Âm nhạc và cuộc đời
Đời con mãi là một bài ca, ca ngợi tình thương Chúa dành cho loài người. Từng ngày sống, học bài học của ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận, hãy dùng những bài thánh ca để thưa chuyện với Chúa: sám hối, trông cậy, phó thác, tạ ơn và xin ơn...
Karl Rahner nói rằng trong chúng ta, không ai từng trải nghiệm “hòa âm trọn vẹn” trong đời này, là cha không chỉ nói đến việc không ai trong chúng ta đạt được trọn ước mơ của mình, mà còn nói đến việc trong mọi mối quan hệ quan trọng nhất của mình, chẳng ai trong chúng ta tốt cho đủ. Luôn có những điều đáng phải nói mà chưa nói, và luôn có những điều đáng lý không được nói nhưng đã nói.
Giai điệu cuộc đời có lúc nhanh lúc chậm. Khi còn trẻ, con người thường sống vội và thường thích chạy vì trong con người tràn trề nhựa sống và hy vọng; cách xử sự với đời cũng thường nóng nảy bốp chát, nhiều đam mê và tội lỗi. Đến tuổi trưởng thành, con người dần dần nhận biết trò đời và lẽ đời nên điều chỉnh cách sống điềm đạm lại, sống chậm dần… và nốt nhạc kết thường là một nốt nhạc buông lơi: lẻ loi và lạnh lùng.
Giai điệu cuộc đời có những lúc hoan ca vì thành công và toại nguyện; nhưng lúc khác lại âu lo và mất mát, ở đó có những nốt nhạc trầm buồn. Một bản nhạc thường có những hòa âm nghịch, nghe như lạc điệu và chát chúa, nhưng sẽ dẫn đến sự êm tai của những hợp âm thuận. Giai điệu cuộc đời cũng có những lúc cao hứng của hạnh phúc và những đỉnh cao của tuyệt vọng, thế nhưng khi đã vượt qua nghịch cảnh thì tâm hồn tràn đầy hoan lạc vì đã học được những kinh nghiệm sống tuyệt vời. Ai đó đã từng nói: những ai trải qua đau khổ tột cùng và yêu thương sâu đậm sẽ học được những bài học khôn ngoan mà người bình thường không thể có.
Cầu nguyện chiêm niệm cũng là nhịp mạnh cách đặc biệt của đời sống cầu nguyện, đem lại sức sống và giữ vững tiết điệu cho cả cuộc sống. Dành những giây phút trong mỗi ngày sống để thưa chuyện với Chúa là điều cần thiết cho đời sống tâm linh, nhưng cũng là một thách đố cho mỗi người, vì tinh thần thì mau mắn mà xác thịt lại nặng nề. Nhưng để chu toàn lệnh truyền ‘cầu nguyện không ngừng’ của Chúa Giêsu thì chúng ta phải có những nhịp mạnh và nhịp yếu: nhịp mạnh là những giờ cầu nguyện riêng hoặc chung, nhịp yếu là ý hướng ngay lành trong khi làm việc, ngủ nghỉ.
Một bản nhạc thường có những đảo phách, nghe nhí nhảnh và rất khó diễn, vì nó đi ra ngoài quy luật bình thường; nhưng thường đó chỉ là họa tiết và dòng nhạc sẽ trở về giai điệu bình thường của nó. Điều này gợi cho ta về dòng đời: có những người gặp may mắn bất thường và kẻ khác lại gặp thử thách trăm bề trong một giai đoạn nào đó, nhưng rồi ai cũng nghiệm ra rằng: hạnh phúc hay bất hạnh cũng sẽ qua đi và chỉ là những điều tương đối ở trần gian nầy, ơn Chúa ban luôn đủ cho mỗi người – mỗi lúc. Bài học cần thiết là: đừng ganh tị với hạnh phúc và thành công kẻ khác, biết cảm thông chia sẻ với kẻ gặp thử thách (vui với kẻ vui, khóc với người buồn).
Giai điệu cuộc đời của người Kitô hữu được đặt nền tảng trên hợp âm chính là Đức Kitô, Đấng đã tự hủy và tự hiến đời mình cho tôi được sống dồi dào. Bài ca cuộc đời của tôi sẽ lạc điệu khi xa Đức Kitô và sẽ hòa nhịp khi noi gương bắt chước Ngài và sống mật thiết với Ngài trong mọi cảnh huống cuộc đời.
Nguyễn Văn Thiện