Mừng kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần

Thứ tư - 29/09/2021 05:10 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   1287
Năm nay, do tình hình dịch bệnh, không thể họp mặt, nên Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng ban VHTT, cử hành Thánh lễ trực tuyến vào lúc 5g00 sáng thứ Tư ngày 29.9.2021
Mừng kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần

Mừng kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần
- Bổn mạng Gia đình Truyền Thông Giáo phận Ban Mê Thuột -2021

 

Theo truyền thống, hằng năm vào ngày lễ kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần: Michael, Gabriel và Raphael (29.9), Gia đình Truyền thông Giáo phận Ban Mê Thuột (GP.BMT) thường tổ chức Buổi Hội Ngộ. Buổi Hội Ngộ Thường Niên quy tụ tất cả các thành viên từ các Giáo hạt, Giáo xứ, các Dòng tu, đoàn thể về dâng Thánh lễ trọng thể mừng lễ Bổn mạng, và học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội của Đức Thánh Cha.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh, không thể họp mặt, nên Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng ban VHTT, cử hành Thánh lễ trực tuyến vào lúc 5g00 sáng thứ Tư ngày 29.9.2021, cầu nguyện cho quý vị ân nhân, cộng tác viên, thông tín viên, toàn thể thành viên và cầu nguyện cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Gia đình Truyền Thông GP.BMT.

Khởi đầu Thánh lễ, Cha chủ tế mời gọi hiệp ý với nhau mừng kính ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần: Michael, Gabriel và Raphael, những vị thiên sứ được sai đi thực thi sứ vụ của Thiên Chúa. Xin hiệp ý cầu nguyện, nâng đỡ và chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng với Ban Truyền Thông Giáo phận.

Trong bài giảng lễ, Cha Phêrô Trần Bảo Ninh chia sẻ về lịch sử, phụng vụ và sứ mệnh của Các Tổng lãnh Thiên thần: Michael, Gabriel và Raphael.

* Michael, nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa” – Một dũng thần quyền lực chiến đấu chống lại Satan và quỷ dữ.

* Gabriel, nghĩa là “Sức mạnh của tôi là Thiên Chúa” - Một vị có liên hệ gần với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa (Lc 1, 19 : 26).

* Raphael, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (linh dược của Thiên Chúa).

Mừng lễ bổn mạng hôm nay, người Kitô hữu tùy theo từng hoàn cảnh, thực thi sứ vụ của mình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Gieo Tin Mừng của Chúa vào thế giới hôm nay bằng gương sáng, bằng các phương tiện truyền thông để bảo vệ sự thật, bảo vệ sự sống, bảo vệ giá trị Tin Mừng.

Nguyện xin Các Tổng Lãnh Thiên thần bổn mạng của Gia đình Truyền thông Giáo phận Ban Mê Thuột luôn đồng hành, phù trợ chúng ta trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng, để chúng ta luôn vững bước trong tin yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa, nơi Giáo Hội.

Tuy không thể họp mặt, Cha Trưởng ban cũng mời gọi các thành viên học hỏi về Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội (TGTTXH) năm 2021 là: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46) - Truyền thông bằng cách gặp gỡ những con người ở nơi họ đang sống, trong chính hiện trạng của họ.

Lời mời gọi “Hãy đến mà xem” chính là phương pháp mà người ta cần phải sử dụng - khi muốn có một cuộc giao tiếp đích thực mà thuật lại sự kiện cách chính xác - vì để có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, ta cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn cho rằng ta “đã biết” những sự ấy rồi.

Khi đưa ra lời mời gọi “Hãy đến mà xem” trong sứ điệp Ngày TGTTXH năm 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn gợi ý rằng: Mọi nỗ lực truyền thông phải rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong lời rao giảng hằng ngày của Giáo hội, và trong các giao tiếp chính trị hoặc xã hội.

Muốn truyền thông cách rõ ràng và trung thực thì phải “đến mà xem”. Đức tin Kitô giáo luôn được truyền đạt theo cách này, ngay từ thời có những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trên bờ sông Giođan và ở biển hồ Galilê.

Từ lâu đã có những con người hiểu biết lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng: Có nguy cơ những phóng sự điều tra tận gốc đang bị thay thế bằng một loại phóng sự tuân theo mẫu định sẵn, thường là có dụng ý. Cách tường thuật này ngày càng ít có khả năng nắm bắt sự thật về sự việc và cuộc sống cụ thể của con người, càng không nắm bắt được sự thật về những hiện tượng xã hội quan trọng hơn hoặc những phong trào tích cực của quần chúng.

Một công cụ truyền thông (ví dụ: máy vi tính, điện thoại thông minh, máy ảnh, máy quay phim…) chỉ hữu ích và có giá trị khi: 

- thúc đẩy người dùng đi ra và nhìn xem mọi thứ;
- giúp xúc tiến các cuộc gặp gỡ;
- đưa được những kiến thức vừa trải nghiệm lên mạng internet để phổ biến rộng rãi.

Tin Mừng chính là những câu chuyện thời sự cụ thể, được truyền đi tức thời, vì Tin Mừng được thông truyền như một sự hiểu biết trực tiếp, phát sinh từ trải nghiệm rất mới mẻ, khi người trong cuộc đã đích thân “đến mà xem”, chứ không phải chỉ biết được qua những lời đồn thổi.

Hai môn đệ đầu tiên là Anrê và Gioan đã được nghe Tin Mừng cách sống động khi hai ông nghe theo lời mời gọi “Hãy đến mà xem” của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mời họ đến mà xem khi họ thắc mắc: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1,39). Người mời họ đi vào mối tương quan thực sự với Người. Hơn nửa thế kỷ sau, khi Gioan viết Phúc âm của mình, ông nhớ lại một số chi tiết “thời sự” cho thấy rằng ông đã đích thân có mặt tại các sự kiện mà ông tường thuật, đồng thời cũng cho thấy tác động của trải nghiệm đó đối với cuộc đời ông. Gioan viết: “Lúc ấy khoảng giờ thứ mười”, tức là khoảng bốn giờ chiều (x. câu 39).

Gioan tường thuật tiếp: Ngày hôm sau, Philipphê kể cho Nathanaen nghe về cuộc gặp gỡ của anh với Đấng Mêsia. Bạn của Philipphê nghi ngờ và hỏi: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Philipphê không tìm cách thuyết phục bạn mình bằng những lý lẽ tốt đẹp, mà chỉ nói: “Hãy đến mà xem” (x. câu 45-46). Nathanaen đã đi xem, và từ giây phút đó, cuộc đời anh đã thay đổi.

Đó là cách đức tin Kitô giáo bắt đầu và được thông truyền: như một sự hiểu biết trực tiếp, phát sinh từ trải nghiệm, chứ không phải từ tin đồn.

Chuyện xảy ra với dân làng Samari cũng tương tự như vậy: “Không còn phải chỉ vì lời chị nói mà chúng tôi tin, nhưng vì chính chúng tôi đã nghe thấy”. Dân làng đã nói với người phụ nữ Samari như thế sau khi Chúa Giêsu ở lại ngôi làng của họ (x. Ga 4,39-42).

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời cảm ơn sự dũng cảm dấn thân của tất cả những nhà truyền thông chuyên nghiệp - những nhà báo, nhà quay phim, biên tập viên, đạo diễn - những người thường liều mạng thực hiện công việc của họ.

Nhờ những nỗ lực của họ mà người ta biết được những tin tức chính xác, chẳng hạn như những nỗi cơ cực của các nhóm thiểu số bị bức hại ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu không có họ thì sẽ không ai biết đến nhiều trường hợp áp bức và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường, nhiều cuộc chiến tranh ở những nơi xa xôi...

Nhiều tình huống trong thế giới hôm nay, và trong thời đại dịch này, đang mời các nhà truyền thông “hãy đến mà xem”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng: Internet, với vô số cách biểu đạt, tràn ngập những hình ảnh và chứng ngôn, có thể làm gia tăng khả năng tường thuật và chia sẻ, với nhiều cách nhìn khác nhau về thế giới. Công nghệ kỹ thuật số cung cấp cho con người khả năng thông tin trực tiếp kịp thời - thường khá hữu ích. Đây là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm khi sử dụng, khi thuật lại những gì đang diễn ra trước mắt.

Hiện nay, ai cũng thấy rõ nguy cơ thông tin sai lệch và những thao túng độc hại trên mạng xã hội.

Điều quan trọng không phải là cho rằng internet xấu xa, mà là thúc đẩy sự phân định có trách nhiệm đối với nội dung được gửi và nhận, cũng như vạch trần những tin tức giả. Mọi người đều phải là chứng nhân cho sự thật, nghĩa là phải đi, để thấy rõ và chia sẻ cách chân thực.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng: Trong truyền thông, không gì có thể thay thế hoàn toàn được việc nhìn thấy tận mắt. Một số điều chỉ có thể biết được qua trải nghiệm trực tiếp, vì “chúng ta không giao tiếp đơn thuần bằng lời nói, mà còn bằng ánh mắt, giọng nói và cử chỉ của chúng ta nữa.”

Đức Giáo hoàng đưa ra một ví dụ về Chúa Giêsu: “Đành rằng sự hấp dẫn của Chúa Giêsu đối với những ai đã gặp Người phụ thuộc vào lẽ thật trong lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, hiệu quả của những gì Người nói lại không tách rời với cách Người nhìn người khác, với cách Người cư xử với họ, và thậm chí với sự im lặng của Người. Các môn đệ không chỉ nghe lời của Người; họ còn quan sát Người nói. Thật vậy, nơi Người - Logos nhập thể - Ngôi Lời mang một khuôn mặt; Thiên Chúa vô hình đã cho chúng ta thấy, nghe và chạm vào Người, như chính thánh Gioan đã kể lại (x. 1 Ga 1,1-3).

“Lời nói chỉ có hiệu quả nếu nó được ‘nhìn thấy’, nếu nó lôi cuốn chúng ta vào trải nghiệm, đối thoại. Vì thế, lời mời ‘đến mà xem’ đã và vẫn cứ mãi là điều cần thiết.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: Mọi công cụ đều có giá trị của nó, nên chắc hẳn Thánh Phaolô tông đồ cũng sẽ sử dụng email và nhắn tin qua mạng xã hội nếu thánh nhân sống trong thời đại của chúng ta.
Tuy nhiên, chính đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái của thánh nhân mới gây ấn tượng cho những người đã nghe ngài giảng hoặc may mắn gặp gỡ và ở bên ngài. Ngắm nhìn thánh nhân làm việc ở bất cứ nơi đâu, họ cũng đều thấy được sứ điệp cứu độ - mà ngài rao giảng với ơn Chúa - thực sự mang lại hoa trái cho cuộc sống của họ.

Thánh Augustinô đã nói về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh thánh: “Chúng ta có sách thánh trong tay, nhưng sự kiện thì cần có ở trước mắt chúng ta.” Khi đọc những lời tiên tri trong Kinh Thánh, người ta cần thấy được những lời tiên tri ấy ứng nghiệm nơi đời sống của các Kitô hữu.

Kết thúc sứ điệp, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt lên trên chính mình mà lên đường tìm kiếm sự thật.

Xin dạy chúng con ra ngoài mà xem, xin dạy chúng con biết lắng nghe, để đừng mang nặng những thành kiến hoặc đưa ra những kết luận vội vàng.

Xin dạy chúng con đi đến những nơi chẳng có ai đi, biết dành thời gian cần thiết để thấu hiểu, biết chú ý đến những điều cốt yếu, không bị phân tâm bởi những điều thừa thãi, biết phân biệt vẻ ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ơn nhận biết nơi ở của Chúa trong thế giới của chúng con và ban sự trung thực cần thiết để chúng con biết kể lại cho người khác những gì chúng con đã thấy.

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây