SNTM Chúa Nhật tuần lễ 14 thường niên -B

Thứ năm - 04/07/2024 18:24 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   160
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”. (Mc 6, 1-6)

Chúa nhật XIV Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

cn t134 tnb


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 6, 1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Sống trong một thế giới quan tâm đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, người ta thường quan tâm đến mẫu mã, bao bì và thương hiệu sản phẩm. Chính vì mỗi ngày tiếp xúc với những khái niệm đó, hình thức bên ngoài của sản phẩm dần len lỏi vào trong mọi sinh hoạt của con người, chọn một cô con dâu cũng chỉ quan tâm đến sắc đẹp bên ngoài, chọn một chàng rể cũng chỉ quan tâm đến vẻ điển trai và sự thành công trong công ăn việc làm, dần dần, những khái niệm đó đi sâu vào trong đời sống tôn giáo của con người, bất luận tôn giáo nào. Người tín hữu Kito hôm nay phần nào cũng bị ảnh hưởng khá lớn, giữ đạo với những công thức truyền thống, sống đạo với những hình thức rước xách bên ngoài, từ đó, hình ảnh Thiên Chúa cũng bị phủ bóng của khái niệm đó. Phụng vụ Lời Chúa tuần 14 thường niên mời chúng ta cố gắng ra khỏi quan niệm đó, để sống với Thiên Chúa cách chân thành và có chiều sâu nội tâm hơn trong từng hoàn cảnh.

Đứng trước làn sóng tục hóa mọi lề luật và mọi sinh hoạt tôn giáo của dân riêng Thiên Chúa, tiên tri Ê-zê-ki-el luôn trăn trở phải làm sao để tái lập lại tâm tình tôn giáo cho cộng đoàn, chứng kiến thái độ dửng dưng của đám đông cùng với trăn trở của người tiên tri, Thiên Chúa đã nói về sự hiện diện của ông là một sự hiện diện thay lời cho Thiên Chúa, lời của ông sẽ là lời của Thiên Chúa chỉ dạy cho họ: “Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: "Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: 'Chúa là Thiên Chúa phán như vậy”. Thiên Chúa sửa dạy con người tùy theo từng giai đoạn của hành trình đức tin của họ, sau khi được quy tụ thành một dân riêng chính thức, Ngài muốn họ đừng bội phản Thiên Chúa, đừng coi thường các sứ giả của Ngài, bởi đó là phương cách Thiên Chúa chăm sóc con người, và tâm tình tôn giáo không dừng lại qua những hình thức lễ hội hay sắc màu nghi lễ, nhưng đến từ tấm lòng và chiều sâu nội tâm.

Chỉ vì xuất thân trong một gia đình vô danh tiểu tốt giữa cộng đoàn, Đức Giesu đã bị mọi người gắn cho một cái mẫu mã thật xót xa, tại sao Ngài không chọn cho mình một nơi nổi tiếng để sinh ra, tại sao Ngài không chọn cho mình một gia đình khá giả, để khỏi mặc cảm với đám đông, đàng này, Ngài chọn một mảnh đất đầy sỏi đá, một gia đình luôn thiếu thốn, luôn nghèo đói, vậy thì làm sao sứ điệp của mình được đón nhận, làm sao sự hiện diện của mình được nhìn nhận và trân trọng: “Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người”. Không chấp nhận một Thiên Chúa làm người, cúi xuống vì nhân loại, người Do thái như muốn loại trừ Ngài khỏi cộng đoàn, vì thế sự khinh miệt và coi thường đã làm cho hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương ngày càng lu mờ. Một Thiên Chúa làm người còn bị coi thường như thế, thì làm sao một người học trò, một người môn đệ có thể được đón nhận, sứ điệp của ông ta được trân trọng để giúp họ sống tốt hơn được. Người hiểu chuyện này hơn ai hết đó là thánh Phaolo, chúng ta sẽ nghe ngài nói trong lá thư mục vụ của ngài.

Dù luôn đi theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, nhưng thánh Phaolo không thể hiểu được vì sao Thiên Chúa chọn mình là một kẻ bắt đạo, một kẻ chống đối Thiên Chúa rồi sai đi tới các cộng đoàn dân ngoại, : “Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: "Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối". Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”. Thiên Chúa không phải là một chủ nhân ông, cũng không phải là một người quản lý nhân sự, Ngài là một người Cha nhân lành, Ngài có những kế hoạch để giúp đỡ con người không giống con người suy nghĩ, Ngài muốn đến bên cạnh con người như một người bạn, như một người anh và như một người thầy, để chia sẻ và hướng dẫn họ trở thành con người tự do trong tinh thần và chân lý.

Sau khi nghe những bài giáo huấn của Đức Giesu, mọi người ai cũng thán phục, ai cũng tìm được cho mình một tia hy vọng cho cuộc đời, thậm chí có người còn tìm thấy một động lực mới giúp họ vượt qua những bế tắc trong cuộc đời, thế nhưng, khi nhìn vào thân phận của Đức Giesu, họ đã thay đổi thái độ, coi thường Ngài vì gia đình thì nghèo khổ, cuộc đời Ngài chẳng có gì đáng cho họ tin, thế thì giáo huấn của Ngài sao đủ sức thuyết phục cộng đoàn được. Nếu như Ngài chọn một gia đình khá giả, một nơi chôn nhau cắt rốn có tiếng tăm tí, một thành phố sầm uất về kinh tế làm nơi thường trú, chắc họ sẽ tiếp nhận con người và giáo huấn của Ngài với thái độ khác rồi. Mẫu mã, bao bì sản phẩm đã ảnh hưởng đến sự hiện diện của một Thiên Chúa làm người với con người. Quan niệm hình thức bên ngoài đó, nay đang len lỏi vào trong đời sống của người tín hữu, rước xách, trống kèn inh ỏi, trang phục lộng lẫy có là phương tiện để con người đụng chạm vào Thiên Chúa hay để Thiên Chúa đụng chạm tới con người.

Nỗi oan lớn nhất của Thiên Chúa khi nhập thể là bị con người đóng khung lại trong các nhà thờ, trong các nhà tạm, không để cho Ngài dong duổi trên mọi nẻo đường với người nghèo, với người bất hạnh, thậm chí, Ngài muốn ghé thăm mỗi gia đình cũng không được phép của con người. Ngài ở đó như để phục vụ con người trong các nhu cầu cuộc sống, Ngài ở đó như là nhãn hiệu để con người gắn lên trên ngực, tự hào với các anh em chung quanh, Ngài ở đó còn chứng kiến con người nhân danh sự sống để giết chết đồng loại, Ngài còn chứng kiến cảnh tượng con người chà đạp phẩm giá lẫn nhau, ngay cả chính anh em đồng đạo. Thiên Chúa muốn rảo quanh mọi nẻo đường để chia sẻ cuộc sống với con người, chia sẻ mọi đau khổ với con cái, thế nhưng, chính con cái đã mời Ngài lên kiệu, diễu hành khắp đường phố rồi sau đó đưa về lại trong căn nhà cô đơn, lạnh lẽo và yêu cầu Ngài ở yên trong đó. Thiên Chúa ưa thích tự do và Ngài cũng mong con người như thế, Ngài đâu muốn mình là người làm dịch vụ, nhưng Ngài muốn hiện diện để ban ơn, để chúc lành, để cất bớt những nỗi niềm của con cái. Hãy để cho Ngài được tự do, đừng gắn lên vai Ngài những mẫu mã, hình ảnh chỉ là để giới thiệu, để quảng cáo, Thiên Chúa muốn ở lại trong trái tim con người, trong bàn ăn gia đình và trong tình hiệp nhất của xứ đạo.

Lạy Chúa, chỉ vì sinh ra trong một gia đình tầm thường mà Chúa bị khinh miệt, xin giúp chúng con đừng khinh miệt anh chị em mình, vì đó là lúc chúng con đang khinh miệt một Thiên Chúa hiện diện trong tha nhân. Chúa đã bị gán cho nhiều nhãn mác, mẫu mã rất đẹp và rất trang trọng, nhưng Chúa chỉ muốn trở nên một con người tầm thường, để ngồi lại bên giường bệnh nhân, ở lại trong các khu nhà ổ chuột, sống cùng anh chị em trong các trung tâm bảo trợ xã hội, xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu thốn gia đình, thiếu thốn tình người và đang đau khổ vì bệnh tật, vì cuộc sống bất công. Chúa không thích những của lễ trang trọng, Chúa chỉ đợi chờ những tấm lòng tan vỡ, những trái tim đang rỉ máu, nhưng biết sống với Chúa chân thành và khiêm hạ. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây