2 Thiếu Nữ Sion,

Thứ hai - 01/11/2021 10:58 |   526
 Nhân tháng Mân Côi, đọc khảo luận duy nhất về Đức Mẹ, Thiếu Nữ Sion, của Ratzinger
2 Thiếu Nữ Sion,

 

 

 
519eWjQV3rL SX311 BO1,204,203,200
519eWjQV3rL SX311 BO1,204,203,200

 

 Nhân tháng Mân Côi, đọc khảo luận duy nhất về Đức Mẹ, Thiếu Nữ Sion, của Ratzinger

Vũ Văn An
 

Thiếu Nữ Sion


Các Suy tư liên quan đến Niềm tin
vào Đức Mẹ của Giáo Hội


Hồng Y Joseph Ratzinger

Bản tiếng Anh của John M. McDermott, S.J.
Tựa đề nguyên bản tiếng Đức: Die Tochter Zion © 1977 Johannes Verlag, Einsiedeln
Với sự chấp thuận của giáo quyền © 1983 Ignatius Press, San Francisco


 

Chương II: Niềm tin Đức Mẹ của Giáo hội





Cho đến nay chúng ta mới chỉ trực tiếp bàn tới các tuyên bố của Cựu Ước, nhưng theo cách chúng ta đọc chúng "từ sau đọc ngược lại", tức theo quan điểm của Tân Ước; chúng ta đã coi Cựu ước như hiện diện trong Tân Ước. Chúng ta cố ý làm như thế. Toàn bộ Tân ước bắt nguồn từ Cựu ước và chỉ muốn đơn giản đọc lại Cựu ước dưới ánh sáng của những gì đã xảy ra với và qua Chúa Giêsu thành Nadarét. Tuy nhiên, về một khía cạnh nào đó, Thánh Mẫu Học đã kết hợp Cựu và Tân Ước. Ta không thể tìm được Thánh Mẫu Học ngoài sự kết hợp của nó với nền thần học tiên tri vốn nói về dân kết hôn của Thiên Chúa. Ngay từ đầu, trong Tin mừng Luca và Tin mừng Gioan, các tác giả về Đức Maria của Tân Ước, Thánh Mẫu Học hoàn toàn dựa trên đức tin của Cựu Ước. Nếu Chúa Kitô mang đến sự phân biệt và gián đoạn rõ nét với Cựu ước, trong tính mới mẻ của lời Người, trong cuộc sống của Người, trong cuộc khổ nạn, trong thập giá và sự phục sinh của Người, thì Đức Maria, qua sự im lặng và đức tin của ngài, đã nhập thể tính liên tục nơi người nghèo của Israel, nơi những người được mối phúc ngỏ lời: Phúc cho ai nghèo khó "trong tinh thần". Trong yếu tính, các mối phúc chỉ trình bầy các biến thể của tâm điểm tinh thần Kinh Magnificat [Ngợi Khen]: Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Tâm điểm Kinh Magnificat đồng thời cũng là tâm điểm nền thần học Kinh thánh về dân Chúa. Cái nhìn sâu sắc này làm sáng tỏ những cấu trúc khác biệt của các tín điều Thánh Mẫu. Vì nếu đúng như vậy, chúng không thể được diễn dịch từ các bản văn riêng rẽ của Tân Ước; thay vào đó, chúng nói lên quan điểm rộng lớn bao trùm tính thống nhất của cả hai Giao ước. Chúng chỉ có thể trở nên hiển thị đối với lối tri nhận biết chấp nhận tính thống nhất này, nghĩa là trong một viễn cảnh thấu hiểu và biến nó thành của mình lối giải thích "loại hình" (typological), những vang vọng tương ứng của lịch sử duy nhất của Thiên Chúa trong tính đa dạng của các lịch sử khác nhau ở bên ngoài.

Những hiểu biết sâu sắc về phương pháp này rõi sáng lên các lý do nghi ngờ Thánh Mẫu học từng nảy sinh trong thời hiện đại, một là gây ra cuộc nổi loạn chống lại Thánh Mẫu học hai là đẩy nó vào một chủ nghĩa lãng mạn nguy hiểm. Bất cứ nơi nào tính thống nhất của Cựu ước và Tân ước bị tan loãng, thì vị thế của nền Thánh Mẫu học lành mạnh sẽ mất đi. Tương tự như vậy, tính thống nhất này của các Giao ước bảo đảm tính toàn vẹn của các tín lý về tạo thế và ân sủng. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, việc mất khoa chú giải loại hình [typological exegis] (nhìn thấy sự gắn bó của một lịch sử trong nhiều lịch sử) thực sự đã dẫn đến việc tách biệt các giao ước, và khi cô lập tín lý về ân sủng, nó đồng thời ngày càng đe dọa tín lý về sáng thế. Về khía cạnh này, người ta nhận ra Thánh Mẫu Học đã đóng vai trò định vị chính xác cho các âm sắc Kitô học ra sao.

Điều này không có nghĩa là các bản văn Tân ước mất đi tầm quan trọng của chúng. Chúng ta chỉ muốn chỉ ra viễn ảnh trong đó các bản văn này có thể khai triển hết ý nghĩa của chúng. Vì ở đây chúng ta không quan tâm đến việc khai triển một Thánh Mẫu Học có tính khoa học đầy đủ mà chỉ giải thích một cách có suy tư về bản chất lòng sùng kính Đức Mẹ của Giáo Hội, nên chúng ta có thể theo một con đường ngắn hơn để đạt được mục tiêu của mình: đây không phải là một Thánh Mẫu học được xây dựng từng mảnh từ các thành tố Tân Ước của nó; thay vào đó, tôi xin đề nghị ngay ba tín điều vĩ đại về Đức Maria: nền tảng Kinh thánh của chúng sẽ xuất hiện gần như một cách tự phát đối với tinh thần biết suy nghĩ. Như thế, đâu là các khẳng định này?

1. Tín điều lâu đời nhất, căn bản, về Đức Mẹ của Giáo hội tin rằng Đức Maria là Trinh nữ (αει παρθε'νος: Symbola, DS 10-30; 42/64; 72; 150) và là Mẹ; thực vậy, ngài có thể được gọi là "Mẹ Thiên Chúa" (Θεοτόκος: DS 251, Công đồng Êphêsô). Cả hai tước hiệu có liên hệ mật thiết với nhau: khi ngài được gọi là Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu này chủ yếu diễn tả tính thống nhất giữa thần tính và nhân tính của Chúa Kitô, mật thiết đến nỗi, vì những biến cố thể xác như sự hạ sinh, người ta vẫn không thể xây dựng một Chúa Kitô đơn thuần là con người, tách rời hoàn toàn khỏi ngôi vị của Người. Đó là lập luận của phái Nestôriô, những người chỉ chấp nhận tước hiệu "Mẹ Chúa Kitô" (Χριστοτόκος) thay vì tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa". Tuy nhiên, một sự phân chia ngôi vị Chúa Kitô như thế, tách biệt một cách vô trùng (aseptically) giữa hiện hữu sinh học nhân bản và hiện hữu thần linh, đã che giấu nhiều ẩn ý nhân học và thần học có hệ luận rất lớn: đằng sau công thức "Mẹ Thiên Chúa" là niềm xác tín rằng tính thống nhất của Chúa Kitô sâu xa đến mức không nơi nào có thể chắt lọc ra một Chúa Kitô chỉ là xác thân, bởi vì nơi con người, xác thân vẫn là xác thân-nhân bản, như khoa sinh học hiện đại đã xác nhận. Hơn nữa, trong con người này, thể nhân bản là nhân bản một cách độc đáo, nghĩa là nhân tính của Thiên Chúa-làm người. Thể Thần linh kết hợp thực sự và đích thực với con người đến nỗi không có ngưỡng nhân bản nào cản trở được nó, nhưng nó vào sâu trong chính hữu thể nhân bản này trong tính toàn diện của Người; do đó nó cũng vào sâu trong cơ thể của Người. Như thế, việc sinh hạ không bị giản lược thành một hành vi thân xác (somatic), như thường thấy trong triết lý 'giải phóng' của chúng ta; cuối cùng triết học này thù nghịch sâu xa với cả thể xác lẫn sáng thế vì nó coi thành tố tình dục của con người như một chi tiết nhỏ và gây khó chịu không liên quan gì đến con người đúng nghĩa. Tuy nhiên, nếu tính thống nhất của con người cần được hiểu theo đức tin của các công đồng, thì chức phận làm mẹ của Đức Maria liên quan mật thiết nhất với mầu nhiệm Nhập thể đúng nghĩa và vươn tới tận trung tâm của mầu nhiệm. Do đó, lời khẳng định Kitô học về việc Nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Kitô nhất thiết phải trở thành lời khẳng định về Đức Maria, như trên thực tế đã có từ thuở ban đầu. Ngược lại: chỉ khi nào nó đề cập đến Đức Maria và trở thành Thánh Mẫu học thì Kitô học mới triệt để như đức tin của Giáo hội đòi hỏi. Sự xuất hiện của một ý thức thực sự về Đức Mẹ đóng vai trò như tiêu chuẩn cho thấy liệu bản thể Kitô học có hiện diện đầy đủ hay không. Phái Nestôriô liên hệ đến việc chế tạo ra một Kitô học không có việc giáng sinh và Người Mẹ, một Kitô học không có hệ quả Thánh Mẫu học. Chính cuộc mổ xẻ này, một cuộc mổ xẻ dùng phẫu thuật cắt bỏ Thiên Chúa khỏi con người đến nỗi giáng sinh và chức phận làm mẹ - tất cả có tính thể xác - tuy vẫn còn đó nhưng trong một lĩnh vực khác, điều này cho ý thức Kitô giáo thấy rõ ràng rằng cuộc thảo luận không còn liên quan gì đến Nhập thể (trở thành xác thịt) nữa, trung tâm mầu nhiệm Chúa Kitô gặp nguy hiểm, nếu không muốn nói là bị phá hoại. Do đó, trong Thánh Mẫu học, Kitô học đã được bảo vệ. Thay vì hạ giá Kitô học, nó biểu thị sự chiến thắng toàn diện của việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô nay đã đạt được tính chân chính.

Sau chứng tá của Mátthêu và Luca, Giáo hội của đức tin đã thấy rằng đặc tính chuyên biệt làm mẹ, vốn liên quan đến toàn thể con người vì lợi ích của đấng sẽ hạ sinh, đã được thể hiện trong tính hợp nhất giữa Mẹ và Trinh nữ, chứng thực hình ảnh lâu đời của Cựu Ước về người đàn bà có phúc và không có phúc, sinh hoa trái và cằn cỗi. Trước đây, không kết hôn và hiếm muộn là lời nguyền rủa cho những người bị bỏ rơi, không có tương lai và do đó, không có hiện tại đích thực. Giờ đây, trong tư cách đồng trinh, trạng thái này mãi mãi có thể đại diện hợp lệ cho mầu nhiệm bỏ mình và sinh hoa trái và, cùng với hôn nhân mà nó có liên hệ với, nói lên đặc tính đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng, trong sáng thế và cứu thế, luôn tìm kiếm và ban phước cho con người.

2. Từ cùng cội nguồn thần học về dân Thiên Chúa và sự hoàn thành của nó trong chức phận làm mẹ của Đức Maria, mà từ từ có sự phát triển niềm xác tín về việc Đức Maria vô tội như nói lên việc ngài được tuyển chọn cách đặc biệt: Immaculata conceptio (Vô nhiễm Nguyên tội từ lúc tượng thai] (DS 2800-2804).

3. Việc tuyên xưng Đức Maria không vướng tội lỗi, ngược lại, đã khơi dậy niềm xác tín rằng ngài tham dự vào vận mệnh của Con ngài, tức việc phục sinh, và vào cuộc chiến thắng sự chết của Người (DS 3900-3904).

1. Tín điều Thánh Mẫu đệ nhất đẳng: là Trinh nữ và là Mẹ

a. Các bản văn Tân ước

Việc thanh lọc Kitô giáo, việc tìm kiếm yếu tính nguyên thủy của nó, vẫn đang tiếp diễn ngày nay, trong thời đại ý thức lịch sử lên cao, hầu như hoàn toàn bằng cách tìm kiếm các hình thức cổ xưa nhất của nó và thiết lập chúng thành quy phạm. Tính nguyên thủy [original] thường bị lầm với tính nguyên sơ [primitive]. Ngược lại, trong những khởi đầu này, đức tin của Giáo hội nhìn thấy một điều gì đó sống động, một điều chỉ phù hợp với kết cấu của nó bao lâu kết cấu này phát triển.

Con đường nào đã dẫn đến việc tuyên xưng Đức Maria là mẹ đồng trinh? Cả ở đây, chúng ta cũng sẽ không theo đuổi một phân tích khoa học đúng nghĩa. Chúng ta chỉ muốn có được một cái nhìn tổng quát về các giai đoạn chính trong việc phát triển của truyền thống có liên quan. Trong các trước tác của Thánh Phaolô, vấn đề giáng sinh của Chúa Giêsu chưa đóng vai trò thần học nào; đức tin của ngài phát triển hoàn toàn từ việc tuyên xưng thập giá và phục sinh. Chỉ có một đoạn chắc chắn chúng ta có thể coi như một khúc dạo đầu xa xôi dẫn tới những khẳng định mà sau này sẽ được truyền lại một cách rõ ràng trong các trình thuật thời thơ ấu của Tin mừng Mátthêu và Luca. Khi trong Thư Galát 4: 4, Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu rằng Người “được sinh ra bởi người nữ”, ngài chỉ quan tâm đến việc chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã tham dự vào những điều hoàn toàn bình thường của một con người, Người đã hoàn toàn đi vào thân phận con người. Đối với Thánh Phaolô, điều này trong căn bản có nghĩa là Chúa Giêsu đã tùng phục sức nặng của Lề luật, của một tôn giáo đã trở thành lề luật và do đó đã tạo ra nhiều lo lắng và chia rẽ hơn là hy vọng và thống nhất. Với chúng ta, Người mang lấy gánh nặng và sự bình thường của chúng ta. Trong bản văn này ta sẽ không tìm thấy điều gì khác thế. Tất nhiên, khi toàn bộ bối cảnh được xem xét và ý nghĩ về nó, có thể nói như thế, được ngoại suy hướng tới sự phát triển trong tương lai, thì, một cách khiêm tốn, người ta có thể nắm được những nhịp điệu mờ nhạt của nền thần học tương lai về mầu nhiệm Giáng sinh. Vì trong toàn bộ bối cảnh của đoạn văn này, Thánh Phaolô thiết lập mối liên hệ giữa sự hiện hữu Kitô giáo và hai con người trai của Ápraham, là Ysaác và Ismaen. Ngài khẳng định rằng người thừa kế lời hứa không những chỉ là người phát xuất từ dòng dõi Ápraham về phương diện xác thịt (Ishmael), mà là người được Chúa Thánh Thần, quyền năng sống động của lời hứa, làm chứng cho. Ngài lồng Kitô hữu, tức là người ở trong Chúa Giêsu, những người được sinh hạ thiêng liêng này, vào dòng dõi Ysaác, một cách nói lên việc hạ sinh mới từ Ápraham của những người tin vào Chúa Kitô (4: 21-31).

Đó không là gì khác hơn khúc dạo đầu; dòng suy nghĩ này chưa được khai triển. Việc này chỉ diễn ra lần đầu tiên trong các trước tác của Thánh Mátthêu và Thánh Luca, và theo hai cách. Trước tiên, chúng ta phải chú ý đến chức năng đặc biệt của các bảng gia phả mô tả tổ tiên của Chúa Giêsu đồng thời cố gắng giải thích bản chất của Người. Bản gia phả của Thánh Mátthêu trình bày Chúa Giêsu như con trai của Ápraham, nhưng nó chủ yếu mô tả Người như Đavít đích thực, hoàn thành dấu hiệu hy vọng mà Đavít từng trở thành cho dân tộc của ông. Bản gia phả của Thánh Luca tiến xa hơn; ngài lần giở gia phả Chúa Giêsu tới tận Ađam, “người phát xuất từ Thiên Chúa” (3:38). Ađam hoàn toàn và chỉ là "con người", hữu thể nhân bản. Gia phả kéo dài tới tận Ađam không những nhấn mạnh rằng niềm hy vọng hoàng gia của Israel được nên trọn trong Chúa Giêsu; nó còn trả lời câu hỏi về bản chất con người, mà trong quá trình lang thang và mò mẫm của nó, nó đang tìm kiếm chính nó. Chúa Giêsu là người cho mọi người, là người trong đó đích điểm thần linh của con người, nguồn gốc thần linh của họ, tìm thấy mục tiêu của nó. Trong Người, bản chất tan tác của con người được thống nhất và được bảo tồn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa mà từ Người nó vốn phát sinh và là Đấng nó tìm kiếm trong trạng thái tuyệt vọng.

Cả hai bản gia phả đều quan tâm đến bối cảnh lịch sử và nhân bản trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cả hai đều tin chắc rằng Chúa Giêsu có thể là hoa trái chín muồi của lịch sử chỉ bởi vì nơi Người một quyền năng mới đã đi vào thân cây khô héo của lịch sử —vì Người không những chỉ “đến từ bên dưới”. Người chắc chắn là trái của cây này, nhưng cây chỉ có thể sinh hoa trái vì nó được làm cho có khả năng sinh sôi nảy nở từ bên ngoài. Nguồn gốc của Chúa Giêsu từ bên dưới, nhưng đồng thời cũng từ bên trên — và điều này không có gì mâu thuẫn. Người hoàn toàn là người chính vì Người không chỉ có nguồn gốc ở trái đất này. Thánh Mátthêu chỉ ra điều này trong khuôn mẫu ngài trình bầy bản gia phả, nối thành viên này với thành viên khác qua cụm từ "ông sinh ra", chỉ bị ngưng ở câu cuối cùng: Giuse, chồng bà Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, được gọi là Đấng Kitô (1:16). Thánh Luca cũng trình bày cùng một điểm khi, tuy không gọi Chúa Giêsu là con trai của Giuse, nhưng đã gán cho Người vị thế hợp pháp như một người “được coi là con trai của Giuse” (3:23).

Gợi ý của mầu nhiệm được nhắc đến ở đây sẽ được khai triển chi tiết hơn qua các trình thuật thuở ấu thơ (Mt 1:18-25; Lc 1-2). Chúng ta không cần đi vào mọi chi tiết. Chúng ta sẽ chỉ đề cập ngắn gọn một vài đặc điểm của bản văn Luca rất quan trọng đối với toàn bộ sự hiểu biết về nhân vật Maria. Trước tiên, điều quan trọng cần lưu ý là bối cảnh mà Thánh Luca cố ý chọn vì sự tương phản của ngài với lịch sử trước đó về Thánh Gioan Tẩy giả. Việc loan báo sự ra đời của Thánh Gioan diễn ra trong đền thờ với một tư tế đang thi hành chức năng chính thức — theo sắp xếp được quy định chính thức của Lề luật, liên quan tới việc phụng tự, bối cảnh địa phương và các đại diện của nó. Việc truyền tin cho Đức Maria xảy ra với một phụ nữ, ở một thị trấn tầm thường nửa ngoại giáo ở Galilê, không được cả Josephus lẫn Talmud biết đến. Toàn bộ cảnh tượng này "không bình thường đối với các nhạy cảm của người Do Thái. Một con đường mới đã bắt đầu như thế, một con đường mà tâm điểm của nó không còn là đền thờ nữa, mà là sự đơn giản của Chúa Giêsu Kitô. Giờ đây, Người là đền thờ đích thực, là lều hội ngộ.

Lời chào Đức Maria (Lc 1: 28-32) được mô phỏng rất sát với Xôphônia 3: 14-17: Đức Maria là thiếu nữ Sion được nói đến ở đó, được hiệu triệu hãy “vui mừng”, được báo tin Chúa đang đến với nàng. Nỗi sợ hãi của nàng đã được đánh tan, vì Chúa đang ở giữa nàng để cứu nàng. Laurentin đã nhận xét rất hay về bản văn này: ".... Lời Thiên Chúa thường xuyên chứng tỏ là hạt cải... Người ta hiểu tại sao Đức Maria lại sợ hãi trước sứ điệp này (Lc 1: 29). Nỗi sợ hãi không phát xuất từ sự thiếu hiểu biết và cũng không phải từ sự lo lắng của một tâm hồn nhỏ nhoi mà một số người muốn hiểu. Nó phát xuất từ nỗi lo lắng đối với cuộc gặp gỡ đó với Thiên Chúa, đối với niềm vui vô bờ ấy vốn làm cho những tạo vật cứng cỏi nhất cũng phải rúng động. Trong lời nói của thiên thần, chủ đề quán xuyến (motif) căn bản trong bức chân dung của Thánh Luca về Đức Maria đã xuất hiện rõ ràng: ngài đích thân là Sion đích thực, mà hướng về đó là các niềm hy vọng khao khát xưa nay qua suốt mọi hoang tàn của lịch sử. Ngài là Israel đích thực, nơi Giao ước Cũ và Mới, Israel và Giáo hội, là một không thể phân chia. Ngài là "dân Thiên Chúa" sinh hoa kết trái nhờ quyền năng nhân hậu của Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúng ta phải chú ý đến những điều trong đó mầu nhiệm thụ thai và sinh hạ mới được cố ý quả quyết: Chúa Thánh Thần sẽ đến trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che phủ bà. Trong điều gọi là parallelismus membrorum (Tính song hành các chi), hai hình ảnh của mầu nhiệm khôn tả từ các dải truyền thống khác nhau đã được ghép lại với nhau ở đây. Hình ảnh thứ nhất ám chỉ lịch sử tạo dựng (St 1: 2) và do đó mô tả biến cố này như một công trình sáng tạo mới: Thiên Chúa, Đấng gọi hữu thể ra từ hư vô, với Thần khí của Người bay lơ lửng trên vực thẳm, Người trong tư cách “Thần khí tạo dựng” là cơ sở của mọi tạo vật — Thiên Chúa này biểu lộ sáng thế mới từ bên trong sáng thế cũ. Bằng cách này, đường khắc triệt để mà việc ra đời của Chúa Kitô vốn biểu thị đã được đánh dấu một cách nhấn mạnh nhất; tính mới mẻ của nó thuộc loại đặc biệt đến nỗi thâm nhập vào tận cơ sở của hiện hữu và chỉ có thể bắt nguồn từ quyền năng sáng tạo của chính Thiên Chúa. Hình ảnh thứ hai - "quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che phủ bà" - liên quan đến nền thần học phụng tự của Israel; nó đề cập đến đám mây che phủ đền thờ và do đó chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Maria xuất hiện như một chiếc lều thánh thiêng, nơi sự hiện diện giấu ẩn của Thiên Chúa trở nên hữu hiệu.

Trước khi quay sang phần đánh giá thần học để kết thúc, chúng ta còn phải trả lời hai câu hỏi. Câu đầu tiên liên quan đến nguồn gốc của truyền thống được Thánh Mátthêu và Thánh Luca khai triển. Khoa chú giải hiện đại cho thấy cả hai tác giả Tin Mừng đã tái hình thành chất liệu căn bản ra sao, dựa trên các hiểu biết và mục đích thần học sâu sắc của riêng các ngài; không thể xem nhẹ phần "văn học" có chung này của các tác giả Tin Mừng trong việc hình thành ra truyền thống. Tất nhiên, khoa chú giải cũng cho thấy rằng cả hai tác giả Tin Mừng đều sử dụng chất liệu của một truyền thống đã có sẵn, được hình thành trước đó bởi cộng đồng truyền đạt lại nó. Về Thánh Luca, Schürmann tin rằng ông có thể nhận diện ngài như dây liên kết trước đó trong chuỗi truyền thống của một cộng đồng Giuđêa giữa những năm 60 và 70 sau Công nguyên. Không thể nghi ngờ gì việc Thánh Luca muốn tham khảo Đức Maria (và do đó có lẽ cả các người trong liên hệ huyết thống rộng lớn hơn của Chúa Giêsu nữa) (2:19, 51). Do đó, việc tiếp nhận những đoạn văn này vào Tin Mừng là một biến cố đặc biệt trong lịch sử truyền thống: nó có nghĩa là một truyền thống trước đây vốn riêng tư, được duy trì trong một phạm vi giới hạn, sau đó được đưa vào việc công bố công khai của Giáo hội và nhận được tư thế một truyền thống công cộng của toàn thể Giáo hội. Đối với tôi, dường như đây là một tầm nhìn sâu sắc rất quan trọng đối với vấn đề thường được nêu ra về thời đại của những truyền thống này. Điều phân biệt truyền thống Phục sinh với truyền thống Giáng sinh không chỉ đơn giản là vấn đề thời đại; Thánh Luca truy nguyên câu chuyện về Chúa giáng sinh từ trí nhớ của Đức Maria và không có lý do gì để không tin ngài về cốt lõi của truyền thống, vốn đã được hình thành về mặt thần học, đặc biệt kể từ khi "anh em của Chúa", một nhóm khó có thể bỏ qua vì vị trí và ảnh hưởng của họ, xuất hiện với tư cách là cộng đồng truyền đạt. Do đó, liên quan đến cốt lõi truyền thống, sự khác biệt không hệ ở thời đại, nhưng hệ ở vị thế khác nhau mà mỗi truyền thống có được lần đầu tiên và vào thời điểm tương đối muộn mà tại đó, trong một giai đoạn đặc thù của việc phát triển nội bộ việc tuyên xưng của Kitô hữu, điều trở nên có ý nghĩa và cần thiết là tích hợp những truyền thống này vào lời tuyên xưng chung, công khai của Giáo Hội. Điều này không xảy ra cho đến khi địa cứ (locus) bên trong được chuẩn bị cho nó và khoảng cách thời gian, mà sự tôn kính đòi hỏi, được vượt qua.

Nhận xét thứ hai liên quan đến hiệu năng liên tục của lời khẳng định này trong khuôn khổ việc công bố của Tân Ước. Tương ứng với "khúc dạo đầu" của Thánh Phaolô là cách Thánh Gioan sử dụng chủ đề để biến đổi những gì có tính lịch sử và độc đáo thành những gì có tính tâm linh và phổ quát — do đó, không phải khúc dạo cuối [postlude], mà đúng hơn là tuyên bố nhằm mở ra những khả thể điều biến [modulation] mới. Trong phần mở đầu Tin Mừng của ngài, Thánh Gioan mô tả các Kitô hữu là những người "không sinh ra từ máu huyết cũng như ý muốn xác thịt hay của người đàn ông, nhưng từ Thiên Chúa" (1:13). Ở đây chủ đề quán xuyến của Thánh Phaolô được kết nối với truyền thống Mátthêu-Luca để tạo nên một thể thống nhất mới: trở thành một Kitô hữu có nghĩa là bước vào mầu nhiệm hạ sinh mới của Chúa Giêsu Kitô, bằng việc tái sinh của người ta để tham dự vào sự hạ sinh của Người. Đương nhiên, ngay ở điểm này, chúng ta cũng không thể tránh khỏi câu hỏi gây tranh cãi về cách tiếp cận của Tin Mừng thứ tư. Như trong bí tích học của ngài (rửa tội, thánh thể) và cánh chung (sự sống lại bây giờ và vào ngày tận thế), há Thánh Gioan không muốn vượt qua sự hiểu biết "Công Giáo thô thiển" bằng cách nâng nó lên lãnh vực tâm linh và hiện sinh đó sao? Há ngài đã không được 'gắn bó trở lại' với một quan điểm mà ngài thực sự muốn vượt qua hay sao? Trong giới hạn suy nghĩ của chúng ta, chúng ta không cần thảo luận thêm về vấn đề này. Tuy nhiên, vì tất cả các dữ kiện, một điều dường như rõ ràng đối với tôi: toàn bộ trọng lượng của giáo huấn tâm linh trong Tin Mừng thứ tư đặt cơ sở trên niềm tin rằng nó có nền tảng trong thực tại. "Hiện sinh" sẽ không nói gì hơn nếu không phải là sự giải thích về hư vô. Sự tái sinh của Kitô hữu sở dĩ khả hữu là vì nó thực sự đã xảy ra nơi Chúa Giêsu và do đó đã trở thành một khả thể cho tất cả chúng ta.

b. Ý nghĩa thần học

Những nhận xét trên đã đưa chúng ta vào vấn đề giải thích. Tại sao sự kiện đó đã được truyền tụng, nghĩa là, được chấp nhận vào truyền thống công cộng, cộng đồng của Giáo hội? Chỉ nhờ việc tìm kiếm cơ sở thần học cho bước này, chúng ta mới có thể thấy rõ tầm quan trọng vốn đã được và còn được gán cho sự kiện đồng trinh của Đức Maria khi làm mẹ. Đâu là vấn đề ở đây? Hai điểm chính xem ra là như sau:

1. Nó liên quan đến một tuyên bố về hành động của Thiên Chúa đối với con người, và do đó là một tuyên bố về chính con người. Sự thụ thai và sự ra đời của Chúa Giêsu biểu thị một sự tham gia mới vào lịch sử vượt quá tính độc đáo vốn thuộc về mỗi con người. Tại thời điểm này, chính Thiên Chúa bắt đầu lại. Những gì bắt đầu ở đây có phẩm chất của một sự sáng tạo mới, do sự can thiệp hoàn toàn chuyên biệt của chính Thiên Chúa. Đây mới là "Ađam" đích thực, người, một lần nữa, và theo một nghĩa sâu xa hơn trước, phát xuất "từ Thiên Chúa" (x. Lc 3:38). Việc sinh hạ như vậy chỉ có thể xảy ra với người phụ nữ 'hiếm muộn'. Điều đã được hứa trong Isaia 54: 1 đối với Luca đã trở thành một thực tại cụ thể trong mầu nhiệm Đức Maria. Israel, bất lực, bị loài người khước từ, cằn cỗi, đã sinh hoa kết trái. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã khởi diễn một sự khởi đầu mới ở giữa một nhân loại cằn cỗi và vô vọng. Sự khởi đầu này không phải là kết quả của lịch sử nhân loại, mà là một hồng phúc từ trên cao. Một cuộc Nhập thể mới bắt đầu với Chúa Giêsu. Phân biệt ngược với tất cả những người được chọn trước Người, Người không những nhận được Chúa Thánh Thần, mà, khi sống trên trần gian, nhờ Chúa Thánh Thần, Người còn là sự ứng nghiệm của mọi tiên tri: Tiên tri đích thực. Qua cách này, Đức Maria, người hiếm muộn, người được chúc phúc, trở thành dấu chỉ của ân sủng, dấu chỉ của điều thực sự sinh hoa kết quả và cứu độ: sự cởi mở sẵn sàng phục tùng thánh ý Thiên Chúa.

2. Tuy nhiên, nó cũng liên quan đến một tuyên ngôn Kitô học có tính đệ nhất, chân chính, mà H. Schürmann mô tả như sau:

Bởi vì đứa trẻ ngay từ nguồn gốc là một công trình của Thiên Chúa, nên nó sẽ hoàn toàn là 'thánh'. Chúa Thánh Thần sẽ không thấm nhiễm nó, giống như Gioan, 'từ trong lòng mẹ' (1:15), nhưng Thần khí Thiên Chúa sẽ phú ban cho nó một hiện hữu cụ thể trong một ân ban sự sống đầy sáng tạo, và, khi xác định hữu thể bên trong của nó, đã làm nó trở nên 'thánh'.

Sự tương phản với Gioan, người, giống như Giêrêmia, khi nhận được ơn gọi của mình trong lòng mẹ (1: 4), đã nhập thể con người của Thiên Chúa trong Cựu Ước, cho thấy rõ ý định của Luca: đây còn hơn là một tiên tri, đây là một "Chúa Con", bởi vì sự hiện hữu của Người là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

3. Hans Urs von Balthasar đã thăm dò mối liên hệ này bằng cách sử dụng luận lý của việc làm người và luận lý của sự Nhập thể, một diễn trình mà chúng ta đã gặp khi xem xét tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa". Nếu Chúa Con thực sự nhập thể, thì biến cố này thực sự đã đi vào "xác thịt" và ngược lại, vì con người là một và toàn bộ, nên "xác thịt" đi vào trung tâm bản vị của Logos. Bất chấp sự phân biệt không thể hủy tiêu về bản chất giữa Thiên Chúa và con người, Nhập thể có nghĩa là một sự hợp nhất cụ thể của sự sống. Trong hiện hữu như con người của Chúa Giêsu, sự hợp nhất này tự thể hiện một cách đến nỗi cả cuộc sống nhân bản của Người đi vào cuộc trao đổi hiếu thảo của Chúa Con với Chúa Cha, suy nghĩ và hiện hữu từ Chúa Cha và với Chúa Cha. Chúng ta hãy lắng nghe những lời của Hans Urs von Balthasar:

Liệu con người này, người ở trong một mối liên hệ độc đáo với "Cha trên trời", Đấng mà người này mắc nợ về mọi mặt, Đấng mà người này hoàn toàn phó thác, Đấng mà người này hoàn toàn trở về, liệu con người này có thể đồng thời mắc nợ sự hiện hữu của mình nơi một người cha khác hay không? Nói thẳng ra, có phải người này có đến hai người cha, điều về phương diện con người khiến người này mắc nợ hai người cha? Vì người này không sống trong điều gọi là "xã hội không cha" của chúng ta, trong đó điều răn thứ tư dường như đã biến mất gần như hoàn toàn và trong đó mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ không còn dựa trên mối liên hệ yêu thương quan tâm, tôn trọng, tôn kính thống nhất về phương diện nhân bản, nhưng bị giản lược vào một hành vi tình dục ngẫu nhiên khiến đứa trẻ không có nghĩa vụ thiết yếu nào đối với cha mẹ của mình.... Há mối liên hệ độc hữu của Chúa Giêsu với Cha trên trời của Người đã không xúc phạm tới người thợ mộc Giuse, nếu ông là cha mẹ ruột của Người hay sao? Và liệu Chúa Giêsu, Đấng vốn nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tuân giữ Mười Giới Răn (Mc 10:19), chính Người lại vi phạm điều răn rất quan yếu này đối với mọi nền văn hóa?

Việc sinh ra không có người cha trần gian có một sự nhất thiết nội tại đối với người duy nhất có thể nói với Thiên Chúa 'Cha ơi', người đã là Chúa Con từ sâu thẳm hữu thể của mình như một con người, Chúa Con của vị Cha này. Gia phả của Giuse, mà cả hai sách Tin Mừng đều trình bày, chỉ cho thấy vị thế hợp pháp của Chúa Giêsu trong xã hội thời Người, chỉ cho thấy Đavít và do đó, chỉ cho thấy phẩm giá thiên sai. Tuy nhiên, việc hạ sinh đồng trinh chỉ cho thấy tư cách Chúa Con, chỉ cho thấy Chúa Cha, và do đó, chỉ cho thấy điều, đối với Chúa Giêsu, có tính chủ yếu nhiều hơn vô cùng so với phẩm giá Mêxia, điều mà Người ít coi trọng — ít nhất như người đương thời của Người giải thích, trong khoa chú giải Cựu ước của họ. Việc hạ sinh đồng trinh là nguồn gốc nhất thiết của người vốn là Chúa Con và là người trong tư cách Chúa Con đầu tiên phú ban niềm hy vọng thiên sai với một ý nghĩa vĩnh viễn vượt quá Israel. Trong cuộc “hạ sinh mới” này (phụng vụ Rôma nói là nova nativitas), một cuộc hạ sinh, cùng một lúc, bao gồm việc từ bỏ khả năng sinh sản trần gian, tự sắp xếp bản thân và độc lập hoạch định lấy cuộc sống của mình, Đức Maria như Mẹ thực sự là “người mang Thiên Chúa”; ngài không phải chỉ là cơ quan cho một biến cố hữu hình ngẫu nhiên. Mang "Chúa Con" bao gồm việc tự chấp nhận hiếm muộn. Giờ đây, người ta đã rõ tại sao sự hiếm muộn lại là điều kiện của việc sinh hoa kết trái — mầu nhiệm của các bà mẹ thời Cựu Ước trở nên rõ ràng nơi Đức Maria. Nó nhận được ý nghĩa của nó trong đức đồng trinh của Kitô giáo bắt đầu từ Đức Maria.

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng sự kiện hạ sinh đồng trinh, tính lịch sử thực sự của nó, bị nhiều nhà thần học Công Giáo tranh cãi gay gắt và thậm chí bác bỏ. Người ta nói rằng chỉ có ý nghĩa tinh thần, chứ không phải sự kiện sinh học, mới có tầm quan trọng đối với thần học, và yếu tố sinh học chỉ được coi như một phương tiện có tính biểu tượng để diễn tả. Nhưng bất chấp lối suy nghĩ này có hợp lý đến đâu đi nữa, nó vẫn chỉ dẫn đến ngõ cụt. Xem xét kỹ lưỡng hơn đấy chỉ là một ảo tưởng. Cuộc ly hôn nghĩa hiệp giữa "sinh học" và thần học đã loại bỏ chính con người ra khỏi việc xem xét; nó trở thành một việc tự mâu thuẫn bao lâu điểm khởi đầu, cốt yếu của toàn bộ vấn đề hệ chính ở chỗ khẳng định rằng trong tất cả những điều liên quan đến con người, yếu tố sinh học cũng là nhân bản và đặc biệt trong những điều liên quan đến thể nhân thần [divine-human] thì không có gì "chỉ là sinh học". Loại bỏ yếu tố thể xác, hoặc tính dục, để chỉ còn sinh học thuần túy, thì tất cả những điều nói về "chỉ là sinh học", do đó, sẽ là phản đề của chính những gì đức tin muốn nói. Vì đức tin cho chúng ta biết về tính thiêng liêng của thể sinh học cũng như tính thể xác của thể thiêng liêng và thần linh. Về điểm này, việc lựa chọn là giữa tất cả hoặc hư không. Mưu toan duy trì phần thiêng liêng còn lại, chắt lọc sau khi yếu tố sinh học đã bị loại bỏ đã phủ nhận chính thực tại thiêng liêng vốn là mối quan tâm chính của đức tin vào Thiên Chúa trở thành xác phàm.

Các khó khăn thực sự bắt nguồn từ đâu? Tôi cho rằng phải phân biệt hai bình diện. Bình diện đầu tiên là bình diện của các vấn đề hiển nhiên xuất hiện ở giai đoạn trung tâm, bao gồm các vấn đề chắc chắn nghiêm trọng về bằng chứng lịch sử; tuy nhiên nó chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Thông thường chỉ những vấn đề này được đề cập; kết quả là cuộc tranh luận vẫn là một trận chiến trong bóng tối, bởi vì các lý do thực sự - ở bình diện thứ hai – chưa đóng vai trò nào cả. Do đó, chúng ta phải cố gắng khám phá ra chúng.

Dù sao, chúng ta hãy bắt đầu xem xét các phản chứng thông thường — tức các lý do quan trọng thứ yếu, như tôi thích gọi chúng hơn. Chúng ta đã gặp một trong những phản chứng này trong diễn trình xem xét các bản văn Tân Ước: chúng ta được thông báo rằng chúng ta đang bàn tới một truyền thống tương đối muộn. Tuy nhiên, về mặt nhận thức luận, điều này góp phần nhỏ vào cuộc thảo luận, vì thời cổ xưa đúng nghĩa không cung cấp một tiêu chuẩn chân lý nào. Người ta có thể phản đối cho rằng, bất kể điều này đúng ra sao liên quan đến sự phát triển trí thức các hiểu biết sâu sắc, trong tuyên bố về các biến cố, việc gần gũi về thời gian với biến cố được tường trình là một tiêu chuẩn có tính quyết định. Để trả lời, cần phải nhấn mạnh một sự phân biệt trong việc phân tích cụm từ "tương đối muộn". Hình thức văn chương có thể tương đối muộn, nhưng truyền thống được trình bầy dưới hình thức đó vốn đã hiện hữu dưới một hình thức khác; không một phê bình lịch sử nào có thể loại bỏ khả thể này là cái nhân đơn giản của bản tường trình có tính cổ xưa hơn một cách đáng kể. Hơn nữa, sự nhất trí liên quan đến cái nhân của bản tường trình từ hai truyền thống độc lập lẫn nhau từng cho thấy nhiều khác biệt hình thức đáng kể về chi tiết là một tiêu chuẩn có một ý nghĩa nào đó — và đây là điều chúng ta có thể xác quyết nhờ cuộc nghiên cứu các nguồn Mátthêu và Luca. Ngoài ra, âm sắc cao của Do Thái-Kitô giáo trong toàn bộ tường trình có sức nặng rất lớn, và chắc chắn nó chỉ cho thấy nhiều vòng tròn rất có thể là các nguồn phát sinh ra các tuyên bố như vậy. Cuối cùng, chúng ta đã kết luận rằng có những lý do rất tốt để ủng hộ việc tiếp nhận sau này vào truyền thống công cộng những gì đã được truyền đạt một cách tư riêng. Điều "muộn" là việc tiếp nhận của công chúng, chứ không phải là cái nhân của chính truyền thống.

Nhóm thứ hai gồm các phản chứng rõ ràng hơn đề cập đến việc bị cho là rút tỉa ý niệm mẹ đồng trinh từ các ý niệm song hành trong lịch sử nhiều tôn giáo. Kể từ Martin Dibelius, việc đề cập đến Philo thành Alexandria (khoảng 13 TCN-45/50 SCN) đã được nhiều người ủng hộ; trên cơ sở chú giải của Philo về chức phận làm mẹ của những người phụ nữ vĩ đại trong Cựu ước (Sara, Lêa, Rêbecca, Zippora) Dibelius muốn cho thấy ý niệm Thiên Chúa như tác nhân độc hữu trong một số trường hợp hạ sinh là một tiêu đề thần học [theologoumenon] trong Do Thái giáo theo văn hóa Hy Lạp, một tiêu đề mà sau này các Kitô hữu đã áp dụng vào việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Tiếp nối gợi ý ban đầu của Dibelius, G. Guthknecht đã cố gắng chứng minh rằng đó không phải là một khái niệm đích thực của văn hóa Hy Lạp, mà là "một tiêu đề thần học Ai Cập cổ xưa". Đáp lại, E. Nellessen đã chứng minh một cách chính xác không thể chối cãi rằng lối Dibelius giải thích các bản văn của Philo dựa trên một nền bác học cẩu thả đáng kinh ngạc. Bất cứ ai tự đọc bản văn mà trước đó không phụ thuộc vào thẩm quyền của một học giả vĩ đại nào có thể khám phá ra điều này là những gì Philo đưa ra chỉ là một cách giải thích mang tính phúng dụ và luân lý về các tổ phụ, chứ không phải là một "tiêu đề thần học của văn hóa Hy Lạp" về việc hạ sinh người phàm mà vẫn còn đồng trinh [parthenogenesis] của Thiên Chúa. Điều có thể tiếp thu nhiều nhất từ Dibelius đối với quan tâm của chúng ta là các bản văn này được dùng để báo trước một cách hiểu tâm linh về đức đồng trinh, cũng như cách thức đặc biệt về tính sinh hoa trái và gần gũi với Thiên Chúa. Đến mức đó, ông chuẩn bị một bầu không khí thiêng liêng để thông điệp về mầu nhiệm Giáng sinh có thể được giải thích. Nhưng các bản văn này không phải là mô hình của chính biến cố lịch sử. Nỗ lực của Guthknecht muốn chuyển mọi điều về nguồn Ai Cập cũng thất bại; muốn biết chi tiết cá biệt, nên tham khảo công trình của Nellessen. G. Delling đã chứng minh một cách thuyết phục rằng mọi song hành khác của lịch sử tôn giáo, bất luận được tổng hợp cẩn thận bao nhiêu từ nhiều nguồn khác nhau, đều đã bỏ sót trọng điểm. Theo nghĩa thích đáng của hạn từ này, không hề có song hành nào từ lịch sử tôn giáo so với những câu chuyện Giáng sinh của Tân Ước. Chỉ có những chủ đề quán xuyến xa gần liên quan đến việc khẳng định của Kitô giáo mà thôi. Tôi thấy không có gì tiêu cực trong điều này: đây có thể là việc phát biểu về một nguyên mẫu tâm lý mà trong niềm khao khát lẫn lộn của nó, như trong mọi nguyên mẫu đích thực, một kiến thức sâu sắc về thực tại đã được nói lên. Dù là một thực tại luôn xa vời, trái tim con người với những gợi ý và câu hỏi dự ứng vẫn đang chờ đợi sự ứng nghiệm của nó.

Ngày nay người ta không thể dựa vào các vấn đề lịch sử để giải thích việc bác bỏ niềm tin vào việc Chúa Giêsu sinh ra từ một trinh nữ. Nguyên nhân cơ bản, thực sự thúc đẩy câu hỏi lịch sử nằm ở chỗ khác: trong sự khác biệt giữa thế giới quan hiện đại của chúng ta và lời khẳng định trong Kinh thánh và trong giả thiết rằng lời khẳng định trong Kinh thánh này không thể tìm thấy chỗ đứng nào trong thế giới được giải thích một cách khoa học. Như thế, tại thời điểm này, câu hỏi phải được đặt ra là: "thế giới quan" là gì? Đến mức độ nào, nó là một yếu tố xác định nhận thức của chúng ta? Dựa trên bối cảnh của việc Bultmann sử dụng thế giới quan hiện đại, việc xem xét và suy nghĩ kỹ hơn các thành tố của thế giới quan của chúng ta và các thế giới quan trước đây cho phép chúng ta nói điều này: thế giới quan luôn là sự tổng hợp nhận thức và các giá trị, những điều cùng nhau đề xuất với chúng ta một viễn kiến tổng thể về thực tại, một viễn kiến mà bằng chứng và sức mạnh thuyết phục dựa trên sự tổng hợp nhận thức và giá trị. Tuy nhiên, đây chính là cơ sở của vấn đề: các giá trị hợp lý gắn liền với thực hành của một thời đại nhất định, nhờ được nối kết với những gì đã được người ta biết đến, là một sự chắc chắn mà bản thân chúng không hề ước ao và là một sự chắc chắn, trong một số trường hợp nào đó, có thể trở thành một rào cản đối với nhận thức chính xác hơn. Điều hợp lý (plausible) có thể hướng cuộc điều tra về phía sự thật, nhưng nó cũng có thể là đối thủ của sự thật.

Thế giới quan nào buộc chúng ta về mặt tâm lý phải tuyên bố việc hạ sinh đồng trinh là điều bất khả rõ ràng không phải do nhận thức, mà là do đánh giá. Ngày nay, giống như ngày hôm qua, việc hạ sinh đồng trinh là một điều bất cái nhiên (improbable), nhưng không hề là điều hoàn toàn bất khả. Không có bằng chứng nào chứng minh nó bất khả cả, và không một nhà khoa học tự nhiên nào, nếu nghiêm túc, mà dám khẳng định rằng có một bằng chứng như thế. Ở đây, điều 'buộc' chúng ta phải tuyên bố tính bất cái nhiên tối đa của thế giới bên trong là bất khả không những đối với thế giới mà đối với cả Thiên Chúa nữa, không phải là nhận thức mà là một cơ cấu đánh giá với hai thành tố chính: một nằm ở chủ nghĩa Descartes ngấm ngầm của chúng ta - trong thứ triết lý giải phóng thù nghịch với sáng thế chuyên dồn nén (repress) cả thân xác lẫn việc sinh nở ra khỏi thực tại nhân bản bằng cách tuyên bố chúng chỉ có tính sinh học; thành tố thứ hai nằm ở khái niệm về Thiên Chúa và thế giới, coi việc Thiên Chúa liên quan đến sự sống [bios] và vật chất là điều không thích đáng. Thực thế, chính khi chúng ta nói tới tính thể xác và hoài nghi về linh hồn, chúng ta là những người theo thuyết nhị nguyên.

Chúng ta hãy tạm dừng ở đây để tóm tắt những gì chúng ta đã thấy và để thử nghiệm các bước tiếp theo. Giờ đây, chúng ta có thể nói rằng lý do thực sự đứng đàng sau các lý do chống lại việc tuyên xưng đức đồng trinh của Đức Maria không nằm trong lĩnh vực nhận thức lịch sử (chú giải), mà nằm trong những giả thuyết của một thế giới quan. Tuy nhiên, các lập luận chú giải đã giải thích giả thuyết này bằng các suy nghĩ lịch sử mà không được nó chứng thực một cách thuyết phục. Cái nhìn sâu sắc đầu tiên này mang lại một cái nhìn sâu sắc khác: nguyên nhân của việc bác bỏ là do thế giới quan, nhưng hậu quả của nó đụng đến sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa (Thiên Chúa quan của chúng ta). Trái ngược với cách trình bày thông thường, cuộc tranh luận thực sự xảy ra không phải giữa phe ngây thơ lịch sử và phe phê phán lịch sử, mà là giữa hai định kiến về mối tương quan của Thiên Chúa với thế giới của Người. Vì định kiến cho rằng những gì bất cái nhiên nhất trên thế giới cũng bất khả đối với Thiên Chúa che giấu giả thiết ngầm cả việc Thiên Chúa không thể đi vào lịch sử trần gian lẫn việc lịch sử trần gian không với tới Người. Phạm vi ảnh hưởng của Người sẽ bị hạn chế vào cảnh giới các thuần thần. Và với điều này, chúng ta đã quay trở lại với nền triết học ngoại giáo như Aristốt đã xây dựng bằng một nền luận lý độc đáo; theo quan điểm của ông này, việc cầu nguyện và mọi mối liên hệ với Thiên Chúa đều là "sự tu dưỡng bản thân". Phân tích đến cùng, nếu đây là thực tại, thì không còn gì khác ngoài việc "tu dưỡng bản thân".

Sau khi xem xét các giả định và hậu quả trên, điều rõ ràng là chúng ta không quan tâm đến các chi tiết ngoại vi, nhưng với các vấn đề trung tâm: Chúa Giêsu là ai? Người này là ai hay người này là gì? Sau đó, cuối cùng, là câu hỏi quan trọng nhất: Thiên Chúa là ai hay Thiên Chúa là gì? Số phận con người cuối cùng phụ thuộc câu hỏi cuối cùng này — ngay trong viễn kiến vô thần về con người, câu hỏi về Thiên Chúa vẫn có tính quyết định, về phương diện tiêu cực, đối với câu hỏi về con người. Trong khuôn khổ đức tin Tân Ước, chứng từ về sự hạ sinh của Chúa Giêsu từ Đức Trinh Nữ Maria không phải là một ngóc ngách bình dị của lòng sùng kính, một nhà nguyện nhỏ, riêng tư của hai tác giả Tin Mừng, một sự bổ sung nhiệm ý. Câu hỏi về Thiên Chúa có liên can ở đây: Thiên Chúa có phải là chiều sâu hiện hữu ở đâu đó, xem ra đang nuôi dưỡng cội rễ sâu xa của vạn vật một cách không thể tưởng tượng được, hay Người là Đấng hành động một cách đầy quyền năng, Đấng biết và yêu thương tạo vật của mình, hiện diện với nó và hoạt động hữu hiệu trong nó từ lúc đầu cho đến cuối cùng, thậm chí cả ngày nay? Các lựa chọn rất đơn giản: Thiên Chúa có hành động hay không? Người có thể hành động gì không? Nếu không, Người có thực sự là "Thiên Chúa" không? Dù sao thì hạn từ "Thiên Chúa" có nghĩa gì? Niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng vẫn là đấng tạo dựng trong sáng thế mới – Thần khí Tạo dựng – nằm ở trung tâm Tân Ước và là động lực chính của nó. Việc khẳng định sự ra đời của Chúa Giêsu từ Đức Trinh Nữ Maria có ý định quả quyết hai chân lý này: (i) Thiên Chúa thực sự hành động - thực sự, chứ không chỉ có tính diễn giải, và (2) trái đất sinh hoa trái - chính vì Người hành độngNatus ex Maria (sinh bởi bà Maria), trong hạt nhân của nó, vốn là một lời khẳng định thần học đúng nghĩa làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng đã không để tạo thế vuột khỏi tay Người. Dựa vào điều này, là niềm hy vọng, là sự tự do, là sự bảo đảm và là trách nhiệm của Kitô hữu.

Kỳ tới: 2. Không mắc tội Ađam
 
 
Vietcatholic News
 Tags: thiếu nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây