Tháng Hai, Mùa Xuân

Thứ hai - 12/02/2024 18:45 | Tác giả bài viết: Khôi Nguyên |   113
Tháng Hai, mùa Đông đã tàn phai. Mùa Đông ở đâu tàn phai chứ mùa Đông ở Canada đây thì chưa, vì tháng Hai đang là đỉnh điểm của cái rét.

THÁNG HAI, MÙA XUÂN

Tháng Hai Canada

 
Đọc Vũ Đình Bình trong bản tin về Thánh Lễ Cầu Nguyện Tháng Hai-2024, có đoạn mở đầu bằng ca từ của bài hát Mừng Xuân Mới.

Mùa đông đã tàn phai,
Mừng xuân mới về đây,
Muôn hoa dâng hương ngát thơm,
Chim tung bay trong nắng vàng,
Bao lời chúc xuân vang lừng. (Lm Kim Long)

Đọc đến đó, tự dưng sững lại vì chợt thấy có điều gì hơi khác thường.

Tháng Hai, mùa Đông đã tàn phai. Mùa Đông ở đâu tàn phai chứ mùa Đông ở Canada đây thì chưa, vì tháng Hai đang là đỉnh điểm của cái rét. Xưa nay vẫn hát như thế mà có bao giờ để ý đến tình tiết này đâu.

Canada, với một diện tích rộng 9.98 triệu km vuông, lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau nước Nga, trải dài từ Đông sang Tây với khoảng 6.000 km, nối hai bờ Đại Tây Dương ở phía Đông và Thái Bình Dương ở phía Tây, và được chia thành 6 múi giờ khác biệt. Do vậy, thời gian mùa Đông bắt đầu và chấm dứt cũng không giống nhau tùy vùng miền. Ở Tỉnh Bang Ontario, nói chung, mùa Đông bắt đầu khoảng cuối tháng Mười Một đầu tháng Mười Hai, và thường kéo dài tới cuối tháng Ba đến giữa tháng Tư. Như vậy, tháng Giêng và Hai thường là đỉnh điểm của mùa Đông, khi mà nhiệt độ có lúc xuống tới âm 35 độ Celcius. Theo lịch vạn niên, Tết ta đến trong khoảng giữa tháng Giêng (20/1) và giữa tháng Hai (21/2), là thời gian chúng ta mừng Xuân mới về đây mà Âm lịch đã xác định dựa trên chu kỳ của mặt trăng, tính từ sự xuất hiện của trăng non (new moon) lần thứ hai sau ngày Đông chí.

Ngày còn ở trại tỵ nạn bên Phi Luật Tân, khi nghe nói đến việc đi định cư ở Canada thì ai cũng run, vì cứ nghĩ rằng Canada là xứ tủ lạnh. Quả vậy, mùa Đông ở xứ này rất lạnh. Thế nhưng, bất kể thời tiết thế nào, chợ búa vẫn mở, hãng xưởng vẫn làm, học sinh vẫn đến trường, giáo dân vẫn đi nhà thờ tham dự thánh lễ mỗi ngày, hằng tuần. Những tháng mùa Đông, ngoài trời chẳng có gì ngoài băng tuyết. Trừ những cây thông, cây tuyết tùng thuộc nhóm evergreen trees lá xanh quanh năm, mọi cây cối thảy đều trơ trụi phơi cành khô ảm đạm trong nắng gió. Thế nhưng khi tuyết đổ xuống bám lấy cành khô lại tạo nên một rừng cây tuyết trắng xóa cực kỳ đẹp.

Tháng Hai ở đây mùa Đông chưa tàn phai, nên không có muôn hoa dâng dương ngát thơm, tất nhiên là hoa ngoài trời chứ không phải hoa trong chợ, vì hoa thủy tiên (daffodils) phải mãi đến đầu mùa Xuân, khoảng giữa tháng Ba đầu tháng Tư, mới ngoi lên khỏi mặt tuyết và trổ bông; còn hoa giọt tuyết (snowdrops) mang nụ hoa trắng nhỏ hình chuông giống giọt nước trước khi nở, sớm lắm cũng phải đợi đến đầu tháng Ba mới xuất hiện. Tháng Hai ở đây cũng chẳng có chim tung bay trong nắng vàng như ở quê nhà, bởi những loài chim thiên di đã rời Canada xuống miền Nam tìm nắng ấm từ độ mùa Thu, và sẽ chỉ hồi hương Canada  khi Đông tàn Xuân đến.

Gần nửa thế kỷ trước, sau biến cố 75, trong thời gian cùng với một số anh em có “tài lẻ” biết đánh máy chữ, vẽ stencil và quay ronéo (như Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Khánh (Y Chuôn), Nguyễn Đình Hảo, Lưu Thế Hùng… ) để thực hiện mấy cuốn thánh ca Ngợi Mừng Vinh Quang ChúaTâm Ca Ngợi Mừng Vinh Quang Chúa, mình có viết bài Hương Kinh Xuân mà lời ca trong điệp khúc là hình ảnh mùa Xuân rất thân thuộc ở quê nhà, như chim hót, bờ đê, khóm tre, nương xanh, đồng ruộng, xóm thôn, làng mạc… Nguyễn Đình Hảo là người đầu tiên mình chia sẻ ca khúc này, và cũng chính Hảo đã đặt tựa cho bài hát. Xin ghi lại ít dòng như một kỷ niệm nhớ về năm tháng cũ.

Ngày đầu Xuân chim hót vang lừng trên khóm tre đầu làng
Ngoài bờ đê trên nương xanh trên ruộng đồng Xuân đến
Ngày đầu Xuân khắp xóm thôn làng đây đó vui rộn ràng
Hòa lời kinh dâng Chúa Trời xin mùa Xuân ngát hương


Bức họa đồng quê ấy đã trở nên thân thương suốt cả thời niên thiếu, mà mỗi khi hoài niệm như chạm vào trái tim với một nỗi buâng khuâng khó tả.

Từ góc ký ức đó, mỗi lần nghe mùa Xuân về giữa tháng Hai buốt giá, tự dưng thấy có điều gì là lạ. Xuân đến sớm quá! Có chút nắng vàng lung linh trong trí nhớ. Giữa tháng Hai phủ đầy băng tuyết mà nghe chim hót vang lừng trên khóm cây đầu làng lại ngỡ mình đang lạc vào xứ sở thần tiên. Tháng Hai quê nhà tiết trời ấm áp, người người ra đường rộn ràng vui Xuân là lẽ đương nhiên. Còn tháng Hai xứ người thời tiết khắc nghiệt nên ai ai cũng ngại ngùng xuống phố đón mừng năm mới cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, là Kitô hữu, tận sâu trong tâm hồn, người giáo dân Việt Nam hải ngoại vẫn luôn hướng về Chúa và tìm về nguồn cội mình trong những dịp tết nhất như thế này, nên nhà thờ vẫn đông kín người những thánh lễ đầu năm, dù ngoài trời tuyết rơi dày hay giá lạnh. Quả là có điều gì đó rất thiêng liêng mà cũng rất truyền thống.

Tháng Hai rét mướt, mùa Xuân đến thật tréo ngoe, nhưng hề gì, vì người tha hương luôn mang theo trong trái tim mình một chút nắng quê nhà để sưởi lòng khi xa quê.
 

Khôi Nguyên
Giáp Thìn 2024

 
VẠT NẮNG QUÊ NHÀ
 
Sáng thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ
Tuyết bay bay từng cánh nhẹ như tơ
Khoảng trời xanh giờ buông màn trắng xóa
Tựa bóng hình màu ký ức đã xa
 
Thời rất trẻ dạt trôi miền đất lạ
Những ngày Xuân đắp cao niềm nhung nhớ
Cảnh đoàn viên quây quần bên bếp lửa
Chạnh nỗi lòng đời lữ thứ bôn ba
 
Hồn lữ khách chiều ba mươi lặng lẽ
Nơi xứ người ngồi vọng tưởng chốn quê
Nhớ mẹ cha đã xa rời nhân thế
Nhớ bạn bè mất còn nơi quán trọ
 
Đâu tiếng chim vườn sau hót líu lo?
Đâu gốc mai sân trước nở chan hòa?
Cả trời Xuân ánh lên màu rực rỡ
Dọi xuống tôi một vạt nắng quê nhà.
 
Khôi Nguyên
Ottawa 11/2/2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây