Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 12/07/2020 09:29 |
743
Một hiện tượng nay đã trở thành phổ biến là nền văn hóa triệt tiêu (Cancel Culture), nền văn hóa lộ nguyên hình trong vụ kết án phi lý Đức Hồng Y George Pell, một nền văn hóa phản ảnh trọn vẹn mô tả của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong Thánh Lễ “Pro Eligendo Romano Pontifice” (Cầu cho việc bầu Giám mục Rôma) ngày 18 tháng 4 năm 2005:
Đức Hồng Y George Pell và nền Văn Hóa Triệt Tiêu
Vũ Văn An
Một hiện tượng nay đã trở thành phổ biến là nền văn hóa triệt tiêu (Cancel Culture), nền văn hóa lộ nguyên hình trong vụ kết án phi lý Đức Hồng Y George Pell, một nền văn hóa phản ảnh trọn vẹn mô tả của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong Thánh Lễ “Pro Eligendo Romano Pontifice” (Cầu cho việc bầu Giám mục Rôma) ngày 18 tháng 4 năm 2005:
Nền độc tài duy tương đối
Nhân nói đến lời khuyên của Thánh Phaolô: “chúng ta đừng mãi là những đứa trẻ trong đức tin, trong thân phận vị thành niên” tức đừng để mình “bị xô đẩy tứ tung, cuốn theo mọi chiều gió lý thuyết”, Đức Hồng Y cho hay: “mô tả ấy hợp thời xiết bao!
“Biết bao ngọn gió lý thuyết được chúng ta biết đến trong mấy thập niên ngày nay, biết bao trào lưu ý thức hệ, biết bao lối suy nghĩ. Con thuyền tư duy của nhiều Kitô hữu thường bị xô đẩy theo những sóng nước này, dạt từ cực đoan này qua cực đoan nọ, từ chủ nghĩa Mác qua chủ nghĩa tự do cấp tiến, thậm chí cả chủ nghĩa tự do phóng đãng; từ chủ nghĩa tập thể qua chủ nghĩa cá nhân triệt để; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa huyền nhiệm tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa bất khả tri qua chủ nghĩa chiết trung và v.v... Mỗi ngày đều nẩy sinh những đạo thuyết (sects) mới...
“Ngày nay, có một đức tin rõ ràng dựa trên Tuyên Tín của Giáo Hội thường bị coi là chủ nghĩa cực đoan. Trong khi chủ nghĩa duy tương đối, nghĩa là để mình “bị xô đẩy tứ tung, cuốn theo mọi chiều gió lý thuyết”, hình như là thái độ duy nhất có thể đương đầu với thời hiện đại. Chúng ta đang xây dựng cả một nền độc tài duy tương đối không hề nhìn nhận bất cứ điều gì là dứt khoát và mục đích tối hậu hoàn toàn chỉ hệ ở cái tôi và các thèm khát của riêng mình”.
Điều đáng nói dĩ nhiên là nét nghịch lý của “độc tài duy tương đối”. Tương đối đáng lẽ phải khoan dung, đàng này nó lại trở thành độc tài, do đó bất khoan dung. Trong cuộc phỏng vấn của Peter Seewald sau đó (Light of The World), Đức Bênêđíctô XVI quảng diễn thêm: “Sự bất khoan dung mới này phát triển cùng khắp... có những tiêu chuẩn suy nghĩ rất vững vàng phải được áp đặt lên mọi người. Những tiêu chuẩn này sau đó được đặt tên là ‘khoan dung tiêu cực’. Thí dụ, khi người ta nói rằng vì sự khoan dung tiêu cực [nghĩa là ‘không xúc phạm bất cứ ai’] nên không thể có Tượng Chịu Nạn trong các công thự. Với việc này, trong căn bản, chúng ta cảm nghiệm việc hủy bỏ khoan dung, vì dù sao nó cũng có nghĩa là tôn giáo, tức đức tin Kitô giáo, không còn được phép tự phát biểu một cách hữu hình”.
Tóm lại, nhân danh khoan dung để không khoan dung. Nói cách khác, bất cứ những gì không được họ chấp nhận đều bị loại trừ, coi như xúc phạm, phi lý.
Nền Văn hóa Triệt tiêu
Tưởng họ chỉ nhắm tôn giáo nói chung và Kitô Giáo nói riêng. Nhưng thực ra họ tấn công, đúng như Đức Hồng Y Ratzinger nói, mọi người kể cả những người làm văn hóa, nên đã phát sinh điều người ta hiện gọi là Nền Văn Hóa Triệt Tiêu.
Theo Aja Romano trên tạp chí Vox (https://www.vox.com/culture/2019/12/30/20879720/what-is-cancel-culture-explained-history-debate), với Nền Văn hóa Triệt tiêu, một người nào đó có thể “bị triệt tiêu”, tức bị loại trừ về văn hóa khỏi diễn đàn hay nghề nghiệp của họ.
Triển khai điều trên, Aja cho hay: “trong vòng 5 năm vừa qua, việc xuất hiện ‘nền văn hóa triệt tiêu’ và ý niệm triệt tiêu một ai đó đã trở thành các chủ đề phân cực để tranh luận...: một người nổi tiếng hay một nhân vật công cộng làm hay nói một điều gỉ bị coi là xúc phạm. Thế là một phản ứng dữ dội của công chúng, thường được truyền thông xã hội cấp tiến đổ thêm dầu, diễn ra. Sau đó, là nhiều lời kêu gọi triệt tiêu họ, nghĩa là trên thực tế, chấm dứt nghề nghiệp của họ hay hủy diệt dấu ấn văn hóa của họ, một là qua các cuộc tẩy chay công trình của họ hai là hành động kỷ luật của chủ nhân họ”.
Aja cho hay riêng năm 2019, danh sách những người phải đương đầu với việc bị triệt tiêu bao gồm những người vi phạm tình dục như R. Kelly; các nhà trình diễn như Kanye West, Scarlett Johannsson và Gina Rodriguez; những danh hài như Kevin Hart và Shane Gillis sau khi những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội bật mí các lời hài hước kỳ thị đồng tính và kỳ thị chủng tộc của họ trong quá khứ.
Về nguồn gốc của nền văn hóa này, Aja cho rằng nó phát xuất từ một nơi khó tin nhất: hài hước có tính kỳ thị phụ nữ. Vì việc dùng hạn từ “triệt tiêu” lần đầu tiên xẩy ra trong cuốn phim năm 1991 tựa là New Jack City trong đó Wesley Snipes đóng vai một người mang tên Nino Brown. Trong một cảnh, sau khi bị bạn gái chia tay vì các bạo lực do anh ta gây ra, anh ta bảo “Hãy triệt tiêu con điếm ấy đi. Tôi sẽ mua con điếm khác”. Rồi năm 2010, nó được lặp lại trong bài hát “I’m Single” của Lil Wayne và từ đó, kiểu nói được truyền lan một dạo. Tuy nhiên, nó trở nên thịnh hành với những loạt phim thực tại tựa là Love and Hip-Hop: New York trình chiếu hồi tháng 12 năm 2014 trong đó, Cisco Rosado nói với bạn gái Diamond Strawberry trong một cuộc cãi vã “em bị triệt tiêu rồi”. Đó là một cách nói dỡn cho vui, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội bắt đầu sử dụng nó từ đó.
Black Twitter bắt đầu truyền bá ý niệm triệt tiêu suốt năm 2015, dùng nó để phản ứng đối với những ai làm một điều gì đó bạn không chấp nhận, hoặc để vui đùa hay một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, nó không giới hạn trong vòng bạn bè quen biết nữa mà đụng tới bất cứ nhân vật danh tiếng hay thực thể nào có tác phong làm bạn không hài lòng. Và ngay từ rất sớm, triệt tiêu một ai đã thường bao gồm việc tẩy chay họ về nghề nghiệp.
Dù thế, những điển hình đầu tiên phần lớn độc lập và khác biệt với nhau. Nhưng chúng là những hạt giống tạo nên nền văn hóa triệt tiêu: một xu hướng tập thể đòi tẩy chay một người nổi tiếng có hành vi bị tri nhận là đi quá xa.
Aja cho rằng công chúng, cũng như giới truyền thông thường gom nền văn hóa triệt tiêu vào cùng rọ với với xu hướng “văn hóa nêu tên” [call-out culture] (để nhục mạ). Nhưng trong khi nền văn hóa nêu tên chỉ nêu vấn đề thì văn hóa triệt tiêu còn đòi “chặt đầu” những người nó không chấp nhận. Nó nhắm các cá nhân, nhiều hơn các định chế. Chính vì thế, trong trường hợp Đức Hồng Y George Pell, các địch thủ của ngài không nêu vấn đề để tranh luận mà đi thẳng vào việc triệt hạ ngài cho bằng được. Thí dụ thứ hai là J.K. Rowling, tác giả bộ Harry Potter nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng, bán hơn 500 triệu bản, trở thành bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử, chỉ vì bênh vực một người bị đuổi việc một cách phi lý vì dám tuyên bố rằng “Đàn ông con trai là phái nam. Đàn bà con gái là phái nữ. Bạn không thể đổi phái được” nên đã bị những người ái mộ Harry Potter công khai tẩy chay coi bà không phải là tác giả loạt tiểu thuyết họ ưa thích nữa. Aja cho rằng Rowling chưa lên tiếng trả lời nhưng từ tháng 12 vừa rồi, đã không trở lại với Twitter.
Chính vì thế, nhiều người lên tiếng gọi nó là “luật bề hội đồng” (mob rule) và một nhà chấp hành một công ty giao tế nhân sự ẩn danh cho rằng nó triệt tiêu cả những ý hướng tốt. Tháng 9 năm ngoái, Osita Nwanevu của New Republic nhận xét rằng một số cơ quan truyền thông vốn so sánh nền văn hóa triệt tiêu với những cuộc nổi dậy đầy bạo động về chính trị, từ diệt chủng tới tra tấn dưới các chế độ độc tài.
Aja cho rằng dù các nạn nhân của nền văn hóa triệt tiêu, trên thực thế, không bị triệt tiêu đi chăng nữa, nhưng nhiều người vẫn coi nó như thành phần của một xu hướng gây bối rối sâu xa: mất khả năng tha thứ.
Aaron Rose, một chuyên viên về đa dạng và hòa nhập, trước đây vẫn thường tự coi mình là người cấp tiến, tham gia nền văn hóa triệt tiêu, nhưng nay, lưu tâm nhiều hơn đến việc biến đổi tranh chấp. Ông đặt câu hỏi, “làm thế nào người ta thực sự thông đạt và cư xử với nhau như những con người? ”
Ông cho hay “chủ nghĩa tranh đấu chính dòng trên mạng phần lớn nêu tên, đổ lỗi và nhục mạ. Chúng ta cần trung thực với chính mình về việc liệu việc nêu tên và triệt tiêu có đem lại cho chúng ta nhiều giải khuây ngắn hạn cho các giận dữ tẩy trừ hay không”.
Trước đây, Rose vẫn “quen nghĩ rằng các chiến thuật ấy tạo thay đổi” nhưng nay hiểu ra rằng “tôi không thấy sự thay đổi đích thực mà tôi mong muốn...”. Nên nay, ông muốn “tạo ra nhiều câu truyện biến đổi hơn là các câu truyện trừng phạt và tuyệt thông”.
Loretta Ross, từng tự nhận mình là người cấp tiến, cũng tiến tới chỗ có cùng một quan điểm. Trong một bài góp ý trên New York Times, bà coi nền văn hóa triệt tiêu là độc hại khi “người ta cố gắng thanh toán bất cứ ai họ không hoàn toàn nhất trí với, thay vì tập chú vào những kẻ hưởng lợi nhờ kỳ thị và bất công”. Bà cho rằng nền văn hóa triệt tiêu đã trở thành người tự bổ nhiệm mình làm giám hộ cho tính tinh ròng chính trị”.
Đối với những người cấp tiến như Rose, bác bỏ nền văn hóa triệt tiêu không nhất thiết có nghĩa là bác bỏ các nguyên tắc công bình xã hội và việc thúc đẩy bình đẳng mà nó bênh vực: “Điều này không hề có nghĩa là trấn áp các phản ứng của chúng ta hay thôi không đòi hỏi việc giải trình trách nhiệm nữa. Trái lại, nó có nghĩa dành cho chính ta đủ không gian để thực sự tôn vinh các cảm quan buồn bực của ta, trong khi không phản ứng một cách ngụ ý rằng các người khác... không thể được cảm thương hay thay đổi”.
Đối với Rose, cũng như nhiều người đề kháng nền văn hóa triệt tiêu, điểm mấu chốt trong cuộc tranh luận này là nhu cầu tin rằng người khác có thể thay đổi, và ta nên đối xử với họ theo tầm nhìn lạc quan. Sự khác nhau giữa văn hóa triệt tiêu và phương thức có tính hòa giải, biến đổi nhiều hơn đối với sự bất đồng là “sự khác nhau giữa việc mong chờ sửa đổi và việc không bao giờ để cho vết thương lành lại. Giữa việc phát biểu tức giận của bạn và việc đồng nhất hóa với nó vĩnh viễn”.
Kỳ sau: 130 trí thức cấp tiến tuyên bố: Hãy triệt tiêu nền Văn hóa Triệt tiêu