Đức Giê-su là Đấng Thánh…

Thứ sáu - 26/01/2024 19:24 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   276
Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

Chúa Nhật IV – TN – B
Đức Giê-su là Đấng Thánh…

tbd 270124a


Cũng như các tông đồ Phao-lô, Phê-rô và Gio-an v.v… tông đồ Gia-cô-bê cũng đã để lại cho hậu thế một bức thư, ngày nay chúng ta gọi là “Thư của thánh Gia-cô-bê”.

Mở đầu bức thư, tông đồ Gia-cô-bê viết: “Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khỏe.” (Gc 1, 1).

Trong bức thư, điều tông đồ Gia-cô-bê quan tâm đến một cách đặc biệt, đó là “đức tin”. Ngài Gia-cô-bê nhắn nhủ rằng: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.”

Tại sao phải có hành động? Thưa, tông đồ Gia-cô-bê giải thích: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.”

Cuối cùng, ngài Gia-cô-bê kết luận: “Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ” (Ga 2, 19).

Đúng. Ma quỷ cũng tin và chúng run sợ. Sự kiện Đức Giê-su “giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một minh chứng điển hình. (Mc 1, 21-28).

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, một ngày nọ: “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phac-na-um”. Vì hôm ấy là “ngày sa-bát”, thế nên Ngài cùng các môn đệ “vào hội đường”.

Nói tới Hội đường, tưởng chúng ta cũng nên biết, nó bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon. Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Trở lại câu chuyện của Đức Giêsu, theo lời thánh Mác-cô ghi lại, thì: “Người vào hội đường giảng dạy”. Như vậy, Đức Giê-su chính là người thực hiện công việc danh dự này, hôm ấy.

Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì. Chỉ thấy ngài thánh sử ghi rằng: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Mà thật đúng như vậy. Đức Giê-su là Đấng-có-thẩm-quyền. Hôm đó, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình để thực hiện một phép lạ, một phép lạ long trời lở đất.

Chuyện là thế này. Hôm ấy, “trong hội đường có một người bị thần ô uế nhập”. Người này la lên, rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.

Tới đây, chúng ta tạm dừng câu chuyện để tìm hiểu xem “thần ô uế” là ai? Vâng, Lm. Lê Minh Thông OP, có lời giải thích rằng: “Thần ô uế ở đây thuộc về quỷ. Nhân vật này được Tin Mừng Gio-an định nghĩa: Quỷ không đứng trong sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là sự gian dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8, 44).

Trở lại câu chuyện. Hôm ấy, sau khi thốt lên những lời “cự nự” với Đức Giê-su, thần ô uế la lên, rằng: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (x.Mc 1, …24).

Có, có thể nói rằng, đây là một câu nói đầy “hơi hướng” của một tên đại bịp. Thiên Chúa là Đấng Thánh, thì lẽ đương nhiên, Đức Giê-su – Con Một Người, cũng phải được gọi là Đấng Thánh. Một kẻ được xem như là cha của sự gian dối, thì làm sao có thể nói sự thật. Thế mà hôm nay, thần ô uế lại nói lên sự thật về Đức Giê-su. Nói lên sự thật này, chẳng qua là để bịp thiên hạ rằng thì-là-mà tôi đâu phải là kẻ nói dối! Hãy tin tôi đi!

Đức Giê-su, có phần chắc, biết rõ thâm ý của thần ô uế. Hôm đó, Ngài đã “quát mắng” thần ô uế, rằng: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Nghe lới quát mắng, thần ô uế run sợ: “…lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta” (x. Mc 1, 25-26).

Hôm ấy, khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, mọi người trong hội đường đã kinh ngạc trước quyền uy của Đức Giêsu. Chuyện kể rằng: “Họ đã bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Chưa hết, thánh sử Mác-cô còn cho biết: “danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.”

***
Vâng, mọi người trong hội đường đã bàn tán rất nhiều điều. Thế nhưng, không hiểu tại sao, không thấy ai bàn tán đến việc thần-ô-uế gọi Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Gọi như thế đúng quá đi chứ!

Về điều này Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP. có lời chia sẻ, rằng: “Để nói đúng sự thật về Đức Giê-su, Người đã chọn một con đường khác: Giải thoát con người khỏi thần ô uế, và mặc khải cho con người biết Người là ai. Tuy con người không biết rõ Đức Giê-su như thần ô uế (biết), nhưng nếu con người đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì con người có thể biết đúng và nói đúng về Người. Cho dù tiến trình học biết Đức Giê-su không đơn giản. Sự kiện các môn đệ trong trình thuật Tin Mừng Mác-cô ngày càng ‘không hiểu’, ‘hiểu lầm’, ‘hiểu sai’ về Đức Giê-su cho thấy rằng thực sự hiểu Đức Giê-su và hiểu giáo huấn của Người là việc làm suốt cả đời người môn đệ.”

Đúng vậy. Hiểu Đức Giê-su và hiểu giáo huấn của Người là việc chúng ta phải làm suốt cả một đời người.

Mà, việc chúng ta phải làm suốt cả một đời người, là việc gì? Thưa, hãy theo gương Đức Giê-su. Đó là “đến hội đường ngày sa-bát”. Nói theo cách nói ngày nay, đó là “đến nhà thờ ngày Chúa Nhật”.

Đến nhà thờ ngày Chúa Nhật, qua môi miệng các linh mục, chúng ta sẽ được nghe Đức Giê-su giảng dạy. Về điều này, Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa có lời tâm tình rằng: “Sứ mạng ‘giảng dạy’ thật cao cả và cũng thật lắm gian truân, nguy hiểm. Sự hiểm nguy, gian truân không chỉ đến do người đời bách hại mà còn có thể do bởi chính các ngôn sứ, vì lý do nào đó, đã không nói lời của Thiên Chúa mà chỉ nói lời của mình, thậm chí còn nói lời do thần dữ xui khiến. Để tránh những tai họa này, không gì hơn, Kitô hữu chúng ta, cách riêng những người chuyên lo việc giảng dạy hãy xét xem mình đã thực hiện ra sao điều mình giảng dạy, hãy xét xem những lời mình giảng dạy có sức thuyết phục như thế nào và đồng thời hãy xét xem các lời tuyên dạy của mình có đủ đầy hai phương diện, đó là vừa xua trừ sự xấu, sự dữ và vừa làm phát sinh tình yêu, phát sinh sự sống như thế nào?”

Trở lại việc “đến nhà thờ. Đến nhà thờ, chúng ta cũng sẽ được Đức Giê-su, qua các linh mục với quyền tha tội, trục xuất những thấn ô uế, đại loại là những vị thần “dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, ganh tỵ, nóng giận, chia rẽ, bè phái, say sưa chè chén”, mà có đôi lúc chỉ vì một phút yếu lòng, nên đã bị nó thâm nhập vào tâm hồn chúng ta.

Đến nhà thờ ngày Chúa Nhật, chúng ta còn được Đức Giê-su “ban cho Mình Thánh người để làm của ăn và Máu Thánh Người để làm của uống.” Vâng, Lm. Charles E.Miller gọi đây là “cơ hội (chúng ta) nhận Chúa Giê-su như là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Do vậy, đừng chậm trễ đến nhà thờ ngày Chúa Nhật. Đến, để nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su. Nghe để hiểu Đức Giê-su, hiểu giáo huấn của Người. Và, cuối cùng là để nhận Đức Giê-su như là Đấng Thánh.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây