Fiat Amor

Chủ nhật - 19/02/2023 04:11 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   324
Chúa Giê su phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì phải giữ lời Thầy”. Lời Chúa dạy, tôi đã áp dụng thế nào trong cuộc sống? Luật Chúa truyền, tôi có tuân thủ không?

Fiat Amor
 

Fiat amor
​ 
Fiat Amor
 
- Anh có yêu Giê su không?

Câu hỏi của cha Loan làm tôi giật mình. – Một câu hỏi khó!!!

Chúa Giê su phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì phải giữ lời Thầy”. Lời Chúa dạy, tôi đã áp dụng thế nào trong cuộc sống? Luật Chúa truyền, tôi có tuân thủ không?

Câu trả lời sẽ rất dễ dàng đối với các anh em khác, nhưng với tôi đây là một câu trả lời thực sự khó. – Xin được quyền giải thoát!!!

Đây không phải là game show “Đấu trường 100” mà là một diễn biến trong buổi chia sẻ sau Phúc Âm lễ Truyền Tin 02/4/2008 tại Giáo xứ Kim Châu.

Câu hỏi vẫn cứ đeo đẳng tôi mãi đến hôm nay. Thực lòng tôi cũng chẳng biết mình có thực sự yêu Chúa không nữa hay chỉ yêu Chúa bằng môi bằng miệng? Lạm dụng lòng thương xót của Chúa, giả vờ yêu Chúa để “lừa” Chúa, “lừa” anh em?

Càng nghĩ, càng “oán” cha Loan. Sao lại “đổ lên đầu” mình câu hỏi hóc búa như vậy?!

Nhớ lại năm xưa, cũng trong ngày Lễ Truyền Tin, chủ đề chia sẻ là “Fiat”. Câu hỏi quá dễ. Mọi người đều trả lời không do dự: Fiat có nghĩa là “xin vâng!” Và giải thích thêm đó là lời mà Đức Mẹ đã nói với sứ thần, khi ưng thuận trở thành Đấng cưu mang Chúa Giê-su: “Xin vâng như lời sứ thần truyền”.

Theo GS. Trần Duy Nhiên, câu trả lời không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng: Fiat không có nghĩa là “xin vâng”. Fiat có nghĩa là “hãy trở thành hiện thực”!

Trong Tân Ước, có ba lần chữ Fiat được dùng một cách độc đáo, và cùng thể hiện một tâm tình như nhau:

Lần đầu tiên là do Đức Ma-ri-a thốt lên trước sứ thần Gabriel: Ecce ancilla domini, FIAT mihi secundum verbum tuum (Lc 1, 38), mà nếu dịch sát nghĩa là: Này là nữ tì của Chúa, hãy trở thành hiện thực cho tôi theo đúng như lời của thiên sứ.

Lần thứ hai là trong lời kinh Chúa dạy: FIAT voluntas tua, sicut in caelo et in terra (Mt 6, 10), mà nếu dịch từng chữ, thì có nghĩa là: (Chúng con nguyện…) ý Cha hãy trở thành hiện thực, ở trên Trời như thế nào thì dưới đất cũng như thế ấy.

Lần thứ ba là trong vườn Cây Dầu, khi chúa Giê-su cầu nguyện với Cha: Non mea voluntas sed tua FIAT. (Lc 22, 42), mà dịch sát nghĩa sẽ là: Hãy trở thành hiện thực không phải ý của Con mà của Cha!

Fiat từng được dịch là “vâng” trong ba trường hợp đó:

“Xin vâng như lời thánh thiên thần truyền…"

"Vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời…"

"Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha!”

Xin bàn thêm: tiếng “vâng”, nói lên sự ưng thuận, vẫn còn tiềm ẩn một thái độ ít nhiều thụ động, trong khi đó chữ Fiat mang tính chủ động hơn nhiều. Đức Mẹ và Chúa Giê-su đã nói lên tiếng Fiat để tác sinh một chủ thể hoàn toàn mới.

Tiếng Fiat của Đức Mẹ tác sinh Chúa Giê-su, tiếng Fiat của Chúa Ki-tô tác sinh ơn Cứu Độ. Cũng như đầu Kinh Thánh, khi tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tác sinh ánh sáng với lời FIAT lux: Hỡi ánh sáng hãy trở thành hiện thực!

Vì thế, tiếng Fiat không nên hiểu đơn thuần là một tiếng “xin vâng” mà còn phải là một lời tác tạo: “hãy trở thành hiện thực”. Không chỉ Fiat voluntas tua, mà còn phải là: Fiat fides, Fiat spes, Fiat amor, Fiat pax, Fiat gaudium. Đức tin, hãy trở thành hiện thực! Hãy trở thành hiện thực: Hy vọng, Tình Yêu, Bình An, Niềm vui!
 
Nhưng muốn lời Fiat biến mọi sự thành hiện thực thì không thể thiếu quyền năng tác tạo của Chúa Thánh Thần. Từ đầu công trình tạo dựng, nghĩa là ngay câu đầu tiên của Kinh Thánh, Thần Khí đã là là mặt nước; vì vậy khi Thiên Chúa phán Fiat Lux thì Ánh Sáng đã trở thành hiện thực. Rồi đến những trang đầu tiên của Tin Mừng, Đức Mẹ thốt lên Fiat, thế là Thiên Chúa trở thành hiện thực trong lòng Mẹ, bởi quyền năng của Thánh Thần.
 
Chúa Thánh Thần, chính là đấng biến tiếng Fiat trở thành một lời tác sinh! Và Đức Mẹ là người đầu tiên ý thức điều đó. Đức Mẹ đã minh nhiên thốt lên tiếng Fiat trong ngày truyền tin, để cho Thánh Thần tác sinh Chúa Giê-su, dưới dạng một thân thể bằng xương bằng thịt; và Mẹ cũng đã mặc nhiên thốt lên tiếng Fiat trong ngày Hiện Xuống, khi hiện diện giữa các tông đồ, để cho Thánh Thần tác sinh Chúa Giê-su, dưới dạng thân thể nhiệm mầu của Ngài là Hội Thánh.

Chuẩn bị cho ngày lễ Hiện Xuống, mong sao tiếng Fiat trong tâm thức của tôi trỗi dậy và nhờ Thánh Thần biến thành lời tác tạo. Để tôi luôn hiên ngang khi trả lời câu hỏi: - Anh có yêu Giê su không? – Một câu hỏi quá dễ!!!

Bây giờ, tiếng Fiat trong tôi không chỉ là “xin vâng” mà còn là HÃY TRỞ THÀNH HIỆN THỰC. FIAT Amor, Gaudium et Spes… Hãy trở thành hiện thực: Tình Yêu, Nỗi Vui Mừng và Niềm Hy Vọng…
Vũ Đình Bình – Tháng 5/2008

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây