Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 12/04/2022 10:33 |
462
Giuđa Iscariốt xưa nay là một trong những nhân vật gây chú ý bậc nhất trong Tân ước. Là người phản bội Đức Giêsu, ông là kẻ điều tiếng không ai sánh bằng – quả đúng như vậy.
Những động cơ của Giuđa
Giuđa Iscariốt xưa nay là một trong những nhân vật gây chú ý bậc nhất trong Tân ước. Là người phản bội Đức Giêsu, ông là kẻ điều tiếng không ai sánh bằng – quả đúng như vậy.
Kinh thánh rõ ràng gọi ông là kẻ phản bội, nhưng động cơ của ông vẫn còn là một chủ đề cần suy xét. Làm sao mà ai đó có thể, cách ý thức và chủ tâm, thực hiện một hành vi tồi tệ như thế nhằm chống lại Con Chiên vô tội của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ thế gian? Một số giải thích có vẻ đã được thiết lập để giảm nhẹ cho tội lỗi của Giuđa bằng cách miêu tả ông như một người không quá độc ác mà là yếu đuối, bối rối hay đơn giản là cố gắng để nên hữu ích.
Trước tiên, chúng ta hãy xem xét các lý thuyết chính, tất cả đều được rút ra từ Kinh thánh.
Những lý thuyết về động cơ
Đầu tiên là lý thuyết cho rằng Giuđa đã phản bội Đức Giêsu vì ông tham tiền hám của. Cả bốn Tin mừng đều chỉ ra đây ít nhất là một động cơ góp phần vào.
Duy nhất Tin mừng Mátthêô đề cập đến 30 đồng bạc, là cái giá mà Giuđa nhận được cho việc phản bội (x. Mt 26,15). Cũng chỉ mỗi Tin mừng này mới có đoạn trình thuật cho biết sau đó Giuđa hối hận vì hành động của mình ra sao, ông ném số bạc lại cho các thượng tế và đi thắt cổ (Mt 27,3-5).
Máccô và Luca cũng nói về việc Giuđa bán Đức Kitô cho các thượng tế (x. Mc 14,10-11; Lc 22,1-6). Nhưng Luca đưa ra một nét mới: Đầu tiên Satan “đã nhập vào Giuđa” (Lc 22,3) rồi sau đó ông đi gặp các thượng tế và ký lục để vạch mưu bắt giữ Đức Giêsu.
Tin mừng Gioan gay gắt nhất trong việc luận bàn về Giuđa. Đây là Tin mừng duy nhất chỉ đích danh Giuđa chính là người cảm thấy tức giận về sự lãng phí khi một phụ nữ đổ dầu thơm lên chân Đức Giêsu, ông ước tính rằng có thể bán số dầu ấy với giá của một năm tiền công và đem chia cho người nghèo (x. Ga 12,1-8).
Gioan cũng quy cho Giuđa động cơ dẫn tới sự phản đối của ông: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Giống với Luca, Gioan cũng đề cập đến vai trò của Satan trong việc Giuđa phản bội Đức Giêsu (Ga 13,27).
Như thế, sự tham lam tiền của và tác động của ma quỷ là những lý do rõ ràng nhất dẫn đến tội lỗi của Giuđa trong các trình thuật Kinh thánh. Ông rành rẽ giá trị từng đồng bạc, và là một kẻ có thể bị mua chuộc. Chính khuynh hướng tham tiền hám của đã biến ông trở thành một mục tiêu tương đối dễ dàng cho Satan. Có lẽ đối với Giuđa, số tiền thưởng của các thượng tế biểu trưng cho “một đề nghị không thể chối từ”.
Những nhân tố khác
Các Tin mừng cũng ám chỉ đến những nhân tố góp phần khác.
Chẳng hạn, trong Tin mừng Mátthêô, Giuđa luôn gọi Đức Giêsu là “Rabbi”, chứ không bao giờ gọi là “Chúa”. Một số học giả nhận thấy đây là một dấu chỉ về sự sai lạc của Giuđa trong việc hiểu căn tính và vai trò cứu độ của Đức Giêsu.
Danh xưng “Giuđa Iscariốt” xuất hiện ở hơn một Tin mừng. “Iscariốt” có thể là một sự kết hợp trong tiếng Hípri – ish Kerioth – nghĩa là “người xuất thân từ Kerioth”, một thành thuộc miền nam Giuđêa. Nếu vậy, có thể phỏng đoán rằng trong nhóm Mười hai chỉ có riêng Giuđa không xuất thân từ Galilê và có lẽ ông cảm thấy mình như kẻ lạc lõng, một sự cô lập mà ta có thể tin rằng nó đã làm gia tăng cám dỗ phạm tội phản bội.
“Iscariốt” cũng giống một cách sát sao với hạn từ Hy Lạp có nghĩa là “người mang dao găm”. Điều này gợi ý rằng Giuđa là một thành viên của “Những người mang dao găm” [Dagger-Bearers], nhánh cực đoan nhất của nhóm Nhiệt thành [Zealots].
Nhóm Nhiệt thành tin Đấng Mêsia đến trong tư cách một lãnh đạo quân sự để giải phóng người Do Thái khỏi những kẻ áp bức họ là người Rôma. Trong nhóm này, Những người mang dao găm có ý định giải phóng dân tộc Do Thái thông qua điều mà ngày nay chúng ta xem là những hành vi khủng bố. Lý thuyết này cho rằng Giuđa bị Đức Giêsu làm vỡ mộng và ông tin rằng việc Đức Giêsu bị bắt giữ có thể thúc đẩy Ngài bắt đầu cuộc cách mạng.
Bài học cho tất cả
Lý thuyết nào chính xác? Hiển nhiên là một số nhân tố vừa nêu, và có lẽ cả những nhân tố khác nữa cũng vậy, đều đóng một vai trò nhất định. Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 18/10/2006, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói về Giuđa và đề cập đến một số giả thuyết chủ đạo. Nhưng sau cùng, ngài cho rằng những động cơ của Giuđa vẫn còn là một mầu nhiệm.
Đức Thánh cha lưu ý một thực tế căn bản đó là Giuđa “đã đầu hàng trước cám dỗ đến từ tên quỷ dữ”. Tiếp đó ngài chỉ ra bài học dành cho tất cả các tín hữu bằng cách lưu ý rằng dù gần gũi với Đức Giêsu, Giuđa vẫn không miễn nhiễm với tội.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói: “Thật sai lầm khi nghĩ rằng đặc ân tuyệt vời được sống cùng với Đức Giêsu là đủ để làm cho một con người nên thánh”.
“Đức Giêsu không cưỡng ép ý chí của chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta bước theo Ngài tiến lên trên con đường của các mối phúc. Con đường duy nhất giúp tránh các cạm bẫy đang bủa vây chúng ta là phó dâng toàn thể con người mình cho Đức Giêsu, là bước vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài, ngõ hầu chúng ta suy nghĩ và hành động như Ngài đã từng, trong sự vâng phục trọn vẹn đối với Chúa Cha.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Tác giả: Gerald Korson https://www.simplycatholic.com/ https://gpquinhon.org/q/than-hoc/nhung-dong-co-cua-giuda-5277.html