Hôn nhân và tính dục trong Kinh thánh

Thứ ba - 22/03/2022 09:19 |   839
Hôn nhân và tính dục trong Kinh thánh
Hôn nhân và tính dục trong Kinh thánh
 Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng, STD.

 
Kinh Thánh đã mô tả cho chúng ta thấy tính ưu việt của quan hệ tình dục trong đời sống con người, nhất là trong bối cảnh hôn nhân.

Tính dục con người là một điều tốt lành sâu xa và lớn lao được Thiên Chúa ban tặng cho con người, xét như một phần của công trình sáng tạo: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).  

Sách Thánh đã giải thích sự thánh thiêng của mối quan hệ hôn nhân (một xương một thịt), bằng ngôn từ của giao ước đầy yêu thương của Thiên Chúa với dân Người. Hôn nhân là trung tâm của khái niệm Do Thái, về mối tương quan đặc biệt, giữa họ và Thiên Chúa, với ý tưởng về giao ước. Chính ngôn sứ Hôsê đã truyền giảng về tương quan giao ước của Đức Chúa với Israen, trong bối cảnh tiểu sử cuộc hôn nhân của chính ông với một người vợ điếm là Gôme. Như Gôme đã bỏ Hôsê để đi theo người khác, Israen cũng đã bỏ rơi Giavê, mà theo thần Baan, và trở thành Không-Được-Yêu-Thương và Không-Phải-Dân-Ta. Nhưng phản ứng đáng kể của Hôsê, đối với sự thất trung của Gôme, lại nói lên và diễn tả rõ ràng, phản ứng đáng chú ý của Giavê, trước sự thất trung của dân Israen. Hôsê chuộc lại Gôme (Hs 3,2); nghĩa là ông mua lại nàng. Ông yêu thương nàng “thậm chí y như Giavê yêu thương dân Israen, mặc dù họ đã chạy theo những thần khác” (Hs 3,1), và tình yêu bền bỉ của ông đối với Gôme, làm cho ta thấy được tình yêu thương bền bỉ của Giavê dành cho Israen. Cũng như Hôsê đã thương xót Gôme, Giavê “cũng sẽ thương xót Không-Được-Yêu-Thương”, và sẽ “nói với Không-Phải-Dân-Ta rằng: ‘ngươi là dân của ta’”, và họ sẽ lại nói với Người, “Ngài là Thiên Chúa của chúng con” (Hs 2,25).

Dẫn nhập

Thần học luân lý thời hiện đại đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề phát xuất từ sinh học hay kỹ thuật y khoa hiện đại, những câu hỏi liên quan đến điều hòa sinh sản, thụ thai nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sinh sản/nhân bản vô tính, v.v… Trong nhiều trường hợp, Kinh Thánh không cho lời giải đáp nào cả, vì những câu hỏi ấy nằm ngoài kiến thức và/hoặc những mối quan tâm của tác giả được linh hứng. Một số nguyên tắc chứa đựng trong Kinh Thánh, chắc chắn có những hàm ý về những vấn đề hiện đại, và các nhà thần học luân lý hay các nhà đạo đức học phải khám phá ra những ứng dụng của chúng.

Bài viết này cơ bản có ý trình bày và phân tích những nội dung của Kinh Thánh, và đưa ra ít nhất một số kết luận đơn giản, về những chỉ đạo luân lý chung, trong lãnh vực hôn nhân và tính dục.

I. Tính dục con người và hôn nhân trong Kinh thánh

Những bản văn Kinh Thánh khẳng định tính ưu việt của quan hệ nam nữ trong đời sống con người. Sách Thánh cũng giải thích sự thánh thiêng của mối quan hệ hôn nhân (một xương một thịt), bằng ngôn từ của giao ước đầy yêu thương của Thiên Chúa với dân Người. Những ý tưởng này và những ý tưởng khác, giống như thế trong Kinh Thánh, phù hợp với một quan điểm toàn diện, và tích cực về tính dục con người, hơn với bất cứ quan điểm nào khác. Quả thực, có một số đoạn trong cả Tân và Cựu Ước, có vẻ mang tính cách bài bác tính dục: “Thà kết hôn còn hơn bị đam mê thiêu đốt” (1 Cr 7,9). Câu giải đáp của thánh Phaolô, trước sự hiểu lầm rằng, những ngày tận cùng đã đến (1 Cr 7,31), là một thông điệp lẫn lộn. Ngài chuộng bậc sống độc thân hơn bậc sống hôn nhân, trong những ngày cánh chung, nhưng “để tránh hiểm họa dâm ô, mỗi người hãy có vợ, có chồng (1 Cr 7,2).
Dường như ngài muốn nói: hôn nhân là điều thiện hảo, ngay cả đối với Kitô hữu, ngược lại, với phái Khắc dục[1] khổ hạnh và phái Ngộ đạo, vốn khuyến khích mọi Kitô hữu sống đời độc thân, dù chỉ như phương cách an toàn tránh khỏi những tội dâm ô (1 Cr 7,5-9)[2]


Các học giả Kinh Thánh ngày nay thường chỉ ra rằng, những đoạn Kinh Thánh như thế, vốn cần có những giải thích đặc biệt, liên quan đến ngữ cảnh của những đoạn văn đó (đây là vấn đề chú giải), và như vậy, thực ra không phải là bài bác tính dục như chúng có vẻ như thế. Chẳng hạn, thánh Phaolô đã viết trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, đang chờ đợi ngày cánh chung của thế giới. Sự kiện này, khác hơn bất cứ sự chống đối tối hậu nào đối với tính dục, là lý do của những lời khuyên tiêu cực về hôn nhân, trong lá thư thứ I gửi tín hữu Côrintô.
Câu hỏi ở đây có thể được đặt ra, xem liệu có phải Kinh Thánh có những giáo huấn rõ rệt nào khác về tính dục bên cạnh mối tương quan nam/nữ và tính thánh thiêng của giao ước hôn nhân không? Có thể nói rằng: Kinh Thánh rõ rệt loại trừ mọi hình thức tính dục, hạ giá nhân phẩm như bạo dâm, cưỡng dâm, hoặc mãi dâm. Tuy nhiên, thật khó mà đẩy Kinh Thánh đi quá xa, về những vấn đề đặc biệt về luân lý tính dục, như thủ dâm và đồng tính luyến ái. Nhưng Kinh Thánh cho ta những chất liệu thích đáng nhờ đó, trong tư cách Kitô hữu, ta có thể xác định một lối nhìn toàn diện về tính dục, trình bày trong các bài thuyết giảng của chúng ta. Những chất liệu đó, cũng mang lại cho chúng ta, những đường hướng chỉ đạo cho cách hành xử về tính dục, nhưng chúng không cho ta, một lời giải đáp chi tiết cụ thể, cho mọi tình thế lưỡng nan về tính dục trong thời hiện đại, hay trong xã hội chúng ta ngày nay.[3]

Chuẩn mực chung về tính dục theo Kinh thánh

Mặc dù những căn cứ của Kinh Thánh, không cung cấp cho ta một bộ luật, luân lý tính dục Kitô giáo rõ rệt trong từng chi tiết, tuy nhiên, chúng cũng đem lại cho ta một cái nhìn khái quát chuẩn mực về ý nghĩa tính dục, cũng như chỉ dẫn về các hành vi phù hợp với ý nghĩa đó. Quan điểm về tính dục trong cả Cựu và Tân Ước, tạo điều kiện định chế hóa tính dục trong hôn nhân nam nữ, một vợ một chồng, trọn đời trung tín và hướng tới truyền sinh. Định chế này, thể hiện sự liên kết và tồn tục của gia đình, giáo hội, nhà nước, tôn trọng và bảo vệ sự gắn bó yêu thương, qua sự kết hợp tính dục của đôi phối ngẫu. Văn bản Kinh Thánh cũng chứa đựng những kết án rõ rệt, đối với những sai trệch khỏi quy tắc chung này: ngoại tình (Lv 20,10; St 39,9; Cn 2,17; Hc 23,16-21; Xh 20,14; Đnl 5,18; Mc 7,22; Mt 5,28; 15,19; 1 Cr, 6,9; thông dâm (Hc 42,10; Đnl 22,13-21; Lv 19,29); tà dâm hay “gian dâm[4] (Mc 7,21; Mt 15,19; 1 Cr 5,9-11; 7,2; 2 Cr 12,21; Gl 5,19; Ep 5,3.5); và những hành vi đồng tính luyến ái (Lv 18,22; 20,13; Rm 1,27; 1 Cr 6,9).

“Sở dĩ những hành vi này bị loại trừ, bởi vì chúng không phù hợp với đời sống đức tin trong cộng đồng giao ước; và chính bản chất của cộng đồng này, cũng như những biểu hiện là thành viên của cộng đồng ấy, thu hút nhiều nhất sự chú ý của các tác giả Kinh Thánh. Không một điều nào, trong số những điều cấm đoán này, là kết quả hay điều thay thế cho một suy tư toàn diện về ý nghĩa của tính dục con người, hoặc là một trong những luân lý tính dục rành mạch. Như chú giải Tân Ước về những đoạn nói về ly dị chứng tỏ, ngay cả những giáo huấn của Chúa Giêsu cũng không nhất thiết loại trừ mọi ngoại lệ, cho dù những ngoại lệ đó, không được xác định. Mối quan tâm khiến đưa ra những lời khuyên bảo, ngăn cấm, và cho phép là giải thích và đặt ra đời sống đặc thù của dân Thiên Chúa.”[5]

II. Luân lý tính dục trong Cựu Ước

1. Giáo huấn trong Cựu Ước

Giáo huấn trong Cựu Ước về tính dục và hôn nhân phải được định vị, trong bối cảnh các nền văn hóa Cận Đông cổ xưa, mà dân trong Kinh Thánh có những mối gắn bó mật thiết. Đây không phải là chủ ý của chúng ta, bởi vì không cần thiết cho mục đích của chúng ta, việc ở lại lâu dài trong những nền văn hóa ấy, và cách tiếp cận của các nền văn hóa ấy, đối với tính dục và hôn nhân.

Quan niệm Do Thái về tính dục và hôn nhân, tạo nên một sự cách biệt với bối cảnh đa thần giáo. Tính dục không có bị thần thánh hóa. Chẳng có một cặp thần nam thần nữ nào cả, chỉ có Giavê là Đấng duy nhất (Đnl 6,4). Chẳng có một nữ thần nào, được liên kết với vị Thiên Chúa tạo tác cả. Trong trình thuật theo truyền thống Tư tế sau này, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự chỉ bằng cách phán một lời tác tạo (St 1) và, trong trình thuật thuộc truyền thống Giavit thời trước đó, Thiên Chúa tạo dựng muôn vật, bằng cách nhào nặn như một người thợ gốm (St 2-3). Ở đỉnh điểm của việc tạo dựng của Giavê là “ađam”, cả người nam cùng với người nữ: “Thiên Chúa sáng tạo nên con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là “ađam” (St 5,2). Việc Thiên Chúa đặt tên người nam và người nữ cùng là ‘ađam’, tức là, người trần thế hay nhân loại, đều có sự bình đẳng giữa nam và nữ như những con người. Họ là “xương của xương tôi và thịt của thịt tôi” (St 2,23), và bởi vì họ đều bình đẳng, nên họ có thể kết hôn và trở nên “một thân thể” (St 2,24). Những ý tưởng này, được lấy ra từ trình thuật tạo dựng, theo truyền thống Giavít trong sách Sáng thế chương 2, được viết ra từ khoảng 950 năm trước công nguyên, nhưng trình thuật theo truyền thống Tư tế trong Sáng thế chương 1, được viết ra khoảng 400 năm sau, tức vào khoảng năm 550 trước công nguyên, cũng ghi nhận việc tạo dựng con người “theo hình ảnh của Thiên Chúa… Người tạo dựng họ có nam có nữ.” (St 1,27).[6]

Họ được mời gọi đi vào hiện hữu, bởi tác động sáng tạo của Thiên Chúa tối cao. Không phải những nghi thức thánh thiêng bao quanh hôn nhân, làm cho hôn nhân trở thành thánh thiêng đâu. Nghi thức vĩ đại thánh hóa hôn nhân, chính là tác động sáng tạo của Thiên Chúa. Chính là duy một mình Thiên Chúa, chẳng cần có một trợ lực của một đối tác nào khác, Ngài không chỉ sáng tạo ra con người với tính dục, và hướng tới hôn nhân, mà còn ban phúc cho chàng và nàng, làm cho họ cơ bản thiện hảo. Nam và nữ, nhân loại, ađam, tính dục của họ, và hôn nhân của họ, thảy đều thiện hảo, bởi vì họ là những tặng phẩm tốt lành của Thiên Chúa Tạo Hóa. Lịch sử Kitô giáo sau này, diễn ra những nghi hoặc về tính thiện hảo của tính dục, và công dụng của tính dục trong hôn nhân, nhưng truyền thống Do Thái không có nghi hoặc nào như thế.

Sự việc người nam và người nữ trở nên một xương, một thịt, trong hôn nhân, thường giới hạn trong truyền thống Tây phương vào duy một khía cạnh của hôn nhân, tức là, hành động kết hợp hai thân xác trong hành vi giao hợp tính dục. Khía cạnh này, chắc chắn, bao hàm trong việc hai bên trở nên một thân xác, nhưng còn hơn tất cả điều đó nữa, đó là, vì “thân xác” trong ngôn ngữ Do Thái bao hàm toàn thề con người. Trong cuộc tranh luận về tính dục và hôn nhân tại Công đồng Vatican II, vị học giả Kinh Thánh là Đức Hồng y Bernard Alfrinkđã chỉ ra rằng “động từ Do Thái dabag, trong Hy ngữ là kollao, nói lên sự hợp nhất thể lý, của thân xác, về tính dục, nhưng đồng thời cũng bao hàm, trên tất cả, sự hợp nhất tinh thần, vốn hiện hữu trong tình yêu vợ chồng”.[7]

Trong hôn nhân, một người nam và một người nữ kết hợp, trong một sự hợp nhất liên vị, không phải chỉ là một sự hợp nhất về tính dục hay sinh dục mà thôi. Trong sự hợp nhất như thế, họ trở thành một con người xã hội kết đôi và một đời sống, hằng bổ sung cho nhau, đến nỗi họ lại trở thành ađam, như trong thuở khởi đầu. Họ tiến tới một sự hợp nhất, không chỉ lập nên một quan hệ pháp lý không thôi, mà còn lập nên một quan hệ gần như máu thịt, khiến họ trở nên một con người xã hội. Các Rabbis (các tôn sư /học giả Do Thái) còn đi đến chỗ truyền dạy rằng: chỉ khi nào hai người nam nữ kết hôn, và hợp nhất nên một con người, thì hình ảnh của Thiên Chúa mới được thể hiện nơi họ. Một người không kết hôn, theo mắt họ, không phải là một con người trọn vẹn.

Những câu chuyện thần thoại, luôn luôn được chú ý trong nguyên nhân học,nghiên cứunguyên ủy của vạn vật, cho thấy rằng, chính là như thế “từ thuở ban đầu”, và chính là như vậy, bởi kế hoạch rõ ràng của Thiên Chúa. Đối với cả Do Thái lẫn Kitô giáo, không thể có nền tảng nào lớn lao hơn, cho sự thiện hảo về mặt nhân bản, và về mặt tôn giáo, của tính dục và hôn nhân. Cũng không thể, có một thực tại trần thế nào, thiện hảo hơn hôn nhân, để diễn tả Thiên Chúa và mối quan hệ yêu thương bền vững của Ngài, với dân Israen. Đó là bước kế tiếp, trong sự phát triển tính cách tôn giáo của hôn nhân. Tuy nhiên, trước khi chúng ta tìm hiểu điều này, chúng ta cần phải tìm hiểu những ý nghĩa huyền thoại khác nhau, chứa đựng trong chương 1 và 2 của sách Sáng thế.

2. Các trình thuật về sự tạo thành vũ trụ: những bình luận tổng quát

Tuy nhiên, đáng chú ý là hai trình thuật về sự Tạo thành vũ trụ trong các chương đầu của sách Sáng thế, đều lần lượt làm nổi bật khía cạnh truyền sinh, và hợp nhất của hôn nhân. Trong Sáng thế chương 1, việc tạo dựng loài người diễn ra, như tột đỉnh của mọi công trình tạo dựng khác, được Thiên Chúa đắn đo bàn luận: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta…”, và được diễn tả bằng những dòng đầy thi vị:

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình
Theo hình ảnh Thiên Chúa, Người sáng tạo con người
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1,27).


Không có gì khác hơn sự bình đẳng và phẩm giá ngang nhau của nam và nữ được nói lên ở đây. Tiếp theo là lời chúc phúc: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và nói với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và hãy thống trị mặt đất” (St 1,28). Cần phải lưu ý đây, là một lời chúc phúc hơn là một lệnh truyền.[8] Điều này phù hợp với sự quan tâm nhiều của Cựu Ước đến sự phong nhiêu, coi tính cách này là quà tặng của Thiên Chúa, còn sự vô sinh bị coi như một tai họa.
Trình thuật nơi chương 2 sách Sáng thế làm nổi bật những khía cạnh hợp nhất của quan hệ hôn nhân.Trước hết,đã thấy được trong ý nghĩ của Thiên Chúa, đó là “Con người ở một mình thì không tốt”. Các thú vật được tạo nên từ đất, cũng như con người, nhưng chẳng có thú vật nào có khả năng làm trợ tá cho con người cả; cần phải có một sự sáng tạo đặc biệt. Trình thuật nói tới người nữ, được hình thành từ chính chất liệu của thân xác người nam; cho nên, phải nhìn nhận mối liên hệ và sự gần gũi đặc biệt của người nam và người nữ, trong quan hệ hôn nhân: chính như thể trong sự kết hợp này, mà họ trở về lại tính duy nhất nguyên thủy, mà từ đó hai bên đã được tạo thành.


Khía cạnh hợp nhất còn được làm cho nổi bật, khi tác giả diễn tả “bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Sự kết hợp long trọng và cao cả của cặp đôi đầu tiên này, quả thực, làm cho Thiên Chúa chính là tác giả của hôn nhân. Ngôn ngữ hình tượng “hai người nên một xương một thịt” diễn tả mạnh mẽ chế độ một vợ một chồng, ở đây được coi là lý tưởng, cho dù đó, không phải là quy luật bất di, bất dịch ở Israen. Về ông Lamec thì đặc biệt ghi nhận, là ông đã lấy hai người vợ. “Và Lamec lấy hai vợ, một bà tên là Ađa, bà thứ hai tên là Xila” (St 4,19).

Nhiều đoạn khác trong Cựu Ước đều khẳng định khía cạnh này, hay khía cạnh khác, trong các khía cạnh quan trọng này của hôn nhân, đó là sự truyền sinh và tính hợp nhất. Niềm mong ước có con cái, và niềm xác tín rằng, sự phong nhiêu hay sự vô sinh, là do bàn tay Thiên Chúa, là đề tài thường xuyên được nhắc đến trong Cựu Ước, chẳng hạn trường hợp của Sara (St 16,1-2; 18,14; 21,1-2), Rêbêcca (St 25,21), Lêa và Rakhen (St 29,31.32; 30,2.6.17, 22-24), Rut (R 4,13), và Anna (1 Sm 1,5.11, 19-20). Những tình tự trìu mến của tình yêu con người được nhắc đến, như khi Giacóp coi bảy năm phục vụ để có được Rakhen làm vợ, chỉ như một ít ngày thôi, bởi vì tình yêu ông dành cho Rakhen thật lớn lao (St 29,20). Trong các bài Thánh thi, sự trìu mến sâu xa, và cả sự ham muốn tình dục nữa, cũng được bộc lộ. Hôn nhân là chuẩn mực. Đời sống độc thân, như một chọn lựa tự do, hầu như không được biết đến, mặc dù Giêrêmia đã được Chúa truyền đừng cưới vợ, để làm dấu chỉ cho việc sinh đẻ con cái vào thời điểm đó, là vô ích, vì những tai họa hòng đến (Gr 16,1-4), và góa phụ Giuđith đã chọn không tái hôn, mặc dù bà rất được săn đón (Gđt 16,22).[9]
Chế độ một vợ một chồng có thể được coi là lý tưởng trong trình thuật 2, về Tạo thành vũ trụ, nhưng không có tính cách bắt buộc, theo tập tục của Israen (truyền thống hay lối sống) hoặc phong tục. Abraham lấy Haga, nữ tỳ của Sara, cốt để tránh khỏi tình trạng vô sinh của bà này, và Giacop cưới cả hai chị em gái, cùng với hai nữ tỳ của họ; Đavít cưới một số người vợ, và người ta nói Sôlômon có một hậu cung khá lớn. Tuy nhiên, chúng ta không rõ được chế độ đa thê được phổ biến thế nào; vì lấy một người vợ, thì phải trả tiền cưới hỏi cho gia đình nhà gái, cũng như phải chăm lo cho người vợ này. Nguyên nhu cầu kinh tế không thôi, có lẽ cũng bắt buộc người ta chấp nhận chế độ một vợ, một chồng, trong đại đa số trường hợp.

Như đã nói ở trên, trình thuật tạo thành vũ trụ theo truyền thống Giavít lâu đời hơn trong Sáng thế, đã định vị tính dục trong bối cảnh của tương quan. “Người nam ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Sự quan trọng của người trợ tá, đối với người được trợ tá, có thể tìm thấy, vì đã được hai lần nhắc đến trong Thánh vịnh (30,10 và 54,4). Thiên Chúa đã được trình bày như Đấng trợ lực loài người. Sự bình đẳng của các đối tác, trong tương quan trợ tá này được nhấn mạnh. Người nam và người nữ là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Họ có cùng những thế mạnh và những thế yếu như nhau, và câu chuyện huyền thoại khẳng định rằng: chính vì sự bình đẳng và tiềm năng hoạt động tình dục của họ, mà người nam, người nữ có thể kết hôn với nhau. Chí lý thay, họ hoàn toàn thoải mái với giới tính của nhau,vì “cả hai đều trần truồng và không thấy xấu hổ” (St 1,25), một sự hân hoan được biểu lộ hồn nhiên, trong bản tình ca vĩ đại của Do Thái, ca khúc của các ca khúc.

Khoảng bốn trăm năm về sau, truyền thống Tư tế lại tường thuật Thiên Chúa chúc phúc cho ađam, người nam và người nữ, và ra lệnh cho họ “sinh sôi nảy nở cho đầy tràn mặt đất và thống trị địa cầu” (St 1,28). Nam và nữ, cùng với tính dục và tính phong nhiêu của họ, được Thiên Chúa chúc phúc: mãi mãi không thể nào nghi ngờ được về sự thiện hảo của tính dục. Huyền thoại theo truyền thống Tư tế đặt tính dục trong bối cảnh truyền sinh, tức là bối cảnh của việc cộng tác với Đấng Tạo hóa, trong cả việc sinh sản con cái lẫn chăm sóc chúng. Raymond F. Collins lưu ý rằng “sự sinh sản được đánh giá ở Israen, trong chừng mực các gia đình đông con, đều được coi là sự thể hiện lời hứa của Thiên Chúa với Abraham”[10].

Cho nên, từ đầu của truyền thống Kinh Thánh, tính dục được Thiên Chúa sáng tạo gắn liền với hai triển vọng: hai người nam nữ giúp đỡ lẫn nhau và cả hai cùng nhau sinh sản con cái.Hai triển vọng này, là những điều chúng ta cũng thấy trong truyền thống khắc kỷ Hy-La. Musonius Rufus của phái khắc kỷ, biện luận rằng: hôn nhân là một định chế tự nhiên và nhằm truyền sinh, với hai mục đích lớn lao: một là giao hợp tính dục và sinh sản, hai là cuộc sống chung giữa đôi vợ chồng, và đây chính là cộng đồng quan trọng và đáng kính nhất trong các cộng đồng. Hai mục đích lớn lao này, có những lịch sử phức tạp trong truyền thống Công giáo hậu Kinh Thánh.

o    Tính dục con người: Bối cảnh, ý nghĩa và tính luân lý | Phần 2
o    Tính dục con người, bối cảnh, ý nghĩa, và tính luân lý
o    Đức Giêsu Kitô – Đường Công Chính

3. Hôn nhân là hình ảnh của Giao ước

Hôn nhân là trung tâm của khái niệm Do Thái, về mối tương quan đặc biệt, giữa họ và Thiên Chúa, với ý tưởng về giao ước. Tác giả Đệ nhị luật nhắc nhở toàn dân đang tụ họp: “Hôm nay anh em đã làm cho Đức Chúa tuyên bố rằng: Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, và anh em là một dân riêng của Người” (Đnl 26,17-19). Đức Chúa là Thiên Chúa của Israen; và Israen là dân của Đức Chúa. Đức Chúa cùng với Israen làm thành một kết hợp cứu độ, một kết hợp ân sủng, một kết hợp có thể nói là của một thân thể. Có lẽ, chỉ còn là vấn đề thời gian, cho đến khi dân này bắt đầu diễn tả tương quan giao ước này, bằng ngôn ngữ rút ra từ hôn nhân, và người thứ nhất lấy hôn nhân làm hình ảnh cho giao ước, chính là ngôn sứ Hôsê. Ông truyền giảng về tương quan giao ước của Đức Chúa với Israen, trong bối cảnh tiểu sử cuộc hôn nhân của chính ông với một người vợ điếm là Gôme. Để hiểu được lời giảng dạy của vị ngôn sứ, về cả hôn nhân lẫn giao ước, chúng ta trước hết phải hiểu được thời đại lịch sử xã hội mà vị ngôn sứ đã sống.

Hôsê giảng dạy vào giữa thế kỷ VIII trước công nguyên, ở thời kỳ Israen đã ổn định vững vàng tại Canaan. Thực ra, nhiều người Do Thái đã nghĩ rằng, họ đã quá thích ứng với vùng đất hứa của họ, vì giữa những lối sống mới mà họ đã học được, có sự thờ cúng thần sinh sản Baan. Sự thờ cúng này, một thách đố nghiêm trọng đối với sự tôn thờ Thiên Chúa Giavê, nằm ngay trong khuôn mẫu cổ điển, được trình bày trước nữa, đó là một cặp đôi thần nam và nữ, với Baan là chủ tể của đất và Anat là vợ của thần này. Sự kết hợp tính dục và sự phong nhiêu của cặp đôi này, được coi như khuôn mẫu của sự kết hợp phong nhiêu của mọi đôi vợ chồng, và niềm tin tưởng này đã được diễn tả, trong việc thờ cúng qua nghi thức giao phối, trong đền thờ thần Baan. Những nghi thức giao phối như thế bị cấm, trong việc thờ phượng Giavê (Đnl 23,18), và bất cứ phụ nữ Do Thái nào có tham gia vào những nghi thức ấy đều bị coi là một con điếm. Thế mà, Giavê lại truyền cho Hôsê cưới Gôme, một con điếm, làm vợ (Hs 1,2-3).
Thật chẳng liên quan gì đến việc chúng ta bàn luận xem, liệu cuốn sách của Hôsê có truyền cho chúng ta, điều mà Hôsê đã làm trong thực tại lịch sử, tức là, cưới một cô vợ-điếm, và trung tín với cô ta, bất chấp sự bất trung của cô ta đối với ông, hoặc liệu sách đó có cho ta một dụ ngôn về hôn nhân, như một giao ước vững bền hay không? Điều duy nhất nổi bật ở đây, là Hôsê đã tìm thấy nơi hôn nhân, cả trong hôn nhân của chính ông, lẫn trong hôn nhân nói chung, một hình ảnh để biểu trưng, sự bền vững của tình yêu giao ước của Giavê đối với dân Israen. Ở bề ngoài, cuộc hôn nhân của Hôsê và Gôme, cũng giống như bất cứ một cuộc hôn nhân nào khác. Nhưng ở bình diện sâu xa hơn, cuộc hôn nhân ấy được dùng làm biểu trưng, mang tính tiên tri, loan báo, mạc khải và thể hiện mối tương quan giao ước giữa Giavê và Israen. Tên của hai người con của Hôsê, phản ánh tình trạng buồn sầu của mối tương quan này: một đứa con gái là Không-Được-Yêu-Thương (Hs 1,6), và một đứa con trai là Không-Phải-Dân-Ta (Hs 1,9). Như Gôme đã bỏ Hôsê để đi theo người khác, Israen cũng đã bỏ rơi Giavê, mà theo thần Baan, và trở thành Không-Được-Yêu-Thương và Không-Phải-Dân-Ta. Nhưng phản ứng đáng kể của Hôsê, đối với sự thất trung của Gôme, lại nói lên và diễn tả rõ ràng, phản ứng đáng chú ý của Giavê, trước sự thất trung của dân Israen. Hôsê chuộc lại Gôme (Hs 3,2); nghĩa là ông mua lại nàng. Ông yêu thương nàng “thậm chí y như Giavê yêu thương dân Israen, mặc dù họ đã chạy theo những thần khác” (Hs 3,1), và tình yêu bền bỉ của ông đối với Gôme, làm cho ta thấy được tình yêu thương bền bỉ của Giavê dành cho Israen. Cũng như Hôsê đã thương xót Gôme, Giavê “cũng sẽ thương xót Không-Được-Yêu-Thương”, và sẽ “nói với Không-Phải-Dân-Ta rằng: ‘ngươi là dân của ta’”, và họ sẽ lại nói với Người, “Ngài là Thiên Chúa của chúng con” (Hs 2,25).[11]

Sự hiệp nhất theo giao ước giữa Hôsê và Gôme, cũng như sự hiệp nhất theo giao ước giữa Giavê và Israen, là không thể lay chuyển được. Sự tách phân tương quan vợ chồng, là bất khả đối với Hôsê, bởi vì ông nhận biết rằng, Thiên Chúa của ông không phải là một Thiên Chúa có thể chịu đựng được sự hủy bỏ giao ước, dù bất cứ lý do gì.

Tình yêu giao ước mà Hôsê nói đến, khác xa tình yêu do dục vọng và sự cam kết giữa hai con người[12]; đó là một tình yêu, mà rốt cuộc, là một quyết định giữ trung thực và trung tín, phục vụ và tuân phục. Do đó, khi ta đọc về tình yêu bền vững của Hôsê dành cho Gôme, và tình yêu trung tín của Giavê dành cho Israen, ta phải hiểu ở đây, là sự trung tín, phục vụ, và tuân phục có chủ ý, chứ không phải chỉ là thứ tình cảm song phương, cảm nhận được giữa hai người mà thôi.
Vậy chúng ta cần phải hiểu câu chuyện hôn nhân, Hôsê để lại cho chúng ta là gì? Ý nghĩa trước tiên và rõ ràng về Giavê: Thiên Chúa là Đấng trung tín. Cũng có một ý nghĩa thứ hai, và phần nào bí nhiệm hơn, về hôn nhân. Trên một bình diện, đó không chỉ là sự thông hiệp sâu xa, giữa một người nam và một người nữ thôi đâu, mà trên một bình diện khác, đó cũng còn là một biểu trưng có tính tiên tri, loan báo và mạc khải cho ta, tình yêu bền vững của Giavê đối với dân Israen. Được diễn tả lần đầu tiên, bởi ngôn sứ Hôsê, cái nhìn về hôn nhân như thế, còn tái diễn nơi các ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkien (Gr 3,6-14; Ed 23,4). Israen và Giuđa là những ả điếm giống như Gôme, nhưng lòng trung tín của Giavê bền vững, như sự trung tín của Hôsê. Giavê nói lên tình yêu vĩnh cửu của Người: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta tiếp tục chung thủy với ngươi” (Gr 31,3; x. Ed 16,63; Is 54,7-8). Niềm tin và trải nghiệm về sự trung tín theo giao ước tạo nên, và duy trì niềm tin và khả năng trung tín trong hôn nhân, khi đó, và chỉ khi đó, điều này mới trở nên một biểu trưng tiên báo cho giao ước. Sự trung tín với giao ước của Giavê, trở thành một đặc điểm cho ta bắt chước, một đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận, trước tiên, trong mọi hôn nhân của dân Do Thái và sau này trong mọi hôn nhân Kitô giáo.[13]

4. Những vấn đề luân lý trong Cựu Ước

Các lý tưởng của dân Do Thái, trong lãnh vực luân lý tính dục, khá là nghiêm khắc, nhất là, khi ta nhận thấy tính phóng túng, nơi những nền văn hóa chung quanh họ. Chúng ta sẽ duyệt lại những thái độ của người Do thái, trong những vấn đề gian dâm, ngoại tình, và ly dị. Tuy nhiên, cần phải mở rộng bức tranh ra khỏi giới hạn của luật pháp, vì luật lệ trong Cựu Ước vừa còn chưa đầy đủ, vừa thiếu tính hệ thống, và một bức tranh rõ ràng hơn, về sự đáp ứng của Israen đối với giao ước sẽ nổi bật lên, khi tham khảo những tài liệu khác nữa. Những ký sự (“lịch sử” theo nghĩa rộng) minh họa một số lãnh vực rõ ràng hơn luật lệ, và truyền thống khôn ngoan, cũng là một chứng tá quan trọng, cho luân lý tính dục của Israen.

4.1. Vấn đề gian dâm

Vì Cựu Ước không có luật lệ ngăn cấm rõ ràng và cụ thể đối với việc gian dâm, nên một số người kết luận rằng: gian dâm không bị lên án. Nhưng cần phải lưu ý rằng, sự mong muốn, theo luật pháp, cô gái còn trinh tiết khi kết hôn là rất mạnh mẽ, và những chế tài (về vấn đề này) rất nghiêm khắc, đến nỗi quy định liên quan đến những điều này hầu như không cần thiết nữa. Phong tục ở Israen là cha mẹ phải giữ lại nội y, hay khăn trải giường của đêm động phòng để làm bằng chứng trinh tiết của con gái mình. Nếu chàng trai mà cô dâu trao thân khẳng định: cô không còn là một trinh nữ, mà cha mẹ cô không đưa ra được bằng cớ minh chứng trái ngược lại, cô gái sẽ bị ném đá tới chết (Đnl 22,13-21).[14]

4.2. Vấn đề ngoại tình

Luật cấm ngoại tình phổ biến ở Israen, nó là một khoản luật trong Thập giới.[15] Hình phạt là tử hình cho cả người đàn ông lẫn người đàn bà ngoại tình (Lv 20,10). Nguyên nhân đằng sau,\ lệnh cấm ngoại tình không phải chỉ cốt để bảo vệ tính hợp pháp của dòng dõi một người đàn ông, cũng không phải chỉ để liên kết với những trách nhiệm xã hội, bởi là những thành viên của cùng một cộng đồng, như đôi khi vẫn được coi như thế. Câu chuyện của Giuse và bà vợ của Pôtipha cho thấy, cả những quan tâm mang tính tôn giáo rõ rệt, lẫn lệnh cấm đối với cả những người không phải là Do Thái. Đáp lại lời nài nỉ của người đàn bà Ai Cập, Giuse nói rằng: đó là “điều ác tày đình” và một “tội phạm chống lại Thiên Chúa” (St 39,9).

Như thế, ký sự này đặt luật pháp Israen theo đúng triển vọng của nó. Những chiều kích bổ túc cũng được nhìn thấy, khi nhóm sách khôn ngoan của Israen xuất hiện, nhất là khi tính biến chuyển theo thời gian (liên quan đến tiến triển lịch sử) được lưu ý. Trong Hc 23,22-23, tính hợp pháp của con cái, được liệt kê chỉ đứng hàng thứ ba, sau “bất tuân lề luật của Đấng Tối Cao” và “mắc lỗi với chồng”. Một ghi chú tôn giáo rõ ràng được thấy trong Cn 2,17, ở đó, tội của người nữ ngoại tình là ở chỗ “quên lãng giao ước của Thiên Chúa của mình”. Sự khai triển cũng thấy trong Hc 23,16-21, trong đó, sẽ đe dọa kẻ làm ô uế giường phu thê của nó”.[16]

Ngoại tình là điều Kitô hữu phải tránh. Tội này, là điều thứ sáu, trong Mười Điều Răn cấm đoán. Ngoại tình xuất hiện trên nhiều bản liệt kê tội lỗi, mà Kitô hữu phải xa lánh. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Thêsalônica, đừng làm tổn thương người đồng đạo của mình, bằng cách phạm tội ngoại tình, chống lại vợ mình (1Tx 4,6). Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, dứt khoát lên án tội ngoại tình, khi ngài huấn dụ các độc giả của mình: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình” (Dt 13,4). Tội ngoại tình nghiêm trọng, nhưng không phải đó là tội duy nhất, cũng không phải là tội không thể được tha thứ. Cả hai điểm này, đều được thấy rõ trong câu truyện bi thảm, về người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (Ga 7,53; 8,11).[17]

4.3. Vấn đề ly dị

Tính hợp pháp của việc ly dị đã được giả định trước trong Cựu Ước. Luật lệ liên quan đến ly dị, xử lý vụ việc rõ ràng, được ghi chép trong Đệ nhị luật 24,1-4.

“Khi một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó
  nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có sự
  không đoan trang, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận
  tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy
  chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng
  một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu
  người chồng, sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu
  tiên đã đuổi nàng đi, không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi
  nàng đã ra ô uế. Đó là điều ghê tởm trước nhan Đức Chúa. Và anh
  em không được làm cho miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của
  anh em, đã ban cho anh em làm gia nghiệp, phải mang tội
 (Đnl 24,
  1-4).[18]


Bản luật này (Đnl 24,1-4) chỉnh đốn việc thi hành theo hai cách: qui định người đàn ông muốn bỏ vợ, phải cấp cho nàng một chứng thư xác nhận trường hợp này (nàng coi như được tự do đi lấy chồng), và cấm người chồng trước không được kết hôn lại với người vợ của mình nữa một khi nàng đã lấy người khác. Lý do của sự cấm đoán này, là vì người đàn bà ấy, khi ân ái với người đàn ông khác, bây giờ đã trở thành ô uế, bất xứng với người chồng trước. Cách diễn đạt của luật này, không hàm ý muốn thiết lập cơ sở pháp lý cho việc ly dị, nhưng chỉ giả định, là người chồng thấy có điều gì bất xứng nơi người vợ. Ngôn sứ Giêrêmia, dường như ám chỉ về luật này, khi ông nói đến sự khó khăn, trong việc Israen trở về với Đức Chúa, sau những thất trung của mình (Gr 3,1). Ngôn sứ Malakhi lên án việc ly dị, vốn mang lại sự khốn khổ cho người đàn bà bị rẫy bỏ, “người vợ trong tuổi thanh xuân”, gọi đó là phản bội lòng tin (Ml 2,13-16). Vì văn cảnh rộng hơn (các câu 10-12)[19] bao hàm sự lên án, việc kết hôn với các người vợ ngoại giáo, điều này, dường như mường tượng ở đây, một sự rẫy bỏ người vợ Do Thái, vì thích người ngoại giáo hơn. Cho dù hôn nhân ở đây, dường như được đưa ra để nói về giao ước (“người vợ của giao ước của ngươi” câu 14), người ta đã biện luận rằng: giao ước được nói đến ở đây, chính là giao ước trên núi Sinai, hạn từ phân biệt, người vợ Israen với người ngoại giáo. Cho dù điều này là đúng, hôn nhân vẫn phải được quan niệm ra, trong những điều kiện của giao ước, vì các ngôn sứ, từ Hôsê trở đi, đều so sánh mối liên kết giữa Israen và Giavê, với sự kết hợp hôn nhân, mỗi bên, đều đòi hỏi sự trung tín có thể so sánh được. Khi Êdêkien, dùng phúng dụ kiểu hôn nhân, đã để Thiên Chúa phán: “Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi” (Ed 16,8), những lời này, cũng sẽ có thể được áp dụng cho hôn nhân, và cho hoàn cảnh của Israen.

Tóm lại, tính dục giữ một vai trò tương đối nhỏ trong Cựu Ước. Ở chóp đỉnh của công trình tạo đựng là ‘ađam’, được tạo nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa, …nam và nữ” (St 1,27), tức là, có giới tính. Nam và nữ là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2,23); nghĩa là, họ là người như nhau, và bởi vì họ bình đẳng, nên họ, có thể lấy nhau và trở nên “một thân thể” (St 2,24). Cách diễn tả thông thường của Tây phương về bản văn này, thường nói đến sự kết hợp tính dục của người nam và người nữ trong hôn nhân. Tuy nhiên, trong toàn cảnh xã hội – lịch sử của nó, bản văn lại đề cập đến việc, họ trở nên một đời sống lứa đôi với nhau, một con người xã hội. Trình thuật tạo dựng thứ nhất, theo truyền thống Giavít, đặt cặp đôi này trong bối cảnh những tương quan: “người nam ở một mình thì không tốt” (St 2,18).

Trình thuật tạo dựng thứ hai, theo truyền thống Tư tế, đặt cặp đôi này trong bối cảnh tiền tạo dựng; nam và nữ đều phải “phong nhiêu và sinh sôi nảy nở” (St 1,28). Mục đích kép nhắm tới, liên kết tương quan và tới việc truyền sinh của cả tính dục lẫn hôn nhân, sẽ tiếp nối trong truyền thống Công giáo cho tới ngày nay, và sẽ còn tranh cãi rộng rãi.
Tuy nhiên, hôn nhân và tính dục trong hôn nhân không chỉ là điều “tốt lành” mà thôi, nhưng có thể nói cả hôn nhân và tính dục, đều tốt lành ngay từ đầu, bởi vì chúng đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa tốt lành. Cả hai sẽ dẫn đến sự thiện hảo và  sẽ trở nên tốt đẹp, đến nỗi trong sách ngôn sứ Hôsê đã mô tả, sự kết hợp vợ chồng, giữa người đàn ông và người đàn bà, sẽ trở nên biểu trưng tiên báo, cho sự kết hợp giao ước, giữa Thiên Chúa và dân Người, và sự kết hợp tính dục sẽ được thể hiện nơi chính nó, và giống như hình ảnh của Đấng Thiên Chúa, vốn hằng yêu thương cả đàn ông lẫn đàn bà, như hai tình nhân yêu thương nhau. Phán quyết trong Cựu Ước về cả tính dục lẫn hôn nhân, sẽ chuyển sang Tân Ước một cách tự nhiên.[20]

III. Luân lý tính dục trong Tân Ước

Trong xã hội phụ hệ của kỷ nguyên Tân Ước, sự tránh xa tội ngoại tình rốt cuộc là vấn đề không vi phạm những quyền lợi hôn nhân và quyền lợi làm cha mẹ của một người có gia đình. Các tác giả Tân Ước đã đặt thêm bổn phận trung thành với hôn nhân của mình bên cạnh lòng tôn trọng cố hữu dành cho hôn nhân của người khác. Thánh Máccô khai triển giáo huấn truyền thống của Chúa Giêsu, để nhắc nhở thính giả của ngài rằng: khi một người đàn ông ly dị vợ mình để cưới một người vợ khác, thì người ấy đã gây đau khổ cho nàng, vì người đàn ông ấy đã phạm tội ngoại tình đối với nàng (Mc 10,11). Giá trị của trung tín trong hôn nhân, thúc đẩy tác giả các thư mục vụ kể ra tình trạng “chỉ có một đời vợ,” trong bản liệt kê, những phẩm chất mà ngài mong đợi phải có nơi các người lãnh đạo giáo đoàn, cũng như nơi những ai muốn được ghi tên vào sổ các bà góa (1 Tm 3,2.12; 5,9; Tt 1,6).

Ý tưởng bình đẳng, trong tương quan hôn nhân, được ngụ ý trong cụm từ “đối với vợ mình” mà Thánh Máccô thêm vào ngôn từ của Chúa Giêsu, theo truyền thống (ngôn từ gán cho Chúa Giêsu mà không thấy ghi trong Kinh Thánh) về ly dị (Mc 10,11), là lời mà thánh Phaolô đã khai triển trọn vẹn, trong chuyên luận dài của ngài về tính dục (1 Cr 5,7). Đàn ông và đàn bà, đều ở trong những tình trạng như nhau, đối với tương quan tính dục của họ trong hôn nhân. Cả nam và nữ đều có trách nhiệm, phải thỏa mãn nhu cầu tính dục của phối ngẫu mình (1Cr 7,2-5). Các ông chồng và các bà vợ, phải quan tâm làm hài lòng phối ngẫu của mình (1Cr 7,32-35). Cả hai vợ chồng, đều có những trách nhiệm giống nhau, phải sống bình an với nhau, ngay cả trong một hôn nhân khác đạo (1Cr 7,12-16).

Huấn dụ bao quát của thánh Phaolô về tính dục con người được chứa đựng trong một lá thư dài, cốt để kêu gọi các Kitô hữu Côrintô trở thành dân thánh thiện của Thiên Chúa (1Cr 1,2) và trở nên hợp nhất như một cộng đoàn (1Cr 1,10). Những yếu tố đa dạng trong huấn dụ của thánh Phaolô, về tính dục con người, cần phải được nhìn dưới ánh sáng của lời mời gọi Kitô hữu nên thánh. Đây không mấy là[LDQ1]  vấn đề lòng đạo đức, cho bằng vấn đề sống như những phần tử thuộc dân thánh của Thiên Chúa. Phong cách một Kitô hữu, ứng phó với tính dục của mình, là phong cách người Kitô hữu hưởng ứng lời mời gọi mình nên thánh. Trong thư gửi tín hữu Thêsalônica, thánh Phaolô đã đặt sự thánh thiện và sự vô luân tính dục trong tương quan đối nghịch lẫn nhau (1 Tx 4,3-8). Kitô hữu phải tránh sự vô luân tính dục và đi theo sự thánh thiện. Trong nỗ lực nên thánh này, mà cách hành xử tính dục là một yếu tố không thể thiếu được, người Kitô hữu không được cậy sức riêng mình. Chính Thiên Chúa, sẽ ban cho dân Người ơn thánh hóa.[21]

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng: giáo huấn Tân Ước không huyền thoại hóa tính dục và hôn nhân, như một sự bắt chước tính dục và hôn nhân của một đôi thần linh nào đó, cũng không lý tưởng hóa những điều ấy vượt xa khỏi khả năng của những người nam và nữ đang mang một thể xác. Trái lại, giáo huấn này để tính dục và hôn nhân, có sao là vậy, những thực tại con người, trong đó, một người nam và một người nữ tìm cách trở nên một con người, trong một hiệp thông sự sống, tình yêu, và phục vụ sâu xa và bình đẳng. Điều được thêm vào, chỉ là điều này, đơn giản nhưng phức hợp một cách nhiệm mầu. Vì họ trở nên một con người-một thân thể  trong tình yêu giao ước, họ trở nên, qua sự kết hợp hôn nhân và tính dục của họ, một biểu trưng tiên báo, một sự kết hợp tương tự giữa Đức Kitô và Hội Thánh của họ (Ep 5,1-33). Hôn nhân không phải là một thực tại cực kỳ trần tục, đến nỗi không thể biểu trưng được, cho Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài; sự kết hợp tính dục cũng không phải là điều gì tầm thường, đến nỗi không thể trở nên hình ảnh và biểu trưng cho một sự kết hợp khác, sự kết hợp mầu nhiệm hơn; và cũng không phải là một thực tại hoang đường, đến nỗi, những người nữ và những người nam không thể chung sống với nhau nên một. Như Công đồng Vaticanô II sẽ dạy sau này, “một sự hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu vợ chồng” (X. Gaudium et Spes [Vui mừng và Hy vọng], số 48).
                       

Lm. Trần Mạnh Hùng, STD.
Tác giả giữ bản quyền – Copyright©2021

[1] Phái Khắc dục ( Encratites): là những người “kiêng cữ” hay “những người thực hành tiết dục”, bởi vì họ kiêng cữ rượu, thịt, và hôn nhân. Danh hiệu này được gán cho một giáo phái Kitô thời sơ khai, hay đúng ra là một khuynh hướng chung của nhiều giáo phái, nhất là giáo phái Ngộ đạo (Gnostic), mà đường lối khắc khổ của họ dựa trên những quan điểm dị giáo liên quan đến nguyên ủy của vật chất. (Xem Catholic Encyclopedia  – http://www.newadvent.org/cathn/05412c.htm. Truy cập 22/07/2013).
[2] Xem Todd Salzman và Michael Lawler, The Sexual Person: Toward a Renewed Catholic Anthropology [Con người Tính dục: Hướng tới một nền Nhân học Công giáo Đổi mới] (Washington D. C.: Georgetown Uni. Press, 2008), trang 22.
[3] Philip S. Keane, S.S., Sexual Morality: A Catholic Perspective [Luân lý Tính dục: Một Quan điểm Công giáo] (New York: Paulist Press, 1977).
[4] Porneia (nguồn gốc Hy ngữ): từ này bao hàm tội gian dâm, như:
a. ngoại tình, tà dâm, đồng tính nam, đồng tính nữ, thú dâm, v.v 
b. loạn luân; Lv 18.
c. giao hợp với một người nam hay nữ đã ly dị; Mt 10,11. (Bổ sung 22/7/2013 – http://www. Biblestudytools.com/lexicons/greek/kjv/porneia.html).

[5] Lisa Sowle Cahill, Between The Sexes: Foundations for a Christian Ethics of Sexualities [Giữa các Giới tính: Nền tảng cho một nền Luân lý Tính dục Kitô giáo] (Philadelphia: Fortress, 1985), tr. 143.
[6] . Xem Todd Salzman và Michael Lawler, The Sexual Person: Toward a Renewed Catholic Anthropology [Con người Tính dục: Hướng đến một nền Nhân học  Công giáo Đổi mới] (Washington D. C. : Georgetown Uni. Press, 2008), tr. 16.
[7] . Xem Todd Salzman và Michael Lawler, The Sexual Person: Toward a Renewed Catholic Anthropology  Con người Tính dục: Hướng đến một nền Nhân học Công giáo Đổi mới] (Washington D. C. : Georgetown Uni. Press, 2008), tr. 17.
[8] . Xem David Daube, The Duty of Procreation [Bổn phận Truyền sinh] (Edinburgh: Edinburgh University Press, 1977).
[9] . Xem Pope John XXIII Medical-Moral Research and Education Centre, Human Sexuality and Personhood [Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Y- đức  Giáo hoàng Gioan XXIII, Tính dục Con người và Nhân vị ] (St. Louis, Missouri: Pope John Center, 1981), tr. 16-17.
[10] . Raymond F. Collins, Christian Morality: Biblical Foundations [Luân lý Kitô giáo: Nền tảng Kinh Thánh] (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1986),
[11] . Todd Salzman và Michael Lawler, The Sexual Person: Toward a Renewed Catholic Anthropology [Con người Tính dục: Hướng đến một nền Nhân học Công giáo Đổi mới] (Washington D. C.: Georgetown Uni. Press, 008), tr. 18-20.
[12] . Theo thói quen hiện thời, tình yêu luôn có nghĩa là một thứ tình cảm mạnh mẽ đối với ai đó, thường là một tình cảm đam mê đối với một người khác phái. Khi chúng ta thấy từ này trong Kinh Thánh, chúng ta dễ cho rằng từ ấy hàm ý y hệt những điều đó; nhưng thực ra không phải như vậy, ít ra là không phải chỉ có như vậy thôi đâu.
[13] . Todd Salzman và Michael Lawler, The Sexual Person: Toward a Renewed Catholic Anthropology [Con người Tính dục: Hướng đến một nền Nhân học Công giáo Đổi mới] (Washington D. C.: Georgetown Uni. Press, 008), tr. 18-20.
[14] . X. Pope John XXIII Medical-Moral Research and Education Centre, Human Sexuality and Personhood [Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Y- đức  Giáo hoàng Gioan XXIII, Tính dục Con người và Nhân vị ] (St. Louis, Missouri: Pope John Center, 1981), tr. 20-22.
[15] . Mười Điều Răn hay Thập giới là một bản liệt kê những lệnh truyền tôn giáo và luân lý mà, theo Kinh Thánh Do Thái, đã được Thiên Chúa phán truyền cho dân Israen từ trên núi Sinai hay Hôrep và sau này có Thiên Chúa là tác giả và được phán truyền hay được viết ra bởi Môsê trên hai phiến đá. Mười Điều Răn này được công nhận như nền tảng luân lý trong Do Thái giáo và Kitô giáo, và căn bản của Mười Điều Răn này cũng xuất hiện trong đạo Hồi. Cụm từ “Mười Điều Răn” thường được dùng để chỉ những đoạn tương tự trong Xuất hành 20,2-17 và Đệ nhị luật  5,6-21. Các đoạn trong Xuất hành 20 và Đệ nhị luật 5, thường được chia ra thành 14 hay 15 câu, mỗi đoạn được coi là đồng nhất trong bản văn Kinh Thánh như chứa đựng mười điều răn. Những đoạn này tuyên bố  Đức Chúa, Đấng đã đưa dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, là Thiên Chúa của họ; cấm sự tôn thờ các thần các thần khác trước mặt Đức Chúa, và sự tạo ra hay tôn thờ các ngẫu tượng; đe dọa trừng phạt những ai từ bỏ Đức Chúa và Ngài hứa yêu thương những ai yêu mến Ngài; cấm lạm dụng danh Đức Chúa; lệnh phải giữ ngày Sabat và tôn kính cha mẹ mình; và sau cùng, cấm giết người, ngoại tình, trộm cắp, chứng gian, và tham lam của cải người lân cận. Các tôn giáo và các giáo phái, chuyển ngữ và thông dịch những Điều Răn này, theo nhiều cách khác nhau.
[16] . X. Pope John XXIII Medical-Moral Research and Education Centre, Human Sexuality and Personhood [Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Y- đức Giáo hoàng Gioan XXIII, Tính dục Con người và Nhân vị] (St. Louis, Missouri: Pope John Center, 1981), tr. 23.
[17] . X. Raymond F. Collins, Sexual Ethics and the New Testament [Luân lý tính dục và Tân Ước] (New York: The Crossroad Publishing Company, 2000), tr. 186.
[18] . X. Đnl 24,1; Mt 19,7; Mc 10,4; Mt 5,31 đã dẫn.
[19] . Giuđa phỉ báng giao ước: Tất cả chúng ta chẳng có cùng một Cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta? Giuđa đã bội phản, ở Israen và ở Giuđa, người ta đã làm điều ghê tởm: quả thật, Giuđa đã xúc phạm Thánh Điện của Đức Chúa mà Người hằng yêu mến, và nó đã cưới con gái của một thần ngoại bang. Kẻ nào làm như thế, xin Đức Chúa bứng nó khỏi lều Giacóp, cả người làm chứng, người bảo trợ cũng như người tiến dâng lễ vật kính Đức Chúa các đạo binh! (Ml 2,10-12).
[20] . X. Raymond F. Collins, Sexual Ethics and the New Testament [Luân lý tính dục và Tân Ước] (New York: The Crossroad Publishing Company, 2000), tr. 185-188.
[21] . X. Raymond F. Collins, Sexual Ethics and the New Testament [Luân lý tính dục và Tân Ước] (New York: The Crossroad Publishing Company, 2000), tr. 187.
 https://ubmvgiadinh.org/bai-viet/hon-nhan-va-tinh-duc-trong-kinh-thanh-3799
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây