Chúa khoan nhân là mục tử tôi…

Thứ bảy - 10/05/2025 06:52 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   17
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27-30).

Chúa Nhật IV Phục Sinh
Chúa khoan nhân là mục tử tôi…

snTM 100525a


Như chúng ta được biết, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã “đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” Và đó là lý do “danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri”.

Khi danh tiếng Đức Giê-su đồn ra khắp nơi, rất… rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào Ngài, kèm theo đó là những lời nhận định, về con người thật của Đức Giê-su.

Tiểu vương Hê-rô-đê (khi) “nghe danh tiếng Đức Giê-su, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” (Mt 14, 1-2).

Tiếp theo là ai! Thưa, là bàn dân thiên hạ. Tại Xê-ra-rê Phi-lip-phê, khi Đức Giê-su hỏi các môn đệ “Người ta nói Con Người là ai? Các ông thưa: Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”

Nghe các môn đệ “tường trình” xong, Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Si-môn Phê-rô thưa: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Vâng, tất cả những lời nhận định về Đức Giê-su, là như thế. Có những nhận định sai, cũng có nhận định đúng. Về nhận định đúng (của ông Phê-rô), Đức Giê-su gọi đó là “mặc khải” đến từ “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Hôm ấy, “Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.”

Cấm ngặt không được nói Người là Đấng Ki-tô. Thế nhưng, Đức Giê-su lại không ngăn cản các môn đệ nói lên một điều được coi như là “chân lý ngàn đời”… Ngài là “Vị Mục Tử nhân lành”. Vâng, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”.

**
Thế nào là một vị mục tử nhân lành? Thưa, Đức Giê-su đã nói, rất rõ ràng, rằng: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Dùng ngôi thứ nhất, Đức Giê-su lập lại: “Tôi chính là người Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Và rồi, như người họa sĩ “điểm nhãn” cho một bức tranh, bức tranh người Mục Tử nhân lành do Đức Giê-su phác họa, đã được Ngài “điểm nhãn” bằng những lời tuyên bố toát lên tình yêu thương vô bờ bến: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27-30).

***
Là một Ki-tô hữu, chúng ta được gọi bằng một cái tên, hết sức lạ lẫm, đó là: “con chiên của Chúa”. Vâng, đúng là lạ lẫm đối với người đời. Nhưng, đối với chúng ta, điều này không có gì là lạ cả.

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh con chiên để nói về con người. Sách Thánh Vịnh có lời chép rằng: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 103, 3).

Với dân Do Thái xưa, tiêu biểu là vua David, được là một thành phần trong đoàn-chiên-Chúa-dẫn-dắt là một hồng phúc. Chính ông ta đã cảm nhận được điều đó, nên đã thốt lên: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

Vua David, từng là người chăn chiên, ông ta biết cuộc sống của chiên sẽ như thế nào là do người chăn như thế nào. Mà, người chăn, là một Thiên Chúa giàu tình thương, thì sao lại không là hồng phúc!

Hôm nay, được mệnh danh là con-chiên-của-Chúa, chúng ta cũng cùng quan điểm với vua David, xưa! Chúng ta cũng sẵn sàng thốt lên: “Chúa chiên lành người thương dắt tôi đi. Tôi không sợ chi, tôi không thiếu gì. Trên đồng cỏ xanh Người cho tôi được nghỉ ngơi. Bên dòng suối mát Người tăng sức cho tâm hồn”!?

Mà tại sao lại không, nhỉ! Tại sao lại không, khi người thương-dắt-tôi-đi, chính là Mục Tử Giê-su, một người Mục Tử nhân lành, ban cho chúng sự sống đời đời, một cách nhưng không!

Do vậy, thật phải đạo khi chúng ta để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng và tự hỏi: Tôi có thuộc về đàn chiên của Chúa! Và Chúa có phải là mục tử chăn dắt tôi!

Tôi có “nghe tiếng Chúa gọi!” Hay tôi đang bị bao vây bởi rất nhiều tiếng mời gọi khác, của thế gian này!

Thế gian hôm nay, hỗn loạn với rất nhiều tiếng mời gọi. Những tiếng mời gọi đầy hấp lực, đầy quyến rũ, qua những phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại và tinh vi.

Về nan đề này, Ron Rolheiser, OMI, có lời chia sẻ: “Chúng ta bị bao vây bởi rất nhiều tiếng gọi. Hiếm có giây phút nào trong đời sống mà chúng ta không có ai hay không có cái gì đang gọi tới, ngay cả trong giấc ngủ, những giấc mơ và những cơn ác mộng cũng bắt chúng ta phải chú ý.

Mỗi một tiếng gọi đều có nhịp điệu và thông điệp riêng của nó. Một số giọng mời gọi chúng ta bước vào, hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta làm cái này hay cái nọ, mua sản phẩm này hay ý tưởng kia; một số giọng đe dọa chúng ta. Một số giọng dẫn dắt chúng ta đến gần với thù hận, cay đắng và tức giận v.v…”

Có nguy hiểm không! Thưa, có. Thế nên, điều quan trọng hơn cả, đó là làm cách nào để chúng ta nhận ra, đâu là tiếng Chúa gọi ta… và đâu là tiếng satan cùng thế gian gọi ta!

Làm thế nào để chúng ta nhận ra đâu là tiếng gọi “dẫn dắt chúng ta đến gần với thù hận, cay đắng và tức giận”, và đâu là “những giọng khác đòi hỏi chúng ta cố gắng hướng tới thương yêu, lòng biết ơn và tha thứ”!

“Có nhiều nguyên tắc…” Thánh Kinh là nguyên tác căn bản để chúng ta “nhận ra tiếng nói của Chúa” Bởi vì, Thánh Kinh chẳng phải là lời Chúa nói, đó sao!

Nguyên tắc kế tiếp là “từ những mạch nguồn sâu thẳm của truyền thống Ki-tô của chúng ta vốn có thể giúp ích cho chúng ta”, ngài Ron Rolheiser, đã có lời khuyên dạy, như thế. Nói cách khác, đó là Thánh Truyền.

Chúng ta còn có thể nghe tiếng Chúa gọi trong thinh lặng, qua những lời thì thầm. Trường hợp Samuel như một điển hình. Kinh Thánh kể rằng, đã có lần Đức Chúa thì thầm gọi Samuel trong đêm thanh vắng. Lần đầu tiên, Samuel không nhận ra. Sau, nhờ lời chỉ dẫn của Thầy Ê-li, Samuel đã nhận ra, nghe lời thầy dạy, Samuel cất tiếng nói với Chúa: “Lạy Đức Chúa... tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Thật ra, tiếng Chúa gọi qua những lời thì thầm, ngày hôm nay chúng ta gọi là “mặc khải tư”, không phải lúc nào Ngài cũng thực hiện. Tại sao! Thưa, bởi ngày nay, như đã nói ở trên, đã được Chúa nói rất to và rất rõ ràng qua Thánh Kinh.

Thánh Kinh, chính là nơi có rất nhiều “tiếng gọi” của Chúa mà chúng ta sẽ được nghe, nếu chúng ta tiếp cận. Từ Thánh Kinh, chúng ta được biết, rằng: có một người Mục Tử Nhân Lành, người đó chính là Đức Giê-su, một Giê-su Phục Sinh, đã hy sinh chính mạng sống mình vì “đàn chiên”, một Giê-su Phục Sinh, vẫn đứng đó, nơi bàn Tiệc Thánh Thể và cất tiếng mời gọi những “con chiên” yêu dấu của mình, rằng: hãy đến để nhận lấy một thứ cỏ, không phải là thứ cỏ dại, nhưng là thứ cỏ đem lại sự sống đời đời, thứ cỏ mang tên “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”.

Chúng ta có bị “chia rẽ” sau khi nghe những lời này, như người Do Thái xưa đã bị chia rẽ? Chúng ta có như người Do Thái xưa, sau khi nghe những lời này, đã nói về Đức Giê-su rằng: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi!” (x.Ga 10, 19-20).

Vâng, có… có phần chắc là chẳng ai trong chúng ta lại có hành động như thế! Thế thì, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng thưa với Chúa, thưa rằng: “Lạy Chúa khoan nhân - Ngài là mục tử tôi”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây