta được sai đến để tìm xem ai là người có đức tin và có lòng mến Chúa thực sự”.

Anh ta hỏi tiếp: “Sao Ngài lại phải cầm theo bó đuốc và xô nước?” Thiên thần đáp: “Ta muốn dùng bó đuốc để thiêu hủy các tòa nhà trên thiên đàng, và dùng xô nước để dập tắt ngọn lửa dưới hỏa ngục”. Anh lại hỏi: “Nhưng tại sao Ngài lại phải làm như thế?”

Thiên thần trả lời: “Để biết ai thực sự có đức tin và lòng mến Chúa. Một người có đức tin thực sự thì sẽ tuân giữ các giới răn, cho dù ta có phá hủy hy vọng sau này của họ là lên thiên đàng, và phá hủy nỗi sợ của họ sau này sẽ bị sa hỏa ngục đi nữa”.

Câu chuyện giấc mơ trên cho ta hiểu thế nào là đức tin và lòng mến Chúa thực sự. Lòng mến Chúa đích thực thì không đặt ra vấn đề thiên đàng hay hỏa ngục, vì như thế thì động lực của tình yêu mến không còn tinh ròng nữa. Đối với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.

Ta chỉ lo âu sợ hãi khi mình không có tình yêu. Khi đã có tình yêu thì lo âu sợ hãi không còn, vì chỉ còn lo sống cho tình yêu, như Harry Emerson đã phát biểu như sau: “Sợ hãi thì đe dọa, còn tình yêu lại gọi mời. Sợ hãi thì cầm tù, còn tình yêu lại giải phóng. Sợ hãi thì chua chát, còn tình yêu lại ngọt ngào. Sợ hãi thì gây ra thương tích, còn tình yêu lại chữa lành. Sợ hãi thì luôn lẩn tránh còn tình yêu lại hiện diện”.

Đã yêu thì chỉ còn có một điều là mong sống thật nhiều cho người mình yêu, cụ thể là làm những gì mà người yêu mong đợi. Đó cũng chỉ là một tình yêu đáp trả, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người. Và Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho các môn đệ biết: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Hay nói một cách khác phổ quát cho tất cả mọi người: Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.

Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời an ủi này không chỉ là một sự động viên khích lệ, mà là một lời hứa chắc chắn Người không để các ông mồ côi, Người sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Người là Thần Khí Sự Thật, sẽ đến ở giữa các ông và trong các ông. Nhưng điều quan trọng là tình yêu mến trong lòng họ qua việc giữ lệnh truyền của Thầy. Tình yêu ấy làm cho Chúa Cha thương mến họ, cả Ba Ngôi đều ở trong họ, làm cho sự sống linh thiêng ngập tràn trên họ, và chính Chúa sẽ tỏ mình cho họ, khiến họ vững vàng trước mọi thử thách gian nan.

Mùa Phục sinh nhắc nhở ta nhìn lại sự sống của Chúa trong mình: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô. Sự thông hiệp này làm nên một sức sống mới và một kinh thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Quả thật, sự sống của Chúa bắt đầu bừng lên khi ta bắt đầu sống yêu thương. Ngài sẽ tỏ mình cho ta khi ta dám cúi xuống tỏ tình thương với mọi người.

Thực tế cho thấy, lắm khi ta sống èo uột, khô khan, cằn cỗi, tầm thường, chỉ vì không dám sống giới răn yêu thương, không dám xả thân phục vụ anh chị em, chỉ quanh quẩn với bản thân, và loay hoay với những gì mình muốn để được an nhàn thư thái. Còn đời sống đạo thì nhiều khi chỉ lo giữ những điều tối thiểu và vừa đủ để được lên thiên đàng. Nếu như vậy chỉ là một thứ đạo thực dụng, như chuyện trao đổi ở đời, và như vậy ta xem Đức Kitô cũng chỉ là một vị thần đóng vai trò thưởng phạt, chẳng khác nào chuyện thần thoại Hy-lạp.

Không lạ gì mà những người lương dân thấy một số người có đạo mà không thấy có Chúa. Điều này có nguy cơ trở thành một thứ đạo mà con người dựng nên Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa dựng nên con người. Làm sao cho người khác nhận ra Đức Kitô đang sống, đang hành động trong ta, đang có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay giữa mọi người? Cuộc đời chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh lại tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: một thái độ mở ra, bao dung, đón nhận, vui tươi và nhiệt tình với mọi người, đem lại tự do và bình an cho nhau.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Ki-tô giáo là đạo Đấng đã sống lại,
nên Ki-tô hữu là người đã phục sinh,
đã đón nhận sự sống của Thánh Linh,
nhờ chính Đức Ki-tô hiến thân mình.


Sự sống lại là hồng ân Chúa ban,
nhưng con phải tuân giữ các luật điều,
và phải làm tất cả vì tình yêu,
không so đo hay tính toán chi nhiều,
không phàn nàn vì những điều con thiếu,
không quan trọng mình có được bao nhiêu.


Yêu mến đâu phải là tình cảm tự nhiên,
được đo lường theo mối dây thân thiện,
nhưng biểu hiện bằng hành động dấn thân,
với tự do và tinh thần quả cảm,
luôn dám sống dám yêu và dám làm,
dám đi ngược với lối sống thế gian.


Đức tin không hành động, đức tin chết,
tình yêu cũng không chỉ ở trong lòng,
nhưng còn là sáng lên trong hành động,
khơi sâu và mở rộng sự hiệp thông.


Cho con nghe được tiếng Chúa gọi mời,
để con biết sống một cuộc đời phấn khởi,
biết nhiệt tâm đem an hòa cho thế giới,
đem niềm vui thương mến đến mọi nơi.


Xin cho con đừng ngồi đó để chờ thời,
nhưng ra khơi tạo nên nguồn sống mới,
cho bao người còn đang sống chơi vơi,
đang khốn khó nguy nan giữa biển đời.


Xin cho con ghi nhớ lời Chúa phán,
biết thực thi những điều mà Chúa dạy,
để nêu cao một tình mến mỗi ngày,
cho tới lúc được xum vầy bên Chúa. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây