Lời Chúa CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 07/10/2022 08:05 |   692
Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18)

09/10/2022
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – C

Lc 17, 11-19


ĐỪNG TƯỞNG MÌNH XỨNG ĐÁNG
Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18)

Suy niệm: Mười người phong hủi kêu xin lòng thương xót, và cả mười được Chúa Giê-su đoái thương chữa lành. Mười người ấy gồm cả người Ít-ra-en lẫn người Sa-ma-ri vốn bị coi là ‘dân ngoại’. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có một người, mà lại là người Sa-ma-ri, quay lại tạ ơn và tôn vinh Chúa vì được chữa lành. Quả thật, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không phụ thuộc chúng ta là ai, hoặc thái độ của chúng ta thế nào cũng không phải vì chúng ta có xứng đáng hay không. Ngài ban ơn chữa lành cho 10 người phong cùi dù họ chưa nhận biết và ngay cả khi họ đáp lại bằng sự vô ơn. Việc tạ ơn Chúa không thêm gì cho Ngài nhưng lại là dịp cho chúng ta được nên công chính.

Mời Bạn: Lòng biết ơn chỉ thực sự xảy đến với những ai ý thức mình không xứng đáng mà vẫn được yêu. Và ơn công chính chỉ hữu hiệu với ai ý thức mình không xứng đáng như vậy: người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9-14); viên sĩ quan ngoại giáo từng thưa với Chúa Giê-su: “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7, 6); và đặc biệt với Đức Ma-ri-a: “Phận nữ tỳ hèn mọn, được Chúa thương nhìn tới…” (Lc 1, 48).

Sống Lời Chúa: Học thái độ biết ơn của người Sa-ma-ri để áp dụng sau mỗi lần lãnh nhận Bí tích Giao hòa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu chúng con, cho dù chúng con bất xứng, yếu hèn, lầm lỗi, và thậm chí là vô ơn… xin đừng xét theo công trạng chúng con, nhưng theo lượng từ bi Chúa mà cứu chữa chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay nói về mười người bệnh phong được chữa lành, mà chỉ có một người ngoại thuộc xứ Samaria đã tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và đến với Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Biết ơn không chỉ là phép lịch sự trong việc giao tế giữa con người với nhau, nhưng còn là một thái độ của tinh thần trách nhiệm, một cử chỉ của lòng thương mến. Vị tướng Naaman trong bài đọc I không chỉ nói suông, nhưng còn tự nguyện dấn thân, thờ lạy và dâng lễ vật cho Thiên Chúa sau khi ông được người của Thiên Chúa hướng dẫn, chỉ bảo và ông đã dìm mình xuống dòng sông Giodan 7 lần và ông đã khỏi bệnh phong cùi.

Phụng vụ Chúa Nhật XXVIII thường niên, năm C đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca nhắc nhở cho con người về lòng biết ơn: Chúa đề cao lòng biết ơn của người phong cùi xứ Samaria, ngoại giáo, được chữa lành và phê phán chín người đồng hương có đạo, cũng được Chúa chữa khỏi bệnh phong cùi, nhưng lại vô ơn bội nghĩa đối với tấm lòng bao la hải hà của Chúa Giêsu. Hôm nay, trong tâm tình của một người con thảo hiếu, chúng ta hãy xin lỗi Chúa và dâng lên Ngài muôn lời cảm tạ, muôn lời chúc tụng tôn vinh và hết lòng tôn thờ Ngài là Thượng Đế chí tôn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! 

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Một lần cảm ơn là một lần đón nhận ơn mới, chúng ta hãy nhìn lại những hồng ơn Chúa đổ chan hòa trên chúng ta, để biết đền đáp ơn Chúa bằng lời cầu nguyện tha thiết:

1. “Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa” – Xin cho các vị Chủ chăn được lòng thương xót của Chúa, để các ngài sẵn sàng là những trung gian đích thực, thông chuyển tình thương và ân sủng Chúa cho những ai đến với các ngài.

2. “Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô” – Xin cho các tín hữu luôn ý thức giá trị cao quí của Bí Tích Thánh Tẩy, là cho họ sạch tội, trở nên con Thiên Chúa, được thông phần sự sống của Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài.

3. “Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười phong cùi” – Xin cho những nạn nhân phong cùi trên khắp thế giới, đang bị người đời xa lánh, xã hội bỏ rơi, được Thiên Chúa xót thương và thúc đẩy nhiều tâm hồn quảng đại giúp họ sống những ngày đau bệnh, trong sự an vui của con cái Chúa.

4. “Chớ thì không phải cả mười được lành sạch sao?” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết biểu lộ lòng tri ân, bằng việc trao tặng cho tha nhân những gì đã nhận lãnh một cách nhưng không, hầu ơn Chúa không thành vô ích cho chúng ta, và cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tri ân bằng việc xa tránh tội lỗi, và gắn bó tích cực hơn với Chúa qua việc siêng năng lãnh Bí Tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm
 

Phong cùi

Người phong cùi trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu là kẻ bất hạnh, không phải chỉ mang một nỗi đau nơi thân xác mà còn mang cả một nỗi đau trong tâm hồn.

Thực vậy, sau khi mắc phải chứng bệnh nan y này, thì lập tức, họ bị khai trừ khỏi xã hội. Đi đâu cũng phải ra dấu để mọi người xa tránh. Đây không phải chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan, mà hơn thế nữa trong bầu khí tôn giáo, người ta có thói quen coi bệnh này như là một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ tội lỗi. Nếu không phải do chính tội của bệnh nhân, thì cũng do tội của cha mẹ họ. Vì thế người bệnh bị xã hội coi là kẻ tội lỗi.

Chúa Giêsu thì khác, Ngài không thể không xót thương họ, nhất là khi họ đã lên tiếng van xin. Và tất cả 10 người phong cùi đều được khỏi. Chúa Giêsu bảo họ tới trình diện với hàng tư tế để được chứng thực là mình đã khỏi và nhờ đó mà trở về với xã hội loài người. Đây là lần thứ nhất họ được chữa lành.

Nếu phép lạ của Chúa Giêsu làm chỉ là việc chữa lành chứng bệnh hiểm nghèo này thì có thể kết thúc ở đây. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ muốn chữa lành về phần xác, mà hơn thế nữa, còn muốn chữa lành về phần hồn. Vì thế mà câu chuyện được tiếp nối: Sau khi thấy mình được khỏi, thì một người đã quay trở lại tìm Chúa Giêsu để tạ ơn Ngài. Và đây cũng chính là một dịp để Chúa Giêsu tỏ lộ cho chúng ta thấy Ngài không phải chỉ là một thầy thuốc bình thường như mọi thầy thuốc khác, mà hơn thế nữa, Ngài còn là Đấng Cứu Thế, Đấng tha thứ và xoá bỏ mọi tội lỗi, bắc lại nhịp cầu cảm thông giữa trời và đất, đưa con người vào trong liên hệ thương yêu với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ngài đã nói với anh ta: Đức tin của con đã cứu chữa con. Người phong cùi thứ mười này không phải chỉ được Chúa chữa lành về phần xác mà hơn thế nữa còn được Chúa chữa lành về phần hồn và đó là lần thứ hai anh được chữa lành.

Thế nhưng điều làm cho chúng ta sửng sốt đó là người phong cùi được chữa lành và quay trở lại với Chúa Giêsu lại là người xứ Samaria. Dân Samaria vốn bị người Do Thái liệt vào hàng ngoại đạo, không xứng đáng với ơn huệ cua Thiên Chúa. Sự kiện này buộc chúng ta phải suy nghĩ: Phải chăng kẻ bị coi là ngoại đạo này lại nhận biết tình thương và ơn sủng của Chúa, trong khi đó những người vốn tự hào là có đạo, đạo dòng hay đạo gốc, lại tỏ ra vô ơn và bạc bẽo. Và phải chăng đó cũng chính là thái độ của chúng ta, những người có đạo, đối với Chúa và đối với những người đã từng góp công xây dựng cuộc đời của chúng ta.

CHÚA NHẬT 27C THƯỜNG NIÊN
(
17:11-19) Lm Lã Mộng Thường

Thoạt mới đọc hoặc nghe bài Phúc Âm vừa được công bố, ai trong chúng ta cũng dễ dàng có nhận định Lời Chúa dạy mọi người nên biết sống trong tinh thần cảm tạ hồng ân của Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc đời như đã được ghi chép lời Đức Giêsu nói với người Samaritanô bị bệnh phong hủi vừa được chữa lành trên đường cùng đi với 9 người Do Thái khác, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người này”. Nếu chỉ xét riêng về ngôn từ được dùng nơi câu hỏi, chính câu nói minh chứng Đức Giêsu không nói với người Samaritanô mà nói với những người hiện diện nơi bối cảnh đang xảy ra sự việc người Samaritanô trở lại cảm ơn và tôn vinh Thiên Chúa.

Xét thế, Đức Giêsu có ý nhấn mạnh về sự nhận biết thực thể được chữa lành đồng thời đặt vấn đề về thái độ của con người nhận lãnh sự thể đã xảy đến. Theo sự nhận xét này, chúng ta phần nào cảm thấy coi thường hoặc khinh khi hay lên án 9 người Do Thái bị bệnh phong hủi đã được chữa lành bởi họ đã không có lòng biết ơn hoặc không nhận biết hay coi thường sự chữa lành đã được lãnh nhận. Tuy nhiên, nếu để ý một chút về lối diễn tả, bài Phúc Âm cũng nêu lên chính Đức Giêsu bảo mười người bị phong hủi hãy đi trình diện với các tư tế và trong lúc họ đang trên đường đi trình diện với các vị tư tế, họ được chữa lành do đó sao họ có thể trở lại. Dĩ nhiên, người Samaritanô trở lại cấp thời cảm ơn Đức Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa vì anh ta không biết phải trình diện các vị tư tế để làm gì. Đây là điểm khúc mắc Lời Chúa muốn chúng ta để ý hầu áp dụng nơi cuộc sống tâm linh.

Chúng ta đã được biết theo luật lệ Do Thái, những người mắc bệnh cùi hay phong hủi bị liệt vào hàng nhơ uế. Họ không được phép ở chung với những người khác. Họ phải sống tách biệt với dân Chúa bởi sách luật đã được ghi chép rõ ràng, nếu họ ở trong trại, sẽ làm nhơ uế nơi Thiên Chúa ngự trị. Họ cũng không được phép bén mảng tới khu vực đền thánh
Jerusalem; đi tới đâu nếu gặp người khác, họ phải hô to lên “nhơ uế” hầu người khác tránh đụng nhằm họ mà trở nên nhơ uế. Nơi những trường hợp kẻ nào đụng chạm vào xác chết hoặc những con vật chết ngoài trời hoặc mồ mả, bia mộ, hay những con vật bị coi là nhơ uế, sau khi thực hiện các nghi thức thanh tẩy theo luật định, họ phải trình diện vị tư tế đang trong thời kỳ hành nhiệm để được công bố lành sạch. Dân Do Thái thành tín tuân theo những lề luật và nghi thức này trong khi các dân ngoại không có bất cứ lề luật nào như vậy.

Qua sự nhận biết như thế, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm viết Đức Giêsu bảo mười người phong hủi ra đi trình diện các vị tư tế. Chúng ta cũng hiểu tại sao người Samaritanô trở lại cảm ơn trong khi 9 người Do Thái đã được lành sạch không trở lại ngay lập tức. Có thể họ sẽ gặp Đức Giêsu sau đó và nói lời cảm tạ nhưng nào ai biết và cũng vì Phúc Âm không viết chi về họ sau này. Qua những nhận định vừa được nêu lên, bài Phúc Âm minh chứng sự chữa lành không phải là kết quả của sự tuân giữ lề luật mà do nơi Thiên Chúa. Một điều chúng ta ít khi để ý hoặc thường thì không dám suy tư đó là lời Đức Giêsu công bố nhiều lần chẳng hạn nơi bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Xưa nay chúng ta hằng tin tưởng, hằng nói, và đã được giảng dạy rằng Chúa chữa, Chúa cứu, Chúa ban cho ơn nọ, ơn kia, Chúa làm phép lạ. Chúng ta cũng đã thường được nghe những lời giải thích đức tin là hồng ân của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ít thì nhiều nơi lòng mỗi người đã có lần chúng ta cảm thấy hơi bị thiệt thòi vì chỉ thấy ơn nọ ơn kia, phép lạ này, phép lạ khác xảy đến với ai đó và đã không bao giờ xảy đến nơi mình. Nếu thực tâm nhận định, chúng ta thấy những lời công bố của Đức Giêsu nơi Phúc Âm hoàn toàn trái nghịch với những điều chúng ta tin tưởng. Chúng ta tin Chúa chữa lành, Phúc Âm viết Đức Giêsu phán lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Những ai đã để ý đọc Phúc Âm sẽ nhận thấy không bao giờ Đức Giêsu nói Thiên Chúa chữa hay Thiên Chúa cứu hoặc Ngài chữa hay Ngài cứu mà tất cả đều là lòng tin đã cứu hay lòng tin đã chữa. Lật Phúc Âm thánh Mátthêu, chúng ta đọc được Đức Giêsu đã trả lời viên bách quản, “Ông đã tin sao, thì hãy được như vậy” (Mt.
8:13). Ngài nói với người phụ nữ bị băng huyết, “Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt. 9:22). Đối với hai người mù, Ngài quả quyết, “Các ngươi đã tin sao thì hãy được như vậy” (Mt. 9:29). Với người phụ nữ xứ Canaan, Đức Giêsu ca tụng lòng tin của bà ta đồng thời công bố “Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!” (Mt. 15:28). Nếu đem so sánh những lời công bố của Đức Giêsu về quyền lực của lòng tin, đức tin nơi Phúc Âm với Tin Mừng Nước Trời và đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23) thì đức tin hay lòng tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người.

Suy nghiệm như thế, bất cứ ai cũng có lòng tin hay đức tin nhưng đã không nhận biết và dẫu có những người đã nhận biết nhưng vẫn không biết cách nào xử dụng cho phù hợp với những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Đức tin hay lòng tin làquyền lực của Thiên Chúa hiện hữu nơi ý định, ước muốn, ý nghĩ nơi mỗi người. Đây chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã rõ ràng công bố cho chúng ta biết, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển, nó liền vâng lời các con” (Lc. 17:6), hoặc nơi Phúc Âm Luca Ngài xác quyết, “Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này hãy xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc.
11:23-24).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình. Đức tin hay lòng tin chính là quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi bất cứ ai mà chúng ta chưa nhận biết. Quyền lực này mang năng lực thực hiện tất cả những gì chúng ta thực sự ước mơ. Xử dụng được quyền lực này hay không tùy thuộc nơi sự nghiệm xét thực thể hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình hay không. Vấn đề còn lại chỉ là phỏng chúng ta có thực sự để ý và chấp nhận cũng như suy nghiệm lời Đức Giêsu giảng dạy đã được ghi lại nơi Phúc Âm hay không. Thực ra, nói rằng có đức tin nhưng không nhận biết đức tin là gì và liên hệ tới mình ra sao thì cũng chỉ là tự phỉnh phờ chính mình mà thôi. Kẻ nào tuyên xưng có đức tin mà không áp dụng được theo những gì Phúc Âm đã ghi chép đều thuộc loại tự kỷ ám thị để trấn an cõi lòng e sợ vì đã nghi ngại. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây