Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 15/11/2024 18:22 |   53
Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. (Lc 18,35-43)

18/11/2024
Thứ hai tuần 33 THƯỜNG NIÊN
Cung hiến thánh đường thánh Phêrô và Phaolô

t2 t33 TN

Lc 18,35-43


chúa biết con cần chúa
Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. (Lc 18,35-43)

Suy niệm: Người mù thành Giê-ri-khô biết rõ mình cần gì: Anh ta biết mình mù loà và anh muốn được sáng mắt. Điều quan trọng là anh biết chọn đúng người để kêu cầu: Anh không thấy, nhưng anh có thể nghe để nhận biết “ông Giê-su Na-da-rét là Con vua Đa-vít”, là Đấng Ki-tô cứu thế; anh cũng không bị câm, nên anh gào to lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi”. Anh biết anh cần Chúa nên anh dùng mọi phương thế anh có để đến với Ngài. Nhưng điều quan trọng hơn cả là Chúa cũng biết anh cần Chúa. Chúa “truyền dẫn anh ta đến” gặp Chúa và Ngài hỏi anh muốn gì. Thật phúc cho anh vì điều anh muốn cũng là điều Chúa muốn làm cho anh. Và Ngài ban cho anh nhiều hơn điều anh xin: Anh nhìn thấy được và anh đi theo Ngài.

Mời Bạn: Mù con mắt thể lý thì bất tiện đủ điều, nhưng mù con mắt Đức Tin lại còn đáng sợ và khó khăn hơn nữa. Đó là khi chúng ta bon chen chạy theo quyền lực, tìm kiếm tiền của, hay khi chúng ta ham mê hưởng thụ đến nỗi không cảm thấy mình cần Chúa, cũng không nhận thấy Ngài hiện diện nơi tha nhân. Bạn hãy mang lấy tâm trạng của anh mù, để biết mình không thể sống mà thiếu Chúa, và khắc phục mọi rào cản để đến và ở lại với Chúa.

Sống Lời Chúa: Tận dụng những khoảnh khắc trong ngày để dâng lên Chúa một lời nguyện tắt nói lên tâm tình thân thiết của bạn với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thắp sáng con mắt tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cho con được sáng con mắt đức tin để con nhận ra con cần Chúa và phó thác đời con trong tay Chúa. Amen.

Ngày 18 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn biết cảnh giác trước những kẻ thù của việc nên thánh: Tiến Sĩ Bàn Tay chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác khi tuân giữ một số quy tắc, luật lệ. Họ coi ý chí là toàn năng, ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. Họ tự nên thánh bằng những việc làm, và những cố gắng của riêng mình, mà không cần ân sủng của Chúa. Họ nghĩ mình có quyền đòi hỏi, và cũng có thể mua được ân sủng thần linh bằng những nỗ lực của mình. Họ tự mãn, kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, những chương trình tự lực, và thành tựu cá nhân.Xin cho chúng con đừng bao giờ muốn tự mình nên thánh bằng sức riêng của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 1, 11-16. 43-45. 57-60. 65-67

“Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp”.

Trích sách Ma-ca-bê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua An-ti-ô-cô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rô-ma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.

Thời đó từ Ít-ra-en cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: “Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai họa”. Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giê-ru-sa-lem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.

Vua An-ti-ô-cô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Ít-ra-en cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.

Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua An-ti-ô-cô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giu-đa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Ít-ra-en tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Ít-ra-en phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 53. 61. 134. 150. 155. 158

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài

Xướng: Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài.

Xướng: Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài.

Xướng: Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. –

Xướng: Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa.

Xướng: Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a

“Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải”.

Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Mạc khải của Ðức Giê-su Ki-tô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gio-an, và Gio-an làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giê-su Ki-tô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.

Gio-an kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.

Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Ê-phê-xô rằng: ‘Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu’ “.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Ðáp.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Ðáp.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Ðáp.

Alleluia: Lc 16, 31

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 35-43

“Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi Chúa đến gần thành Giê-ri-cô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giê-su Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su con vua Ða-vít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Ða-vít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giê-su bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC TIN LÀ LIỀU THUỐC CHỮA LÀNH
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tin Mừng hôm nay mô tả một anh chàng mù, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giêsu. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giê-ri-cô, nơi có nhiều người qua lại.

May mắn cho anh, một hôm chính Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một số người khác đã đi ngang qua đó. Nghe biết Chúa Giê-su, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh la lên: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!” (Lc 18, 38). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu nên họ quát bảo anh ta im đi, càng cấm anh càng kêu to, tiếng kêu của anh vang tới tai Chúa và động đến tâm hồn Chúa Giê-su. Đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, Chúa truyền gọi anh đến đến và hỏi: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? “Hắn đáp lại: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy” (Lc 18, 41). Chúa Giê-su bảo anh ta: “Hãy nhìn xem! Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi!” (Lc 18, 42) Lập tức Chúa Giê-su cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.

Anh mù thấy được là nhờ sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều hướng về một điểm. Theo Phúc âm kể: “Tức khắc anh thấy được và đi theo Người” (Lc 18, 43). Ðiều này có nghĩa là anh mù trở thành môn đệ Chúa và theo Người lên Giê-ru-sa-lem, để cùng với Chúa tham dự vào mầu nhiệm cao cả của ơn cứu rỗi.

Cái nhìn thể lý thật quan trọng, cái nhìn từ bên trong của Thiên Chúa. Thánh Clêmentê Alexandria nói, “Chúng ta hãy chấm dứt việc lơ là sự thật, hãy ra khỏi bóng tối và sự vô minh, như một áng mây, hãy ra khỏi đám mây che lấp chúng ta để chiêm ngưỡng Thiên Chúa thật”.

Chúng ta thường hay than phiền và nói rằng, tôi không biết cầu nguyện. Hãy noi gương anh mù trong Tin Mừng: Anh không ngần ngại kêu lên cùng Chúa Giê-su tất cả những gì anh ta cần. Phải chăng chúng ta thiếu đức tin? Nếu thiếu, hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con”. Phải chăng chúng ta có người thân bằng hay trong gia đình có người bỏ bê việc sống đạo? Vậy, hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho họ được nhìn thấy”.

 

CHÚA CHỮA NGƯỜI MÙ TẠI GIÊ-RI-CÔ (Lc 18,35-43)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Từ Pê-rê đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su phải đi qua Giê-ri-cô, một người mù từ mới sinh xin Chúa chữa lành. Ngài đã làm cho anh được sáng mắt. Việc Đức Giê-su làm phép lạ mở mắt người mù này sẽ giúp các môn đệ nhìn thấy rõ và chấp nhận kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngoài ra, việc chữa lành người mù này không chỉ là mù lòa thể xác, mà còn có ý nói đến tội lỗi, tối tăm trong tâm hồn. Sứ mệnh của Đức Giê-su đến trần gian là giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi nô lệ, tội lỗi. Ngài luôn sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ được lành khi chúng ta tin vào Ngài. Như vậy, niềm tin chính là điều kiện để Chúa tha thứ và ban ơn cho chúng ta.

2. Ý thức thân phận của mình, anh mù đã khiêm tốn cầu xin: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi”. Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được”, anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Lu-ca ghi lại: Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thậy vậy, toàn dân đều ca ngợi Thiên Chúa”. Anh mù đã sống trọn ơn gọi Ki-tô của mình; anh đã thực hiện lời Đức Giê-su căn dặn các môn đệ Ngài: Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Đấng ngự trên trời” (Mỗi ngày một tin vui).

3. Hình ảnh người mù trong bài Tin Mừng hôm nay đã phản chiếu trung thực thân phận con người trong cuộc lữ hành đức tin. Con người không thể tự cứu mình và cũng không một người nào có thể cứu giúp con người, ngoài Đức Ki-tô. Đấng Cứu độ duy nhất có thể giải phóng loài người khỏi bóng tối tội lỗi sự chết, và đem con người vào miền ánh sáng của ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng vào Người, và trung  thành bước theo Người trong cuộc hành trình đức tin của mình (Trần Hữu Thành).

4. Đây đó trên đường, người ta gặp những người mù với một cây gậy chuyên dụng như một giác quan kỳ lạ giúp họ đi đến nơi họ muốn. Thật đáng thán phục! Có thể nói, cây gậy trợ lực giúp họ dò con đường họ thấy bằng trí nhớ. Cũng vậy, dù không thấy được bằng giác quan, con mắt đức tin giúp Ki-tô hữu nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Trong khi dưới con mắt của đám đông, Đức Giê-su chỉ là một người làng Nazareth, thì người mù thành Giê-ri-cô nhận ra chính là con vua Đa-vít, là Đấng Mê-si-a.  Bằng “con mắt đức tin”, anh đã thấy điều mà người khác không thấy: thấy Ngài có quyền năng tái tạo những gì đã hư mất; thấy Ngài là Đấng chia sẻ được nỗi thống khổ anh đang chịu, là chỗ dựa cho anh trong lúc mọi người bỏ rơi. Giữa đám đông anh có thể bị lẻ loi vì đức tin của anh nhưng anh không cô độc, bởi Đấng cứu chữa anh từ nay đồng hành với anh trên mọi nẻo đường, còn anh quyết theo đường Ngài, dù  là đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó (5 phút Lời Chúa).

5. Nhân ngày Giới trẻ thế giới lần thứ ba mươi, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nói: Mọi người chúng ta đều là tội nhân, cần được Chúa thanh luyện. Chúng ta đến với Chúa Giê-su để nhận ra rằng Người luôn dang rộng vòng tay đợi chờ; đến với Người để gặp gỡ lòng thương xót của Người”.

Trong câu chuyện Tin Mừng, anh mù bên vệ đường đã nhận ra sự khốn khổ của mình, và chạy đến cầu cứu Đức Giê-su. Anh đã kêu đến Người, cho dù nhiều người quát mắng, bảo phải im tiếng. Anh tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương của Chúa, anh tin Người sẽ cứu chữa anh. Thế nên, anh được Đức Giê-su dủ lòng thương, cho anh nhìn thấy.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị mù vì thiếu cái nhìn thiện cảm đối với tha nhân, và cũng có những lúc  chúng ta bị mù vì không đủ lòng tin vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Như anh mù năm xưa, ta hãy chạy đến với Đức Giê-su, để được Người chữa lành.

6. Truyện: Đứa con mù từ 20 tháng.

Một bà mẹ kể lại cái kinh nghiệm bà đã học được từ đứa con mù lòa của mình như sau:

Tôi có đứa con trai bị mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên, tôi đưa cháu đến một siêu thị gần nhà. Với những bước đi chập chững, nó không ngừng bám vào gấu áo của tôi, và cứ vài ba bước nó lại ngừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh.

Sáng hôm đó, tôi đã học được nhiều điều. Thật thế, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng từ tiếng chân người đi bộ đến tiếng xe, tất cả các tiếng ồn ào đều khác nhau. Cách 100 thước chúng tôi đã nghe mùi thơm của một tiệm bánh kẹo. Vừa vào tiệm, đứa con đã dừng lại mỉm cười. Tôi mua cho cháu một thanh sôcôla rồi tiếp tục đi đến một cửa hàng khác. Một con chim từ đâu bay đến gần bên chúng tôi. Con tôi dừng lại, như đương thưởng thức tiếng chim hót. Một lúc sau tôi thấy cháu lè lưỡi ra và hút thở làn gió mát từ phương Bắc thổi tới, cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa biết gió từ đâu.

Chúng tôi đi tiếp. Vào cửa tiệm bán cá, con tôi liền ném mẩu sôcôla và đưa tay sờ vào các loại cá.

Trên đường về, con tôi cười vui rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng hôm ấy là một buổi sáng tuyệt vời của nó vì nó khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu. Riêng tôi, tôi đã tự hỏi: Tôi với con tôi, ai mới thực sự là kẻ mù lòa.

XIN NHÌN THẤY ĐƯỢC
(THỨ HAI TUẦN 33 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 33 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời, xin Chúa cho chúng ta tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa.

Hết dạ trung thành với Chúa, để được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giôen cho thấy: Hạnh phúc vĩnh cửu tiếp theo sau cuộc xét xử cuối cùng, khi Thiên Chúa xét xử hết mọi người. Ai sống ngay thẳng và được tháp nhập vào Chúa Kitô, sẽ được hưởng niềm vui dành cho thụ tạo được tình yêu Thiên Chúa đổi mới. Ngày ấy, núi non sẽ chảy sữa tràn trề; từ mọi khe suối Giuđa, nước sẽ tuôn trào cuồn cuộn. Một mạch nước từ Nhà Đức Chúa sẽ vọt ra. Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền. Thiên thần chỉ cho tôi thấy con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên.

Hết dạ trung thành với Chúa, bằng cách chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phungienxiô nói: Ai không muốn phải chịu hình phạt đời đời là cái chết thứ hai, thì ở đời này, phải mau mắn tham dự vào cuộc phục sinh thứ nhất... Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.

Hết dạ trung thành với Chúa, nếu lỡ lỗi phạm, thì hãy hối cải, quay trở về với đường lối của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khải Huyền nói: Hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia đã cho thấy: Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống. Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh ta đáp: Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được. Chúa là ánh sáng, bước theo Chúa là bước đi trong ánh sáng, đi trong ánh sáng Chúa, chắc chắn, chúng ta sẽ không lạc bước, chắc chắn, chúng ta sẽ đạt tới sự sống muôn đời. Anh mù xin Chúa cho được nhìn thấy, bởi vì, nhìn thấy mới biết đường mà đi, nhìn thấy mới không sợ sa vào vực thẳm, sa vào những chốn nguy hiểm. Khao khát được nhìn thấy của anh đã khiến anh cản đảm kêu gào cho bằng được Đấng sẽ cứu thoát anh khỏi cảnh mù tối. Đường lối của Chúa chính là ánh sáng: soi sáng, thanh luyện, và biến đổi chúng ta nên công chính. Thật vậy, ở đời này, chúng ta được biến đổi nhờ sự phục sinh lần thứ nhất, khi chúng ta được soi sáng để hoán cải, tức là khi chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống, từ chỗ tội lỗi sang chỗ công chính, từ chỗ không tin đến chỗ tin, từ các hành vi xấu xa sang cuộc đời thánh thiện. Vì thế, cái chết thứ hai không có quyền hành gì trên chúng ta, như sách Khải Huyền đã chép: Hạnh phúc thay kẻ dự phần vào cuộc phục sinh thứ nhất này. Cái chết thứ hai không có quyền gì trên họ... Ai thắng sẽ không hề bị cái chết thứ hai làm hại. Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời, ước gì chúng ta tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Ước gì được như thế!

 

Cung hiến thánh đường thánh Phêrô và Phaolô
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Ngày kỷ niệm cung hiến giáo đường thánh Phêrô (khoảng 350) và thánh Phaolô trên đường Ostia (khoảng 390), cử hành vào ngày 18 tháng 11, đã được nhắc đến ngay từ thế kỷ XI trong một quyển sách viết về cuộc tử đạo của thánh Phêrô. Năm 1568, Đức Giáo Hoàng Piô V đã cho ghi vào lịch phụng vụ Rôma ngày mừng lễ cung hiến này chung cho cả hai thánh đường.

Truyền thống kể rằng vương cung thánh đường thánh Phêrô nguyên thuỷ được hoàng đế Constantinô và các người kế vị xây dựng, được hoàn thành và cung hiến khoảng năm 350. Thánh đường này xây trên mộ của thánh tông đồ Phêrô ở Vaticanô, nằm trên khu nghĩa trang cổ (thế kỷ I và II) của người ngoại giáo và Kitô giáo, tại đây vào cuối thế kỷ II, người ta đã đào xuống thành ba tầng kế tiếp nhau. Một linh mục người Rôma tên là Caius, dưới thời Đức giáo hoàng Zéphirin († 217), đã để lại một chứng từ về tầng thứ ba của khu nghĩa trang, và được giám mục sử gia Eusèbe thành Césarê thuật lại: “Phần tôi, tôi có thể chỉ cho bạn thấy những chứng tích (phần mộ hay hài cốt) của các tông đồ. Nếu bạn đến Vatican hay trên đường Ostia, bạn sẽ thấy chứng tích của các vị đã sáng lập Hội Thánh.” (Lịch Sử Hội Thánh II, 25-7). Những cuộc khai quật ở thánh đường thánh Phêrô (1940-1949), dưới thời Đức Piô XII, đã khám phá ra khu nghĩa trang này, và có vẻ như đã khám phá ra phần mộ của thánh Phêrô.

Vào thế kỷ XV, dưới thời Đức Giáo Hoàng Nicolas V, người ta phá ngôi thánh đường cổ lúc đó đã đổ nát, nhưng việc xây dựng lại ngôi thánh đường này chỉ bắt đầu dưới thời Đức Giáo Hoàng Jules II (1503-1513). Đức giáo hoàng đã chọn mẫu thiết kế hình chữ thập Hy lạp của Bramante (1506). Công trình được kiến trúc sư Maderna thực hiện từ 1606 đến 1617. Theo lệnh Đức Giáo Hoàng Phaolô V, ông Maderna nối dài lòng nhà thờ thành hình chữ thập la-tinh và vẽ thiết kế phần mặt tiền. Michel-Angelo (1546) vẽ phần vòm thánh đường và phần này đã hoàn tất năm 1590. Bên dưới vòm là khu Thánh Phê-rô tuyên xưng, gồm nhà hầm mộ thánh tông đồ và bàn thờ chính đặt trên một phương du bằng đồng, tác phẩm của Bernin (1624). Công trường thánh Phê-rô, với hai hàng cột đặt theo hình bán bầu dục, cũng là tác phẩm của Bernin. Thánh đường thánh Phêrô được Đức Đức Giáo Hoàng Urbain VIII cung hiến lại năm 1626.

Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoài thành, theo truyền thống, cũng do hoàng đế Constantin và các người kế vị xây dựng trên mộ thánh Tông đồ. Được Đức Giáo Hoàng Sirice cung hiến vào cuối thế kỷ IV; một cuộc hỏa hoạn đã tàn phá thánh đường vào năm 1823 và được xây dựng lại theo cùng mẫu thiết kế cũ. Thánh đường được Đức Giáo Hoàng Piô IX cung hiến lại ngày 10 tháng 12 năm 1854, với sự tham dự của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tuy nhiên, vì việc mừng kính thánh Phaolô trong phụng vụ không thể tách rời việc mừng lễ thánh Phêrô, nên lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường này (ngày 10 tháng 12) cũng được gộp chung vào ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường thánh Phêrô (18 tháng 11).

Thông điệp và tính thời sự

Ca Nhập lễ mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, “là tổ tiên của chúng ta trong đức tin”. Lời Nguyện của ngày diễn tả ý nghĩa của ca nhập lễ khi nói rằng chính nhờ các ngài mà Hội Thánh được “khởi công rao giảng Tin Mừng”. Thực vậy, nếu phần mộ của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã thu hút vô vàn khách hành hương qua mọi thời đại, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng của các ngài chính là điều làm các ngài trở thành chứng nhân của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô cho tới tận cùng thế giới. Lời chứng của linh mục Caius người Rôma sống vào đầu thế kỷ III: “Nếu bạn đến Vatican hay trên đường Ostia, bạn sẽ thấy chứng tích của các vị đã sáng lập Hội Thánh.” Bài đọc I (Cv 28, 11. . .31) mô tả việc thánh Phaolô đến Rôma như một tù nhân vì Tin Mừng. Sau đó, ở trong thành với một lính canh, ngài tiếp nhận mọi người đến thăm, loan báo triều đại Thiên Chúa và giảng dạy những điều liên quan đến Đức Giêsu Kitô với một sự dạn dĩ, không gặp một trở ngại nào.

Bài Tin Mừng (Mt 14, 22-23) mô tả Chúa Giêsu cứu thánh Phêrô trên mặt biển, và các môn đệ khác cùng tung hô với người vừa được cứu: Quả thật, thầy là Con Thiên Chúa.

Công trình “sáng lập” của thánh Phêrô và Phaolô tiếp tục qua các thế kỷ đối với Giáo Hội toàn cầu, nhưng đặc biệt đối với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội của thánh Phêrô và Phaolô, và là Giáo Hội đứng đầu sự hiệp thông toàn cầu. Giờ Kinh Sách trích một bài của Thánh Lêô Cả, ca tụng sự bảo trợ và công đức của các “bậc tổ tiên lỗi lạc”. “Như chính chúng ta cảm thấy, và như các bậc tiền bối của chúng ta đã chỉ cho chúng ta, chúng ta hết lòng tin tưởng rằng chúng ta sẽ luôn được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các thánh bổn mạng đặc biệt của chúng ta...” (Bài giảng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô).

Enzo Lodi


CON ĐƯỜNG SÁNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” -  Harry Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Với vị trí và bối cảnh của câu chuyện “Người Mù” hôm nay, Luca hẳn có ý khi đặt nó nằm giữa hai câu chuyện khác, cả hai đều nói về những người giàu có. Để từ đó, với Luca, có thể nói, ai gặp được Chúa Giêsu - nơi bắt đầu của một con đường - người ấy chọn nơi nó dẫn đến - ‘Con Đường Sáng!’.

Câu chuyện thứ nhất về một người đàn ông sùng đạo, không chấp nhận điều kiện của Chúa Giêsu là ông phải chia sẻ của cải cho người nghèo trước khi trở thành môn đệ của Ngài. Câu chuyện còn lại là về một người đàn ông được cho là không sùng đạo - Giakêu - nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu, ông cho người nghèo phần lớn của cải. Trong số những người này, ai thực sự mù và ai thực sự gặp Chúa Giêsu, ‘Con Đường Sáng!’.  

Mở đầu, Luca cho biết Chúa Giêsu đang tiến vào Giêricô; và ngang qua Giêricô, Ngài sẽ lên Giêrusalem. Trong hành trình đó, Ngài sẽ tỏ mình cho Giakêu - một người giàu mù loà. Và câu chuyện tiếp tục với một anh mù ăn xin bên vệ đường và đúng là ‘con đường’ lên Giêrusalem. Khi anh nghe thấy Chúa Giêsu đang đi ngang qua, anh kêu lớn, “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Gọi Chúa Giêsu là “Con vua Đavít”, anh ám chỉ vai trò Thiên Sai của Ngài. Mọi người bảo anh im đi. Một kẻ ăn xin vô dụng như anh không có quyền làm phiền Thầy. Nhưng người đàn ông đó phớt lờ và tiếp tục kêu lên. Chúa Giêsu dừng lại. Nếu anh không tiếp tục kêu van, Chúa Giêsu có thể đã không nghe thấy anh và có thể đã biến mất mãi mãi khỏi cuộc đời anh. Điều đó xảy ra với chúng ta thường xuyên như thế nào?

Chúa Giêsu ra lệnh đưa anh đến với Ngài. Một lần nữa, chúng ta luôn luôn biết đến Chúa Giêsu thông qua những người khác - và đôi khi thông qua tôi, và chỉ thông qua tôi - mà những người khác biết Ngài. Tôi có thể là mối liên kết duy nhất mà một người có với Chúa Giêsu - một điều đáng suy ngẫm! Mặt khác, tôi có thể là người duy nhất cản trở ai đó tiếp cận Chúa Giêsu và Con Đường của Ngài. Điều gì sẽ xảy ra với những ai được gọi là “cớ vấp ngã” - chướng ngại vật - cản trở người khác đến với Ngài?

Kính thưa Anh Chị em,

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Đó cũng là câu hỏi Chúa Giêsu ‘nặc nặc’ hỏi bạn và tôi. Câu trả lời của chúng ta có thay đổi theo năm tháng? Hãy suy gẫm về những gì tôi thực sự muốn từ Ngài và van xin Ngài. “Xin cho tôi nhìn thấy!”. Theo nghĩa rộng hơn, mỗi người chúng ta đều cần nhìn thấy. Chính thị lực kém ngăn chúng ta biết Chúa Giêsu và thấy ‘nơi’ Ngài muốn chúng ta đến. Khó có thể đưa ra một yêu cầu nào tốt hơn! Và “Hãy nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”. Người mù đã làm gì khi anh nhìn thấy? Anh đã trở thành một người theo Chúa Giêsu, anh tôn vinh Thiên Chúa. Không còn mù, không còn là một người ăn xin, không còn bên đường, nhưng anh đi trên con đường với Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu - ‘Con Đường Sáng’ - đường lên Giêrusalem và ‘tất cả những gì nó có ý nghĩa’. Và đó là bằng chứng tuyệt đối nhất về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi, ‘muốn cho tôi’; dành cho bạn, ‘muốn cho bạn!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dủ lòng thương con, xin chữa bằng được chứng mù mãn tính của con!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Hai tuần 33 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây