Bài giảng của ĐTC Lễ Mình và Máu Thánh

Chủ nhật - 02/06/2024 04:32 |   169
những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B.
Bài giảng của ĐTC Lễ Mình và Máu Thánh

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ NĂM B

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B (06.06.2021) - Nơi dọn lễ Vượt Qua cho Chúa

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Giêsu sai các môn đệ của Ngài đi chuẩn bị nơi để họ sẽ ăn mừng lễ Vượt qua. Chính các ông đã hỏi Ngài: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Khi chiêm ngắm và thờ lạy sự hiện diện của Chúa trong Mình Thánh, chúng ta cũng hãy tự đặt cho mình câu hỏi rằng chúng ta muốn chuẩn bị Lễ Vượt Qua của Chúa ở đâu, tại “địa điểm nào”. Chúa đang yêu cầu được làm vị khách của chúng ta ở “những nơi nào” trong cuộc sống của chúng ta? Cha xin trả lời những câu hỏi này qua sự suy gẫm về ba hình ảnh trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (Mc 14: 12-16, 22-26).

Hình ảnh thứ nhất là người đàn ông mang một vò nước (xem câu 13). Điều này có vẻ như là một chi tiết thừa. Tuy nhiên người đàn ông vô danh đó lại trở thành người dẫn đường đưa các môn đệ đến nơi sau này được gọi là Phòng Tiệc Ly. Vò nước là dấu hiệu để họ nhận ra người đàn ông đó. Đó là một dấu hiệu khiến chúng ta suy nghĩ đến gia đình nhân loại của chúng ta, đang khát, không ngừng tìm kiếm một nguồn nước để giải cơn khát và mang lại sự sảng khoái. Tất cả chúng ta đều đi qua cuộc đời với chiếc vò trên tay: tất cả chúng ta đều khát tình yêu, khát niềm vui, khát một đời sống viên mãn trong một thế giới nhân văn hơn. Để làm thỏa mãn cơn khát đó, loại nước của những thứ thuộc thế gian không đem lại ích lợi gì. Cơn khát của chúng ta là một cơn khát sâu thẳm hơn, một cơn khát mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn.

Chúng ta hãy suy tư ngắn gọn về hình ảnh này và nó tượng trưng cho điều gì. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng bữa tiệc mừng Lễ Vượt Qua sẽ được ăn tại nơi mà người đàn ông mang vò nước dẫn họ đến. Để cử hành Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta cần phải nhận ra sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta, cảm nhận rằng chúng ta cần Người, khát khao sự hiện diện và tình yêu của Người, nhận biết rằng chúng ta không thể đi một mình, nhưng cần có Của ăn và Của uống của sự sống trường sinh để nuôi dưỡng chúng ta trên hành trình của mình. Chúng ta có thể nói bi kịch trong thời điểm hiện tại là sự khát khao này ngày càng càng ít. Những câu hỏi về Thiên Chúa không còn được đặt ra, lòng khao khát Thiên Chúa đã phai nhạt, những người tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên hiếm hoi. Thiên Chúa không còn cuốn hút đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không còn nhận biết cơn khát sâu thẳm trong lòng của chúng ta đối với Ngài. Tuy nhiên, ở bất cứ nơi nào có một người đàn ông hay người phụ nữ với vò nước – như người phụ nữ Samari (xem Ga 4: 5-30) – thì ở đó Chúa có thể tỏ lộ mình là Đấng ban sự sống mới, nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng của chúng ta bằng niềm hy vọng vững chắc, một sự hiện diện đầy yêu thương để mang lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc lữ hành nơi trần thế của chúng ta. Người đàn ông mang vò nước dẫn các môn đệ đến căn phòng nơi Chúa Giêsu sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể. Sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta sẽ đưa chúng ta tiến đến bàn thờ. Nơi nào thiếu cơn khát đó, thì việc cử hành của chúng ta trở nên khô khan và thiếu sức sống. Với vai trò là Giáo Hội, nếu chỉ có một nhóm nhỏ quen thuộc gặp gỡ để cử hành Thánh Lễ là chưa đủ; chúng ta cần phải đi vào nơi phố thị, gặp gỡ mọi người và học cách nhận biết và làm hồi sinh lòng khao khát Chúa và lòng khao khát Tin Mừng của họ.

Hình ảnh thứ hai trong Tin Mừng là Phòng Tiệc Ly (xem câu 15). Căn phòng nơi Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ ăn mừng Lễ Vượt qua nằm trong nhà của một người đã thể hiện lòng hiếu khách với họ. Cha Primo Mazzolari nói về người đó: “Đây là một con người vô danh, chủ nhân của một căn nhà, ông đã cho Chúa Giêsu mượn căn phòng đẹp nhất của mình… Ông ta đã cho Chúa Giêsu những gì tốt nhất mà ông ta có, vì mọi thứ xung quanh bí tích cực trọng đều phải là tốt nhất: một căn phòng tuyệt vời và một tấm lòng cao cả, những lời nói cao đẹp và những việc làm cao thượng” (La Pasqua, La Locusta 1964, 46-48).

Một căn phòng rộng lớn cho một tấm Bánh nhỏ. Thiên Chúa làm cho mình trở nên nhỏ bé, như một mẩu bánh. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần có một tâm hồn lớn để có thể nhận ra, tôn thờ và đón nhận Người. Sự hiện diện của Thiên Chúa quá đỗi khiêm tốn, ẩn mình và thường là vô hình, đến nỗi, để nhận ra sự hiện diện của Ngài, chúng ta cần một tấm lòng sẵn sàng, tỉnh thức và chào đón. Nhưng nếu tâm hồn của chúng ta, thay vì là một căn phòng lớn, lại trở nên giống như một cái tủ nơi chúng ta lưu giữ những thứ của quá khứ một cách nuối tiếc, hoặc là một căn gác xép nơi chúng ta từ rất lâu đã cất giữ những ước mơ và nhiệt huyết của mình, hoặc là một căn phòng ảm đạm chỉ có chúng ta cùng với những vấn đề và những thất vọng của chúng ta, như vậy sẽ không thể nhận ra sự hiện diện âm thầm và khiêm nhường của Thiên Chúa. 

Chúng ta cần một căn phòng lớn. Chúng ta cần phải mở rộng tâm hồn của mình. Chúng ta cần phá vỡ những không gian khép kín nhỏ bé của mình và bước vào một không gian rộng lớn, một không gian mênh mông của sự kinh ngạc và thờ lạy. Đó là những gì chúng ta thực sự cần! Đó là điều còn thiếu trong nhiều phong trào mà chúng ta tạo ra để gặp gỡ và cùng nhau suy tư về sự tiếp cận mục vụ của chúng ta. Nhưng nếu thiếu sự kinh ngạc và tôn thờ, thì sẽ không có con đường nào dẫn đến với Chúa. Cũng sẽ không có thượng hội đồng, không có gì. Sự thờ lạy: đó là thái độ chúng ta cần có trước sự hiện diện của Thánh Thể. 

Giáo hội cũng phải là một căn phòng rộng lớn. Không phải là một vòng tròn nhỏ và khép kín, mà là một cộng đồng với vòng tay rộng mở, chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: khi có người gây ra sự tổn thương tiến đến, người đó đã phạm lỗi lầm, người đã bị lạc lối trong cuộc sống, thì Giáo hội, Giáo hội này, có phải là một căn phòng đủ rộng để chào đón người đó và dẫn đưa họ đến với niềm vui vì được gặp gỡ Đức Kitô không? Chúng ta đừng quên rằng Thánh Thể có ý nghĩa nuôi dưỡng những ai rã rời và đói khát trên đường đi. Giáo hội của sự tinh ròng và hoàn hảo là một căn phòng không có chỗ cho bất kỳ ai. Ngược lại, một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở, tụ họp và cử hành xung quanh Chúa Kitô, là một căn phòng lớn, nơi mọi người – tất cả mọi người, cả người công chính và người tội lỗi – đều có thể bước vào.

Hình ảnh thứ ba trong Tin Mừng là hình ảnh Chúa Giêsu bẻ bánh. Đây là một cử chỉ tuyệt vời của Thánh Thể. Đó là dấu chỉ đặc biệt cho niềm tin của chúng ta và là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng đã hiến thân để chúng ta có thể được tái sinh vào đời sống mới. Cử chỉ này cũng thách đố chúng ta. Cho đến thời điểm đó, những con chiên non được hiến tế và dâng lên Thiên Chúa. Giờ đây, Chúa Giêsu trở thành chiên con, hiến mình hy sinh để ban cho chúng ta sự sống. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa của tình yêu. Chúa là Đấng không bẻ vỡ một ai, nhưng lại để cho mình bị bẻ ra. Chúa không đòi hỏi hy tế, nhưng Ngài hy sinh chính mình. Chúa không đòi hỏi điều gì nhưng trao ban tất cả. Khi cử hành và trải nghiệm Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ trong tình yêu này. Vì chúng ta không thể bẻ bánh vào Chúa nhật nếu tâm hồn chúng ta còn đóng kín với anh chị em của chúng ta. Chúng ta không thể dự phần trong Bánh ấy nếu chúng ta không chia bánh cho người đói. Chúng ta không thể chia sẻ Bánh ấy nếu chúng ta không chia sẻ những đau khổ của anh chị em mình đang gặp khó khăn. Cuối cùng, và khi kết thúc những phụng vụ Thánh Thể trọng thể của chúng ta, sẽ chỉ còn lại tình yêu. Ngay cả lúc này, việc cử hành Thánh Thể của chúng ta đang biến đổi thế giới ở mức độ chúng ta cho phép bản thân được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta phải đi đâu để “chuẩn bị bữa ăn tối của Chúa”? Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa – một dấu ấn đặc biệt của lễ Mình Máu Thánh Chúa, tuy nhiên là nghi thức mà hiện tại chúng ta không thể cử hành được – nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được mời gọi ra đi và đưa Chúa Giêsu đến với người khác. Hãy ra đi với lòng nhiệt thành, mang Chúa Kitô đến với những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày. Ước mong chúng ta trở thành một Giáo hội với vò nước trong tay, một Giáo hội đánh thức cơn khát và mang nước đến. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình trong tình yêu, để chúng ta có thể trở thành căn phòng rộng lớn và chào đón, nơi mọi người có thể bước vào và gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy bẻ tấm bánh cuộc đời của chúng ta với lòng nhân ái và tình liên đới, để qua chúng ta, thế giới có thể thấy được sự vĩ đại của tình yêu thương của Thiên Chúa. Rồi Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên một lần nữa, Ngài sẽ lại trở thành của ăn cho sự sống của thế gian. Và Ngài sẽ luôn làm chúng ta thỏa mãn, cho đến ngày, trong bữa tiệc trên trời, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài và được hưởng niềm vui không bao giờ tàn.

Nguồn: daminhtamhiep.net

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B (03.06.2018) - Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng nói về Bữa Tiệc Ly mà chúng ta đã nghe, có một điều vô cùng ngạc nhiên là, mối quan tâm lại hướng về việc chuẩn bị cho bữa tiệc nhiều hơn là hướng về chính bữa tiệc ấy. Động từ “chuẩn bị” được lập đi lập lại nhiều lần. Chẳng hạn như khi các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con chuẩn bị bữa Tiệc Vượt Qua cho Thầy ở đâu?” (Mc 14,12). Chúa Giêsu đã cử các ông đi với nhiệm vụ chuẩn bị, và các ông sẽ thấy “một căn phòng rộng rãi […] đã được chuẩn bị sẵn sàng” (Mc 14,15). Các môn đệ đã đi để chuẩn bị, nhưng Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước đó rồi.

Một điều tương tự cũng đã diễn ra sau cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, khi Ngài hiện ra với các môn đệ lần thứ ba: trong lúc các ông đang bắt cá dưới biển, thì Chúa Giêsu đứng trên bờ đợi các ông, và trong lúc chờ đợi, Ngài đã chuẩn bị sẵn cơm nước cho các ông. Nhưng đồng thời Ngài cũng xin các môn đệ của Ngài mang đến vài con cá mà các ông vừa bắt được nhờ vào sự chỉ dẫn của Ngài (Ga 21,6.9-10). Ở đây, Chúa Giêsu cũng đã chuẩn bị trước và yêu cầu các môn đệ của Ngài cùng cộng tác. Ngay trước biến cố Phục Sinh, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về sự chuẩn bị: “Thầy đi để chuẩn bị chỗ cho anh em […], để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,2-3). Chúa Giêsu chính là Đấng chuẩn bị trước, và đồng thời, trước khi hoàn tất cuộc Vượt Qua, với những lời khuyên và những dụ ngôn rất rõ ràng, Ngài cũng yêu cầu chúng ta phải sẵn sàng  (xc. Mt 24,44; Lc 12,40).

Như vậy, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta, và Ngài yêu cầu chúng ta cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng. Ngài chuẩn bị sẵn cho chúng ta cái gì? Thưa, đó là một chỗ ở và một bữa tiệc. Chỗ đó xứng đáng hơn nhiều so với “căn phòng rộng rãi đã được bày biện sẵn sàng” mà Tin mừng nói tới. Đó là ngôi nhà rộng lớn thênh thang của chúng ta trên dương thế này, tức Giáo hội, nơi có chỗ và phải có chỗ cho tất cả. Nhưng Ngài cũng đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta một chỗ ở trên kia, trên Thiên Đàng, để hiệp nhất cùng với Ngài và với nhau mãi mãi. Ngoài việc chuẩn bị chỗ, Ngài còn chuẩn bị cho chúng ta một món ăn nữa, lương thực là chính Ngài: “Này là mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn” (Mc 14,22). Hai ân sủng này, chỗ ở và món ăn, chính là điều mà chúng ta cần tới để sống. Đó là món ăn và nơi ở vĩnh viễn. Cả hai đều được ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể: của ăn và nơi ở.

Vì Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta ở dưới đất này, nên Bí Tích Thánh Thể chính là con tim sống động của Giáo hội, Bí Tích ấy không ngừng tái mang Giáo hội tiến về phía trước, Bí Tích ấy quy tụ Giáo hội và ban sức mạnh cho Giáo hội. Nhưng Bí Tích Thánh Thể cũng chuẩn bị sẵn cho chúng ta một chỗ ở trên trời, trong nơi vĩnh cửu, vì Bí Tích ấy chính là Bánh Bởi Trời. Bí Tích ấy đến từ đó, Bí Tích ấy chính là chất thể duy nhất trên mặt đất này thực sự mang hương vị vĩnh cửu. Bí Tích ấy chính là lương thực của tương lai mà lương thực ấy cho phép chúng ta thưởng nếm một tương lai ngay từ lúc này rồi, và đó là một tương lai còn mênh mông vĩ đại hơn tất cả những gì tốt nhất được mong chờ. Bí Tích Thánh Thể chính là lương thực có khả năng thỏa mãn những mong chờ to lớn nhất của chúng ta, cũng như nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Tắt một lời, Bí Tích ấy chính là sự bảo đảm cho một sự sống vĩnh cửu: không chỉ là một sự hứa hẹn, nhưng còn là một sự bảo đảm, tức một sự tiên trưng cụ thể của điều sẽ được ban cho chúng ta. Bí Tích Thánh Thể chính là sự “dành sẵn” Thiên Đàng; Bí Tích ấy chính là Chúa Giêsu, Của Ăn Đàng trên đường tiến tới sự sống hạnh phúc của chúng ta, tức sự sống không bao giờ chấm dứt.

Trong Bánh Thánh biến thể, ngoài chỗ ở ra, Chúa Giêsu còn chuẩn bị cho chúng ta cả món ăn và lương thực nữa. Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng phải nuôi sống mình, và việc nuôi sống này không phải chỉ nhờ vào lương thực thực phẩm, nhưng cũng còn nhờ vào những kế hoạch và những cảm giác thân thương, nhờ vào những nỗi khát khao và niềm hy vọng nữa. Chúng ta khát khao được yêu. Nhưng những lời tán dương nồng nhiệt nhất, những quà tặng tuyệt vời nhất và những kỹ thuật tiến bộ nhất cũng vẫn không đủ, chúng không bao giờ làm cho chúng ta được thỏa mãn hoàn toàn. Bí Tích Thánh Thể là một lương thực đơn giản như tấm bánh mì, nhưng Bí Tích ấy lại là điều duy nhất có thể mang đến sự no thỏa hoàn toàn, vì không có Tình Yêu nào lớn hơn. Ở đó, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu thực sự, chúng ta tham dự vào sự sống của Ngài, chúng ta cảm nhận được Tình Yêu của Ngài. Ở đó, bạn sẽ có thể có được cảm nhận rằng, cái chết và sự phục sinh của Ngài là vì tôi. Và nếu bạn tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, bạn sẽ nhận được Chúa Thánh Thần từ Ngài, và bạn sẽ thấy được bình an và niềm vui. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn bánh sự sống này: Chúng ta hãy đặt Thánh Lễ vào vị trí đầu tiên, chúng ta hãy tái khám phá ra niềm tôn thờ trong các cộng đoàn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn đói khát Thiên Chúa, và chúng ta hãy đói khát điều mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta.

Nhưng giống như các môn đệ hồi đó, hôm nay Chúa Giêsu cũng yêu cầu chúng ta chuẩn bị. Và như các môn đệ, chúng ta hãy hỏi Ngài. “Chúa muốn chúng con đi tới đâu để chuẩn bị?” Tới đâu ư?. Chúa Giêsu không thích đến với bất cứ nơi nào bị tách biệt hay khép kín. Ngài tìm đến những nơi mà Tình Yêu chưa đến được, và niềm hy vọng chưa đụng chạm tới được. Chúa Giêsu muốn đến với những nơi thiếu thoải mái ấy, và Ngài cũng yêu cầu chúng ta hãy có những chuẩn bị cho Ngài. Biết bao nhiêu con người đã bị cướp mất một nơi xứng đáng để sống, cũng như bị cướp mất thức ăn! Nhưng tất cả chúng ta đều biết rõ những con người cô đơn, đau khổ và thiếu thốn: Họ chính là những Nhà Tạm hoang vắng. Chúng ta, những người đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu lương thực và chỗ ở, đang ở đây để chuẩn bị cho những anh chị em đó một chỗ ở và một món ăn. Ngài đã trở thành tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta; Ngài yêu cầu chúng ta hãy trao tặng chính bản thân chúng ta cho người khác để không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho nhau. Và như thế, người ta sẽ sống Bí Tích Thánh Thể bằng cách sống Tình Yêu mà chúng ta đã kín múc được từ máu thịt của Chúa, và rồi tuôn đổ Tình Yêu ấy trên thế giới. Bí Tích Thánh Thể sẽ được chuyển dịch vào trong cuộc sống nếu chúng ta vượt qua cái TÔI để đến với những người anh chị em.

Các môn đệ – Tin Mừng cho biết tiếp – đã chuẩn bị Bữa Tiệc Ly sau khi các ông “đi vào trong thành” (Mc 14,16). Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Ngài, không phải bằng cách là chúng ta cứ ở mãi bên ngoài, cứ đứng mãi đàng xa, nhưng là đi vào trong các thành thị của chúng ta. Hãy đi vào cả trong thành phố có tên là Ostia này, mà nó nhắc chúng ta nhớ tới chiếc cửa. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở ra cho Chúa những cánh cửa nào ở đây? Những chấn song nào Chúa muốn chúng con mở ra tiếp, những lối đi bị rào kín nào chúng con phải vượt qua? Chúa Giêsu muốn rằng, những bức tường thờ ơ lãnh đạm và bưng bít phải bị giật sập, những chấn song bạo lực và kiêu ngạo phải bị loại trừ, những con đường công lý, lịch thiệp và hợp pháp cần phải được mở ra. Khu vực ngoại ô hẻo lánh của thành phố đang nhắc chúng ta nhớ tới vẻ đẹp của việc mở bản thân mình ra và ra khơi trên đại dương cuộc sống. Nhưng để làm điều đó, người ta cần phải giải quyết bất cứ hình thức vô giáo dục nào mà chúng cột chặt chúng ta vào với những sợi dây sợ hãi và những cơn ác mộng. Bí Tích Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho mình được cuốn theo bởi cơn sóng của Chúa Giêsu, và đừng ở lỳ mãi trên bãi biển với những vật nặng chất lên người để mong chờ môt điều gì đó sẽ đến, nhưng tự do, can đảm và hiệp nhất để ra khơi bắt cá.

Các môn đệ – Tin Mừng kết thúc – “đi tới Núi Cây Dầu sau khi hát Thánh Vịnh” (Mc 14,26). Khi kết thúc Thánh Lễ, chúng ta cũng sẽ ra đi. Chúng ta sẽ cùng đi với Chúa Giêsu, Đấng băng qua những con đường của thành phố này. Ngài mong muốn được cư ngụ giữa anh chị em. Ngài muốn viếng thăm anh chị em trong suốt cuộc đời anh chị em, muốn bước vào những ngôi nhà, muốn giới thiệu Lòng Thương Xót có khả năng giải phóng của Ngài, muốn chúc lành và an ủi anh chị em. Anh chị em đã trải qua những hoàn cảnh thống khổ; Thiên Chúa muốn gần gũi anh chị em. Chúng ta hãy mở những cánh cửa ra và nói với Ngài:

Lạy Chúa, xin hãy đến, và dừng chân nơi chúng con,
Chúng con đón Chúa vào tâm hồn chúng con,
vào các gia đình và các thành phố của chúng con.
Xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã chuẩn bị món ăn sự sống cho chúng con,
và một chỗ trong vương quốc của Chúa.
Xin làm cho chúng con được linh hoạt và sáng tạo trong sự chuẩn bị,
và biến chúng con thành những người gánh vác đầy vui mừng của Chúa,
Đấng là đường,
để mang tình huynh đệ, công lý và hòa bình
vào trong những nẻo đường của chúng con. Amen.

Nguồn: daminhtamhiep.net

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B (03.05.2015) - Bí tích Thánh Thể là sức mạnh cho kẻ yếu đuối

Anh chị em thân mến!

Chúng ta vừa nghe cách Chúa Giêsu trao ban Mình và Máu Thánh Người qua bánh và rượu tại Bữa Tiệc Ly, Người để lại cho chúng ta việc tưởng niệm hy tế tình yêu vô biên của Người. Và với “Của Ăn” tràn đầy ân sủng này, các môn đệ đã có mọi thứ cần thiết cho cuộc hành trình của họ qua dòng lịch sử, để đem Vương quốc của Thiên Chúa đến cho mọi người. Món quà mà Chúa Giêsu tự hiến, bằng việc tự nguyện hiến tế trên Thập Giá, sẽ là ánh sáng và sức mạnh cho họ. Và Bánh Sự Sống này đã đến với chúng ta! Sự ngạc nhiên của Giáo hội trước thực tế này là vô tận. Một sự ngạc nhiên luôn nuôi dưỡng sự chiêm niệm, tôn thờ và tưởng niệm. Chúng ta thấy được điều này qua một bản văn thực sự hay trong Phụng vụ hôm nay, đó là phần Đáp ca cho bài đọc II của Kinh Sách, với nội dung: “Anh em hãy nhìn vào tấm bánh này mà nhận ra tấm thân đã chịu treo trên thập giá; hãy nhìn vào chén này mà nhận ra dòng máu chảy từ cạnh sườn. Này là Mình Thánh Đức Kitô, hãy cầm lấy mà ăn. Này là Máu Thánh Đức Kitô, hãy cầm lấy mà uống, vì anh em đã trở nên chi thể của Người. Người là mối dây liên kết anh em: không ăn thịt Người, anh em ắt sẽ tan rã. Người là giá chuộc anh em: không uống máu Người, anh em vẫn là những kẻ nô lệ”.

Có một mối nguy hiểm, có một mối đe dọa: đó là không được liên kết với Đức Kitô, thì sẽ bị tuyệt vọng. Ngày nay, việc “không được liên kết với Người” và “tuyệt vọng” có nghĩa là gì?

Chúng ta không được liên kết với Người khi chúng ta không vâng nghe Lời Chúa, khi chúng ta không sống trong tình huynh đệ với nhau, khi chúng ta tranh giành vị trí đầu tiên, khi chúng ta không tìm thấy can đảm để làm chứng cho đức ái, khi chúng ta không có khả năng mang lại hy vọng. Đây là lúc chúng ta không được liên kết với Người. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta ở lại trong Người, vì đó là mối dây liên kết chúng ta với Người, là sự hoàn thành Giao Ước, dấu chỉ sống động về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hạ mình và hạ mình để chúng ta luôn hiệp nhất. Tham dự vào Bí tích Thánh Thể và được Người nuôi dưỡng, chúng ta được tham gia vào một cuộc hành trình không cho phép chia rẽ. Chúa Kitô hiện diện ở giữa chúng ta, trong dấu hiệu bánh và rượu, đòi hỏi sức mạnh của tình yêu vượt qua mọi sự xé nát, đồng thời nó cũng trở thành sự hiệp thông với những người nghèo nhất, hỗ trợ những người yếu đuối, sự quan tâm huynh đệ đối với những người gặp khó khăn trong việc mang gánh nặng của cuộc sống hằng ngày và có nguy cơ mất niềm tin.

Và sau đó là cụm từ khác. Đối với chúng ta ngày nay việc “tuyệt vọng” hay hạ thấp phẩm giá Kitô giáo của chúng ta có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là để cho mình bị xói mòn bởi những ngẫu tượng của thời đại chúng ta: vẻ bề ngoài, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa ích kỷ; cũng như tính cạnh tranh, kiêu ngạo với một thái độ chiến thắng, không bao giờ thừa nhận sai lầm hay thiếu thốn. Tất cả những điều này dẫn chúng ta đến chỗ tuyệt vọng, biến chúng ta thành những Kitô hữu tầm thường, nguội lạnh, nhạt nhẽo và ngoại giáo.

Chúa Giêsu đã đổ Máu của Người như là giá phải trả hay như chậu nước, để thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi: không mất niềm hy vọng, chúng ta hãy nhìn lên Người, uống nơi nguồn nước của Người, để được bảo vệ khỏi nguy cơ hư hoại. Khi đó chúng ta sẽ cảm nhận được ơn biến đổi: chúng ta sẽ luôn là những tội nhân đáng thương, nhưng Máu Chúa Kitô sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và phục hồi phẩm giá của chúng ta. Máu Chúa sẽ giải phóng chúng ta khỏi hư hoại. Không phải bằng công đức của mình, nhưng bằng sự khiêm nhường chân thành, chúng ta mới có thể mang đến cho anh em mình tình yêu của Chúa và Đấng Cứu Độ. Chúng ta sẽ là đôi mắt của Người đi tìm Giakêu và Maria Mađalêna; chúng ta sẽ là bàn tay của Người xoa dịu những người bệnh tật về thể xác và tinh thần; chúng ta sẽ là trái tim yêu thương những người cần sự hòa giải, lòng thương xót và sự cảm thông.

Như vậy, Bí tích Thánh Thể hoàn thành Giao ước thánh hóa, thanh tẩy chúng ta và hiệp nhất chúng ta trong sự hiệp thông xứng đáng với Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta biết rằng Bí tích Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người tốt, nhưng là sức mạnh cho kẻ yếu đuối, cho tội nhân. Chính sự tha thứ, chính của ăn giúp chúng ta tiến về phía trước, bước đi.

Hôm nay, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta vui mừng không chỉ cử hành mầu nhiệm này mà còn ca ngợi và ca hát trên các đường phố trong Thành phố của chúng ta. Chớ gì cuộc rước chúng ta thực hiện vào cuối Thánh lễ bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với toàn bộ cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã khiến chúng ta đi qua sa mạc nghèo khó của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ, nuôi dưỡng chúng ta bằng Tình yêu của Người qua Bí tích Mình và Máu Thánh Người.

Chẳng bao lâu nữa, khi chúng ta đi dọc phố, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang hiệp thông với rất nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của mình vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cảm nhận sự hiệp nhất với họ: chúng ta hãy hát với họ, ca ngợi với họ, tôn thờ với họ. Và chúng ta hãy tôn kính trong tâm hồn những anh chị em mà sự hy sinh cao cả đã được đòi hỏi vì lòng trung thành với Chúa Kitô: chớ gì máu của họ hiệp nhất với máu của Chúa là bảo chứng hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.

Và chúng ta đừng quên: “Thân Mình Chúa Kitô là mối dây liên kết anh em: không ăn thịt Người, anh em ắt sẽ tan rã. Người là giá chuộc anh em: không uống máu Người, anh em vẫn là những kẻ nô lệ”.

WHĐ (04.06.2015)

 

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B (07.06.2012) - Việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể

Anh chị em thân mến ,

Tối nay tôi muốn cùng suy niệm với anh chị em về hai khía cạnh liên kết với nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể: việc cử hành thờ phượng Thánh Thể và bản chất thánh thiêng của Thánh Thể. Điều quan trọng là phải suy ngẫm về việc cử hành thờ phượng Thánh Thể và bản chất thánh thiêng của Thánh Thể một lần nữa để bảo vệ chúng khỏi những cách nhìn không đầy đủ về chính Mầu nhiệm, chẳng hạn như những cách nhìn mà chúng ta đã gặp trong quá khứ gần đây.

Trước hết, là một suy tư về tầm quan trọng của việc cử hành thờ phượng Thánh Thể, và cách riêng, của việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ trải nghiệm điều đó tối nay, sau Thánh lễ, trước cuộc rước kiệu, trong khi và lúc kết thúc cuộc rước kiệu. Cách giải thích đơn nhất của Công đồng Vatican II đã khiển trách góc nhìn này, trong thực hành, khi giới hạn Bí tích Thánh Thể duy chỉ vào thời điểm cử hành Bí tích Thánh Thể. Quả thực, điều rất quan trọng là phải nhận ra trọng tâm của việc cử hành trong đó Chúa triệu tập dân của Ngài, quy tụ họ quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh sự sống, nuôi dưỡng và kết hợp họ với chính Ngài trong hy lễ.

Tất nhiên, sự lượng định như thế về cộng đoàn phụng vụ, nơi mà Chúa thực hiện mầu nhiệm hiệp thông của Ngài và làm cho mầu nhiệm đó diễn ra, vẫn có thể là phù hợp; nhưng nó phải được đưa trở lại trạng thái cân bằng thích hợp. Thực vậy - như thường xảy ra - để nhấn mạnh một khía cạnh, người ta kết thúc bằng cách hy sinh một khía cạnh khác. Trong trường hợp này, việc nhấn mạnh, dù đúng đắn, vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể đã gây phương hại cho việc tôn thờ Thánh Thể, vốn là một hành vi đức tin và cầu nguyện hướng lên Chúa Giêsu, Đấng thực sự hiện diện trong Bí tích Bàn thờ.

Sự mất cân bằng này cũng đã ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Thực ra, khi tập trung toàn bộ mối tương quan với Chúa Giêsu Thánh Thể vào giây phút duy nhất của Thánh Lễ, người ta có nguy cơ làm trống rỗng phần còn lại của thời gian và không gian hiện sinh của sự hiện diện của Ngài. Điều này làm cho ý nghĩa của sự hiện diện liên lỉ của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta và với chúng ta trở nên khó nhận biết hơn bao giờ hết, dẫu đó là một sự hiện diện hữu hình, gần gũi, trong nhà của chúng ta, như “Trái tim đang đập” của thành phố, đất nước và khu vực, với những biểu hiện và hoạt động đa dạng của sự hiện diện đó. Bí tích Tình yêu của Chúa Kitô phải thấm nhuần vào toàn bộ đời sống hằng ngày.

Thực ra, thật sai lầm khi đặt việc cử hành Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể đối kháng nhau như thể chúng đang cạnh tranh nhau. Điều ngược lại mới đúng: việc cử hành Bí tích Thánh Thể, có thể nói, là “bối cảnh” thiêng liêng trong đó cộng đoàn có thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách tốt đẹp và trong sự thật. Chỉ khi nào hành động phụng vụ được thái độ nội tâm này của đức tin và sự tôn thờ Thánh Thể đi trước, đồng hành và theo sau thì hành động phụng vụ mới có thể diễn tả được ý nghĩa và giá trị trọn vẹn của nó. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Thánh Lễ được diễn ra thực sự và trọn vẹn khi cộng đoàn có thể nhận ra rằng trong Bí Tích, Ngài ngự tại nhà của Ngài, chờ đợi chúng ta, mời chúng ta đến bàn tiệc của Ngài, rồi sau khi cộng đoàn giải tán, Ngài ở lại với chúng ta, với sự hiện diện kín đáo và thầm lặng của Ngài, và đồng hành với chúng ta bằng lời chuyển cầu của Ngài, tiếp tục gom góp những hy lễ thiêng liêng của chúng ta và dâng lên Chúa Cha.

Về vấn đề này, tôi vui mừng nêu bật kinh nghiệm mà chúng ta sẽ cùng nhau trải qua tối nay. Vào lúc Chầu Thánh Thể, tất cả chúng ta đều bình đẳng, quỳ gối trước Bí tích Tình Yêu. Chức tư tế phổ quát và chức linh mục thừa tác được kết hợp với nhau trong việc tôn thờ Thánh Thể. Đó là một cảm nghiệm rất đẹp và đầy ý nghĩa mà chúng ta đã có được nhiều lần tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, cũng như trong các buổi Canh thức không thể nào quên với giới trẻ – chẳng hạn, tôi nhớ lại những buổi canh thức ở Cologne, London, Zagreb và Madrid. Mọi người đều thấy rõ rằng những giây phút Canh thức Thánh Thể này chuẩn bị cho việc cử hành Thánh lễ, những giây phút Canh thức Thánh Thể này chuẩn bị tâm hồn cho cuộc gặp gỡ để cuộc gặp gỡ sẽ có nhiều hoa trái hơn.

Tất cả cùng nhau thinh lặng kéo dài trước Chúa hiện diện trong Bí tích của Ngài là một trong những cảm nghiệm chân thật nhất về việc chúng ta là Giáo hội, đi kèm với việc cử hành Thánh Thể, lắng nghe Lời Chúa, ca hát và cùng nhau đến với bàn tiệc Bánh Sự Sống. Rước lễ và chiêm niệm không thể tách rời, chúng đi đôi với nhau. Nếu tôi thực sự muốn giao tiếp với người khác, tôi phải biết họ, tôi phải có khả năng ở gần họ trong im lặng, lắng nghe họ và nhìn họ một cách trìu mến. Tình yêu đích thực và tình bạn đích thực luôn được nuôi dưỡng bằng những ánh nhìn qua lại, những lúc im lặng mãnh liệt, hùng hồn đầy tôn trọng và kính mến, để cuộc gặp gỡ có thể được sống một cách sâu sắc và cá vị, hơn là hời hợt. Và thật không may, nếu thiếu chiều kích này, việc rước Mình Máu Chúa có thể trở thành một cử chỉ hời hợt từ phía chúng ta.

Thay vào đó, trong sự thông hiệp thực sự, được chuẩn bị bằng cuộc đối thoại bằng cầu nguyện và cuộc sống, chúng ta có thể thưa với Chúa những lời tin tưởng, chẳng hạn như những lời vừa vang lên trong Thánh Vịnh Đáp Ca: “Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.

Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:16-17).

Bây giờ tôi muốn chuyển sang khía cạnh thứ hai một cách ngắn gọn: bản chất thánh thiêng của Bí tích Thánh Thể. Ở đây cũng vậy, trong thời gian gần đây chúng ta đã nghe thấy có một sự hiểu lầm nào đó về sứ điệp đích thực của Sách Thánh. Tính mới mẻ của Kitô giáo liên quan đến việc thờ phượng đã bị ảnh hưởng bởi một não trạng tục hóa nào đó của những năm 1960 và 1970. Đúng là, và điều này vẫn đúng, rằng trọng tâm thờ phượng bây giờ không còn là những nghi lễ và hy lễ cổ xưa nữa, nhưng trong chính Chúa Kitô, trong con người của Ngài, trong cuộc đời của Ngài, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài. Tuy nhiên, từ sự đổi mới cơ bản này, không thể kết luận rằng việc tế tự không còn tồn tại nữa, mà đúng hơn là việc tế tự này đã tìm thấy sự viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô, Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể.

Thư gửi tín hữu Do Thái, mà chúng ta đã nghe tối nay trong Bài đọc thứ hai, nói với chúng ta một cách chính xác về tính mới mẻ của chức tư tế của Chúa Kitô, “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9:11), chứ không phải là nói rằng chức linh mục đã kết thúc. Chúa Kitô “là trung gian của một Giao Ước Mới” (Dt 9:15), được thiết lập trong máu Ngài để thanh tẩy “lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” (Dt 9:14). Ngài không bãi bỏ việc tế tự mà làm cho nó viên mãn, khai mở một hình thức thờ phượng mới, thực sự hoàn toàn mang tính thiêng liêng, nhưng chừng nào chúng ta còn lữ hành trong thời gian, còn sử dụng những dấu hiệu và nghi lễ, vốn sẽ không còn nữa, vào ngày cuối cùng, trong Giêrusalem trên trời, nơi sẽ không còn đền thờ nào nữa (Kh 21:22). Nhờ Chúa Kitô, việc tế tự trở nên chân thực hơn, mãnh liệt hơn và, như xảy ra với các Giới luật, cũng trở nên đòi hỏi khắt khe hơn! Việc tuân thủ nghi lễ thôi chưa đủ nhưng cần phải thanh lọc tâm hồn và dấn thân vào cuộc sống.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc tế tự có chức năng giáo dục và sự biến mất của việc tế tự chắc chắn sẽ làm nghèo đi nền văn hóa và đặc biệt là việc đào tạo các thế hệ mới. Ví dụ, nếu nhân danh một đức tin vốn đã bị thế tục hóa và không còn cần đến các dấu chỉ thánh thiêng nữa, thì những cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô này qua thành phố sẽ bị bãi bỏ, thì hình ảnh tâm linh của Rôma sẽ bị “cào bằng”, và nhận thức của cá nhân cũng như của cộng đoàn sẽ bị suy yếu.

Hoặc chúng ta hãy nghĩ đến một người mẹ hoặc người cha nhân danh một đức tin đã bị tục hóa, tước đoạt mọi nghi lễ tôn giáo của con cái họ: trong thực tế, cuối cùng họ sẽ để mặc cho nhiều thứ thay thế vốn có mặt trong xã hội tiêu dùng, cho những nghi lễ khác và cho những dấu hiệu khác muốn làm gì thì làm, những thứ này có thể trở thành ngẫu tượng dễ dàng hơn.

Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đã không làm điều này với nhân loại: Ngài đã sai Con của Ngài đến thế gian không phải để hủy bỏ nhưng để hoàn thành cả việc tế tự. Ở đỉnh cao của sứ mạng này, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Mình và Máu Ngài, Lễ Tưởng Niệm Hy Tế Vượt Qua của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài đã thay thế những hy lễ cổ xưa bằng chính mình, nhưng Ngài đã làm như vậy theo một nghi thức mà Ngài truyền cho các Tông Đồ phải duy trì, như một dấu hiệu tột cùng của Một Đấng Thánh đích thực, là chính Ngài. Anh chị em thân mến, với đức tin này, chúng ta hãy cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay và mỗi ngày và tôn thờ Mầu nhiệm này như trung tâm của cuộc sống chúng ta và là trái tim của thế giới. Amen.

WHĐ (07.06.2012)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây