Lời Chúa THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 16/10/2022 05:14 |   610
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10, 5)

18/10/2022
THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Lc 10, 1-9


SỨ ĐIỆP BÌNH AN
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10, 5)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa truyền cho các ông lời đầu tiên phải nói là lời chúc bình an. Lời chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài: người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ” và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5, 9).

Mời Bạn: Không cần những hành động to tát, bạn có thể đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền hoà bình thế giới bằng cách gửi đến những người anh em chung quanh bạn những lời nói bình an. Công việc này lắm khi lại đơn giản tới mức bạn chỉ cần loại trừ ra khỏi môi miệng bạn những lời gắt gỏng, chua cay, thoá mạ, thô tục...

Chia sẻ: Thử đưa ra một phương thế giúp nhau chữa thói quen hay nói tục.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy chủ ý nói một lời bình an thực sự với một người đang sống gần bạn hoặc đang công tác cùng với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thông ban cho con sự hiền lành dịu dàng của Chúa, để con trở nên con cái của sự bình an góp phần xây dựng nền văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Ca nhập lễ

Đẹp thay bước chân người đi khắp núi đồi rao giảng thái bình, người rao giảng tin mừng, người rao tin cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh Kitô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Tm 4, 9-17a

“Chỉ còn một mình Luca ở với cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, Ðêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Ðalmatia. Chỉ còn một mình Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.

Anh thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại được nghe.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa

Xướng: Lạy Chúa, mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương trong mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con phục vụ Chúa với một tâm hồn tự do thực sự, để của lễ chúng con dâng tiến Chúa trong ngày lễ kính thánh Lu-ca vừa chữa trị hồn xác chúng con, vừa cho chúng con tham dự vào sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông đồ

Ca hiệp lễ

Chúa đã sai các môn đệ đi rao giảng trong các thành rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì bí tích chúng con vừa lãnh nhận tại bàn thờ này làm cho chúng con được nên thánh, và giúp chúng con tin vững vàng hơn vào Tin Mừng do thánh Lu-ca truyền đạt lại. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là Sinh nhật thánh Luca Tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.

Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiochia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14: Người anh em chúng tôi là Lu-ca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.

Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Lu-ca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6, 20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó . . . Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi . . . Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4, 18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).

Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1, 14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói: “Các con vào thành nào . . . hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô: “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động: “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).

Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng –quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10). Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi . . . (Tv 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).

Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng vụ giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.

Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Ma-ri-a, mẹ Chúa Giê-su” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.

Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết: “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.

Enzo Lodi


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài. 

Lời nguyện nhập lễ

 Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21

“Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. 

Xướng: Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 12-22

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi ấy anh em không có Ðức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng Israel, anh em là những người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy trông lời hứa và cũng không được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Vì vậy, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa; trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. 

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức đững vững trước mặt Con Người – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 35-38

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

 Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

 Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

 Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TỈNH THỨC THÌ SẼ ĐƯỢC CỨU (Lc 12, 35-38)
 Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Những trận mưa lớn kèm gió to tại nơi này hay nơi kia đã khiến bao người nhiều phen ú tim với “những cái chết không báo trước” do những cây cổ thụ đổ xuống hay do sạt lở đất đè lên người…

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ về sự tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Tinh thần đón chờ này được ví như người đầy tớ đón chờ ông chủ đi ăn cưới về. Người đầy tớ không hề biết bao giờ ông chủ về, vì đám cưới của người Do-thái thường kéo dài có khi buổi sáng, có khi cả ngày hay tới đêm khuya… hoặc cũng có thể kéo dài lên tới vài ngày. Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Như vậy, họ phải luôn trong tư thế làm việc, sẵn sàng. Tại sao vậy? Thưa! Vì sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.

Như vậy, tỉnh thức mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là mỗi người cần có thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến; chờ đợi cái chết của chính mình trong tinh thần của kẻ tỉnh thức với đầy đủ đèn, dầu trong tay là những hy sinh, những việc đạo đức…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để sống trong ơn Chúa. Muốn được sống trong tâm tình con Chúa, phải luôn có thái độ sám hối, ăn năn, làm việc lành phúc đức. Cần thanh tẩy đời sống hằng ngày. Nêu gương sáng cho tha nhân.

Làm được điều đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng là hạnh phúc đời đời trong cuộc sống mai hậu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tinh thần tỉnh thức qua cuộc sống thường ngày bằng những công việc làm cụ thể trong sự hướng thiện, để một khi Chúa đến với mỗi người chúng con bất cứ giờ nào, chúng con đều sẵn sàng ra đi nghênh đón Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây