VÌ SAO GIÁO HỘI TẠI VN CẦN XÂY DỰNG NHỮNG CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ?

Thứ bảy - 08/08/2020 05:19 |   843
Bài viết này cố gắng trả lời 4 câu hỏi sau đây:

1. Tại sao cần gây dựng những Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ trong Giáo Hội tại Việt Nam?

2. Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là gì?

3. Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ giúp ích gì cho Giáo Hội tại Việt Nam?

4. Kế hoạch này có khả thi không?
VÌ SAO GIÁO HỘI TẠI VN CẦN XÂY DỰNG NHỮNG CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ?

 

 
 

VÌ SAO GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG NHỮNG CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ?
(Small Christian Communities- SCCs)


Tạ Đình Vui

WHĐ (1.8.2020) - Cấu trúc Giáo Hội địa phương theo các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (CĐKN - Small Christian Community) như ở nhiều nước châu Á là một nội dung còn rất xa lạ trong Giáo Hội tại Việt Nam, vì lâu nay chúng ta không có nhiều liên lạc làm việc và cộng tác chặt chẽ với Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).

Bài viết này cố gắng trả lời 4 câu hỏi sau đây:

1. Tại sao cần gây dựng những Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ trong Giáo Hội tại Việt Nam?

2. Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là gì?

3. Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ giúp ích gì cho Giáo Hội tại Việt Nam?

4. Kế hoạch này có khả thi không?

1. BỐI CẢNH HIỆN NAY CỦA GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

Chúng ta có cần gây dựng những Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ không?
Nhìn vào tình trạng hiện nay của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta không thể không chú ý đến một số hiện tượng, sự kiện và tình trạng sau đây:

1.1 “TỶ LỆ DÂN SỐ CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỪ 55 NĂM VỪA QUA KHÔNG HỀ GIA TĂNG”

Trong Đại hội Loan báo Tin Mừng lần III tại Huế tháng 9/2015, Đức giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long cho biết tình trạng này như sau:

“Trong 50 năm qua, từ khi có sắc lệnh Ad Gentes, GHVN đã làm được gì? Việc lượng định này không dễ. Chúng ta có thể thấy những kết quả qua các phúc trình thường niên của HĐGMVN. Đồng thời, chúng ta cũng có thể nói rằng những kết quả đó chỉ là phần nổi nhỏ bé của một băng sơn to lớn, nghĩa là có những điều chưa làm được, hoặc đáng lẽ công cuộc LBTM tại Việt Nam phải có nhiều kết quả hơn.”

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), đã viết bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua”, trong đó ngài cho rằng hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam chưa cao. Nếu căn cứ vào các thống kê thường niên của HĐGMVN, con số tín hữu Công giáo tại Việt Nam không gia tăng mà lại có chiều hướng thụt lùi:

- Năm 1960, số giáo hữu tại Việt Nam là 2.000.000 / 30.000.000 người, tỷ lệ 6,93%.
- Năm 2000, số giáo dân là 5.200.000/77.000.000 người, tỷ lệ 6,70%.
- Năm 2008, con số này là 6.100.000/86.100.000 người, tỷ lệ 7,18%.
- Năm 2014, tổng số giáo dân là 6.606.495/95.247.775 người, tỷ lệ 6,93%

Kết quả là sau 55 năm (1960-2015), tỷ lệ dân số Công giáo tại Việt Nam bằng nhau 6,93% !
Số tín hữu gia nhập đạo, tức chịu phép Rửa tội, cho thấy thường do hai cách: hoặc sinh ra từ gia đình Công giáo; hoặc do kết hôn với người có đạo (chiếm 80-90% trong số người lớn theo đạo). Như thế thì phải nói rằng việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê.

1.2 SỐ NGƯỜI THEO ĐẠO KHÔNG TƯƠNG XỨNG VỚI SỐ NHÂN SỰ LO VIỆC TRUYỀN GIÁO

Năm 2014, số linh mục cả nước là 4.635 (3.546 linh mục giáo phận và 1.089 linh mục dòng); số chủng sinh là 2.357, số tiền chủng sinh là 2.389; số tu sĩ là 19.717 (2.834 nam tu, 16.883 nữ tu); số giáo lý viên cả nước là 59.448 người. Tổng số các nhân sự gắn liền với việc truyền giáo là 88.546 người. Số người tân tòng gia nhập đạo năm 2014 là 41.395 người. So sánh hai con số 88.546 và 41.395, ta thấy cứ hai tín hữu ưu tuyển chưa đem được một người vào đạo. Đó là chưa nói đến con số rất lớn các hội viên hội đoàn Công giáo tiến hành trong cả nước.”(trích Bài thuyết trình tại Đại hội) Có thể nói là qua biến cố 1975, có nhiều người Công giáo Việt Nam đi ra nước ngoài hay dù còn ở trong nước, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đã đi lập nghiệp vùng kinh tế mới xa xôi, không còn sinh hoạt trong giáo xứ nữa. Dù sao hàng năm Giáo Hội cũng có thêm khoảng 40.000 tân tòng. Cũng có nhiều người đã được nghe Tin Mừng, song vì lý do này khác, chưa có điều kiện gia nhập Kitô giáo. Tuy nhiên vấn đề vẫn còn nguyên. Thật sự việc loan báo Tin Mừng trong thời gian qua “lẽ ra phải có kết quả hơn” (ĐGM Anphong, như trên). Tại sao như vậy?

1.3 GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHIỀU ĐƯỜNG LỐI VÀ KẾ HOẠCH LOAN BÁO TIN MỪNG, NHƯNG HÀNG NGŨ GIÁO DÂN CHƯA MẠNH DẠN LOAN BÁO TIN MỪNG CHO LƯƠNG DÂN

- Hàng giáo phẩm Việt Nam được thánh giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập vào năm 1960. Sau 55 năm, Giáo Hội đã có một hàng giáo dân được đào tạo trưởng thành như mong muốn của Công đồng Vatican 2 chưa?

Sắc lệnh Ad Gentes số 21 viết:”Nếu như hàng Giáo dân chưa chính thức thành hình và chưa hoạt động bên cạnh hàng Giáo phẩm, lúc đó Giáo Hội vẫn chưa thực sự được thiết lập, chưa sống trọn vẹn, cũng như chưa trở nên dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người. Thật vậy, Tin Mừng không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Vì thế, ngay khi gây dựng Giáo Hội, đã phải chú tâm tối đa đến việc đào tạo các Kitô hữu giáo dân trưởng thành”. (Sắc lệnh Ad Gentes số 21, Bản dịch của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, năm 2012).

Phải chăng vì chưa có điều kiện đào tạo một hàng giáo dân “trưởng thành”?

- Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phổ biến nhiều văn kiện quan trọng, tác động không ít trên đời sống Dân Chúa trong thời gian qua. Có thể kể:

a. Thư Chung 1980 “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, để xây dựng hạnh phúc của đồng bào”.

b. Thư Chung năm 2001 “Để họ được sống và sống dồi dào”

c. Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010: ‘Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.”

d. Thư Chung 2013: “Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc âm hóa”. Và tiếp theo là Thư mục vụ 1.11.2014 về “Tân Phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến”.

Các Thư Chung và Thư Mục vụ này trình bày rất rõ ràng và cụ thể những việc cần làm và phận sự của từng thành phần Dân Chúa. Tuy nhiên, hình như tầm nhìn và đường lối loan báo Tin Mừng vẫn còn nằm trong bối cảnh và đường lối truyền thống xưa nay, chưa bứt ra khỏi cái khung cũ và nhất là chưa “sáng tạo” một công cụ mới để thực hiện mũi nhọn chiến lược, tập trung vào một Tầm Nhìn và Sứ Mạng có sức hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa, gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong một Kế hoạch chung, theo đường dài với một chương trình đào tạo nhân sự thích ứng, chung cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam.

Các Ủy ban Mục vụ trực thuộc HĐGMVN (gồm 17 Ủy ban) đã được thành lập đầy đủ và nay lại có thêm Văn phòng HĐGMVN có thể làm việc chung như thế nào để cùng nhau xây dựng một Giáo Hội trưởng thành.

1.4 BƯỚC VÀO CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG "MỚI" TẠI VIỆT NAM

Môi Trường Sống xã hội của đồng bào và Khung Cảnh Sống Đức Tin của các tín hữu tại Việt Nam hôm nay đã chuyển biến sâu sắc, khác hẳn với trước đây. Đáp lời kêu gọi của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 12 và của các Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa và nhất là của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng về “Hoán cải Mục Vụ toàn diện tập trung vào định hướng loan báo Tin Mừng” (NVTM số 25-33), phải chăng đã đến lúc cần xác định một GIAI ĐOẠN MỚI trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam?

- Trong 400 năm qua, việc loan báo Tin Mừng gần như được khoán cho các giáo sĩ và tu sĩ cũng như các thầy giảng và giáo lý viên. Người giáo dân không cảm thấy mình có nghĩa vụ trực tiếp tham gia vào sứ mạng này của Hội Thánh.

- Ngày nay, từ sau Công đồng Vatican II đến nay, Hội Thánh không ngừng khẳng định, kêu gọi và nhắc nhở “bản chất của Hội Thánh là được sai đi loan báo Tin Mừng” và tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh, do bí tích thánh tẩy và thêm sức, đều có chung trách nhiệm làm chứng Chúa Kitô và công bố Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi dân nước, ở khắp nơi (xem Mt 28,19-20; Mc 16.15; Luca 24, 47).

- Trong giai đoạn mới này, Giáo Hội nêu rõ vai trò của Giáo dân và các Gia đình trong Công cuộc Tân Phúc âm hóa. Họ không chỉ là đối tượng “được phúc âm hóa”, song còn phải là những tác nhân chính và quan trọng nhất. Nếu dùng hình ảnh Giáo Hội là một GIA ĐÌNH, thì nay đã tới giờ, các Giáo sĩ và Tu sĩ, tựa như những ANH CHỊ LỚN trong nhà, cần ra sức giúp đỡ ĐÀN EM (giáo dân) chung sức lo việc Nhà Cha, mà ANH CẢ GIÊSU đã nhận từ Chúa Cha và trao lại cho tất cả đàn em?

Tóm lại, phải chăng đã đến lúc toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam chung sức THI HÀNH SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN VIỆT QUA MỘT CUNG CÁCH MỚI, TỎ BÀY MỘT KHUÔN MẶT MỚI CỦA DÂN THIÊN CHÚA, GIÚP MỌI NGƯỜI NHẬN ĐƯỢC TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA CHA, ĐẤNG ĐÃ MUỐN CANH TÂN THẾ GIỚI NHỜ THÁNH THẦN CỦA CHÚA PHỤC SINH.

Muốn như thế, chúng ta có thể nhìn xem các Giáo Hội anh em, tại châu Á, có kinh nghiệm gì trong sứ vụ này.

2. CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU NHỎ (SMALL CHRISTIAN COMMUNITIES) LÀ GÌ? ĐỂ LÀM GÌ?

Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ không phải là điều mới lạ hay riêng tư đối với Giáo Hội tại châu Á, nhưng đã là một thực tại sống động có mặt từ lâu ở châu Mỹ Latinh, trước hết từ Brasilia (1960), châu Phi (1960), châu Âu (1960-1970), Bắc Mỹ (1978) và châu Á (Ấn Độ 1980 - Philippines 1993).

Trong Hội Thánh toàn cầu, chân phước giáo hoàng Phaolô VI đã nói đến CĐKN trong Tông huấn Evangelium Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) số 58, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả và khuyến khích các giáo xứ phát triển các cộng đoàn nhỏ trong Tông huấn Redemptoris Missio (số 51), Tông huấn Christifideles laici Kitô hữu Giáo dân (số 26) và Tông huấn Giáo Hội tại châu Á.

Điều đặc biệt ở châu Á,CĐKN là sự chọn lựa của Liên Hội đồng Giám mục Á châu cho Giáo Hội tại châu Á.

2.1 MỘT CHỌN LỰA CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU, BANDUNG 1990

Tại Hội nghị Khoáng đại lần thứ 5 ở Bandung, Indonesia năm 1990, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã ra một tuyên ngôn, mang tựa đề: “Journeying together towards the Third Millennium” (Cùng nhau hành trình hướng về thiên niên kỷ thứ ba), chính thức chọn lựa ưu tiên của mình, liên quan đến Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ. Tuyên ngôn có đoạn như sau:

a. “Giáo Hội tại châu Á phải là sự hiệp thông của những cộng đoàn, nơi đó giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em. Họ được kêu gọi đến với nhau bởi Lời Thiên Chúa, là Lời, được xem như một sự hiện diện tựa như bí tích của Chúa Phục Sinh, dẫn đưa họ đến việc hình thành những Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (e.g. những nhóm láng giềng, Cộng đoàn Giáo Hội Cơ bản và cộng đoàn “giao ước”). Ở đó, họ cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống Lời ấy trong cuộc sống mỗi ngày khi nâng đỡ lẫn nhau và làm việc với nhau, hiệp nhất vì họ “một lòng một trí”.

b. Đây là một Giáo Hội tham gia, nơi các hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho toàn thể các tín hữu-giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ-được nhìn nhận và kích hoạt, nhờ đó Giáo Hội có thể được xây dựng và thực hiện sứ mạng của mình.

c. Được xây dựng trong trái tim của dân chúng, đây là một Giáo Hội trung thành và yêu thương làm chứng Chúa Giêsu Phục sinh và tiếp cận tới những người thuộc các niềm tin và xác tín khác, nhằm thực hiện một cuộc đối thoại qua đời sống hướng đến sự giải thoát toàn diện của mọi người.

d. Đây là một chất men biến đổi trong thế giới, phục vụ như một dấu chỉ mang tính ngôn sứ, dám vượt trên thế giới này, chỉ lên Vương quốc siêu vời sẽ đến viên mãn trong tương lai.” (Tuyên ngôn của Hội nghị toàn thể lần 5 Bandung số 8.1.1 đến 8.1.4).
Như vậy, sách lược CĐKN được gởi đến cho toàn thể các Giáo Hội tại châu Á như một ưu tiên, để xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo Hội.

2.2 NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA MỘT CỘNG ĐOÀN NHỎ (HAY CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN)

Dung mạo của Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, cũng còn gọi là Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities- BEC) có thể được mô tả qua 5 nét đặc trưng sau đây:

a. Là một nhóm nhỏ, trong đó các thành viên gần gũi, quen thân nhau, có thể chia sẻ và làm việc với nhau cách chân tình. Họ biết mình thuộc về một nhóm, tin tưởng lẫn nhau và sống thật sự với nhau. Thường thì số người trong nhóm uyển chuyển từ 5 đến 20 người hay gia đình.

b. Sống gần nhau, chung một vùng dân cư. Họ có thể hội họp tại nhà của nhau, hàng tuần, hai tuần hay hàng tháng. Ở đây người ta lưu ý đến địa bàn dân cư và tình làng nghĩa xóm, nhấn mạnh đến tương quan và môi trường sống kề cận của các thành viên.

c. Quy tụ nhau quanh Chúa Kitô Phục sinh và Lời Tin Mừng. Đây là nền tảng của CĐKN. Họ đến với nhau là để gặp Chúa Giêsu hiện diện trong cộng đoàn và đón nhận sự sống mới mà Ngài mang đến qua Lời. Họ mở lòng trí ra cho Tin Mừng của Chúa Giêsu và khi chia sẻ Tin Mừng với nhau, họ lớn lên trong niềm tin và nhờ thực hành Lời Chúa, họ có thể “ trở nên Mẹ Thầy và anh chị em của Thầy” ( Lc 8,21) và của nhau. Tuy nhiên họ không dừng lại ở đây, mà còn cùng dâng Thánh Lễ, là dấu chỉ cao quí nhất của sự hiện diện của Chúa Kitô giữa cộng đoàn.

d. Sống niềm tin của mình qua yêu thương và phục vụ. Họ đi theo Chúa Kitô nên cũng hành động giống Chúa Kitô là Đấng “không đến cho người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Bằng cách đó, họ loan báo triều đại Thiên Chúa và cùng Thánh Thần Ngài xây dựng vương quốc Chúa Kitô qua việc vun xây các giá trị Tin Mừng trong cuộc sống xã hội. Như vậy, họ biến cầu nguyện thành hành động, lòng tin thành việc làm, yêu thương thành phục vụ.

e. Luôn gắn bó với Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phươngCĐKN không sống biệt lập, nhưng bảo vệ sự hiệp thông và hiệp nhất với Giám mục, linh mục, giáo xứ của mình, như các chi thể của Giáo Hội, là Thân Mình Chúa Kitô . Việc cùng nhau cử hành thánh lễ, đón nhận các chương trình huấn luyện và đào tạo chung, tham gia vào Hội đồng Giáo xứ là những phương thế bảo đảm mối giây hiệp thông này.

CĐKN, do đó, không phải là những đoàn thể hay hiệp hội tông đồ giáo dân cũng không phải là những nhóm cầu nguyện, nhưng thật sự muốn là những “Giáo Hội nhỏ”, nơi mọi người có thể nhận ra bản chất và sứ mạng của Giáo Hội Chúa Kitô, nhập cuộc vào xã hội địa phương.

Các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ nỗ lực làm cho Giáo Hội thật sự hiện diện và nhập thể vào nơi mình sống, khi:

- chung sống với nhau tại một nơi để hiệp nhất nên MỘT
- nhờ chia sẻ Lời Chúa và đem ra thi hành mà trở nên THÁNH THIỆN
- hành động theo niềm tin, làm muối, men theo gương các TÔNG ĐỒ
- hiệp thông với toàn thể Hội Thánh CÔNG GIÁO.

2.3 AsIPA, MỘT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NHẰM THÚC ĐẨY VIỆC XÂY DỰNG “CÁCH HIỆN DIỆN MỚI CỦA GIÁO HỘI”

Để CĐKN là ưu tiên mục vụ của Giáo Hội tại châu Á có thể trở thành sự thật, Ủy ban Giáo dân trực thuộc LHĐGMAC đã được thành lập. Và một cuộc họp mặt tham khảo được tổ chức tại Malaysia, vào năm 1993, do hai Ủy ban Phát triển Con người và Giáo dân phối hợp. Kết quả là sự hình thành một phương pháp mục vụ mang tên AsIPA (Asian Integral Pastoral Approach

- Tiếp cận Mục vụ Toàn diện theo cung cách Á châu). Từ nay các tài liệu huấn luyện được soạn thảo theo định hướng sau đây:


- TIẾP CẬN: chủ trương tiếp cận “tập trung vào Chúa Kitô và Cộng đoàn”. Những người tham gia các chương trình này sẽ tích cực làm công việc tìm kiếm cho chính mình, và được giúp đỡ để tự mình trải nghiệm “cách hiện diện mới của Giáo Hội”.

- MỤC VỤ: tập trung vào việc đào luyện giáo dân thi hành sứ mạng mục vụ trong Giáo Hội và Xã hội.

- TOÀN DIỆN: tài liệu quan tâm thể hiện sự cân bằng giữa các yếu tố “thiêng liêng” và “xã hội”, cá nhân và cộng đoàn, giữa việc lãnh đạo của phẩm trật và trách nhiệm của giáo dân.

- Á CHÂU: nhắm đến việc thực thi lối nhìn của các Giám mục Á châu và trợ giúp các Kitô hữu đối diện với cuộc sống tại châu Á trong ánh sáng Tin Mừng.

Phương pháp AsIPA được phổ biến rất nhanh tại châu Á và đã có mặt tại 17 quốc gia vào năm 2011. Giáo Hội tại Ấn Độ có DIIPA: Developing Indian Integral Pastoral Approach. Giáo Hội tại Malaysia có MAsIPA: Malaysian Integral Pastoral Approach. Hy vọng rồi đây cũng sẽ có VIPA: Vietnamese Integral Pastoral Approach.

3. ĐIỀU GÌ THÚC ĐẨY CHÚNG TA XÂY DỰNG CĐKN, HAY NHỮNG HOA TRÁI ĐÁNG MONG ĐỢI

CĐKN là một công cụ thích ứng cho việc xây dựng một Giáo Hội Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ tại Việt Nam.

- Kinh nghiệm và kết quả gặt hái được tại các Giáo Hội Á châu khi đón nhận các CĐKN như là một ưu tiên để xây dựng một cách hiện diện mới, cho thấy đây là một công cụ mục vụ rất hữu ích và hiệu nghiệm.

Tại Ấn Độ, năm 2012, trong hơn 160 giáo phận đã có 137 giáo phận xây dựng CĐKN, ở 4.561 giáo xứ trên tổng số 6.082 giáo xứ, và 68.103 cộng đoàn[1].

- Cộng đoàn Giáo Hội đầu tiên ở Giêrusalem (xem Cv 2,35-47; 4,32-34) là mô hình mẫu của các CĐKN. Thánh Luca cho thấy các hoạt động phong phú của cộng đoàn với 5 sinh hoạt chính là: Giảng dạy (Didascalia), Hiệp thông (Koinonia), Phụng vụ (Leitourgia), Phục vụ (Diakonia) và Làm chứng (Marturia) đã thể hiện đầy đủ các yếu tố Mầu nhiệm-Hiệp thông-Sứ vụ của Giáo Hội.

- CĐKN sẽ là một công cụ sắc bén và năng động, có thể góp phần làm cho Giáo Hội tại Việt Nam được là mình và thể hiện mình một cách mới mẻ, mạnh mẽ và mau chóng. Thật vậy, trong quá khứ, chúng ta chưa có những điều kiện như hiện nay. Các giáo huấn của HĐGM Việt Nam được truyền tải trong một bầu da mới, chắc chắn sẽ sinh nhiều hoa trái.

Nếu quyết tâm tập trung vào Chúa Giêsu và Cộng đoàn, để cùng nhau thực hiện Sứ mạng xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần, trên quê hương, chúng ta có thể mong đợi những hoa trái sau đây:

Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ sẽ là tác nhân:

1. Chuyển Giáo Hội họp tại nhà thờ tiếp tục hiện diện ở các vùng biên, trong các nhà riêng, như thời Giáo Hội của 3 thế kỷ đầu, khi chưa có nhà thờ hay ở những nơi còn bách hại tôn giáo (x. Cv 2,42-47). Giáo Hội Chúa Kitô sẽ có mặt ở mọi nơi có người Kitô hữu sống (xem Mt 28,19-20; Mc 16,15-21);

2. Quy tụ các nhóm giáo dân và gia đình họp nhau quanh Chúa Phục sinh và Lời của Ngài, để cầu nguyện trong Thần khí và Sự thật (x.Ga 4,23), làm cho Chúa Giêsu hiện diện và cắm lều tại nơi mình ở (x.Mt 18,19-20; Ga 1,14), từng bước hình thành một cộng đoàn huynh đệ, “một lòng một trí” (Cv 2,46);

3. Giúp mọi thành phần Dân Chúa: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hiệp thông và hợp tác với nhau, theo các đoàn sủng Thánh Thần ban cho mỗi người, cùng nhau xây dựng Thân Mình Chúa Kitô đến mức trưởng thành (x.Ep 4,1-16) và thực hiện Kế hoạch Cứu độ muôn dân trong Chúa Kitô (x.Ep 1,10);

4. Thực hiện một cuộc đổi đời cho 3 thành phần xưa nay chưa được coi trọng, đó là: người nghèo, giáo dân và phụ nữ.
- xây dựng một Giáo Hội của người nghèo, chớ không chỉ cho họ;
- tạo điều kiện cho người giáo dân sống ơn gọi và phẩm giá con Thiên Chúa, cùng với linh mục và tu sĩ. Từ nay họ sẽ không còn mặc cảm, vì được đối xử như những người đồng phẩm giá, hân hoan tìm thấy chỗ đứng và vai trò của mình trong Dân Chúa, tích cực thi hành 3 chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả Chúa Kitô ban cho trong bậc sống giáo dân;
- người phụ nữ sẽ không còn bị xem là phụ thuộc, nhưng là phụ tá với thiên chức riêng của mình trong cộng đoàn Giáo Hội (x. Thư gởi phụ nữ của thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II);

5. Tích cực tham gia vào công cuộc Tân Phúc âm hóa, nhất là thực thi lòng thương xót của Vị Mục tử nhân lành, Đấng luôn chạnh lòng thương trước mọi con người nghèo khó và khổ đau. Người hằng giảng dạy đám đông dân chúng (Mt 9,35-38), chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỷ (Mc 1, 32-34) và nuôi sống đám đông (Mc 6, 34-44).

6. Hiện diện, hòa mình và hợp tác với mọi người tại nơi mình sống trong yêu thương và phục vụ con người và sự sống của mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống cũng như tham gia vào cuộc đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo và văn hóa.

7. Góp phần phát huy một đường lối lãnh đạo mới của người giáo dân: linh hoạt, thổi hứng và khiêm tốn dẫn đường, theo gương Thầy Giêsu (x.Ga 13,1-15; Mc 10,41-45).
4. MỘT KẾ HOẠCH KHẢ THI?

Kế hoạch thật đẹp, lý tưởng song có khả thi chăng? Chúng ta cần thực tế, thấy rõ những thách đố và khó khăn, nhưng cũng cần can đảm bắt tay vào việc, khi xác tín rằng đây là điều Thiên Chúa muốn và truyền dạy. Những thách đố chúng ta phải đối diện không phải ít và nhỏ.Có thể kể ra một số như sau:

4.1. THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC XÂY DỰNG TÌNH HIỆP THÔNG TRONG CỘNG ĐOÀN

Sự hiệp thông trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, mẫu gương của CĐKN, là một sự hiệp thông toàn diện: một lòng một trí (Cv 4,32); hiệp thông trong niềm tin (Cv 2,42); hiệp thông trong bẻ bánh (Cv 2,42) và hiệp thông trong chia sẻ mọi sự cho nhau, để không ai phải thiếu thốn (Cv 2,46; 4,34). Sự chia sẻ này còn mở rộng ra cho các cộng đoàn khác nữa.

Để có được một sự hiệp thông như thế,

- Trước hết cần thực hiện những công việc / hoạt động thường xuyên như: họp nhau không những chia sẻ Lời Chúa, suy nghĩ về những hoàn cảnh sống cá nhân và cộng đoàn dưới ánh sáng đức tin, cử hành thánh lễ và các việc đạo đức bình dân, những khóa học hỏi và huấn luyện về nhiều lãnh vực thánh kinh, giáo lý, mà còn về kinh tế, xã hội, văn hóa...

- Tiếp theo, cần xây dựng những cấu trúc: tổ chức các Nhóm cộng đoàn, các Nhóm lãnh đạo-linh hoạt viên, những cuộc họp mặt đào tạo, hợp tác, lên kế hoạch ở nhiều cấp khác nhau. Điều quan trọng hơn cả chính là tinh thần và mục đích soi dẫn những con người hoạt động với nhau. Để xây dựng CĐKN, người ta cần đến 4 trục: tham gia, đồng trách nhiệm, đối thoại và thông đạt.

- Yếu tố thứ ba giúp xây dựng sự hiệp thông đó là cung cách lãnh đạo cộng đồng, khác với cung cách truyền thống xưa nay, nhấn mạnh đến việc lôi cuốn sự tham gia, đóng góp khả năng, ân huệ của mọi người nhằm phục vụ lợi ích chung. Các kỹ năng cần thiết là: tham khảo, đối thoại, lắng nghe, truyền đạt, phân định và quyết định chung. Và chính cộng đoàn đóng góp vào đời sống cũng sẽ góp phần tuyển chọn và đào luyện những người lãnh đạo/dẫn đường của mình.[2]

4.2 NỐI KẾT HIỆP THÔNG VỚI SỨ VỤ

Một cám dỗ thường xảy ra trong những thời gian đầu là CĐKN quá hướng nội (lo cho thành viên của mình) mà xem nhẹ sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong CĐKN, hai yếu tố hiệp thông và sứ vụ cần song hành với nhau: Hiệp thông để lo Sứ vụ, Sứ vụ tăng cường Hiệp thông.
Theo lối nhìn của Giáo Hội tại châu Á, cần quan tâm đến 3 mặt của sứ vụ dẫn lối cho mọi người nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô nơi mình. Đó là:

a. Công việc loan báo Tin Mừng cứu độ phải giúp con người tiếp cận các giá trị Tin Mừng và nâng cao môi trường sống của con người, sao cho họ được hạnh phúc hơn, nhờ được bình an, tự do và niềm vui.

b. Sứ vụ của CĐKN phải đưa mình hội nhập văn hóa địa phương nhiều hơn, nối kết niềm tin với cuộc sống, giúp thành viên nhìn vào tình trạng địa bàn dân cư, các hoàn cảnh, biến cố và vấn đề dưới ánh sáng của Tin Mừng và đức tin, để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

c. Trong bối cảnh có nhiều tôn giáo và niềm tin khác nhau ở châu Á, loan báo Tin Mừng sẽ đưa các Kitô hữu đi tìm gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với những anh chị em ngoài Kitô giáo, với ước muốn làm cho cuộc sống chung hòa hợp, tươi vui và hợp tác chăm sóc những thành phần khốn khổ.

4.3 HOÁN CẢI VÀ CANH TÂN MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA, ĐỂ TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC CỦA NHAU

Có người đã ví hàng ngũ giáo dân xưa nay như “một con voi đang ngủ”, khá thụ động trong cuộc sống Giáo Hội. Lối nhìn về một Hội Thánh hiệp thông, trong đó mọi người là con một Cha, anh chị em một nhà (x. Mt 23,8-11;Ep 4,1-5), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi thay tình trạng này.

- Thực tế cho thấy có một khoảng cách khá xa giữa lối nhìn Hội Thánh-Dân Thiên Chúa và cách thể hiện sự hiệp thông, đối thoại, chia sẻ và cùng mang trách nhiệm giữa các thành phần Dân Chúa. Cần thay đổi não trạng và những thái độ kỳ thị cách biệt để mọi người trở thành những đối tác huynh đệ, một lòng, một ý cho sứ vụ xây dựng Nước Chúa.

- CĐKN mời gọi “hoán cải về những thiếu sót và lỗi lầm” trong quá khứ để có thể canh tân con người và cuộc sống trong Giáo Hội.

- Các tác nhân canh tân là hàng giáo sĩ, kế đến là giáo dân và tu sĩ. Theo Đức tổng giám mục Orlando Quevedo, OMI, bước đầu tiên hướng tới một cách hiện diện mới của Giáo Hội là (1) canh tân hàng giáo sĩ; (2) phát triển một lớp giáo dân làm tác viên mục vụ; (3) định hướng lại các chương trình huấn luyện linh mục, tu sĩ, đoàn thể giáo dân.

KẾT
Nếu Giáo Hội tại Việt Nam có kế hoạch chung, dám đầu tư nhân sự, kiên trì đào tạo...
Giáo Hội tại Việt Nam đã mạnh dạn lên kế hoạch xây dựng Trung tâm hành hương quốc gia La Vang và tiến hành công trình từ vài năm nay và sẽ kéo dài nhiều năm.
Hy vọng HĐGMVN cũng tiếp tục lên một kế hoạch mới với mục đích “Xây dựng một cách hiện diện mới của Giáo Hội tại Việt Nam”.
Kế hoạch này chắc chắn sẽ là góp phần hữu hiệu để thực hiện mục đích các Thư Chung:
- “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để xây dựng hạnh phúc của đồng bào” (1980).
- “Để họ được sống và sống dồi dào” (2001)
- “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.” (2010).
Và đồng thời, Giáo Hội tại Việt Nam cũng có thể làm chứng cho đồng bào thấy rằng, người Việt Nam có thể đoàn kết với nhau để xây dựng hạnh phúc của đồng bào, vì họ là Kitô hữu.
Viết theo các tài liệu sau đây:
1. Colloquium on Church in Asia in the 21st Century, Office for Human Development - FABC Manila, Philippines 1997.
2. Breaking Ground - Papers presented at the International Theological Congress SCCs at PAC Nagpur, August 17th-19th, 2011. Ấn bản đầu tiên năm 2014.
3. “Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản và việc chăm sóc mục vụ cho người lao động nhập cư.” Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 91 (tháng 11 & 12 năm 2015)

[1] Fr. Thomas Vijay SAC, Fr. Francis Scaria, Mr. Elvin Colaco (Editing), Breaking Ground, Papers presented at the International Theological Congress on SCCs at PAC Nagpur, August 17th - 19th, 2011, tr.17.
[2] X. Colloquium trang 271, Nữ tu Julia Neo. DC “Fostering communion in the local church through the basic ecclesial communities”
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/vi-sao-giao-hoi-tai-viet-nam-can-xay-dung-nhung-cong-doan-kito-huu-nho--40388

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây