Ngày sống của Chúa Giêsu (Mc 1, 29-39)

Thứ tư - 31/01/2024 23:09 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   305
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu: khởi đầu là cầu nguyện, tiếp đến là rao giảng và chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.

NGÀY SỐNG CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật 5 Thường Niên năm B: Mc 1, 29-39

CN5TNb a3

 

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu: khởi đầu là cầu nguyện, tiếp đến là rao giảng và chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn. Ngày sống của Chúa Giêsu như khuôn mẫu để cho chúng ta nhìn lại nhịp sống thường ngày của chính mình.

Quan trọng hơn hết là cầu nguyện. “Từ sáng sớm… Ngài đi ra một nơi thanh vắng và cầu nguyện”. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Ngài là con người của mọi người, nhưng trước hết Ngài là người Con của Thiên Chúa. Ngài cần có không gian và thời gian yên tịnh để sống riêng tư một mình. Ngài cần sống bên Cha để tỏ bày về gánh nặng công việc, về những đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người cần Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Ngài cầu nguyện vì khao khát được kết hiệp mật thiết với Cha. Để rồi từ Cha, Ngài đi ra với mọi người, và từ mọi người, Ngài lại trở về bên Cha, như một vận hành liên tục để kín múc và chuyển thông sự sống mới cho con người.

Cầu nguyện cần thiết đối với Chúa Giêsu như thế, huống chi đối với chúng ta, những con người luôn yếu đuối mỏng giòn. Những ai thiếu đời sống cầu nguyện dù là linh mục hay tu sĩ thì cũng không thể tin được, bởi vì họ không có sức sống linh thiêng của Chúa, nên mọi tiếp xúc và rao giảng cũng chỉ là phàm tục.Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin.” (ĐHV 122). Mọi hoạt động của chúng ta phải bắt nguồn từ cầu nguyện:“Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa.” (ĐHV 118). Chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, dành thời giờ để chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, nhất là mỗi sáng khi ngày lên và mỗi tối khi đêm về. Đây là điều không thể ép uổng hay cố ráng, nhưng phát xuất tự con tim yêu mến, với lòng khao khát sống thuộc về Chúa hoàn toàn, và nhờ đó có thể trao ban Chúa cho người khác.

Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng. Đây chính là trọng tâm của sứ mạng mà Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian. Ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn là Tin Mừng. Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho họ làm con Thiên Chúa (x. Rm 8, 13). Là Kitô hữu, chúng ta cũng đã được sai đi để loan báo Tin Mừng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 21). Thần học gia Maurice Zundel quả quyết rằng: “Đức Kitô còn dở dang và chưa thành toàn bao lâu toàn thể nhân loại chưa tháp nhập vào Ngài”. Mỗi người phải là một tin mừng cho những người chung quanh. Thánh Phaolô nhắc nhớ cho ta: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Ta có cảm thấy nhức nhối với lời nhắc nhở này không?

Việc thứ ba là chữa lành. “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Lời rao giảng của Đức Giêsu còn được thể hiện bằng hành vi yêu thương và chữa lành mọi bệnh tật. Tin Mừng Ngài rao giảng có sức giải phóng con người khỏi sự trói buộc của sự dữ và ma quỉ. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại, nhưng Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa, để hướng mọi người đến ơn cứu độ toàn diện mà Ngài sẽ thực hiện trong biến cố tử nạn và phục sinh. Là môn đệ, chúng ta cũng phải trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu trong việc xoa dịu những nỗi đau khổ của bao người xung quanh mình, làm những gì có thể làm cho họ. Có khi ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì hay phải làm gì. Những lúc như vậy, chỉ cần chúng ta biết thinh lặng, lắng nghe và đồng cảm với nỗi đau của họ, cũng đã là một sự an ủi và mãn nguyện cho họ rồi.

Điều thứ tư cho thấy Chúa Giêsu - con người của tự do: “Chúng ta hãy đi nơi khác… để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”. Ngài luôn đi qua, luôn ra khỏi những tình cảm, những thành công, những mến chuộng và tán tụng của người đời (x. Ga 6, 14-15). Ngài luôn vượt trên những thành kiến, những phân biệt, những nghi kỵ, những kỳ thị, những tập tục, những lề thói, và ngay cả những luật lệ tôn giáo và truyền thống dân tộc. Ngài không dừng lại ở một địa điểm hay thành trì nào, không bám trụ ở một vị trí hay vai trò nào, không bám lấy chức tước hay địa vị nào. Ngài buông lơi tất cả, đi qua tất cả, ra khỏi tất cả, vì Điểm Hẹn cuối cùng của Ngài là trên “đồi vinh quang” của tự do, để mang đến tự do cho con người. Theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng là những con người của tự do: tự do để yêu thương, để phục vụ và hiến thân mình, làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan rộng đến mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Cuộc sống con vẫn ồn ào náo động,
vẫn luôn bị mê hoặc bởi cái “tôi”,
với cảm xúc sục sôi nhiều ham muốn.


Con cần trở về trong thinh lặng,
để sống với Chúa trong yên bình,
để thấy rõ mình trong yên tĩnh.


Thiếu thinh lặng để gặp Chúa,
tâm con sẽ bồn chồn manh động,
và bung xung theo những thói thị phi.


Thiếu yên lặng để nghe Chúa,
con sẽ bị cuốn theo phù du thế tục,
cũng ham mê những điều phàm tục.


Thiếu trầm lặng để sống thuộc về Chúa,
con sẽ sống như bao người đang sống,
dễ vong thân xa lạc với chính mình.


Thiếu tĩnh lặng để kín múc thần lực,
con sẽ như muối không còn mặn,
như men không còn nồng,
như hạt giống vẫn trơ trơ.


Thiếu bình lặng để quy hướng về Chúa,
con sẽ luôn hối hả và đon đả,
lo chạy tìm những thứ trong thiên hạ,
cứ ngỡ là vinh hoa, ai ngờ bả phù hoa.


Xin cho con quí chuộng sự thinh lặng,
luôn đều đặn mỗi ngày kề bên Chúa,
để từ đó con đến với mọi người,
đem lại sức sống mới thật thắm tươi,
đó là chính sự sống của Tin Mừng,
mà đời con đang trở thành nhân chứng,
để Chúa được tuyên xưng khắp mọi nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây