Cái hôn

Thứ bảy - 13/05/2023 23:53 | Tác giả bài viết: Lẽ Sống |   342
Cái hôn có nhiều hình thức và ý nghĩa khác nhau.

16 Tháng Năm
Cái hôn

le song 16 t5

 

Hãng thông tấn AFP của Pháp trong bản tin ngày 23/1/1991 đã ghi một mẩu chuyện lạ như sau:

Một phụ nữ Brazil đã lợi dụng cái hôn để cắn và nuốt mất khúc lưỡi của người yêu. Bà cho biết: làm như thế là để trả thù người đàn ông vì đã đánh đập, hành hạ bà.

Cảnh sát tại thành phố Salvador de Bahia, mạn đông bắc Brazil cho biết như sau: Lucia bị người yêu là ông Djalma dos Santos, 47 tuổi, đã đánh đập, hành hạ thậm tệ. Nàng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Hôm 22/01/1991, ông Djalma đến thăm Lucia để xin lỗi. Cô ta liền nhảy xổ vào người yêu, ôm hôn ông một cách rất tình tứ, không cho ông có thì giờ để giải thích.

Hai người đang hôn nhau, thì đột nhiên, Lucia cắn đứt một phần lưỡi của Djalma và nuốt luôn vào bụng để người ta không thể vá lại khúc lưỡi đã bị mất.

Người đàn ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ông ta sẽ không bao giờ có thể nói lại một cách bình thường được, vì đã mất một khúc lưỡi.

Ông Djalma than thở như sau: “Đây là nụ hôn thê thảm nhất trong đời tôi. Đó là nụ hôn của Giuđa”.

Cái hôn có nhiều hình thức và ý nghĩa khác nhau.

Có cái hôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị để nói lên tình hữu nghị, sự hòa giải. Có cái hôn bình an của các tín đồ của một tôn giáo. Có cái hôn dạt dào thương mến giữa cha mẹ và con cái. Có cái hôn nồng cháy dục tình giữa đôi tình nhân hay vợ chồng.

Tựu trung, trong cái hôn nào cũng có hai yếu tố: yếu tố hữu hình là sự tiếp giáp giữa hai thân xác qua môi miệng và yếu tố vô hình mà cái hôn muốn diễn tả như tình liên đới, hữu nghị, sự hòa giải, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi. Cái hôn sẽ trở thành đồng nghĩa với phản bội khi nó tước đoạt khỏi yếu tố vô hình trên đây. Đó là trường hợp cái hôn của người đàn bà Brazil trên đây.

Nhưng điển hình nhất của cái hôn phản bội vẫn là cái hôn mà Giuđa đã dành cho Chúa Giêsu. Điều bỉ ổi nhất trong cái hôn của Giuđa chính là dùng một cử chỉ của tình thân như một dấu hiệu của sự bán nộp.

Cái hôn của Giuđa được lặp lại khi người ta dùng những chiêu bài cao đẹp để che đậy những ý đồ đen tối. Cái hôn của Giuđa được lập lại khi người ta nhân danh nhân nghĩa, nhân danh phục vụ, nhân danh người nghèo để tìm kiếm quyền bính, tư lợi cho mình.

Đối với người tín hữu Kitô, thì cái hôn của Giuđa chính là thái độ sống giả hình mà Chúa Giêsu không ngừng kết án trong Phúc Âm. Đó là điều mà tiên tri Isaia đã cảnh cáo khi ông nói: “Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, mà lòng trí chúng thì xa Ta”. Nếu cái hôn của Giuđa là một cử chỉ thân tình ngoài môi miệng, nhưng lòng trí thì lại chất chứa âm mưu thâm độc, thì thái độ sống giả hình của người tín hữu cũng là một cái hôn như thế.

Khi môi miệng sốt sắng cầu kinh, nhưng cuộc sống lại đầy những hành động gian ác ích kỷ, phải chăng đó không là một chiếc hôn của Giuđa mà chúng ta dành cho Chúa?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây