Ngày ba mươi

Chủ nhật - 11/02/2024 09:23 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   345
Cuộc sống con người như cảm nhận của đêm giao thừa thật ngắn ngủi như từng giây phút chuyển giao.
Ngày ba mươi
 

 

Xưa kia người ta vẫn gọi ngày ba mươi là ông hổ, ông cọp. Cũng như thời hồng hoang ấy, người ta thường thờ các thần cây, thần hổ. Sở dĩ nói ông ba mươi là ông hổ, cũng có một ý nghĩa là xua đuổi những gì xấu xa, tà ác để đón nhận một năm mới an lành, hiền hoà.



Vào thời khắc chuyển giao cũ – mới, thường người ta tổ chức nhiều nghi lễ khác nhau. Có lẽ nhiều người cũng đã thấy cảnh chuyển giao ca gác – đóng cửa khẩu giữa hai biên giới của Ấn Độ và Pakistan. Mỗi một quốc gia có một nghi thức làm cho người đến tham dự hay theo dõi thích thú. Những nghi thức như vậy đều có một ý nghĩa quan trọng trong việc đóng và mở.

 
Cũng như vậy, nghi thức chuyển giao cũ – mới, không chỉ là một cuộc bàn giao mà có một ý nghĩa tuỳ theo việc lớn hay nhỏ. Việc chuyển giao năm cũ sang một năm mới mà ta gọi là giao thừa. Giây phút ấy linh thiêng, khi cả gia đình tụ họp trước bàn thờ gia tiên hay bàn thờ kính Chúa. Một bàn thờ đã được dọn sạch sẽ, tươm tất hoa nến, nén hương, nhang đèn với lòng thành kính. Trước tiên, tạ ơn Trời hay Thiên Chúa qua ông bà tổ tiên cầu khấn cho con cháu. Đồng thời qua đó cũng là lời xin tha những lỗi lầm trong năm cũ để khấn hứa một năm mới sống tốt lành hơn.

Giao thừa thường ở gia đình xưa có văn khấn cúng giao thừa. Với gia đình Kitô giáo cũng có kinh nguyện Đêm Giao Thừa (tham khảo tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/gio-kinh-giao-thua-49263). Lời kinh tuy mộc mạc nhưng đượm lòng tôn kính, tạ ơn, bởi thời gian là của Chúa. Mọi sự đều thuộc về Chúa, những vui buồn sướng, khổ không thể không có, chỉ với tâm hồn phó thác mọi sự đều kính dâng.

Cuộc sống con người như cảm nhận của đêm giao thừa thật ngắn ngủi như từng giây phút chuyển giao. Hơi thở nay còn mai mất, cuộc sống bao lần nổi trôi, bao lần kinh nghiệm thăng trầm. Chẳng dám tự cao, tự đại những gì đang nắm giữ, giao thừa nhắc nhớ chuyển thay cũ – mới, nay còn ghế, mai mất ghế. Những suy tưởng ấy làm cho con người thấy rằng, mọi sự đều bấp bênh, nếu không có một bờ neo đậu vĩnh viễn vững chắc.

Sau giờ phút giao thừa, con cái chúc tuổi cha mẹ, cha mẹ chúc mừng con cái từng đứa. Giây phút này rất cảm động, thường rưng rưng nước mắt. Không hiểu tại sao lại cảm động đến thế! Chỉ biết rằng, năm cũ đã qua năm mới như thế nào, chẳng dám nghĩ, ai còn, ai mất. Thôi cứ nguyện cầu Chúa chúc phúc và giữ gìn.

Bằng lời kinh Nữ Vương Gia Đình, chúng ta xin dâng:
Lạy Nữ Vương gia đình Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa mẹ chúng con biết cậy trong ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm. Gia đình chúng con long đong tối ngày nhưng có mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày. Mong ngày sau sung sướng cùng mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. A-men.

 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây