Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH

Thứ bảy - 10/05/2025 00:03 |   19
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.” (Ga 10,1-10)

12/05/2025
Thứ hai tuần 4 phục sinh
Thánh Nêrêô và Achilêô, tử đạo

t2 t4 PS

Ga 10,1-10


thập giá, căn cước ki-tô hữu
“Thật, tôi bảo thật  các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.”
(Ga 10,1-10)

Suy niệm: Các ki-tô hữu thời đế quốc Rôma, khi bị bách hại, đã dùng dấu hiệu con cá để nhận diện nhau. Những ai không biết mật hiệu ấy ắt hẳn không thuộc cộng đoàn mà có thể là “kẻ trộm, kẻ cướp.” Ngày nay, các nhân viên khi đến cơ quan làm việc phải xuất trình thẻ căn cước để xác nhận mình thuộc về công ty, chứ không phải là kẻ gian phi đến để phá hoại. Căn cước một người thuộc về Đức Ki-tô không nằm ở tấm thẻ bên ngoài mà ở chính cuộc sống của họ được đóng dấu ấn thập giá, khi họ đi qua cánh cửa là Đức Ki-tô, đó là dấu ấn của người mục tử đích thực “liều mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Mời Bạn: Giữa lòng thế giới hôm nay, với quan niệm thế tục về cuộc sống con người, thay vì tôn thờ Thiên Chúa, người ta tôn thờ tiền bạc, quyền lực, lạc thú, nhiều lúc chúng ta cũng hoang mang, chao đảo: Đâu là dấu hiệu thuộc về Đức Ki-tô một cách đích thực? Phải chăng lắm khi bạn đang để “kẻ trộm, kẻ cướp” -là những gì không mang dấu ấn thập giá của Đức Kitô- đột nhập vào cuộc sống của bạn, của gia đình, cộng đoàn bạn? Bạn nhớ, dấu ấn Ki-tô hữu chính là thập giá Chúa Ki-tô.

Chia sẻ: Có khi nào bạn để mình bị “ăn trộm” mất căn tính ki-tô hữu của mình chưa? Bạn làm thế nào để lấy lại?

Sống Lời Chúa: Chọn thực hiện một giá trị Tin Mừng để sống đúng căn tính kitô hữu của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến, để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa, và để Lời Chúa dẫn dắt cuộc đời chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 4 phục sinh

Ca nhập lễ

Chúa Ki-tô một khi từ cõi chết sống lại, thì không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên; xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18

“Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giu-đê-a nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phê-rô lên Giê-ru-sa-lem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: “Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?” Phê-rô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: “Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: “Phê-rô, hãy chỗi dậy giết mà ăn”. Tôi thưa: “Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu”. Tiếng từ trời nói lần thứ hai: “Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp”. Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.

“Và ngay lúc đó, ba người từ Xê-da-rê được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: “Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Si-mon có tên là Phê-rô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ”. Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: “Gio-an đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?”

Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3; 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi.

Xướng: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời!

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúng con biết rằng Ðức Ki-tô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.

Chúa Giê-su phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giê-su nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả: giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Giêsu đứng giữa các môn đệ mà phán rằng: Bình an cho các con – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. chúng con cầu xin…

Suy niệm

MỤC TỬ THÍ MẠNG VÌ CHIÊN (Ga 10, 11-18)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hình ảnh người “Mục tử” hay người chăn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông, được dùng để diễn tả mối tương quan thân mật dễ mến dễ thương giữa Thiên Chúa với dân.

Hình ảnh này được người ta khắc vẽ với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, ôm chúng vào lòng, đưa chiên về với đàn của chúng thật là đẹp.

Khi tự cho mình là Mục Tử, Chúa Giê-su muốn sống những đặc tính của người mục tử biết rõ từng con chiên, yêu thương đến thí mạng vì đoàn chiên để cho chiên được hạnh phúc. Mục Tử chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Quả thật, Chúa Giê-su Mục Tử đã yêu thương loài người (tức chiên) bằng một tình yêu thí mạng, chết cho đoàn chiên. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Chúa. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14).

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm.

Lạy Chúa Giê-su vị mục tử nhân lành, xin đón nhận sự chân thành, cộng tác của mỗi người chúng con trong việc bảo vệ, cổ võ và vun trồng ơn Thiên Triệu. Amen.

 

ĐỨC GIÊ-SU CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH (Ga 10,1-10)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Đức Giê-su là cửa chuồng chiên:

– “Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp”: Đức Giê-su ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ giành quyền lãnh đạo tôn giáo, không phải mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

– “Ta là cửa chuồng chiên”: Đức Giê-su là mục tử đích thật của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn.

2. Nhiều người đã nghe Đức Giê-su giảng và xem nhiều phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài, nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giê-su giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giê-su đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giê-su tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ: Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10,14).

3. “Ta là cửa chuồng chiên”.

Đức Giê-su còn xác định Ngài là cửa chuồng chiên để bảo vệ đàn chiên. Hình ảnh này hơi khó hiểu đối với chúng ta vì phong tục nuôi chiên của người Pa-lét-tin khác với chúng ta.

Trong cuốn “The Holy Land”: vùng đất thánh, tác giả John Kellman mô tả: chuồng chiên ở Do-thái có một bức tường bằng đá chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Ngày nọ một du khách Thánh Địa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Người du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng của anh đâu”? Người mục tử liền đáp: Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe biết, ban đêm anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không có con chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.

4. “Khi sói đến, người làm thuê bỏ chiên mà trốn”.

Đức Giê-su khẳng định “Ta là mục tử tốt lành”, do đó Ngài đã quên bản thân mình để phục vụ lợi ích của dân chúng và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên.

Trong quyển “The land and the Book”Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có một chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả-rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn chiên của chàng.

5. “Anh đi trước và chiên đi theo anh”.

Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.

Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Đức Giê-su mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời. “Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giê-su luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng cũng đều là những lôi kéo của Thiên Chúa.

6. Truyện: Theo anh là thủ lãnh.

Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại ân nhân.

Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói:

– Này em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go: Đường đi xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ… Em ở lại hay theo anh? Nếu em theo anh, chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước, thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tùy em quyết định.

Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người anh, người bạn và nói:

– Theo anh là thủ lãnh của em.

Thế là em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé:

– Em có bỏ không?

Lời thưa đầy hăng hái:

– Em đã chẳng hứa với anh sao?

Sáu tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.


TÔI  LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO
(THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 4 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Được hưởng phúc trường sinh, nếu ta không thờ lạy Con Thú, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Hai Con Thú: Con Thú thứ nhất tiêu biểu cho quyền bính của đế quốc Rôma. Con thứ hai mệnh danh là ngôn sứ giả, phục vụ cho con thứ nhất. Hình như con thứ hai tiêu biểu cho những người cổ võ việc thờ phượng hoàng đế. Ai thắng sẽ được mặc áo trắng, Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh. Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người. Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Được hưởng phúc trường sinh, nếu ta cùng chết với Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Baxiliô Cả nói về: Thần Khí ban sự sống… Từ giếng nước thanh tẩy đi lên là chúng ta đã chết đối với tội, đã từ bỏ những gì xác thịt ham muốn. Thánh Thần dưới hình bồ câu từ trời ngự xuống, bay đến con tàu Giáo Hội, ban tặng bình an của Thiên Chúa. Hạnh phúc biết bao, vì nhờ nước thánh tẩy mà ta được giải thoát và được hưởng sự sống muôn đời.

Được hưởng phúc trường sinh, nếu ta biết khao khát ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Nghe thế, họ mới chịu im, và họ tôn vinh Thiên Chúa mà nói : Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 41, vịnh gia cho thấy: Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Chúa là Mục Tử nhân lành biết từng con chiên một; Chúa là cửa cho chiên ra vào, để chiên gặp được đồng cỏ xanh tươi; qua cửa Chúa mà vào, thì được sống muôn đời. Thật vậy, Chúa là Đấng ban cho chúng ta sự sống, Người thiết lập cho chúng ta một giao ước, đó là Bí Tích Thánh Tẩy, hình ảnh tượng trưng cho cái chếtsự sống: nước là hình ảnh của cõi chết, Thần Khí là bảo chứng mang sự sống. Nước là hình ảnh của cõi chết, chẳng khác nào một nấm mồ. Thần Khí thông ban sinh lực đổi mới linh hồn chúng ta, đưa linh hồn từ tình trạng chết do tội lỗi sang sự sống mới. Đó là sinh lại bởi nướcThần Khí. Sự chết được thể hiện trong nước, còn, sự sống của ta thì do Thần Khí ban. Để giúp chúng ta sống cuộc đời bắt nguồn từ ơn phục sinh, Chúa đề ra cả một lối sống theo Tin Mừng. Như thế, ngay từ đời này, chúng ta đã quyết tâm sống những gì tất nhiên sẽ có trong thế giới mai sau. Nhờ Chúa Thánh Thần, ta được đưa về vườn địa đàng, được dẫn vào Nước Trời và được trở lại làm nghĩa tử. Nhờ Chúa Thánh Thần, ta được dạn dĩ gọi Thiên Chúa là Cha, được thông phần ân sủng của Đức Kitô, được gọi là con cái ánh sáng, được chung phần vinh quang vĩnh cửu. Của bảo chứng mà đã lớn lao như thế, thì, ân sủng đầy đủ sẽ trọng đại biết chừng nào. Hoa quả đầu mùa mà đã dồi dào như vậy, thì, khi mọi sự đã hoàn tất, mùa gặt sẽ phong phú biết bao. Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, ước gì chúng ta được hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

PowerPoint-t2-t4-PS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây