Tĩnh Tâm Linh Mục GP.BMT –ngày 14.11.2023

Thứ ba - 14/11/2023 18:51 | Tác giả bài viết: Ban VHTT – GP.BMT |   359
Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2023) bước sang ngày thứ hai.

Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo phận Ban Mê Thuột –ngày 14.11.2023
KHỦNG HOẢNG và THỬ THÁCH ĐỜI LINH MỤC – ĐỀ II & III


Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2023) bước sang ngày thứ hai. Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai tiếp tục đồng hành với các linh mục Ban Mê Thuột trong Tuần Tĩnh Tâm qua bài hướng dẫn thiêng liêng:

ĐỀ II:
- Có nên truyền chức cho những người lập gia đình không?
- Chúng ta có cần những Linh mục không? Giáo hội tương lai cần những Linh mục nào? Bổn phận của một mục tử đích thực là gì?
- N.Đ. Kiên nhẫn.

ĐỀ III:
- Có nên phong chức Linh mục cho phụ nữ không?
- Thế nào là một Linh mục Công giáo ngày nay? Một Linh mục “đích thực” là gì?
- N.Đ. Trung tín trong thời gian.

Trong cuộc khủng hoảng về ơn gọi Linh mục, cả về chất lẫn về lượng, Giáo hội đang đối diện với chủ nghĩa duy giáo sĩ, bên cạnh đó người giáo dân hôm nay đang đòi lại vị trí của họ trong Giáo hội, bên cạnh đó, chức Linh mục thừa tác luôn có phần trổi vượt hơn chức Linh mục cộng đồng, vì thế, sự khủng hoảng đã xảy ra, một bài toán khó đang đòi hỏi câu trả lời thật xác đáng.

Người Linh mục là người từ bỏ mọi sự, cả gia đình, cha mẹ, để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Người Linh mục phải sống như một môn đệ của Đức Kitô, họ phải chịu trách nhiệm hướng dẫn, dạy dỗ cộng đoàn nơi được gởi tới, sau nữa, họ phải làm sao cho mọi người có thể gặp Chúa Kitô, mang ơn thánh từ các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, tới cho các tín hữu.

Với những bổn phận, trách nhiệm lớn lao thế, có nên truyền chức Linh mục cho người có gia đình không?

- Sẽ tương đối hóa giá trị của luật độc thân Linh mục.
- Người có gia đình sẽ bị chi phối giữa ơn gọi Linh mục và trách nhiệm gia đình.
- Vấn đề nuôi sống gia đình là trách nhiệm của người đứng đầu trong một gia đình, nếu đó là một Linh mục, họ sẽ làm việc thế nào để không bị gọi là thiếu trách nhiệm, cả về bổn phận gia đình và trách nhiệm ơn gọi.

Ngày nay, Giáo hội và giáo dân đang cần những Linh mục như thế nào?

- Một Linh mục mang lấy đặc tính của đức tin: kiên nhẫn với Thiên Chúa trong thánh chức, trong đường khổ nạn với Thầy Chí Thánh.
- Một Linh mục đích thực cần có sự khiêm tốn. Có khiêm tốn, người Linh mục mới nhận ra sự mong manh của bản thân trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với giáo dân của mình.
- Một Linh mục đích thực cần có nền tảng đức tin vững chắc. Luôn xác tín niềm tin của mình trước mọi biến cố, không ngã gục trong đau khổ, và khó khăn, không để biến dạng bản sắc riêng của người Linh mục, để hỗ trợ và nâng đỡ người khác trong đời sống hàng ngày.

Để có thể trở thành một Linh mục như lòng Chúa mong ước, cần loại bỏ khỏi suy nghĩ phân biệt trong hàng Giáo sĩ, phân biệt trong công việc và trách nhiệm hiện tại của mình. Tôi không phải là tất cả nhưng chỉ có Chúa mới là tất cả. Tất cả những gì tôi có đều là hồng ân của Chúa cho.

 

các Linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột

KHỦNG HOẢNG và THỬ THÁCH ĐỜI LINH MỤC
TÓM LƯỢC BÀI GIẢNG TĨNH TÂM


ĐỀ II
- CÓ NÊN TRUYỀN CHỨC CHO NHỮNG NGƯỜI LẬP GIA ĐÌNH KHÔNG?
- CHÚNG TA CÓ CẦN NHỮNG LINH MỤC KHÔNG?
GIÁO HỘI TƯƠNG LAI CẦN NHỮNG LINH MỤC NÀO?
BỔN PHẬN CỦA MỘT MỤC TỬ ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
- N.Đ. KIÊN NHẪN


DẪN NHẬP
Cuộc khủng hoảng về ơn gọi, về con số Linh mục chịu trách nhiệm trên con số giáo dân, và Giáo hội đã và đang trải qua đã nhấn mạnh về một chủ nghĩa duy giáo sĩ nhất định. Trong bối cảnh nầy, nhiều giáo dân đang đòi lại vị trí của họ được công nhận tốt hơn trong Giáo hội. Nhưng chức Linh mục thừa tác của Linh mục thì có phần trổi vượt hơn chức Linh mục cộng đồng của giáo dân. Linh mục là một Kitô hữu đã từ bỏ mọi sự, từ bỏ “cha mẹ, chài lưới, tàu thuyền” và đáp trả tiếng gọi của Chúa. - Trước hết, Chúa kêu gọi Linh mục sống như một môn đệ của Ngài. - Kế đến, trong đời sống Mục vụ phục vụ, Linh mục hướng dẫn dạy dỗ Cộng đồng mà ngài chịu trách nhiệm. - Sau cùng, Linh mục làm cho những người khác thấy Chúa Kitô. Ngài mang ơn Chúa đến cho các tín hữu qua việc cử hành các Bí tích của Giáo hội, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Như thế người ta có thể tự hỏi chúng ta có cần những Linh mục không và cần những Linh mục nào? (Biện phân: - Chọn Linh mục: phục vụ Chúa # Chọn người thế gian: lo cho gia đình)

NỘI DUNG

A. Truyền chức cho những người lập gia đình? Giới hạn, vì nó sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác: - Lo gia đình; - Bà vợ sẽ làm chủ mọi chương trình mục vụ...

B. Sự cần thiết của Linh mục. Sau những tranh luận về vai trò của người giáo dân trong Cộng đồng Dân Chúa. Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta có cần những Linh mục không?

C. Giáo hội cần những Linh mục nào? Về phương diện mục vụ, phương diện Bí tích, người Kitô hữu cần sự đóng góp của Linh mục, nhưng Linh mục như thế nào?

D. Bổn phận của vị mục tử đích thực. - Biết và bảo vệ con chiên của mình vì có kẻ thù về nhiều mặt khác nhau. - Mục tử đích thực phải vị tha; - Đi tìm chiên lạc; - Tinh thần đức tin và sự hy sinh.

** NHÂN ĐỨC. Kiên Nhẫn

Sách Thánh chứng thực rằng kiên nhẫn trước tiên là một đặc quyền thiêng liêng: theo sách Xuất hành 34, 6 Thiên Chúa bao dung và kiên nhẫn (tiếng Do-thái thành ngữ có nghĩa: “chậm giận”). Thiên Chúa ký giao ước với một dân “cứng cổ” chỉ có thể kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn này đã thể hiện đầy đủ qua việc gởi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và do bởi cái chết của Người cho kẻ có tội, và còn quyết định trong thời hiện tại: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3, 9).

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong Kinh Thánh được thể hiện rõ nhất trong cách Ngài nói: Khi nói, Ngài cho con người thời gian để trả lời, và như vậy Ngài chờ đợi con người hoán cải. Nhưng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự thụ động; Kiên nhẫn giống như là “hơi thở dài trong cuộc khổ nạn”. Sự kiên nhẫn là biểu thị rõ ràng của tình yêu, một tình yêu “không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11) sự kiên nhẫn là một nghị lực cho việc sám hối ngay cả khi chưa hoàn thành.

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa tìm thấy ý nghĩa mạnh mẽ nhất trong cuộc khổ nạn và Thánh Giá của Chúa Kitô: Nơi đó, sự bất cân xứng giữa sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và tội lỗi của nhân loại giãn rộng đến vô độ trong cuộc khổ nạn vì tình yêu và nỗi đau của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh. Do đó, kiên nhẫn, như là nhân đức Kitô giáo, là món quà của Thánh Thần được ban cho do bởi Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh, và nó được trình bày như sự thông dự vào những năng lực đến từ biến cố phục sinh.

Đối với người Kitô hữu, đặc biệt là các anh em Linh mục chúng ta, đức kiên nhẫn là
1. Đặc tính của đức tin: Nó vừa là sự kiên vững, nghĩa là kéo dài trong thời gian. Tin vào Lời Chúa: mọi sự sẽ xảy đến như Chúa quan phòng.
2. Khía cạnh thứ hai chỉ ra rằng đức kiên nhẫn cần phải khiêm tốn: Kiên nhẫn cho thấy con người nhận thức sự bất toàn cá nhân và phải kiên nhẫn với chính mình; nó giúp nhận ra sự bất toàn và mong manh trong những mối quan hệ với Chúa và với người khác trong đó có giáo dân của mình, và như thế mặc lấy một hình thức kiên nhẫn đối với những người khác;
3. Cuối cùng kiên nhẫn giúp nhận biết kế hoạch cứu rỗi còn chưa hoàn thành, và tự thể hiện như niềm hy vọng, như lời cầu khẩn và đợi chờ ởn cứu độ. Kiên nhẫn là nhân đức của một Giáo Hội chờ đợi Chúa, sống cái điều “chưa” xảy đến một cách có trách nhiệm.


Do đó tại sao đức kiên nhẫn thường được các Giáo phụ định nghĩa như là tổng thể các nhân đức (Tertulien, de la patience I, 7): “Kiên nhẫn là yếu tính của đức tin, đức cậy và đức mến”. Cyprien de Canhage đã viết: “được trở thành Kitô hữu là việc của đức tin và đức cậy, nhưng đức tin và đức cậy muốn đem lại hoa trái thì cần đức kiên nhẫn” (Cyprien, La vertu de la patience 13). Có nền tảng trong đức tin vào Chúa Kitô, đức kiên nhẫn trở nên “sức mạnh của chính mình” (Thomas d’Aquin), có khả năng không thất vọng, không gục ngã trong đau khổ và khó khăn, nó trở nên kiên trì, khả năng duy trì và tồn tại trong thời gian mà không làm biến dạng bản sắc của chính mình, và cũng trở nên có khả năng nâng đỡ và hỗ trợ cho những người khác và lịch sử của họ. Hoạt động tâm linh này không có gì là anh hùng cả, nhưng chỉ dựa trên đức tin được nâng đỡ bởi cánh tay dang ra của Chúa Giêsu trên thập giá. Xin cho chúng ta luôn kiên nhẫn trong ơn gọi của chúng ta.

KẾT

Cầu nguyện. Xin Chúa chiếu sáng Cộng đồng Dân Chúa, cho mỗi người biết vai trò đích thực của mình. Mỗi người một tay, mỗi người một viên gạch xây dựng Hội thánh Chúa. Xin Chúa dẹp bỏ khỏi đầu óc của chúng ta, của mọi người không phân biệt giáo sĩ tu sĩ hay giáo tư tưởng phân bì ganh tị về vai trò phải có của mình. Tôi không phải là tất cả. Nhưng tất cả đều là hồng ân của Chúa. Với ơn Chúa, mỗi thành phần Dân Chúa ra tay làm việc, thì trên trái đất nầy dần dần sẽ thấy xuất hiện nhiều Thánh giá, nhiều Giáo đường và nhiều người nhận biết Chúa.

 

ĐỀ III
- CÓ NÊN PHONG CHỨC LINH MỤC CHO PHỤ NỮ KHÔNG?
- THẾ NÀO LÀ MỘT LINH MỤC CÔNG GIÁO NGÀY NAY?
MỘT LINH MỤC “ĐÍCH THỰC” LÀ GÌ?
- N.Đ. TRUNG TÍN TRONG THỜI GIAN.


DẪN NHẬP

Giáo dân ngày hôm nay, nam lẫn nữ, muốn tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt mục vụ: ngay cả những công việc dành cho Linh mục. Người phụ nữ trong việc đào tạo Chủng sinh. Người nữ giữ tác vụ Đọc sách và Giúp lễ Feb 20, 2021. “Dành nhiều chỗ hơn cho phụ nữ trong quản trị”. Vì một Giáo hội công nghị hơn (10/11). Kể từ năm 2016, Isabelle Delerive là thành viên của ủy ban Giám mục Giáo phận Créteil. Là phụ nữ và đã kết hôn, bà tin rằng sự hiện diện của phụ nữ trong các ủy ban của Giáo hội là hoàn toàn chính đáng khi họ có những kỹ năng cần thiết và là những người chiến đấu cho công nghị tính 21/05/2021.

Nhưng dù sao đi nữa, vẫn cần Linh mục. Bởi vì, Linh mục tiếp nhận, khuyên bảo, hướng dẫn giáo dân, truyền bá Tin Mừng, những công việc như thế đối với Linh mục là nguồn sống và mục đích cuộc sống của các ngài. Câu hỏi đặt ra: Có nên phong chức Linh mục cho phụ nữ không? Thế nào là một Linh mục, và đặc biệt là một Linh mục đích thực? (Biện phân: Theo thời gian và nơi chốn. Chưa thích hợp cho hoàn cảnh ngày hôm nay).

NỘI DUNG

A. Truyền chức Linh mục cho phụ nữ? Một đề tài đang tranh cãi, các chị đang đòi cái quyền làm Linh mục?

B. Thế nào là một Linh mục Công giáo ngày nay? Một con người được kêu gọi và được chọn; - Một con người say mê phục vụ Chúa và phục vụ con người; - Một con người tự hiến từ bỏ (x. Mc 10, 17-22: Bán của cải, cho người nghèo và đến theo Chúa).

C. Một Linh mục “đích thực” là gì? Bổ túc ý nghĩa trên, Linh mục đích thực hiểu giáo dân, để tâm đến giáo dân; Linh mục biết cầu nguyện; Chức vụ vương đế: điều khiển; Chức vụ tiên tri: rao giảng.

** NHÂN ĐỨC. Trung tín trong thời gian

“Hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa” (Tv 95, 7): trong Kinh Thánh, chính giao ước với Chúa xác định thời gian của dân Do-thái, thời gian của dân Chúa; một thời gian hiện sinh, được đo lường trong tương quan với lời nói-biến cố của Chúa, và sự vâng phục của dân Chúa đối với lời này.

Trong Kinh Thánh, thời gian luôn gắn liền với lịch sử cội nguồn của con người, với cấu trúc của tạo vật, mà trong thời hôm nay, thời gian chọn vận mệnh giữa sự sống và sự chết, giữa chúc lành và chúc dữ. Vì thế, lịch sử là hướng về cứu cánh của mình - được mạc khải bởi những can thiệp của Chúa. Đó là một lịch sử cứu độ, bởi vì Thiên Chúa liên tục kêu gọi con người hướng về ánh sáng, về điểm đến Nước Trời, và Ngài cung ứng những phương thế để thực hiện, trong sự chờ đợi món quà của Chúa và triều thiên cho lòng trung tín của con người.

Trong Tân ước. Chính quan niệm này về thời gian (Thời kỳ Cứu độ) mà Tân ước nối dài: “Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa gởi Con của Ngài, sinh bởi một ngườinư” (Gal 4, 4...); Và đời sống của Ngài, cuộc khổ nạn của Ngài, chết-sống lại được mạc khải như những biến cố lịch sử duy nhất xảy ra trong trong một thời gian chính xác, mở đầu cho thời gian sau cùng, trong đó chúng ta chờ đợi Ngài đến trong vinh quang, trong sự chờ đợi Vương Quốc và canh tân tất cả vũ trụ Chúa Giêsu đến lần thứ nhất mặc lấy xác phàm, đã đánh dấu sự khởi đầu của một thời gian thuận tiện xác định tất cả thời gian còn lại. Chúa Giêsu lúc khởi đầu sứ vụ đã loan báo rằng “thời kỳ đã mãn” (Mc 1, 15), phải sám hối và tin vào Phúc âm (Mc 1, 15; Mt 4, 17). Vì thế, phải biết dùng thời gian: thời gian ân sủng là một thực tại trong Chúa Giêsu! Cuộc khổ nạn, chết và sống lại của Chúa Giêsu không chỉ là một biến cố của quá khứ, nhưng là một thực tại của hiện tại, đến mức cụ thể ngày nay đắm mình trong ánh sáng cứu độ. Đây là ngày thuận tiện, ngày cứu độ (x. 2cr 6, 2).

Thái độ trước tiên phải có. - Kitô hữu, đặc biệt là anh em Linh mục chúng ta, khi đối mặt với thời gian là nắm bắt cái ngày hôm nay của Chúa trong ngày hôm nay của chính mình, vâng nghe Lời vang lên ngày hôm nay. Như thế, mối tương quan của chúng ta với thời gian: biết “cắt nghĩa thời điểm” (Mt 16, 3), đạt đến nhận biết “thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44). Mỗi người chúng ta biết rằng thời gian của mình nằm trong bàn tay Thiên Chúa: “Con nói rằng: Ngài là Thiên Chúa của con! Thời gian của con nằm trong tay Ngài” (Tv 31, 15-16). Đó là thái độ cơ bản: thật vậy những ngày của chúng ta không thuộc về chúng ta, không thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Thời gian là của Chúa; vì thế, trong những Thánh vịnh, cầu khẩn với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con biết vận cùng của con và những ngày của con có là bao” (Tv 39, 5); “xin cho chúng con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12). Sự khôn ngoan của tín hữu cốt tại biết đếm tháng ngày của mình, biết đọc ra như thời gian thuận tiện, như ngày hôm nay của Chúa xâm nhập vào ngày hôm nay của chính mình.

Thái độ phải có. Kitô hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36), dấn thân trong cuộc chiến đấu chống lại ngẫu tượng mà thời gian tha hóa là tượng thần. Theo Thánh Phaolô, Kitô hữu phải tìm cách dừng thời gian thuận tiện để thực hành điều thiện, phải biết lợi dụng thời buổi hiện tại, và nhất là như người khôn ngoan phải cứu vớt, chuộc lại và giải phóng thời gian (x. Ep 5, 16; Col 4, 5).

Kinh Thánh sẽ ra sao, nếu đó không phải là bằng chứng của lòng trung thành dai dẳng và ngoan cường của dân tộc Do-thái, nhưng cũng muốn kể lại lịch sử về sự bất trung của chính họ đối với sự trung thành của Thiên Chúa? Nhưng làm thế nào nhận biết lòng trung thành của chúng ta nếu không khởi đi từ lòng tin vào Đấng trung thành? Theo nghĩa này, Kitô hữu, anh em Linh mục chúng ta được gọi là trung thành, khi chúng ta là những người có khả năng nhớ những hành động của Thiên Chúa: Trung thành trong thời gian sẽ được những gì? và ngược lại bất trung trong thời gian sẽ được những gì? Và đây chính xác là điều xảy ra, ngay trung tâm đời sống Giáo Hội, trong mầu nhiệm Thánh thể.

Trung tín trong thời gian: Phải luôn luôn trung thành với Chúa, trung thành với ơn gọi Linh mục. Cho dù có những khuyết điểm, nhưng với thời gian, hy vọng thắng thất vọng, chúng ta sẽ sám hối (Hoán cải) trở về.

KẾT

Cầu nguyện. Chúng ta dường như luôn luôn có một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta, có một cái gì đó làm trở ngại cho việc đi theo Chúa. Những trở ngại có vẻ không thể vượt qua; nhưng chúng ta học ngày hôm nay rằng không có điều gì là Thiên Chúa không làm được. Chúng ta hãy mời Chúa vào đời sống chúng ta và vào những nỗ lực của chúng ta để đối mặt với một điều gì đó, khủng hoảng. Chúng ta có những quyết định hoặc ra đi với sự buồn bã hoặc với hạnh phúc. Chắc chắn là chúng ta nên chọn hạnh phúc. Chúng ta phải lựa chọn sự đối mặt với một điều gì đó với sự can đảm của chúng ta. (x. Mc 10, 17-22: Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.). Xin Chúa giúp chúng ta can đảm bước đi theo Chúa, cho dù phải thiệt thòi.

ĐGM Phêrô Huỳnh Văn Hai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây