Lời Chúa THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 23/11/2024 21:33 |   60
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,5-11)

26/11/2024
Thứ ba tuần 34 THƯỜNG NIÊN

t3 t34 TN

Lc 21,5-11


sẵn sàng để được biến đổi
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,5-11)

Suy niệm: Đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su được Hê-rô-đê khởi công tái thiết khoảng năm 20/19 trCN suốt 46 năm mới hoàn thành những phần chính yếu - khoảng năm 26/27 sCN (x. Ga 2,20). Đối với người Do Thái, đền thờ không chỉ là niềm hãnh diện vì là công trình kiến trúc đồ sộ, tráng lệ, mà còn là biểu tượng của niềm tin, vinh quang, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Vì vậy, lời Chúa Giê-su cảnh báo rằng đền thờ “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” thực sự gây sốc với thính giả. Ngài tiên báo Đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ sụp đổ - điều thực sự đã xảy ra vào năm 70 - đồng thời nhắn gởi một sứ điệp về sự tạm bợ của cuộc sống này. Đừng bám víu vào chúng vì mọi sự rồi sẽ hư hoại và qua đi. Trái lại Chúa mời gọi tìm kiếm những giá trị trường cửu, là sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Đền thờ đích thực ta cần xây dựng không phải là bằng gỗ đá, nhưng là đền thờ trong tâm hồn, nơi Thiên Chúa thực sự hiện diện (x. Ga 4,23).

Mời Bạn: Cuộc sống luôn có những biến động không lường trước, tuy nhiên, không phải là dấu chấm hết, nhưng là cơ hội cho bạn canh tân đời sống đức tin. Thay vì hoảng sợ, bạn cần chuẩn bị tâm hồn đón nhận, tin rằng Thiên Chúa luôn điều khiển mọi sự.

Sống Lời Chúa: Bạn tập thành thói quen làm việc gì cũng có ý hướng đến mục đích cuối cùng là cuộc sống đời sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho chúng con biết mọi sự điều hữu hạn. Xin cho chúng con luôn hướng lòng về Chúa, để giữa những thế sự thăng trầm của cuộc đời này, chúng con luôn vững tin vào Chúa. Amen.

Ngày 26 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: xác và hồn của chúng con đã được vinh dự thuộc về Đức Kitô. Vì thế, chúng con phải tôn trọng thân xác của mình, cũng như của những người khác. Thân xác của chúng con là để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác chúng con. Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại, thì cũng sẽ cho chúng con sống lại. Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúng con là chi thể của Đức Kitô, chúng con không còn thuộc về chính mình nữa, và Chúa sẽ cho chúng con được cùng sống lại và cùng hiển trị với Đức Kitô trên cõi trời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 34 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 2, 31-45

“Thiên Chúa khiến một vương quốc dấy lên và tàn phá hết các vương quốc”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, Ða-ni-en tâu vua Na-bu-cô-đô-nô-sô rằng: “Tâu đức vua, đức vua chiêm bao thấy một tượng to lớn; tượng ấy rất cao sang rực rỡ, đứng trước mặt vua, hình dung thật đáng sợ hãi. Ðầu tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân nửa sắt nửa sành. Ðang lúc vua trông thấy thế, thì có tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải do tay người ta làm, tảng đá ấy rớt trúng chân tượng nửa sắt nửa sành, làm nó đổ nát tan tành: Bấy giờ sắt, sành, đồng, bạc, vàng, đều tan nát một trật, bị gió cuốn đi mất, không còn tìm thấy đâu nữa: như bụi mùa hè trên sân lúa; còn tảng đá làm vỡ bức tượng, đã trở thành núi lớn choán khắp địa cầu.

Chiêm bao là như thế: tâu đức vua, thần xin giải thích chiêm bao trước mặt đức vua. Hoàng thượng là vua các vua. Thiên Chúa trên trời đã ban cho hoàng thượng vương quốc, sức mạnh, quyền thế, và vinh quang. Người còn trao vào tay hoàng thượng nhân dân các nước, thú đồng và chim trời, để hoàng thượng cai quản mọi sự. Vậy chính đức vua là đầu bằng vàng. Sau đức vua, thì có một vương quốc khác bằng bạc, kém hơn đức vua, sẽ dấy lên. Sau đó, có một vương quốc thứ ba bằng đồng, sẽ cai trị khắp địa cầu. Kế đó là vương quốc thứ tư bằng sắt. Sắt tàn phá và chế ngự mọi vật thế nào, thì nước này cũng tàn phá và chế ngự mọi sự như vậy. Ðức vua trông thấy chân và ngón chân nửa sành nửa sắt, đó là nước sẽ phân rẽ; đức vua trông thấy sắt sành lẫn lộn với nhau, đó là nền tảng nước kiên cố như sắt. Ngón chân nửa sắt nửa sành, là vương quốc sẽ nửa mạnh nửa yếu. Ðức vua trông thấy sắt lộn với sành: (chúng sẽ pha loại lai giống người với nhau), nhưng không thể hoà hợp với nhau, như sắt chẳng hoà hợp với sành vậy.

Trong thời đại có những vương quốc ấy, Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá và không bị trao cho dân tộc khác, sẽ tàn phá và huỷ hoại các nước này; nó sẽ đứng vững muôn đời. (Cũng như) Ðức vua trông thấy tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải (do) người ta làm, nó đã tàn phá sành, sắt, đồng, bạc và vàng. Ấy Thiên Chúa cao cả đã tỏ ra cho vua những sự sẽ xảy đến sau này: Ðây mới thật là chiêm bao, là lời giải thích rất chân thành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 57. 58. 59. 60. 61

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời

Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, mọi công cuộc của Chúa, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, các thiên thần của Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn cõi trời cao.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, ngàn nước trên cõi cao xanh.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn đạo thiên binh của Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 14-19

“Ðã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Tôi là Gio-an, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: “Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi”. Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: “Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi”. Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12. 13

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).

Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. 

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở! 

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-11

“Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

SỰ SỤP ĐỔ CỦA THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM (Lc 21,5-11)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi chỉ trích các luật sĩ và đề cao cử chỉ quảng đại của bà góa, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi Đền thờ về phía núi Cây Dầu. Từ nơi này nhìn thấy Đền thờ Giê-ru-sa-lem đồ sộ nguy nga và kiên cố, các môn đệ tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ Đền thờ bền vững đến muôn đời, nhưng Đức Giê-su lại báo trước sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, viễn cảnh của ngày tận thế. Dân Ít-ra-en không tin và không chấp nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Họ dễ dàng nghe theo những lời giáo huấn của những kẻ giả hình, những kẻ mạo danh Ngài. Đức Giê-su dạy phải tỉnh thức chờ đợi Ngài. Đồng thời cũng báo trước sẽ có những biến cố lớn lao xẩy ra trước ngày tận thế.

2. Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giê-su loan báo việc Đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá và liên kết với việc tàn phá Đền thờ, Đức Giê-su nói về ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời đại bị bách hại. Nhưng đừng sợ, hãy kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ làm cho các tín hữu chiến thắng trong thời kỳ sau cùng với điều kiện họ phải luôn bền đỗ.

3. Hình ảnh Đến thờ Giê-ru-sa-lem được Hê-rô-đê Cả cho tái thiết lại trang hoàng lộng lẫy và lóng lánh ngọc thạch. Mọi người tự hào và trầm trồ khen ngợi. Nhưng đúng như những gì Tin Mừng loan báo, thành Giê-ru-sa-lem đã bị tướng Titus của Rô-ma phóng hỏa và bình địa xóa sổ vào năm 70 và dân Do thái tản mác khắp nơi trên địa cầu. Với cách diễn tả của các tác giả Tin Mừng, các ngài thường liên tưởng đến biến cố Giê-ru-sa-lem và biến cố cánh chung. Và rồi, bao nhiêu công trình mà con người tự hào và khen ngợi, từ công trình khoa học kỹ thuật đến các công trình kiến trúc… rồi sẽ trở thành tro bụi khi ngày tận thế đến (Mỗi ngày một tin vui).

4. Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giê-su báo trước sự kiện Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá; đồng thời cũng tiên báo về ngày cánh chung, về tận củng cũa vũ trụ này. Theo lẽ thường cái gì đã có thủy (điểm khởi đầu), thì cũng sẽ có chung (điểm cuối), “hữu hình hữu hoại”: cái gì xuất hiện hữu hình thì cũng có lúc hình thể đó bị hư hoại đi. Đó là một chân lý, một quy luật chứng nghiệm trong thực tế  chứ không phải một cái nhìn bi quan. Nhận định ấy giúp ta tiếp cận thế giới vật chất này cách khôn ngoan, chừng mực hơn, không quá bám víu vào nó, vì mọi vật có ngày rồi sẽ tiêu tan, nay còn mai mất. Khi cảm nghiệm được sự bất tất, mau qua của vạn vật, ta mới thấy được cái giá trị của vĩnh cửu, là thực tại Thiên Chúa đã từng hé lộ cho ta khi Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa: “Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta sẽ tồn tại mãi” (x.Mt 5,18)(5 phút Lời Chúa).

5. Nói đến ngầy tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật. Tuy nhiên, khi nói đến ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được. Một lúc nào đó, ngay cả con người chúng ta dù muốn hay không, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng trở về với bóng tối. Đã một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa. Mỗi ngày có trên 200.000 người chết, mỗi giờ có 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số những người phải ra đi ấy.

6. Nhưng có nhiều người cứ sống như không bao giờ chết, họ sống không mục đích, họ sống cho qua ngày như trên tấm mộ bia của anh chàng Bopp có viết câu: “Đây là nơi yên nghỉ của một người không biết tại sao mình sống”. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong truyện dưới đây: Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sự đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa: “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình nói: “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy”? Người đánh ngựa đáp: “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực” (Clifton Gadiman).

7. Truyện: Sắm sẵn hành trang chưa?

Một quan lớn kia có nuôi một tên hề để hầu hạ. Quan trao cho nó một cây gậy, bảo nó cứ giữ cho đến khi có ai điên rồ hơn nó thì hãy cho.
Cách vài hôm sau, quan thọ bệnh nguy kịch. Hề ta vào thăm, hỏi rằng:
– Khi qua đời rồi, quan sẽ đi đâu?
– Ta đi xa lắm.
– Vậy bao giờ quan về? Một tháng nữa chăng?
– Không.
– Một năm à?
– Cũng không.
– Vậy thì bao giờ quan mới về?
– Chẳng bao giờ về được.
– Thế thì trong cuộc man du đó quan đã sắm sẵn hành trang gì chưa?
– Chưa sắm gì hết.
– Đi xa mà chẳng có hành trang gì, quan thật điên hơn tôi. Vậy xin nhận lấy cây gậy này.
(Ms Lê Văn Thái, Những tia sáng 2, tr 159).

KHÔNG CÒN HÒN ĐÁ NÀO TRÊN HÒN ĐÁ NÀO
(THỨ BA TUẦN 34 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 34 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa thúc đẩy chúng ta thêm hăng hái nhiệt thành mà cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để nhờ đó, chúng ta được Chúa ban ơn trợ lực dồi dào hơn nữa.

Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, bằng cách tin tưởng vào lời của những người nói theo lệnh của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô kêu gọi: trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ và ngôn sứ: Đức tin của chúng ta dựa trên lời chứng của những người đã được thấy tận mắt. Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta; chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một… Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người, khi chúng tôi được ở với Người trên núi thánh.

Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, để được đến tận nguồn ơn cứu độ và chiêm ngưỡng ánh sáng đích thực chói chang, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Giữa bóng đêm đời này, Kinh Thánh vẫn tỏa sáng như đèn soi cho chúng ta khỏi phải ở trong tăm tối. Nhưng bấy giờ, Kinh Thánh sẽ được cất đi toàn bộ… Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời soi chiếu, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.

Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, để reo mừng vào ngày Chúa ngự đến xét xử trần gian, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Khải Huyền cho thấy: Đã đến giờ gặt; mùa màng trên đất đã chín rồi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia đã kêu xin: Chúa ngự đến xét xử trần gian. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa phán: Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Không chỉ, Đền Thờ vật chất sẽ không còn, mà ngay cả, những gì thiêng liêng cũng qua đi. Thật vậy, sánh với người không tin, thì Kitô hữu chúng ta, đã là ánh sáng rồi, nhưng, sánh với ánh sáng mà chúng ta sắp đạt tới, thì ngày sáng của chúng ta đây, cũng mới chỉ là đêm tối. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sẽ quang lâm, và Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối. Vậy khi ngày ấy đến, thì đèn đuốc không còn cần thiết nữa: chúng ta sẽ không cần đọc sách các Ngôn Sứ, không phải mở sách các Tông Đồ, không cần nại đến lời chứng của ông Gioan, và ngay cả sách Tin Mừng, chúng ta cũng không cần. Khi tất cả những thứ đó đã được cất đi, không còn chiếu sáng cho chúng ta nữa, nghĩa là, khi tất cả những phương thế từng trợ giúp chúng ta không còn nữa, thì chúng ta sẽ được vui sướng ngắm nhìn điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ đến. Vậy, chúng ta hãy trung thành cho đến chết, để được chiêm ngưỡng điều Chúa đã hứa, chúng ta hãy ước ao Quê Trời, hãy khát khao Quê Trời, hãy ý thức sâu xa rằng: nơi đây, chúng ta chỉ là lữ khách. Chúng ta đang được thanh tẩy để có thể nhìn thấy và đón nhận ánh sáng mà Chúa đã hứa ban. Thật phúc cho chúng ta vì sẽ được chung hưởng một ánh sáng, được vui mừng, được sung sướng hân hoan khi lãnh nhận triều thiên sự sống. Ước gì chúng ta thêm hăng hái nhiệt thành mà cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để nhờ đó, chúng ta được Chúa ban ơn trợ lực dồi dào hơn nữa. Ước gì được như thế!

KIẾN TẠO LỊCH SỬ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”.

“911” - “Nine One One” - cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ ‘ngày tận thế’ 11/9/2001, ngày mà toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York - biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ - chìm trong khói và lửa, dẫn đến cái chết của 2.996 người.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi dời như biến cố “911”, có thể trải qua ‘khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài còn mãi! Chúa là Chủ của lịch sử “vật đổi sao dời” và Ngài kêu gọi chúng ta cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’ đó.

Trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Như những người thưởng lãm vẻ đẹp của đền thờ, bạn và tôi có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’. Vậy mà, đức tin, thời gian và kinh nghiệm dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chặt chẽ hơn, hoặc đang ‘sờn mòn’ hay ‘rời ra’ ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu vào trái tim Ngài hơn hoặc khiến chúng ta xa rời Ngài. “Chính mức độ tương quan của chúng ta với Chúa Kitô sẽ quyết định mức độ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc ‘kiến tạo lịch sử’, một lịch sử cứu độ!”.

Cuộc phán xét cuối cùng - bài đọc một - là thời gian để chúng ta suy ngẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. “Những chiếc liềm sắc bén” không nhằm gây sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, sẵn sàng. Khoảnh khắc tận thế của mỗi người có thể đến như trộm trong đêm; nhưng nếu sẵn sàng thì không có gì khiến chúng ta lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” - Thánh Vịnh đáp ca.

“Sự tàn phá Giêrusalem được Chúa Giêsu báo trước không phải là ẩn dụ về sự kết thúc của lịch sử mà là mục đích của lịch sử. Và thái độ của Kitô hữu là gì? Không thể tiếp tục làm nô lệ cho sợ hãi và lo lắng; thay vào đó, họ được kêu gọi sống lịch sử, ‘kiến tạo lịch sử’, ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của cái ác với sự chắc chắn rằng, hành động tốt lành của Thiên Chúa luôn đi kèm với sự dịu dàng quan phòng và trấn an của Ngài. Đức tin khiến chúng ta bước đi với Chúa Giêsu trên những con đường quanh co của thế giới, với niềm xác tín, sức mạnh của Thánh Thần sẽ bẻ cong các thế lực của sự dữ, khuất phục chúng trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu thì cao cả hơn, mạnh mẽ hơn, vì đó là Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Ở mức độ cá nhân và thực tế hơn, chúng ta có thể lo lắng về những đổi thay. Nhưng một lần nữa, hãy biết rằng, trở nên sợ hãi và lo lắng không có ích gì. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng sống trọn vẹn từng ngày và làm cho nó có ích cho bản thân và cho người khác bằng cách củng cố các mối tương quan, quan trọng nhất - với Chúa Kitô - và với người. Có như thế, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa, xây dựng hoà bình, xây dựng thế giới và cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì lịch sử đời con khác nào lịch sử đời Chúa, một lịch sử cứu độ!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 34 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây