Thư Ngỏ của Lm Võ Tá Khánh

Thứ năm - 03/03/2022 21:23 | Tác giả bài viết: Lm. Võ Tá Khánh |   460
Trong tâm tình hiệp hành, tôi xin được chia sẻ đôi lời về một hồng ân Chúa ban qua bộ sách đang biên soạn, tựa đề là Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032)
Thư Ngỏ của Lm Võ Tá Khánh
THƯ NGỎ XIN ỦNG HỘ IN BỘ SÁCH
HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM
VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032)
TẶNG CÁC THẦY CHỦNG VIỆN VÀ CÁC SINH VIÊN NAM NỮ TU SĨ


Kính chào quý Ban Biên tập,

Bước vào Mùa Chay, chúng tôi nguyện chúc quý Ban Biên tập được bình an, vững tiến và đón nhận muôn ơn lành của Chúa.

Chúng tôi xin chia sẻ đôi lời, kính mong quý Ban Biên tập giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong ước nguyện phổ biến bộ sách 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIÊT NAM.

Chúng tôi mong tặng bộ sách đến các chủng sinh và các nam nữ tu sĩ thời học viện của niên khóa tới vì rất mong tạo một hiệu ứng đồng loạt, giúp lớp trẻ biết đến kho tàng phong phú đáng tự hào của tiền nhân để lại, nhờ đó họ sẽ được truyền cảm hứng để gia tăng tinh thần hiếu học và nhiệt tình truyền giáo. Với số lượng 10.000 bộ sách, tổng kinh phí tặng sách dự trù lên đến trên một tỉ, tuy nhiên hy vọng sẽ thu được một kết quả tinh thần đáng giá gấp bội, đem lại an ủi nhiều cho cộng đồng Dân Chúa.

Đức Cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn rất ủng hộ chương trình này và dịp tết vừa qua đã phê duyệt cho chúng tôi một thư ngỏ kêu gọi ủng hộ. Từ đó, nhờ ơn Chúa, tính đến hôm nay, số ủng hộ đã lên tới hơn 400 triệu VND. Trong tâm tình tạ ơn Chúa, chúng tôi hân hoan chia sẻ niềm vui đã đạt được gần 1/2 kế hoạch. Dù vậy, vẫn còn thiếu hơn 1/2 kinh phí, đường còn xa, cần phải vận động tiếp.

Lá thư ngỏ trước đây đi kèm trong lời chúc Xuân, đã sớm bị đẩy lùi vào quá khứ. Do đó, trong tuần qua, chúng tôi đã xin Đức Cha Matthêô phê duyệt một thư ngỏ mới.

Nếu được, xin quý Ban Biên tập vui lòng giới thiệu lên trang nhà thư ngỏ cập nhật này. Kẻ ít người nhiều, với sự giúp đỡ của số đông, hy vọng ước mơ sớm thành trọn vẹn.

Một lần nữa, chúng tôi chân thành cảm tạ và nguyện chúc quý Ban Biên tập và quý độc giả một Mùa Vượt qua thánh đức như lòng Chúa mong muốn.

Kính thư,
Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh



Tải về file gốc
 
Tp. Quy Nhơn, ngày 20-02-2022
 
Xin chào quý Cha và Anh Chị Em,

Tôi là linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, 76 tuổi, thuộc Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn. Xin kính chúc quý Cha cùng Anh Chị Em dồi dào sức khỏe và ơn thánh, luôn an vui hạnh phúc trong Chúa.

Trong tâm tình hiệp hành, tôi xin được chia sẻ đôi lời về một hồng ân Chúa ban qua bộ sách đang biên soạn, tựa đề là Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), nói rõ hơn là về niềm hy vọng từ bộ sách này và tình cảnh khó khăn chúng tôi đang gặp, mong được mọi người thêm lời cầu nguyện và giúp đỡ cụ thể.

Từ năm 2008 tới nay đã gần mười lăm năm, đảm trách mảng mục vụ văn hóa tại giáo phận Qui Nhơn, tôi được nghe và đọc thấy nhiều người nhận định rằng sự suy thoái về tiếng Việt nơi lớp trẻ Dân Chúa tại Việt Nam, cách riêng, nơi giới trẻ thánh hiến, đã đến mức cần báo động khẩn. Chính bản thân tôi cũng thấy rõ sự suy thoái ấy nguy cơ tác hại rất lớn và lâu dài cho đại cuộc loan báo Tin mừng. Đạo Chúa đạo của Lời mạc khải, Lời ấy được rao giảng bằng tiếng nói. Nếu người rao giảng nói tiếng mẹ đẻ không còn xuôi chảy và chính xác nữa, làm sao có thể chuyển tải được Lời Chúa?

Tôi cũng nhận ra rằng bao lâu các linh mục chưa quan tâm trau dồi tiếng Việt cho lớp trẻ thì dù vận động đến đâu, kết quả vẫn rất hạn chế. Mà các cha không quan tâm cũng dễ hiểu, vì ngày nay, kể cả trong vòng các cha, không còn mấy ai biết nhiều về lịch sử phong phú của văn học Công giáo Việt Nam, với những đóng góp hết sức lớn vào bước tiến của văn học cả nước suốt 400 năm qua.

Thế rồi thật bất ngờ và may mắn, khi đi tìm tài liệu cho bộ sách nói đây, chúng tôi mới biết kho tàng bị chôn vùi ấy đang được giới nghiên cứu ngoài Kitô giáo quan tâm, trân trọng, đào bới và tôn tạo. Trong phiên bản PDF mừng Xuân Nhâm Dần của bộ sách dày 1308 trang, có bài của gần 30 tác giả người lương. Khi tôi trao đổi để xin đăng bài, vị nào cũng tỏ ra phấn khởi, đánh giá cao những đóng góp của người Công giáo. Tín hiệu ấy cho thấy, khi cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về văn học Công giáo Việt Nam, bộ sách nói đây có thể sẽ đem lại kết quả đáng kể về loan báo Tin mừng cho giới trí thức. Cầu xin Chúa ban ơn để tại Việt Nam sẽ lặp lại kinh nghiệm ban đầu của Kitô giáo Hàn Quốc, là một sự dậy men Tin mừng mới khởi đi từ giới trí thức.

Với viễn cảnh ấy, chúng tôi đang đi tìm sự ủng hộ tài chính để in và gửi tặng bộ sách đến tất cả các chủng sinh và tu sĩ nam nữ học viên liên dòng của niên khóa 2022-2023. Dựa theo Niên giám 2016 (trang 480-481) để ước tính, tổng cộng sẽ lên đến khoảng 10.000 bộ sách, tổng kinh phí sẽ trên một tỷ VNĐ.

Tại sao lại cần tặng sách? Thưa, nếu mời gọi mua bộ sách, sẽ rất ít người bỏ tiền ra mua; nếu để trong thư viện cũng ít chủng sinh và học viên tu sĩ tìm đọc, thế nhưng nếu bộ sách được trao tặng, được nâng niu trên tay, chắc hẳn con số anh chị em thánh hiến trẻ khắp nước đọc nó sẽ không phải là ít. Dần dần, có thể nó sẽ tạo nên một hiệu ứng tập thể, một sự quan tâm đồng loạt, một quan điểm chung. Niềm hãnh diện và tự hào về những đóng góp kỳ diệu của tiền nhân sẽ kích thích nhiều tài năng trẻ ra sức học hành và dấn thân nghiên cứu, đào sâu văn chương và văn học Công giáo. Nhờ đó, các tu sĩ và chủng sinh sẽ tự tin khi trao đổi câu chuyện với những trí thức có thiện cảm với Đạo Chúa qua văn học Công giáo1. Đàng khác, cũng sẽ có nhiều linh mục và tu sĩ được cảm hứng để trau dồi tiếng mẹ đẻ, và năng nổ chăm sóc cho lớp trẻ về mặt này. Lúc ấy tiếng Việt của giới Công giáo sẽ có cơ may được phục hồi và thăng tiến.

Hiện nay, do chưa hiểu tầm quan trọng của vấn đề, việc góp tiền in sách để tặng như thế bị coi một chuyện lập dị, một điều xa xỉ, ít được ai quan tâm. Từ khi phát đi lá thư ngỏ tìm ân nhân, cho tới 00g00 sáng nay ngày 20-2-2022, chỉ mới 20 người ủng hộ, tổng cộng được 172,6 triệu VNĐ một vị hứa sẽ giúp 50 triệu đồng. Tổng cộng đã lên tới 222,6 triệu đồng. So với kinh phí tặng sách dự trù hơn một tỷ, đã được gần ¼, tuy nhiên đường vẫn còn xa lắm.

Đọc thư này, có thể quý vị và anh chị em sẽ thấy vấn đề và ủng hộ phần nào. Thế nhưng nếu được, xin giúp cụ thể hơn nữa, bằng cách in bức thư ngỏ này ra một số bản và giới thiệu đến những người lòng với ích chung của Giáo hội,chia sẻ cho họ file PDF quyển sách,thể họ sẽ quan tâm giúp đỡ. chỉ năm hay mười ngàn đồng VN hay dăm bảy USD, mong sao họ đừng ngại đóng góp. Chúa vẫn chúc lành cho mọi bông hoa nhỏ những điều nhỏ sẽ kết thành điều lớn. Kẻ ít người nhiều, trong tinh thần hiệp hành, góp gió thành bão thì hy vọng chương trình sẽ được hoàn thành.


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
 
Lm. Võ Tá Khánh
Tòa Giám mục Qui Nhơn
116 Trần Hưng Đạo Tp. Quy Nhơn, Việt Nam
Sđt: 0935-424-449 – <tinmunggiesu@gmail.com>
 
Số Tài khoản:
STK: 0051 000 457 135 VO TA KHANH
VIETCOMBANK QUY NHON.


Xin chân thành cảm ơn quý Cha và Anh Chị Em. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành trên tất cả và từng người.
Kính chào thân ái trong Chúa Kitô,

Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
 
1 Khi nhận được bản PDF của quyển sách, có hai học giả ngoài Công giáo rất thế giá trong giới nghiên cứu văn học, góp ý rằng bộ sách nên được tăng cường thêm bài vở để tạo một tài liệu nền móng cho văn học Công giáo. Họ giới thiệu thêm những tác giả có bài viết tốt và cho địa chỉ để xin bài. Từ sự động viên ấy, thay vì rút ngắn nội dung để giảm bớt kinh phí, hiện chúng tôi đang chèn thêm khoảng 500 trang, nâng độ dày bộ sách lên đến trên 1.800 trang. Ngoài những bài mới của các học giả, còn có thêm những bài về các nỗ lực gần đây tại nhiều giáo phận từ Bắc chí Nam, và về những tác giả Công giáo trẻ hiện nay.

2 13 giáo dân, 2 linh mục dòng, 3 linh mục triều, 1 cộng đoàn dòng nữ, 1 người ẩn danh.

Tải về file gốc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây