Vượt lên các sai lầm và điểm yếu
Ronald Rolheiser, 2020-09-14
Điều có thể bào chữa thì không cần được bào chữa và điều không thể bào chữa thì không thể bào chữa được.
Tác giả Michael Buckley đã viết những lời này và đó là cả một thách thức quan trọng. Chúng ta luôn biện minh cho những chuyện mà chúng ta không cần phải biện minh và luôn cố gắng bào chữa cho những chuyện không bào chữa được. Chuyện này chuyện kia đều không cần thiết, cũng chẳng ích lợi gì.
Chúng ta có thể học bài học này từ cách Chúa Giêsu đối xử với những người phản bội Ngài. Ví dụ điển hình là với Thánh Phêrô, người được Chúa chọn đặc biệt và được Chúa đặt là hòn đá tảng của cộng đoàn tông đồ. Thánh Phêrô là người trung thực, với tấm lòng chân thành như trẻ thơ, ngài có đức tin sâu đậm, và hơn người khác, ngài hiểu được ý nghĩa sâu xa Chúa Giêsu là ai và ý nghĩa giáo huấn của Chúa Giêsu. Đúng vậy, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ (còn các anh, các anh nói tôi là ai?), Thánh Phêrô trả lời: “Ngài là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống.” Nhưng vài phút sau lời tuyên xưng đó, Chúa Giêsu đã phải sửa lại quan niệm sai lầm của Thánh Phêrô về ý nghĩa của điều này, và Ngài đã quở trách ông vì ông muốn làm chệch hướng chính sứ mệnh của Ngài. Nghiêm trọng hơn, chính Thánh Phêrô trong giây phút huyênh hoang đã nói, dù ai phản bội Chúa Giêsu, nhưng ông thì không, vậy mà ông đã chối Chúa ba lần trong giây phút khó khăn nhất của Chúa Giêsu.
Sau đó, chúng ta biết cuộc trao đổi của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô về chuyện phản bội này. Điều quan trọng là Chúa Giêsu không đòi hỏi Thánh Phêrô phải giải thích, phải xin lỗi và cũng không nói những câu đại loại như: “Anh thực sự không phải là chính anh! Tôi hiểu ai ở trong tình trạng này sẽ rất hãi sợ! Tôi hiểu nỗi sợ hãi có thể làm cho anh làm như vậy!” Không có những lời này. Điều có thể bào chữa thì không cần được bào chữa và điều không thể bào chữa thì không thể bào chữa được. Trong sự phản bội của Thánh Phêrô, cũng như trong sự phản bội của chính chúng ta, khi nào cũng có hai khía cạnh này, có thể bào chữa và không thể bào chữa.
Vậy Chúa Giêsu làm gì với Thánh Phêrô? Ngài không đòi Thánh Phêrô phải giải thích, cũng không đòi phải xin lỗi, cũng không nói… không sao, không bào chữa cho Phêrô, cũng không nói mình yêu thương Thánh Phêrô. Thay vào đó, ngài hỏi: “Con có yêu Thầy không?” và tất cả mọi sự tiến đến đàng trước từ đó.
Mọi sự tiến đến đàng trước từ đó. Mọi thứ đều có thể tiến lên sau lời thú nhận yêu thương, nhất là lời thú nhận yêu thương sau khi phản bội. Lời xin lỗi là cần thiết (vì đó là nhận lỗi lầm và điểm yếu để vực tâm hồn của người bị phản bội lên, nhưng lời xin lỗi không hữu ích. Nếu hành động đó không phải là phản bội, thì không cần bào chữa; nếu là phản bội thì không lời xin lỗi nào có thể tha thứ được. Một lời xin lỗi hay một cố gắng xin lỗi để nhắm đến hai mục đích đều không có cái nào tốt. Đầu tiên, nó dùng để hợp lý hóa và biện minh, không cái nào hữu ích cho kẻ phản bội hay người bị phản bội. Điều thứ hai, nó làm suy yếu lời xin lỗi và làm cho lời xin lỗi trở nên không tinh sạch và trọn vẹn, do đó không thể xóa bỏ hoàn toàn sự phản bội khỏi tâm hồn người đã bị phản bội; và vì thế, đây không phải là lời nói thể hiện tình yêu cũng hữu ích như sự công nhận rõ ràng, trung thực về sự phản bội của chúng ta và một lời xin lỗi không cố gắng bào chữa cho sự yếu đuối và phản bội của mình.
Điều mà tình yêu đòi hỏi khi chúng ta yếu đuối là chân thành thừa nhận, không bào chữa lý luận về sự yếu đuối của mình, đồng thời thốt lên lời nói từ trái tim: “Tôi yêu bạn!” Mọi sự có thể tiến lên từ đó. Quá khứ và sự phản bội của chúng ta không được xóa bỏ, cũng không được bào chữa; nhưng, trong tình yêu, chúng ta có thể sống vượt lên chúng. Xoá bỏ, bào chữa hoặc hợp lý hoá là không sống trong sự thật; thật không công bằng cho người bị phản bội vì người đó phải gánh các vết sẹo và hậu quả.
Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta vượt lên yếu đuối và phản bội và đó là nguyên tắc quan trọng không chỉ đối với các trường hợp trong cuộc sống khi chúng ta phản bội và làm tổn thương người thân yêu, mà còn với sự thông hiểu của chúng ta về cuộc sống nói chung. Chúng ta là con người, chúng ta không phải là thần thánh, và do bẩm sinh, vì thế cơ thể tâm trí chúng ta bị dày vò với các yếu đuối và bất cập thuộc đủ mọi loại. Như Thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Rôma, không bao giờ chúng ta đủ tốt. Điều tốt chúng ta muốn làm thì chúng ta không làm, điều xấu chúng ta không muốn làm thì chúng ta lại làm. Dĩ nhiên một số điều này có thể hiểu được, có thể bào chữa được, cũng như một số điều là không thể bào chữa, vì chúng ta là người và một phần điều này đã là một bí ẩn cho chính chúng ta. Dù sao đến tận cùng, không có lời biện minh hay lời bào chữa nào là cần thiết (hoặc hữu ích). Chúng ta không tiến về phía trước trong quan hệ với Chúa hoặc với người bị chúng ta làm tổn thương mà nói: “Bạn phải hiểu! Trong hoàn cảnh này, tôi làm gì khác được? Tôi không muốn làm bạn tổn thương, chỉ là tôi quá yếu đuối để chống lại!” Những câu này không hữu ích, cũng không cần thiết. Mọi thứ tiến lên khi chúng ta, không bào chữa, chúng ta chấp nhận sự yếu đuối và chúng ta xin lỗi vì đã phản bội. Giống như Thánh Phêrô, khi Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Con có yêu Thầy không?” từ trong trái tim, chúng ta phải nói: “Chúa đã biết tất cả, Chúa đã biết con yêu Chúa như thế nào.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2020/09/16/vuot-len-cac-sai-lam-va-diem-yeu/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn