Giáo Hội của Chúa nơi trần gian
admin
2020-07-16T03:11:08-04:00
2020-07-16T03:11:08-04:00
https://lebaotinhbmt.net/quan-van/giao-hoi-cua-chua-noi-tran-gian-660.html
https://lebaotinhbmt.net/uploads/news/2020_07/ccct-t7a1.jpg
Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột
https://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 16/07/2020 03:08 |
1124
Hiện nay Giáo Hội có mặt ở mọi nơi, và cưu mang mọi thành phần dân tộc. Thiên Chúa mong muốn một Giáo Hội thật hiệp nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Giáo Hội của Chúa nơi trần gian
Để cứu độ con người, Thiên Chúa đã xuống thế và đi vào đời sống của mỗi người. Ngài thiết lập Giáo Hội của Ngài ngay trên trần gian này. Nơi đó có tôi và có bạn. Từ đó tới nay, con thuyền Giáo Hội luôn gặp biết bao sóng gió, nhưng luôn tiến lên phía trước. Hiện nay Giáo Hội có mặt ở mọi nơi, và cưu mang mọi thành phần dân tộc. Thiên Chúa mong muốn một Giáo Hội thật hiệp nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tiếc là trong lòng Giáo Hội, không phải toàn người tốt. Có những “cỏ lùng” đang lấn át phá hoại cánh đồng lúa của Giáo Hội.
Tựa đề trên hướng chúng ta đến một dụ ngôn quen thuộc: Dụ ngôn cỏ lùng. Đây cũng là chủ đề chính trong ngày Chúa Nhật 16 hôm nay[1]. Chính Đức Giêsu giải nghĩa dụ ngôn này cho các môn đệ. Dựa trên lời giải nghĩa này, Giáo Hội hiểu hơn về chính mình và chương trình của Thiên Chúa.
“Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.” (Mt 13,37). Đó chính là một trong những tước hiệu của Đức Giêsu, Con Một của Thiên Chúa. Không chỉ thiết lập Giáo Hội, Ngài còn là đầu và Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu. Bởi thế thánh Phaolô cho chúng ta thấy định nghĩa thật đẹp về Giáo Hội: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Giáo Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1,22–23). Vì điều này mà Công Đồng Vaticanô II gọi Giáo Hội là bí tích. Con Người Đức Giêsu đã được Cựu Ước loan báo. (x. Đn 8,17). Suốt những năm trên dương thế, Đức Giêsu đã gieo rắc Lời Chúa. Chính Ngài là Ngôi Lời đến với muôn người. Do đó ai tin vào Ngài và Tin Mừng thì được cứu độ (Ga 11,25–26).
Ruộng là thế gian (Mt 13,38). Hẳn nhiên thế gian là nơi con người sinh sống. Thiên hạ đã có từ ngàn xưa nơi Năm châu bốn biển. Đây là mảnh đất được chúc phúc, và con người được Thiên Chúa yêu mến. Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một. (Ga 3,16). Mảnh ruộng trần gian này cũng là Giáo Hội. Là người Công Giáo, chúng ta thuộc về một Giáo Hội mà vị đại diện của Đức Giêsu là Đức Giáo Hoàng.
Đáng lẽ thế gian này tốt đẹp như những ngày ban đầu trong công trình sáng tạo. Tiếc là Ma Quỷ đã quyến rũ con người. Từ đó, trong thế gian có những thế lực xấu xa chia rẽ và lôi kéo con người rời xa Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nơi nào cũng có kẻ xấu người tốt. Ai theo con đường gian ác của thế gian, người ấy là cỏ lùng, là con cái Ác Thần (Mt 13,39). Đức Giêsu chỉ mặt đặt tên cho những thành phần gian ác này: Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.
Ngược lại, Đức Giêsu và Giáo Hội của Chúa ra sức nuôi dưỡng con người bằng lương thực tốt lành. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Đó là dân riêng của Chúa. Tuy sống trong thế gian, nhưng người con của Chúa không thuộc về thế gian. Bởi đó, chúng ta thấy Giáo Hội lúc nào cũng bị chống đối. Ma quỷ không bao giờ ngủ. Nó chăm chỉ gieo rắc điều xấu đến với bất cứ ai, bất cứ nơi đâu và lúc nào. Nhất là trong thời đại hôm nay, dường như ma quỷ và con cái của chúng có mặt ở mọi nơi. Chúng phủ nhận Thiên Chúa và chạy theo danh vọng trần gian.
Trong cuộc chiến này, Giáo Hội đang tìm mọi cách để đồng hành với con cái mình. Hơn nữa, Giáo Hội muốn thánh hóa thế gian và đưa mọi người về một đoàn chiên của Chúa. Đấy là ước mơ, là kế hoạch và mệnh lệnh của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội. Để hy vọng đến mùa gặt là ngày tận thế, không ai phải mang thân phận cỏ lùng, người xấu. Tại sao? Đây là điều có thể lý giải tại sao chúng ta tin vào Thiên Chúa: “Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Mt 13,40). Đó là ngày kết thúc của vũ trụ vật chất, ngày Chúa Kitô quang lâm. Mừng cho chúng ta là Đức Giêsu luôn ở với mỗi người, với Giáo Hội cho đến ngày tận thế. (Mt 28,20).
Dĩ nhiên sau một đời tin theo Chúa trong Giáo Hội, người con của Chúa hy vọng được sống hạnh phúc vĩnh hằng. Nếu tôi và bạn có một vé vào Thiên Đàng thì hạnh phúc biết bao! Như thế chúng ta không còn con đường nào khác là chọn nên hạt giống tốt, nên con cái tốt lành của Giáo Hội. Kết thúc Tin Mừng Chúa Nhật 16 hôm nay, Đức Giêsu nhắc đến vinh quang của người công chính. Họ là những người đã đón nhận Lời Chúa và sống chết với Tin Mừng. Sau giờ chết, những người này sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Đây là lời hứa an ủi và động viên mỗi người trong hành trình dương thế.
Nếu để ý, chúng ta thấy giữa dụ ngôn cỏ lùng, lại có thêm hai dụ ngôn ngắn khác: hạt cải và men trong bột. (Mt 13,31–33). Đây là hai năng động của Giáo Hội. Hạt cải tuy nhỏ nhưng đã lớn lên thành cây xum xuê. Giáo Hội cũng thế, mỗi ngày một tăng trưởng. Mệnh lệnh năm xưa của Thầy Giêsu đang được Giáo Hội thực thi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15).
Nếu cây lớn mà không có sức sống nội tại, thì dễ dàng đổ ngã. Do đó, men trong bột nói lên ảnh hưởng bên trong của Giáo Hội để biến đổi thế giới. Đây là điều tối cần cho các tín hữu. Hào nhoáng chưa bao giờ là tiêu chí để Giáo Hội chạy theo hoặc cổ võ. Ngược lại, tin yêu nơi Chúa Giêsu ở tận chiều sâu là lời mời gọi cho mỗi người. Trong tương quan cá vị riêng tư, người con của Chúa được biến đổi. Khi đó, Giáo Hội mới có sức sống và vươn rộng tầm ảnh hưởng đến với mọi quốc gia, dân tộc, văn hóa và cả những khác biệt.
Để kết thúc, các nhà chú giải cho thấy điều thú vị là cỏ lùng có thể trở nên lúa tốt, và ngược lại. Nếu cải tà quy chánh, người xấu sẽ hoàn lương. Trong khi đó, ma quỷ luôn cám dỗ người tốt từ bỏ con đường lương thiện để theo đường gian ác. Đó là mong manh của phận người: tốt xấu lẫn lộn. Nhiều người đòi giệt trừ cỏ lùng, loại bỏ những ai xấu xa ra khỏi Giáo Hội. Đó cũng là cái nhìn thiện cận. Giáo Hội luôn kiên nhẫn với hết mọi người. Nếu mưa xuống trên người tốt cũng như kẻ xấu, thì ân sủng của Chúa chẳng lẽ lại không đến hết với muôn người sao? Bởi thế, Giáo Hội muốn người con của Chúa:
“Đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Đem an hòa vào nơi tranh chấp.
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan.
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm.
Đem niềm vui đến chốn u sầu.”[2]
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ân sủng để con sống tốt hơn mỗi ngày. “Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.” (Tv 139). Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] 19-07-2020: Chúa Nhật 16 mùa Tn. Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43.
[2] Kinh Hòa Bình - của Thánh Phanxicô