Thưa Chúa, con đi…

Thứ bảy - 26/09/2020 06:35 |   751
Dụ ngôn được kể rằng: “Một người kia có hai con trai”. Một hôm, “ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (x.Mt 21, 28).


Chúa Nhật XXVI – TN – A


Thưa Chúa, con đi…

Như đạo Công Giáo có Mười Điều Răn, phong trào Hướng Đạo Sinh (Scout) có mười điều luật. Và, điều luật thứ nhất được dạy rằng: “Hướng Đạo Sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của Hướng Đạo Sinh”.

“Trọng danh dự” là sao đây? Thưa, đó là: lời nói phải đi đôi với việc làm. Còn “ai cũng có thể tin lời nói của…” thì sao nhỉ? Thưa, đó là: đã hứa thì phải thực hiện lời mình hứa.

Thực hiện lời mình hứa đó là nói lên “chữ tín” của mình. Giữ được chữ tín, có ai lại không tin mình nhỉ!

Buồn thay! Ngày nay, danh dự và chữ tín như thể là một món quà “xa xỉ”. Ngày nay, có vẻ như người ta “hứa cho nhiều rồi lại quên”. Ngày nay, khi nói tới lời hứa, không ít người “cười ruồi” và nói: “Quân tử nhất ngôn, quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại, quân tử khôn”.

Chẳng biết ai là kẻ dại, ai là kẻ khôn! Thế nhưng, theo lời dạy của Kinh Thánh, những kẻ “nói đi nói lại”… vâng, họ “chẳng khác nào có mây có gió mà chẳng có mưa” (x.Cn 25, 14).

Với Đức Giê-su, khi nói về loại người này, những loại người “hứa cho nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”, Ngài gọi những người ấy là những “kẻ giả hình”. Còn những người “hứa và làm” thì sao! Thưa, Đức Giê-su đã gọi họ là những người “đã thi hành ý muốn…”.

Trong bối cảnh các thượng tế và kỳ mục “bực bội” trước việc Đức Giê-su giảng dạy nơi Đền Thờ, và họ đã đặt vấn đề về “quyền bính”, quyền bính nào cho phép Ngài “làm các điều ấy”!

Hôm ấy, thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giê-su đã đưa ra một dụ ngôn, một dụ ngôn nói về sự vâng phục, sự vâng phục về một “lời hứa” để làm bảo chứng cho chữ tín của mình. Dụ ngôn đó mang tên “dụ ngôn hai người con”, và được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (x.21, 28-32)

**
Vâng, không như những dụ ngôn khác, khó hiểu và cần lời giải thích, dụ ngôn này ngắn và rất dễ hiểu. Dụ ngôn được kể rằng: “Một người kia có hai con trai”. Một hôm, “ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (x.Mt 21, 28).

Với người con này “Nó đáp: Con không muốn đâu!”. Rồi khi “Ông đến gặp đứa thứ hai và cũng bảo như vậy”. Nó đáp, rất trịnh trọng, rằng: “Thưa ngài. Con đây!”.

Nếu… nếu câu chuyện dừng tại đây, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng, người thứ hai này, sẽ đi làm vườn nho.

Thế nhưng, sự thật thì ngược lại. Người thứ nhất, không “hứa” nhưng sau đó, lại đi. Tại sao anh ta lại đi? Thưa, đó là, khi anh ta “nghĩ lại” lời nói của mình với người cha, anh ta “hối hận” (Mt 21, …29).

Thật cảm động khi anh ta hối tiếc về lời nói quá phũ phàng với người cha. Cuối cùng, anh ta vâng lời người cha “nên lại đi” làm vườn nho.

Còn người thứ hai thì sao! Thưa, trước hết, ta nên đặt cho anh ta một cái tên. Tên gì nhỉ? Tên là “Lèo”… anh hai hay anh ba lèo… được chăng!

Vâng, cứ tưởng rằng, với lời nói lịch thiệp và khả kính “Thưa Ngài”, anh-ba-lèo, một cách nào đó, nói lên lời thưa vâng của mình. Và, khi anh-ba-lèo nói: “con đây”, có ai lại không nghĩ rằng, một trăm phần trăm anh ta sẽ tuân lệnh cha mình! 

Than ôi! Sự thật là, người thứ hai, đúng như lời Lão Tử nói: “Ai mà vâng liều, hứa liều, tất nhiên ít khi giữ được đúng”. Hôm ấy, người thứ hai đã hứa liều, cuối cùng, anh ta “không đi”…

***
Dụ ngôn được dừng ở đây. Và, Đức Giê-su đã đưa ra một câu hỏi, hỏi rằng: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Vâng, hôm ấy, không đợi tới ba mươi giây, họ đáp: “Người thứ nhất”. Với câu trả lời như thế, cứ tưởng rằng Đức Giê-su sẽ nói một vài câu khen ngợi, khen ngợi về sự nhận định đúng của những người được Ngài hỏi.

Trái lại, ngay lập tức, Đức Giê-su đã cất lên những lời cảnh báo, cảnh báo rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

Ơ hay! Sao Đức Giê-su lại nặng lời với “quý ông” ấy như thế! Thưa, vì quý ông ở đây chính là những “ông kẹ” thượng tế và kỳ mục, là những kẻ trước đó đã vây quanh Đức Giê-su và bắt bẻ Ngài đủ điều, rằng thì-là-mà: “Ai đã cho ông quyền ấy!”

Vâng, quý ông thượng tế và kinh sư không tin và còn tỏ ra khó chịu khi phải chứng kiến “quyền chữa lành, quyền tha tội” của Đức Giê-su. Quý ông thượng tế và kinh sư còn một khó chịu khác, đó là Ngài nói quý ông ấy là những kẻ “nói mà không làm”.

Còn những người thu thuế và những cô gái điếm! Tại sao Đức Giê-su lại nói họ “vào Nước Thiên Chúa trước”! Thưa, vì những vị này “lại tin”, tin Ngài chính là “Đường - Đường Công Chính”.

Thì đây, tông đồ Mát-thêu, như là điển hình. Ông ta đang là “cán bộ thu thuế”, một công việc béo bở đến thế, nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi “hãy theo tôi”, ông nhận ra ngay đây chính là một lời mời gọi, mời gọi đi vào “con đường công chính”, thế là, ông bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.

Và làm sao quên được ông Dakêu! Ông ta, đang là một tay “cán gộc” trong ngành thuế vụ. Một công việc hái ra tiền. Ấy thế mà, khi nhận ra “con đường công chính”, một con đường dẫn đến “Vườn Nho của sự Công Bình”, ông ta sẵn sàng lên đường. Hành trang của ông ta, đó là: đem “phân nửa tài sản… cho người nghèo, và sẽ đền gấp bốn” cho những ai đã bị ông ta chiếm đoạt tài sản.

Họ đã “hối hận” như người thứ nhất trong dụ ngôn đã hối hận. Có thể nói rằng, họ đã vâng nghe lời mời gọi “hãy đi làm vườn nho”. Vâng, họ hứa là làm.

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu đã gọi họ là những người đã “tin” vào con đường “công chính”.

Trở lại những ông biệt phái và kinh sư, những thượng tế và kỳ mục. Họ tự hào là những nhà lãnh đạo tôn giáo, họ chính là “dân riêng”, là đội quân ưu tú của Đức Chúa Trời, thừa sự nhiệt thành và sự tận hiến. Họ “không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như (những) tên thu thuế…”. 

Thế nhưng! Khi Gioan Tẩy giả nói rằng: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết… Ngài chính là Chiên Thiên Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 26…29). Quý ông thượng tế và kinh sư đã nghe và hiểu, nhưng “vẫn không chịu hối hận và tin” (Mt 21, …32).

Đó là lý do Đức Giê-su đã có sự phân định rõ ràng giữa quý vị này và những ông thu thuế cùng các cô gái điếm. Và, đó là lý do Đức Giê-su nói, ai sẽ là “người vào Nước Thiên Chúa trước”.

Một điều chúng ta cần biết, khi Đức Giêsu nói, “người vào Nước Thiên Chúa trước”, thì đừng nghĩ rằng sẽ có “người vào Nước Thiên Chúa sau”!

Đừng có mơ! Theo ngôn ngữ sêmit chữ “trước” không được hiểu theo nghĩa “trước – sau”. Nó được hiểu theo nghĩa “được – mất”.

Hiểu như thế, mới thấy sự nguy hiểm của việc “nói mà không làm”. Thế nên, một khi chúng ta “Hứa” thì lời hứa đó phải đi đôi với việc làm. Bởi đó là lời Thiên Chúa đã truyền dạy: “lời con phải trước sau như một” (Hc 5, …10).

****
Hứa phải làm. “Lời con phải trước sau như một”. Vâng, Đức Giê-su chính là mẫu mực, để chúng ta noi theo, về những lời Ngài nói.

Tại buổi gặp gỡ với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã nói, rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Và đây, tại… tại Golgotha, Ngài đã thực hiện đúng “lời hứa” đó. 

Suy tư về điều này, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Thi hành mệnh lệnh của Chúa Cha ‘sai Ngài đi làm vườn nho thế gian, hầu cứu độ nhân loại’, Đức Giê-su đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (x.Pl 2, 8). 

Và, hôm nay là đến chúng ta. Như người cha trong dụ ngôn đến nói với hai người con của ông rằng: “Này con, con hãy đi làm vườn nho”, hôm nay, Đức Giê-su cũng đã và đang nói với mỗi chúng ta như vậy.  

Vườn nho hôm nay, mà chúng ta bước vào làm, không phải là một vườn nho chằng chịt với những dây nho, những chùm nho với một vài con bươm bướm lượn lờ. Công việc làm vườn nho của chúng ta hôm nay, không phải là cắt tỉa một vài cái lá sâu, chặt đi một vài cành khô héo.

Vườn nho của chúng ta hôm nay, có thể là một… một người em, với căn bệnh ung thư, với căn bệnh xơ cứng thực quản… đang chờ chết. Và, công việc của chúng ta, đó là: cắt tỉa những âu lo, bằng những lời an ủi. Đó là chặt đi một ít khó khăn về vật chất, bằng khả năng tối thiểu mình có. Cuối cùng, và đó cũng là công việc quan trọng nhất, đó là: cầu nguyện.  

Vườn nho của chúng ta hôm nay, có thể là một… một người chồng “…Nó chẳng ra gì. Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang”, hoặc một người chồng sáng say, chiều xỉn, tối lăn quay, v.v…

Nếu chẳng may gặp phải “vườn nho” này, thì sao nhỉ! Phải chăng là chúng ta sẽ chặt phăng nó bằng một tờ đơn-xin-ly-hôn?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta đã chấp nhận là một người thợ làm vườn nho của Chúa, không gì tốt hơn là hãy cắt tỉa cành nho này bằng sự nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa. Và, đừng quên cầu nguyện. 

Công việc “cắt tỉa” này khó lắm đấy! Nhưng, có người đã làm được. Vâng, đó là thánh nữ Monica. Sao chúng ta không làm được, nhỉ!

Còn rất nhiều loại “vườn nho”, tùy theo việc Chúa gửi chúng ta đến loại vườn nho nào.

Cuối cùng, có một điều chúng ta cần biết, đó là: không có vườn nho nào mà không có “sương mù và giá lạnh” cả.

Biết được điều này để… để khi chúng ta bước vào một vườn nho nào đó, thì hãy chuẩn bị cho mình một lời cầu nguyện, nguyện rằng: “Hỡi sương mù và giá lạnh hãy chúc tụng Thiên Chúa” (lời: Louis Evely).

Đối diện với “sương mù và giá lạnh” mà chúng ta vẫn cất tiếng chúc tụng Người, thì… có điều gì để chúng ta từ chối, khi Người gọi chúng ta và nói: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”.

Vâng, đừng từ chối… và đừng nói: Thưa ngài, con đây! Mà, hãy lớn tiếng nói: “Thưa Chúa, con đi”

 
Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây